Tư tưởng của chủ đề là gì

ĐỀ TÀI, CHỦ ĐỀ, TƯ TƯỞNG, Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ

1. Đề tài
a. khái niệm
Ðề tài là phạm vi hiện thực mà nhà văn chọn lựa và miêu tả, thể hiện tạo thành chất liệu của thế giới hình tượng trong tác phẩm đồng thời là cơ sở để từ đó nhà văn đặt ra những vấn đề mà mình quan tâm. Có thể nói, đề tài là khái niệm trung gian giữa thế giới hiện thực được thẩm mĩ hóa trong tác phẩm và bản thân đời sống. Người ta có thể xác định đề tài trên 2 phương diện: bên ngoài và bên trong.
Nói đến phương diện bên ngoài là nói đến sự liên hệ thuần túy đến phạm vi hiện thực mà tác phẩm phản ánh. Ở đây, sự xác định đề tài thường dựa trên cơ sở các phạm trù lịch sử- xã hội. Có thể nói đến đề tài chống Pháp, chống Mĩ, đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề tài công nhân, nông dân, bộ đội
Tuy nhiên, để tránh sự đồng nhất đề tài và đối tượng phản ánh và thấy được tính chất của phạm vi được phản ánh, cần phải đi vào phương diện bên trong của đề tài. Ðó là cuộc sống nào, con người nàođược thể hiện trong tác phẩm. Nói cách khác, đó chính là tính chất của đề tài bên ngoài. Trong trường hợp này, đề tài chính là vấn đề được thể hiện trong tác phẩm và trong nhiều trường hợp nó trùng khít với chủ đề.
b. Ðề tài và đối tượng
Ðề tài gắn bó chặt chẽ với đối tượng nhưng không thể đồng nhất 2 khái niệm này. Ðối tượng là một phần của khách thể mà con người có thể chiếm lĩnh, phù hợp với một nhu cầu, một năng lực nhất định nhưng là cái nằm bên ngoài tác phẩm, chưa được chủ thể nhận thức còn đề tài là đối tượng đã thông qua sự lựa chọn và miêu tả, thể hiện trong tác phẩm của nhà văn. Nói cách khác, đối tượng là cơ sở của đề tài, là sự khái quát những phạm vi xã hội, lịch sử trong tác phẩm.
c. Ðề tài và hệ thống đề tài
Trong tác phẩm văn học, thường không phải chỉ có một đề tài mà có rất nhiều đề tài liên quan nhau, bổ sung cho nhau để tạo thành một hệ thống đề tài. Pospelôp cho rằng: Hệ đề tài là toàn bộ đề tài của tác phẩm hoặc sáng tác. Như vậy, khi nói đến đề tài của một tác phẩm hoặc của văn học nói chung, thực chất không phải chỉ nói một đề tài mà là cả một hệ thống đề tài.
d. Tính lịch sử -cụ thể của đề tài
Ðề tài của tác phẩm thường gắn chặt với hiện thực cuộc sống của thời đại mà nhà văn đang sống, vì vậy nó mang tính lịch sử xã hội sâu sắc. Tìm hiểu quá trình phát triển của lịch sử văn học, có thể nhận thấy trong mỗi thời kì lịch sử khác nhau, thường nổi lên những loại đề tài trung tâm khác nhau. Trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ 18 nửa đầu thế kỉ 19, đề tài về số phận của người phụ nữ chiếm một vị trí đáng kể trong trào lưu văn học nhân đạo chủ nghĩa Việt Nam. Trong giai đoạn từ 1945-1975, đề tài về người chiến sĩ cách mạng, về những người công nhân tiên tiến lại nổi lên hàng đầu.
Có những đề tài dường như thường được lặp đi lặp lại trong văn học ở mọi nơi và mọi thời đại. Chẳng hạn đề tài về tình yêu và hạnh phúc, chiến tranh và hòa bình, sự sống và cái chếtCó người cho rằng đấy là những đề tài vĩnh cửu của văn học. Thật ra, đó chỉ là một cách nói. Bởi vì, ngay chính một nhà văn khi viết về một phạm vi cuộc sống thì đề tài của tác phẩm cũng đã là một cái gì mới mẻ, không lặp lại.
e. Tính khách quan tương đối của đề tài
Khách quan. Ðề tài có tính khách quan vì bản thân nó chưa thể hiện tính tư tưởng. Những nhà văn có lập trường tư tưởng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau vẫn có thể cùng viết về một đề tài.
Tương đối. Tính khách quan của đề tài cũng chỉ mang tính tương đối vì xét đến cùng, đề tài ít nhiều cũng gắn bó với thế giới tinh thần của nhà văn. Sự quan tâm và hứng thú của nhà văn đối với một loại đề tài nhất định nào đó nhiều khi cũng xuất phát từ chỗ đứng, quan điểm tư tưởng, thậm chí từ khuynh hướng chính trị của nhà văn đó.
2. Chủ đề
a. Khái niệm
Chủ đề là vấn đề chủ yếu, trung tâm, là phương diện chính yếu của đề tài. Nói cách khác, chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu lên trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất.
b. Mối quan hệ giữa đề tài và chủ đề
Chủ đề luôn được xây dựng từ một đề tài nhất định. Nói cách khác, chủ đề không phải là một cái gì bên trên, bên ngoài đề tài mà xuất phát từ ý đồ, từ những gợi ý của những hiện tượng cuộc sống cụ thể thông qua cái nhìn, quan niệm của nhà văn. Chủ đề thể hiện sự thống nhất hữu cơ giữa hiện thực khách quan và tư tưởng chủ quan của nhà văn. Vì vậy, cùng viết về một đề tài gần gũi, nhà văn vẫn nêu lên được những vấn đề sâu sắc khác nhau tùy thuộc vào tài năng, khả năng thâm nhập đời sống và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn.
Chủ đề gắn bó với đề tài nhưng nhiều khi nó vượt qua những giới hạn của những đề tài cụ thể mà nêu lên những vấn đề khái quát, rộng lớn hơn. Không nên nghĩ rằng viết về đề tài nông dân, công nhân, trí thức thì chủ đề cũng sẽ bị hạn định với những tầng lớp cụ thể, xác định đó. Những tác phẩm văn học lớn, bên cạnh việc phản ánh những nội dung lịch sử xã hội cụ thể, bao giờ cũng từ đó, nêu lên những vấn đề chung có ý nghĩa khái quát về thân phận, nỗi đâu, hạnh phúc của con người. Vì vậy, không nên hạn chế ý nghĩa của chủ đề trong phạm vi đề tài xác định.
c. Chủ đề và hệ thống chủ đề
Trong một tác phẩm, thường không phải chỉ có một chủ đề duy nhất mà có nhiều chủ đề gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau tạo thành một hệ thống chủ đề (Pospelôp gọi là hệ vấn đề). Trong hệ thống chủ đề, có thể nổi lên vài chủ đề có ý nghĩa trung tâm, quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Ðó là chủ đề chính. Bên cạnh đó, có những chủ đề có ý nghĩa bộ phận, góp phần bổ sung, làm nổi bật chủ đề chính, được gọi là chủ đề phụ. Trong một tác phẩm, các chủ đề không có giá trị ngang nhau nên việc xác định đúng đắn chủ đề chính, chủ đề phụ sẽ góp phần quan trọng trong việc lí giải ý nghĩa của tác phẩm.
3. Tư tưởng của tác phẩm văn học
a. Khái niệm chung
Nhận thức, lí giải và thái độ đối với toàn bộ nội dung cụ thể sống động của tác phẩm văn học cũng như những vấn đề nhân sinh được đặt ra trong đó.
Tư tưởng là linh hồn, là hạt nhân của tác phẩm, là kết tinh của những cảm nhận, suy nghĩ về cuộc đờiDo yêu cầu của tư duy khái quát, người ta thường đúc kết tư tưởng của tác phẩm bằng một số mệnh đề ngắn gọn, trừu tượng. Thực ra, tư tưởng náu mình trong những hình tượng sinh động, những cảm hứng sâu lắng của tác giả.
Nếu có thể coi đề tài và chủ đề thuộc về phương diện khách quan thì tư tưởng tác phẩm thuộc về phương diện chủ quan của nội dung tư tưởng tác phẩm.
Tư tưởng tác phẩm văn học là sự khái quát của cả hai phương diện: lí giải, nhận thức và khát vọng của nhà văn thể hiện trong tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật. Nó gắn bó chặt chẽ với đề tài và chủ đề và được biểu hiện tập trung ở ba phương diện: Sự lí giải chủ đề, cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mĩ.
b. Sự lí giải chủ đề
Khái niệm
Chủ đề và sự lí giải chủ đề có liên quan với nhau nhưng không phải là một. Nếu chủ đề chú ý đến vấn đề đặt ra trong tác phẩm xuất phát từ hiện thực thì sự lí giải chủ đề lại quan tâm đến sự giải thích, cắt nghĩa, nhận thức của nhà văn về những vấn đề đặt ra trong tác phẩm dựa trên một quan điểm nhất định nào đó. Ðây là phương diện rất cơ bản trong nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Chủ đề của Tắt đèn là cuộc sống bị bần cùng hóa của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng 8. Nhưng tác giả không chỉ nêu ra cuộc sống đó mà còn lí giải nó. Trên lập trường nhân đạo chủ nghĩa, Ngô Tất Tố cắt nghĩa, giải thích cuộc sống khổ đau, bế tắc đó đồng thời bộc lộ rõ thái độ, quan điểm, cảm xúc của mình trước những hiện tượng khác nhau của cuộc sống. Qua sự lí giải chủ đề, người đọc sẽ thấy được sức khái quát và sự hiểu biết sâu sắc của nhà văn về cuộc đời.
Biểu hiện của sự lí giải chủ đề trong tác phẩm
Sự lí giải chủ đề có thể được biểu hiện trong tất cả những yếu tố của tác phẩm nhưng nhìn chung thường được xem xét trên 2 mặt: những lời thuyết minh trực tiếp của tác giả, của nhân vật và tính khách quan của hình tượng nghệ thuật, lôigic của sự mô tả. Hai mặt này nhìn chung thường thống nhất với nhau. Người đọc cần chú trọng đến tính khách quan của hình tượng nghệ thuật hơn bởi vì ý nghĩa của tác phẩm chủ yếu được biểu hiện thông qua hình tượng nghệ thuật chứ không phải là ở những phát ngôn trực tiếp của tác giả.
c. Cảm hứng tư tưởng của tác phẩm.
Khái niệm
Ngay từ thời cổ Hy Lạp và sau này Hégel và Biêlinxki đều đã dùng từ cảm hứng (tiếng Hy Lạp cổ: Pathos) để chỉ trạng thái xuất thần, hưng phấn, một tình cảm nồng nàn, sâu sắc khi nhà văn sáng tạo tác phẩm. Phùng Quí Nhâm gọi là thái độ tư tưởng-tình cảm đối với những điều được miêu tả.
Cảm hứng của nhà văn và cảm hứng tư tưởng của tác phẩm quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một. Cảm hứng tư tưởng là tình cảm mãnh liệt, một ham muốn tích cực, là tư tưởng của nhà văn được thể hiện cụ thể, sinh động trong hình tượng nghệ thuật của tác phẩm.
Sự thể hiện của cảm hứng tư tưởng trong tác phẩm văn học.
Có 2 khả năng thể hiện rõ nét cảm hứng tư tưởng của nhà văn trong tác phẩm qua thái độ- tư tưởng -tình cảm của nhà văn đối với các hiện tượng, tính cách được miêu tả: khẳng định hoặc phủ định đối với những điều được miêu tả. Khẳng định lí tưởng tốt đẹp và phủ định đối với những cái xấu, là sự đồng tình, cảm thông, ngợi những nhân vật chính diện và phê phán, tố cáo các thế lực đen tối. Ðiều này làm cho tác phẩm thể hiện rõ tính khuynh hướng, thiên vị đối với những nhân vật lí tưởng mà tác giả yêu mến và cho phép họ thể hiện mãnh liệt cảm xúc của mình. Sêđrin khẳng định:Nếu thiếu một tư tưởng thiên vị (không phải thiên vị trong ý nghĩa xuyên tạc người khác mà là với ý nghĩa khuynh hướng chung của tác phẩm) thì sẽ không có sức sống sôi động. Ngẫu nhiên, rờ rạc, nguội lạnh, nhạt nhẽo, đó là đặc trưng lớn nhất của tác phẩm không có tính khuynh hướng. Không tình tiết nào có thể bù đắp cho thiếu sót đó.
Trong văn học, mối tương quan giữa 2 khả năng này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn văn học, vào từng nhà văn cụ thể.
Cảm hứng bắt nguồn từ tình cảm nhưng đó là tình cảm nhiều chiều, phức hợp chứ không phải đơn điệu. Những hài kịch của Molière, phía sau nụ cười là những giọt nước mắt. Nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương, bên cạnh giọng điệu tưởng chừng như bỡn cợt là nỗi xót xa sâu sắc về thân phận của người phụ nữ, là sự khẳng định giá trị của người phụ nữ
Cảm hứng của tác phẩm chủ yếu được thể hiện thông qua hình tượng nghệ thuật, tính cách và sự miêu tả chứ không phải là cái loa phát ngôn cho tư tưởng của tác giả. Bài thơ Không chồng mà chữa của Hồ Xuân Hương là sự khẳng định tình yêu, là sự cảm thông sâu sắc về sự cả nể của cô gái. Ðó không phải là điều tội lỗi, không phải là một điều vô đạo đức. Tác giả không trực tiếp lên án xã hội phong kiến nhưng những câu thơ tự nó đã nói lên điều đó.
d. Tình điệu thẩm mĩ (Cảm hứng thẩm mĩ)
Cùng với các khái niệm đề tài, chủ đề, sự lí giả chủ đề, cảm hứng tư tưởngnội dung tư tưởng của tác phẩm còn được khái quát và biểu hiện qua tình điệu thẩm mĩ.
Khái niệm chung
Tình điệu thẩm mĩ là hệ thống những giá trị được khái quát và thể hiện trong tác phẩm. Mọi tác phẩm văn học trong khi phản ánh hiện thực đều tái hiện những lớp hiện tượng đời sống giá trị thẩm mĩ nhất định, độc đáo và không lặp lại. Chính điều này làm cho tư tưởng của tác phẩm khác với tư tưởng trong các lĩnh vực khác.
Tình điệu thẩm mĩ là toàn bộ không khí, mùi vị, cảm giác, hơi thở, nhịp điệu tiêng bao trùm lên tác phẩm. Vì vậy cũng thật khó để chỉ rõ và phân biệt rạch ròi tình điệu thẩm mĩ và các yếu tố khác trong tác phẩm.
Tình điệu thẩm mĩ và cảm hứng tư tưởng
Hai khái niệm này gắn bó chặt chẽ, khó thể tách rời nhưng cũng có thể phân biệt ở những mức độ nhất định.
Cảm hứng tư tưởng là niềm say mê, nhiệt tình khẳng định hay phủ định, thể hiện tinh thần chiến đấu nhằm bảo vệ công lí, lẻ phảiTình điệu thẩm mĩ là phẩm chất, giá trị thẩm mĩ của nội dung tác phẩm. Tình điệu thẩm mĩ có thể được khái quát vào các phạm trù mĩ học như cái đẹp, cái anh hùng, cái cao cả, cái bi, cái hài và các biến thể của chúng. chẳng hạn, cái sầu, cái hận, cái thống thiết,cái buồnlà các dạng khác nhau của cái bi; chất humour, châm biếm, trào lộnglà các dạng của cái hài; sự hài hòa, cân đối, hoàn thiện, cái xinh xắn là sự biểu hiện của cái đẹp; cái lớn lao, phi thường, mênh mông, bát ngátlà sự biểu hiện của cái cao cả.
Tóm lại, những yếu tố được trình bày trên tồn tại thống nhất hữu cơ trong tác phẩm và sự phân biệt chúng với nhau cũng chỉ có tính chất tương đối.
4. Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học
a. Khái niệm chung
Nói đến ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học là nói đến sự đánh giá, thẩm định các phương diện thuộc về nội dung tư tưởng tình cảm, nội dung nhận thức, nghệ thuật, sự chân thành của tình cảm.được thể hiện trong tác phẩm.
b. Những nguyên nhân tạo nên sự lí giải khác nhau về tác phẩm
Nguyên nhân từ phía người đọc
Tác phẩm văn học được sáng tác là để thưởng thức, tiếp nhận. Một tác phẩm chỉ tồn tại với tư cách là một tác phẩm đích thực khi nó đến với người đọc. Người đọc ở đây là một khái niệm hết sức rộng lớn, bao quát, đa dạng, phức tạpbao gồm các tầng lớp người khác nhau về giai cấp, dân tộc, trình độ văn hóa, lứa tuổi, giới tính, kinh nghiệm, năng khiếu, cảm xúc thẩm mĩ với những động cơ và mục đích đọc tác phẩm khác nhau. Chính sự khác biệt này là một nguyên nhân quan trọng trong việc định giá tác phẩm văn học.
Tính chủ quan của ngừơi đọc
Có một quan niệm tương đối phổ biến ở phương Ðông cũng như ở phương Tây khẳng định vai trò chủ quan của người đọc trong việc tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá tác phẩm. Những người theo quan niệm này cho rằng đọc tác phẩm không phải là tái hiện lại một cách trung thành những điều tác giả đã gửi gắm và thể hiện trong tác phẩm mà chủ yếu là tìm kiếm tâm hồn mình qua tác phẩm, người đọc là người kể lại tâm hồn mình qua những kiệt tác (A.France).
Tính khách quan của người đọc
Lí giải sự cảm thụ, đánh giá tác phẩm khác nhau dựa trên cơ sở chủ quan của người đọc là đúng đắn. Nếu như trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, dấu ấn cá nhân được thể hiện đậm nét thì trong lĩnh vực nghiên cứu, cảm thụ nghệ thuật cũng có tình trạng tương tự. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng người đọc là yếu tố hoàn toàn chủ quan trong việc xác định giá trị của tác phẩm văn chương. Bởi vì nếu vậy thì sẽ không lí giải nổi nhiều hiện tượng văn học khác nhau:
Tại sao có một số tác phẩm được đánh giá cao ở giai đoạn này nhưng đến giai đoạn khác thì hoàn toàn ngược lại?
Tại sao trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, người ta lại thường chú ý và khai thác một cách khác nhau một vài yếu tố nào đó trong tác phẩm?
Tại sao sau khi xem xong một tác phẩm nghệ thuật, người đọc nói chung đều có thể có một ấn tượng chung nào đó về tác phẩm, về một số nhân vật? (Trương Phi, Quan Công, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, Sở Khanh).
Chính vì vậy, khi nói đến giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, không thể tách rời với những hoàn cảnh văn hóa-lịch sử- xã hội nhất dịnh.
Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn chương phụ thuộc vào vai trò chủ quan của người đọc, đặc biệt là những người đọc chuyên nghiệp (những nhà phê bình, nghiên cứu). Nhưng người đọc ở đây là những con người cụ thể và sống trong một môi trường, một hoàn cảnh xã hội, một thời kì lịch sử nhất định. Vì vậy, người đọc ở mỗi thời đại khác nhau sẽ có cái nhìn không hoàn toàn giống nhau về giá trị của tác phẩm. Nếu coi sáng tạo nghệ thuật là một hoạt động mang tính khuynh hướng xã hội mạnh mẽ thì tiếp nhận nghệ thuật cũng không thể thoát li khỏi những điều kiện lịch sử trong những thời kì nhất định. Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, mỗi cá nhân đến với tác phẩm không chỉ đem đến cho nó cái tôi mà còn cả cái ta nữa. Người đọc sẽ cắt nghĩa, định giá cho tác phẩm trên cơ sở lập trường giai cấp, lợi ích dân tộc, xã hội, nhu cầu tinh thần và thẩm mĩ không giống nhau qua từng thời kì lịch sử nhất định.
Nguyên nhân từ phía bản thân tác phẩm
Giá trị của tác phẩm không chỉ do người đọc, thời đại mang đến mà còn do nguyên nhân khách quan từ chính bản thân tác phẩm. Và có thể nói đây là nguyên nhân quan trọng có ý nghĩa quyết định vì nó giúp cho ta giải thích được lí do người đọc cảm nhận, đánh giá tác phẩm khác nhau. Giá trị của tác phẩm được xác định và ý nghĩa của nó được khai thác không giống nhau một phần hết sức quan trọng là do các đặc điểm nội tại của nó, là do tính mơ hồ, đa nghĩa ở nhiều phương diện, đặc biệt là ở tính chất và chiều sâu của những khái quát nghệ thuật mà tác giả thể hiện trong tác phẩm.
Một trong những đặc trưng quan trọng của tác phẩm văn học là tính mơ hồ, đa nghĩa và cũng từ đặc trưng này, người đọc khó nắm bắt được đầy đủ và đánh giá thống nhất với nhau về một tác phẩm.
Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ, văn học phản ánh đời sống trong tính toàn vẹn, sinh động thông qua hình tượng nghệ thuật với một cấu trúc phức tạp, đa dạng nhằm thể hiện những cảm nhận và khái quát của nhà văn về cuộc đời. Chính vì vậy người đọc không dễ gì nắm bắt được một cách đầy đủ ý nghĩa vốn có của nó. Sẽ không có gì quá đáng nếu có người coi tính mơ hồ, đa nghĩa không chỉ là nét đặc trưng của văn học mà còn gắn liền với số phận lịch sử của nó.
Tính mơ hồ, đa nghĩa trước hết được biểu hiện ở ngôn ngữ. Ðây vốn là thuộc tính của ngôn ngữ toàn dân nhưng khi sáng tác nhà văn luôn có ý thức hướng về một ngôn ngữ mang tính hàm súc, đa nghĩa, gợi nên ở người đọc những cách giải thích, những mối tương quan khác nhau, làm cho một chữ mà nghĩ ba năm chưa xong, giảng nghìn năm chưa hết(Nguyễn Cư Trinh). Ðây cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên sức sống, chiều sâu và giá trị nghệ thuật cho tác phẩm văn học.
Theo W. Empơxơn, mơ hồ là một ý nghĩa không xác định, một ý định biểu hiện nhiều loại sự vật, cho phép có nhiều cách giải thích khác nhau. GS. Trần Ðình Sử đã tóm tắt những loại ý nghĩa mơ hồ của ngôn ngữ văn học mà Empơxơn đã nêu ra như sau :
1. Nói vật này mà như nói tới vật khác vì giữa những sự vật ấy có nhiều điểm giống nhau;
2. Ý nghĩa mơ hồ do quan hệ ngữ pháp không chặt chẽ và ngữ cảnh cho phép;
3. Một từ trong một văn cảnh mà giảng hai nghĩa đều thông;
4. Lời trần thuật của tác giả có mâu thuẩn, không nhất trí, nhưng đều thể hiện trạng thái chung của tư tưởng của nhà văn;
5.Tác giả vừa viết ý này nhưng lại hé ra một ý khác chân thực hơn thuộc về vô thức;
6. Ý nghĩa mặt chữ của lời trần thuật vừa trùng lặp vừa mâu thuẫn khiến cho người đọc có thể giải thích trái ngược nhau;
7. Một từ có hai nghĩa, hai loại giá trị mơ hồ nhưng lại là hai ý nghĩa trái ngược nhau do văn cảnh qui định.. Sau Empơxơn, các nhà nghiên cứu cũng nói đến các biện pháp chuyển nghĩa để tạo nên tính mơ hồ, đa nghĩa của ngôn ngữ văn học như mỉa mai, nhại, nghịch lí, song quan, tượng trưng
Bên cạnh ngôn ngữ, tính cách nhân vật cũng thường là một yếu tố tạo nên những cảm nhận khác nhau, đặc biệt là các điển hình nhân vật. Những nhân vật được xây dựng thành công trong văn học xưa nay thường không bao giờ đơn giản một chiều mà luôn phong phú, phức tạp. Họ là những con người cụ thể, sinh động nhưng đồng thời cũng mang trong mình những vấn đề của một thời đại, những vấn đề của con người nói chung, nó có những nét nhòe, khó xác định mà không phải thời đại nào cũng có thể hiểu được Nếu coi tác phẩm văn học như một hình thức tranh luận của nhà văn về đời sống thì sự tranh luận đó được thể hiện rõ nét qua các nhân vật mà nhà văn đem hết tâm huyết của mình để xây dựng nên. Những nhân vật điển hình càng sâu sắc, càng phổ biến bao nhiêu thì khả năng biểu hiện phẩm chất người ở mức độ này hay mức độ khác qua các thời kì lịch sử khác nhau càng lớn bấy nhiêu.
Trong khi xây dựng các hình tượng nhân vật, nhất là những nhân vật chính, nhà văn bao giờ cũng gửi gắm vào đó những tư tưởng tình cảm của mình. Ở những nhà văn lớn, tư tưởng- tình cảm thường cũng không đơn giản, một chiều mà là một phức hợp, đa dạng bao gồm những nỗi niềm, tâm sự, những lời kí thác, những điều mà nhà văn gửi gắm cho độc giả với nhiều cách diễn đạt khác nhau. Nhà văn có thể diễn đạt trực tiếp quan niệm của mình qua ngôn ngữ chính luận hoặc thông qua hình tượng nghệ thuật, ẩn chứa trong các chi tiết, trong cách xử lí về không gian thời gian, trong kết cấu, trong giọng điệumà không phải người đọc thời nào cũng chú ý để có thể phát hiện hết được.
Có thể nói tác phẩm có bao nhiêu yếu tố là có bấy nhiêu chỗ để nhà văn gửi gắm tâm sự của mình, từ những từ ngữ đơn giản đến toàn bộ cấu trúc phức tạp và đa dạng. Chính sự đa dạng và phức tạp đó tạo nên sự đa dạng và phức tạp của nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Ðiều này cũng có nghĩa là giá trị của tác phẩm nằm trong chính những yếu tố nội tại của bản thân tác phẩm, trong tính chất và chiều sâu của những khái quát nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm. Nhưng những giá trị đó không đứng yên mà luôn vận động tùy thuộc vào sự vận động của đời sống, lí tưởng thẩm mĩ của từng thời đại và năng khiếu cũng như kinh nghiệm của người cảm thụ.
(Đào Văn Âu, Lý luận văn học)