Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền giá trị lý luận và thực tiễn

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới ​ ​ ​

Ngày phát hành: 27/01/2022 Lượt xem 1359

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền giá trị lý luận và thực tiễn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân


Xây dựng nhà nước pháp quyền là một xu thế tất yếu khách quan đối với tất cả các quốc gia dân chủ trong thế giới hiện đại. Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình cách mạng, nhất là trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, chúng ta không ngừng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

1. Nhận thức lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về nhà nước, nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước ta. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và năm 2013. Việc xác định xây dựng nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được Đảng ta chính thức đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đã chỉ rõ: “Quốc hội cần hướng vào việc thực hiện hai yêu cầu cơ bản: Một là, xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ đáp ứng được yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý mọi mặt xã hội văn minh, tiến bộ; hệ thống pháp luật đó là cơ sở bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi có hiệu quả, là một nhân tố trọng yếu làm cho các quan hệ xã hội của chúng ta trở nên lành mạnh hơn. Hai là, bảo đảm quyền lực và hiệu lực trên thực tế của Quốc hội, do Hiến pháp quy định”(1). Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền đã có bước phát triển quan trọng. Nếu như Đại hội VII, Đảng ta mới chỉ xác định yêu cầu phải xây dựng nhà nước pháp quyền và mới chỉ định hình được rằng, đó là nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ để quản lý mọi mặt đời sống xã hội, thì đến Đại hội VIII, Đảng ta lại xác định thêm tính chất “xã hội chủ nghĩa” của nhà nước pháp quyền, tức là chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trụ cột của hệ thống chính trị ở nước ta. Đây là bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về nhà nước pháp quyền, đề cao tính pháp chế, coi đó là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền; đồng thời, coi trọng yếu tố đạo đức như một thuộc tính của xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xác định bản chất của nhà nước ta, đó là của dân, do dân và vì dân. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và mở rộng dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; xác định dân chủ là cơ sở chính trị - xã hội của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Còn về cơ sở kinh tế - chính trị của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng ta dựa trên bản chất định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường.

Tại Đại hội X, chủ trương xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta khẳng định: “Xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”(2). Như vậy, ở đây chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy rằng, tính pháp chế là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền và bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về mặt tư duy lý luận, có lẽ điểm khác biệt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nhà nước pháp quyền khác là ở cơ chế vận hành của nhà nước, bởi vì ở các nhà nước pháp quyền tư sản thì cơ chế vận hành phổ biến là “tam quyền phân lập”. Việc Đảng ta xây dựng cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, chính là dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước và pháp luật.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền giá trị lý luận và thực tiễn

Chủ trương đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đặc trưng đã nêu ở trên vẫn tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng, trong đó Đảng ta đặc biệt chú ý đến việc: “Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương”(3). Đại hội XII chỉ rõ “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị… Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hoá, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”(4). Đại hội XIII xác định rõ:“ Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(5)

Qua quá trình đổi mới và phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tập trung vào các nội dung cơ bản sau đây:

Một là, Đảng đã chỉ rõ tính tất yếu khách quan của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và coi đó là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu của Đảng và Nhà nước.

Hai là, nhận diện được mô hình của nhà nước pháp quyền - là phương thức tổ chức dân chủ quyền lực nhà nước mà theo đó pháp luật là cơ sở cho việc thực hiện quyền lực cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể trong xã hội.

Ba là, nhất quán chỉ rõ bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Bốn là, nhận rõ đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền là tính pháp chế, khẳng định vai trò, vị trí của pháp luật trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội, tính tối cao của Hiến pháp trong đời sống xã hội.

Năm là, xác định được cơ chế vận hành của các cơ quan quyền lực nhà nước: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Sáu là, yêu cầu mở rộng dân chủ đồng thời với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục đạo đức công vụ liêm chính trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bảy là, khẳng định nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây không chỉ có tính nguyên tắc được khẳng định từ lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là kết luận được tổng kết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm khẳng định Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

2. Một số vấn đề đặt ra hiện nay

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta đã đặt được nhiều kết quả to lớn quan trọng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước vì hạnh phúc của nhân dân; tuy nhiên, cũng đã bộc lộ không ít những vấn đề bất cập, chưa rõ, cần phải được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học cả về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ mới

2.1.Về phương diện lý luận, cần nghiên cứu làm sáng tỏ một cách có cơ sở khoa học về một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, cần xác định rõ hơn những đặc trưng xã hội chủ nghĩa của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng. Một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ dựa trên cơ sở tính pháp chế và dân chủ thì bất cứ nhà nước pháp quyền nào cũng như vậy. Còn nói đến cơ sở kinh tế của nhà nước pháp quyền của chúng ta là ở tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, còn có một số vấn đề chưa được làm sáng rõ về mặt khoa học- lý luận; hơn nữa, khi nền kinh tế - tức cơ sở hạ tầng mới chỉ là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nhà nước - tức kiến trúc thượng tầng có thể gọi là xã hội chủ nghĩa được không hay cũng chỉ mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa? Đó là vấn đề đặt ra cần được lý giải một cách có căn cứ khoa học. Hơn nữa, trong lịch sử chưa có một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đích thực, cho nên trong lý luận về nhà nước pháp quyền vẫn còn một mảng trống mà chúng ta cần phải nghiên cứu, bổ sung và phát triển cho phù hợp với thời đại và thực tiễn của Việt Nam.

Hai là, cần xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ “tính độc lập tương đối” của mỗi quyền, sự chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, bảo đảm quyền lực không bị tha hóa và bị lạm dụng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh chồng chéo cũng như tránh lạm quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước một cách thật sự có hiệu lực, hiệu quả

Ba là, làm sáng tỏ hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, nhất là phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Vấn đề đặt ra là chỉ ra được phạm vi tác động của Đảng cầm quyền đối với các cơ quan quyền lực nhà nước, chỉ rõ sự tối cao của pháp luật, tránh sự can thiệp tùy tiện của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, tránh sự bao biện, làm thay, không tôn trọng luật pháp gây ảnh hưởng xấu trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Bốn là, làm rõ cơ chế bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của Nhà nước. Sở dĩ vấn đề này được đặt ra là vì, mọi quyền hành chỉ thuộc về nhân dân khi có một cơ chế thích hợp để nhân dân có thể trực tiếp giám sát các hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, của hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, cũng như giám sát mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước. Phải có cơ chế thích hợp để cử tri có thể bày tỏ sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của mình đối với các đại biểu mà mình bầu ra, tạo điều kiện để các đại biểu gắn bó hơn với cử tri, đề cao ý thức trách nhiệm của người đại diện nhân dân trước cử tri và nhân dân.

Năm là, đổi mới tư duy pháp lý trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta. Hơn 35 năm đổi mới toàn diện của đất nước, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực lập pháp, song hệ thống luật pháp của chúng ta cho đến nay vẫn tỏ ra chưa theo kịp thực tiễn và còn nhiều bất cập, khiếm khuyết. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý lại được đặt ra một cách cấp thiết hơn, nhằm xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam một cách hoàn thiện, ổn định, làm cơ sở cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới tư duy pháp lý cần hướng đến giải quyết những nhiệm vụ như xác định mô hình luật pháp của nước ta; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước trong lĩnh vực xây dựng và thực thi các thể chế pháp lý, để tiếp thu có chọn lọc các giá trị và kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đổi mới công tác xây dựng chương trình, kế hoạch lập pháp; thay đổi quan niệm về quy mô các đạo luật, nên tập trung xây dựng và thông qua các đạo luật có quy mô điều chỉnh hẹp. Một đạo luật với ít các điều khoản sẽ được nhanh chóng xây dựng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu điều chỉnh pháp luật, dễ dàng tương thích với các không gian pháp lý quốc tế. Tính hữu ích của một đạo luật ít điều khoản không chỉ được thể hiện ở sự gọn nhẹ về nội dung, dễ xây dựng, mà còn thể hiện ở việc dễ kiểm soát tính đồng bộ và thống nhất, dễ sửa đổi khi có nhu cầu và dễ áp dụng trong thực tế; tránh ban hành “luật khung, luật ống” chung chung, không rõ phạm vi điều chỉnh, hiệu quả thấp.

2.2.Về phương diện thực tiễn, cần giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nghĩa là xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững. Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như xóa đói, giảm nghèo, xóa dần khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, vấn đề tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, khám chữa bệnh cho trẻ em, người nghèo, người yếu thế trong xã hội

Hai là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương phép nước, phải kiên quyết đấu tranh chống lại những hiện tượng vi phạm pháp luật, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, buôn lậu, xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân; làm hàng giả, trốn, gian lận thuế… gây tổn thất lớn cho Nhà nước và nhân dân. Thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính, về cơ chế chính sách, về quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, về công tác cán bộ….Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Bên cạnh việc xây dựng pháp luật, việc thực hiện pháp luật cũng có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật có thể rất đầy đủ, hoàn thiện, nhưng việc thực hiện không nghiêm thì cũng không thể nói đến sự hoạt động của nhà nước pháp quyền có hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong toàn dân. Thực tiễn cho thấy rằng, một trong những nguyên nhân của việc thực hiện pháp luật chưa tốt là do kiến thức về luật pháp chưa tốt, nhiều người dân chưa am hiểu về luật pháp, chưa ý thức được sự cần thiết phải chấp hành luật, hoặc do không nắm được luật nên vi phạm mà không biết. Chính vì vậy, để tăng cường việc thực thi pháp luật, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, chú trọng sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, cũng như bộ máy chính quyền các cấp và cuối cùng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, để mệnh lệnh hành chính luôn được chấp hành một cách nghiêm túc và thông suốt từ trung ương đến cơ sở.

Bốn là, tăng cường hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, của hội đồng nhân dân các cấp, của các cơ quan và từng đại biểu hội đồng nhân dân, nhằm kiểm tra, đánh giá việc chấp hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra, đánh giá và kết luận, xử lý đối với việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của các cơ quan nhà nước.

Năm là, tăng cường, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề được đặt ra hết sức bức thiết nhằm ngăn chặn và hạn chế những tiêu cực, tình trạng sách nhiễu, quan liêu, tham nhũng,… trong các cơ quan nhà nước. Thực tiễn cho thấy, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có đạt đến độ hoàn hảo tuyệt đối, quy chế, quy tắc ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước có đạt đến độ hoàn mỹ thì cũng khó có thể đem lại hiệu quả như mong muốn, nếu như trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức không thực hiện nghiêm pháp luật, chấp hành không đúng quy chế, quy tắc ứng xử trong hoạt động công vụ thì hiệu quả rất thấp, làm mất niêm tin của nhân dân vào tổ chức của bộ máy công quyền.

Sáu là, tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng đối với hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hoá các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đr phảm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Đây là vấn đề phải làm thường xuyên, liên tục, theo yêu cầu của thực tiễn trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước thực trạng yếu kém và bất cập của một số tổ chức Đảng, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên , thì vấn đề đổi mới và chỉnh đốn Đảng lại được đặt ra một cách bức thiết hơn bao giờ hết. Đổi mới và tự chỉnh đốn Đảng gồm nhiều nội dung như: Đổi mới công tác tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đổi mới công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận,… Chỉ có tiến hành đồng bộ những nội dung đó thì mới làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, đủ năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền đối với xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

***

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước, vì mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ ,công bằng, văn minh” vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

TS. Nguyễn Văn Hùng,

Hội đồng Lý luận Trung ương

-------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 340

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 126

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 247

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc qia, Hà Nội, 2016, tr.175.

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quố gia, Hà Nội, 2021, tr.174-175.