Trồng cây gì cho thu nhập cao 2023

07:58, 10/06/2022

Phát huy tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, Đảng bộ xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Xã Ea Tar có 10 thôn, buôn, với 2.140 hộ dân, 9.550 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 65%.

Mặc dù xã có diện tích tự nhiên rộng, đất đai màu mỡ, song những năm trước năng suất cây trồng của người dân không cao, mức thu nhập thấp hơn so với các xã khác trong huyện.

Nguyên nhân chủ yếu là do trồng trọt, chăn nuôi bằng giống cũ, ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, độc canh một vài loại cây trồng nên khi giá nông sản xuống thấp, bà con bị “hẫng chân”.

Làm thế nào để phát huy nguồn nhân lực, nâng cao giá trị kinh tế và tạo ra hướng phát triển bền vững trong nông nghiệp… luôn là nhiệm vụ được đặt ra trong các kỳ đại hội Đảng bộ xã.

Trồng cây gì cho thu nhập cao 2023
Mô hình nuôi dê gia trại của chị Đặng Thị Ngân (buôn Ea Tar) cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cư M’gar lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng xã Ea Tar trở thành vùng chuyên canh cây sầu riêng của huyện. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Ea Tar xác định, muốn tạo đột phá trong phát triển kinh tế phải chuyển đổi giống và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh hiệu quả.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Tar Phan Văn Hùng, để hỗ trợ bà con xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã tập trung triển khai các hoạt động khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Chỉ đạo các bí thư chi bộ, ban quản lý thôn, buôn, các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; cải tạo vườn tạp, chăm sóc, trồng xen, canh các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích đất; phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế.

Đối với những diện tích tiêu, cao su kém hiệu quả, UBND xã cũng khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, cà phê… dạng xen canh.

Riêng khu vực chân đồi Cư San, do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây trồng truyền thống là cà phê (năng suất hơn hẳn các vùng khác trong huyện), nên xã khuyến cáo bà con không chuyển sang trồng cây khác mà tiến hành tái canh, ghép cải tạo, hướng đến sản xuất cà phê theo hướng sạch, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, UBND xã cũng kêu gọi xã hội hóa bê tông hóa 2 tuyến đường nội đồng (tổng chiều dài 4,2 km) nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất, vận chuyển nông sản tại đây.

Hiện, Ea Tar đã xây dựng được gần 30 mô hình kinh tế với các loại cây trồng mũi nhọn, như: sầu riêng, bơ, cà phê, chăn nuôi dê, bò...; thành lập 3 tổ hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các thành viên hợp tác xã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết chuỗi sản xuất để phát triển bền vững cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập.

Trồng cây gì cho thu nhập cao 2023
Các đảng viên buôn Drai Sí (bên phải) tham quan vườn sầu riêng của người dân.

Đảng bộ xã Ea Tar có 198 đảng viên, sinh hoạt tại 19 chi bộ. Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng sâu sát cơ sở, gắn với thực tiễn từng thôn, buôn, Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí đảng ủy viên hằng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Bám sát vào nghị quyết phát triển kinh tế, các chi bộ, đảng viên trong xã cũng nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế, vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu như mô hình trồng 3 ha sầu riêng xen canh bơ của đảng viên Lê Minh Đức (Chi bộ buôn Ea Kiêng) cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi 50 con dê nhốt chuồng của gia đình đảng viên Lý Thị Kim Huê (người dân tộc Dao, ở buôn Ea Tar) với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm…

Từ việc tuyên truyền, tiên phong thực hiện của các đảng viên, sự đồng thuận hưởng ứng của người dân đã tạo được phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sâu rộng trên địa bàn toàn xã. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giống mới, ứng dụng công nghệ cao, vươn lên làm giàu như hộ chị Hộ H’Loanh Niê (buôn Drai Sí), Đặng Thị Ngân (người dân tộc Dao ở buôn Ea Tar), ông Nguyễn Xuân Luyện (thôn 4), Nguyễn Văn Linh (buôn Ea Kiêng)... thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp đa cây, đa con và kinh doanh nhỏ lẻ. Toàn xã hiện có 1.000 ha sầu riêng, 1.000 ha cà phê, ngoài ra còn có khoảng 80 ha cây ăn trái khác như bơ, mít, mắc ca xen canh…

Những đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm đã mang lại diện mạo mới cho xã Ea Tar, cuối năm 2018 xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng, toàn xã còn 90 hộ nghèo, giảm 20 hộ so với năm 2020. Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lê Thành