Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho mới thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho mới thắng lợi của cách mạng Việt Nam


1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

Bằng hoạt động thực tiễn và tư duy lý luận, Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách cơ bản vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

1.1. Về vấn đề dân tộc thuộc địa

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa đầu thế kỷ XX là xác định đúng con đường phát triển của dân tộc. Độc lập dân tộc là nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa. Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Với tinh thần đó, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

1.2. Về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong phong trào giải phóng dân tộc

Người khẳng định: vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết. Độc lập dân tộc mà chưa giành được thì vấn đề giai cấp cũng không giải quyết được. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp.

1.3. Về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người

Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc trước hết là phải giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc phải được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức, bao gồm lực lượng của cả dân tộc. Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân, lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và con người được khẳng định trước toàn thế giới qua Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người khởi thảo. Thừa nhận những “lời bất hủ” trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và “những lẽ phải không thể chối cãi được” của “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp” (1789), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nâng quyền tự nhiên của con người lên thành quyền dân tộc và gắn chặt quyền con người với quyền dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế mới về quyền con người, quyền dân tộc và sự bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, thể hiện một cách tập trung những luận điểm sáng tạo lớn về lý luận của Hồ Chí Minh, là sự phản ánh mục đích, lý tưởng, khát vọng và ham muốn tột bậc của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh: nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội phản ánh tính triệt để cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đặt vấn đề giải phóng con người, hạnh phúc của con người ở mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng.

Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ thì độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Tính chất tạo tiền đề của cách mạng dân tộc dân chủ được thể hiện:

- Về chính trị: xác định và xây dựng các yếu tố của hệ thống chính trị do giai cấp công nhân lãnh đạo.

- Về kinh tế: bước đầu xây dựng được các cơ sở kinh tế mang tính chất xã hội chủ nghĩa, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.

- Về văn hóa xã hội, đời sống tinh thần: trong cách mạng dân tộc dân chủ, khối quần chúng công - nông - trí thức và các giai tầng xã hội khác đã có ý thức giác ngộ, đoàn kết trong một mặt trận dân tộc thống nhất; những nhân tố mới của văn hóa, giáo dục đã được hình thành dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc tạo tiền đề, điều kiện để nhân dân lao động tự quyết định con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời đại mới, chủ nghĩa xã hội là xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Điều này làm cho con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh khác biệt về chất so với con đường cứu nước những năm đầu thế kỷ XX ở nước ta và của nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới.

Cách mạng Việt Nam thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Điều đó quyết định vai trò lãnh đạo cách mạng tất yếu thuộc về giai cấp công nhân mà đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Lực lượng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc là toàn dân Việt Nam yêu nước mà nòng cốt là khối liên minh công - nông - trí thức. Những nhân tố này lại quy định tính tất yếu dẫn đến phương hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng giải phóng dân tộc. Rõ ràng định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam được chi phối và chế định bởi các nhân tố bên trong của cuộc cách mạng đó.

Chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để. Về lý luận, độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội thể hiện mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu cuối cùng; mối quan hệ giữa hai giai đoạn của một quá trình cách mạng. Cách mạng dân tộc dân chủ xác lập cơ sở, tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa khẳng định và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội. Do những đặc trưng nội tại của mình, chủ nghĩa xã hội sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập và phát triển dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.



TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8 năm 2021

 Thiếu tướng, PGS. TS. Phan Xuân Tuy

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng

Trường Đại học An ninh nhân dân

    Cách đây 52 năm, vào hồi 9h 47 phút, ngày 2 tháng 9 năm 1969 (nhằm ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đi xa. Tuy nhiên, Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô cùng quý báu. Cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc, nhân loại và thời đại, là sự thể hiện nhân cách cao cả của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, hết lòng yêu nước, thương dân, luôn nâng niu, trân trọng con người, trân trọng những giá trị của cuộc sống. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương ngời sáng nhất, tiêu biểu nhất về trí tuệ, đạo đức được cả thế giới ngợi ca. Nhà nghiên cứu Êlen Tuốcmerơ đã trong tác phẩm Trở thành người Bác như thế nào đã viết: “Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được mọi người kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng vóc rất tự nhiên” .

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho mới thắng lợi của cách mạng Việt Nam

    1. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống những quan điểm sâu sắc và toàn diện về con đường cách mạng Việt Nam; song, nội dung cốt lõi, xuyên suốt nhất là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đất nước đắm chìm trong màn đêm nô lệ, các phong trào yêu nước đều thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiệm vụ lịch sử tìm con đường cứu dân, cứu nước đã đặt lên vai của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Người trăn trở và quyết định: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” . Hành trang Hồ Chí Minh mang theo trong suốt hành trình vạn dặm của mình là chủ nghĩa yêu nước và nhờ đó Người đã tìm đến được chủ nghĩa Mác – Lênin. Hồ Chí Minh đã thấy ở học thuyết này một thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, khoa học, có thể trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam và kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” .

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho mới thắng lợi của cách mạng Việt Nam

    Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh cho rằng con đường duy nhất để giải phóng dân tộc và nhân dân là cách mạng vô sản. Theo Người, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” . Tuy nhiên, mục đích cao nhất mà Hồ Chí Minh hướng tới không chỉ là độc lập dân tộc mà là hạnh phúc cho nhân dân. Vào ngày 21 tháng 1 năm 1946, nhân dịp trả lời các nhà báo ngoại quốc, Người bày tỏ: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” . Nếu giành được độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng chưa mang lại ý nghĩa thật sự. Cũng vì vậy, trong buổi họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc vào ngày 10 tháng 1 năm 1946, Hồ Chí Minh phát biểu: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” . Để thực hiện được điều đó, phải gắn chặt độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, “mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do” , một xã hội bình đẳng không có chế độ người bóc lột người, “mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình” . Ở đây, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai quá trình có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; độc lập dân tộc là tiền đề không thể thiếu để đi lên chủ nghĩa xã hội và ngược lại xây dựng chủ nghĩa xã hội khiến cho độc lập dân tộc thật sự có ý nghĩa.

    2. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969 đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” . Hồ Chí Minh đã đi xa, song tư tưởng của Người mãi mãi trường tồn, “soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi” . Sức sống trường tồn, bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc tư tưởng ấy hướng tới giải quyết những vấn đề quan trọng của dân tộc và của toàn nhân loại, hàm chứa những giá trị vĩnh cửu với khát vọng xây dựng nền hòa bình, giành quyền độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người. Từ tư tưởng của Người, thế giới đã thấy được: dân tộc Việt Nam tuy bé nhỏ nhưng yêu chuộng hòa bình, có bản lĩnh, tinh thần và sức mạnh của một người khổng lồ quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; từ đó cổ vũ cho các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, với cái nhìn khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển kho tàng lý luận của dân tộc Việt Nam cũng như của toàn thể nhân loại, tiếp tục khẳng định và phát triển những triết lý mà cha ông đã để lại, định hướng đúng đắn cho sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho mới thắng lợi của cách mạng Việt Nam

    Trên thực tiễn, từ những năm 30 của thế kỷ XX, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Hồ Chí Minh đã xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” , kết hợp chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng chỉ đạo đó đã chấm dứt sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước, tiếp sức sống mới cho cách mạng Việt Nam, thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong 30 năm chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc (1945 - 1975), tư tưởng Hồ Chí Minh đã định hướng cho nhân dân ta vững vàng tay súng, đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nên những chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc những tên đế quốc hiếu chiến, sừng sỏ nhất nhì thế giới phải chấp nhận thất bại thảm hại. Bước vào thời kỳ đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, song dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” , đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” .

    3. Từ trong tư tưởng và hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ suy nghĩ, tình cảm, nỗi đau của nhân dân, nhân loại và trong sự thanh cao, tinh khiến của tâm hồn, tầm cao của trí tuệ để nhận thức và giải quyết mọi vấn đề. Người không đứng ở trên cao ban ơn, không đứng ở bên ngoài thông cảm, mà sống trong lòng nhân dân, đập chung một nhịp tim, chia cùng một sức sống, mang cùng một khát vọng... với nhân dân. Người gắn bó với dân tộc, nhân dân và với cả nhân loại từ trong con tim và khối óc, trọn vẹn cả cuộc đời. Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa nhưng ngọn lửa tư tưởng của Người vẫn bùng cháy mãnh liệt trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Đồng chí Phiđen Catxtơrô Ruđơ – Bí thư thứ nhất Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cu Ba đã viết:  “Cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh tụ nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy… Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm sống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt” .

    Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” . Trên tinh thần ấy, tự hào là mái trường tọa lạc tại cửa ngõ của thành phố mang tên Bác và lịch sử hơn 58 năm xây dựng và phát triển, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên Trường Đại học An ninh nhân dân quyết tâm khắc ghi công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ XV, phấn đấu vì triết lý giáo dục: Thái độ chuẩn mực; kiến thức toàn diện; kỹ năng thuần thục; phụng sự Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, phục vụ Nhân dân. Nhà trường luôn chú trọng đẩy mạnh chất lượng các mặt công tác (giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý học viên, hậu cần - tài chính, tổ chức, cán bộ), xây dựng Trường Đại học An ninh nhân dân thành đơn vị dự bị chiến đấu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; đồng thời tham gia những hoạt động vì cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người, thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân với Công an, chủ động ứng phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống.

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho mới thắng lợi của cách mạng Việt Nam

    Với quyết tâm chính trị và những hành động thiết thực, Trường Đại học An ninh nhân dân đã và đang nỗ lực góp một phần nhỏ bé vào việc thắp sáng những giá trị bền vững, trường tồn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyết tâm phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng ta đề ra, góp phần thổi bùng khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hoàn thành tâm nguyện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi./.