Tuừ là gì

Bạn Trịnh Hoài Thu, học viên cao học Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có hỏi: Một lần, khi đi dự các buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của các anh chị lớp trên, em thấy có thầy đọc quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “luận án không được phép viết quá 45.000 từ, tương đương với 150 trang A4”. Em không hiểu cách tính “từ” ở đây là như thế nào, vì khi chúng em được học các bài về tiếng Việt, cô giáo lại giảng cho chúng em cần phân biệt từ đơn và từ ghép.

Từ đơn là từ chỉ có một âm tiết, còn từ ghép phải có từ hai âm tiết trở lên. Như thế, một luận án dĩ nhiên phải bao gồm nhiều từ đơn và từ ghép chứ. Giả sử em có làm luận án thì em sẽ chịu không đếm cho chính xác được. Các bạn em có người lại cho rằng, phải nói là “chữ” mới đúng. Em rất muốn Báo Lao Động Cuối tuần giải đáp giúp ạ”.

Tôi đã xem lại Quy chế đào tạo sau đại học trước đây (số 18/QĐ-BGD&ĐT, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển ký ngày 8.6.2000) thì thấy ở mục 4.2. (tr. 15) trong Quy chế này có ghi: “Luận án được in trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210x297cm), dày không quá 150 trang (khoảng 45.000 chữ), không kể phụ lục. Đối với các lĩnh vực khoa học xã hội thì luận án có thể đến 200 trang”. Như vậy, có thể một thầy nào đó đã nói nhầm (hoặc em nghe nhầm), trong Quy chế không viết là “từ” mà là “chữ”. Tuy nhiên, câu hỏi của bạn Trịnh Hoài Thu (liên quan đến “từ” và “chữ”) cũng đặt ra một vài vấn đề mà chúng ta cần trao đổi.

Hiện nay, trong tiếng Việt, cách sử dụng các khái niệm như “chữ”, “từ”, “âm tiết” có sự khác biệt nhất định giữa cách dùng thuật ngữ và cách nói trong giao tiếp thông thường. Theo nghĩa chuyên môn ngôn ngữ học, “chữ” được dùng để chỉ “hệ thống ký hiệu bằng đường nét đặt ra để ghi tiếng nói”, như ta thường nói chữ Quốc ngữ, chữ Latin, chữ Sanskrit (chữ Phạn)… Đó là hệ thống mẫu tự riêng biệt cho mỗi ngôn ngữ. Còn “từ” là “đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh, dùng để đặt câu”, chẳng hạn “công nhân”, “xây”, “nhà hộ sinh” là 3 từ (ghép lại thành một câu trọn vẹn). Trong 3 từ trên, có từ 1 âm tiết, có từ 2 và 3 âm tiết. Âm tiết là “đơn vị phát âm nhỏ nhất trong ngôn ngữ”. Trong tiếng Việt, rất nhiều từ đơn có ranh giới trùng với ranh giới âm tiết (còn được gọi là “tiếng”, ví dụ: Câu thơ có sáu tiếng (= 6 từ)). Nhưng trong cách nói hàng ngày, người Việt vẫn dùng “chữ” để chỉ từ hoặc tiếng đó. Chẳng hạn, ta vẫn nói: Anh cứ viết dăm bảy chữ vào đây cho yên tâm; Lá cờ thêu sáu chữ vàng; Một chữ bẻ đôi nó còn chưa biết… “Chữ” cũng còn là tên gọi thông thường của từ ngữ gốc Hán. Ví dụ: Nhân Tết đến, nhờ bác viết tặng cho em mấy chữ “Tâm”, “Trí”, Phúc”; Ngồi bắc chân chữ Ngũ; “Lá trúc che ngang mặt chữ Điền” (Hàn Mặc Tử)…

Trong những trường hợp phải nói chính xác, như trong bản Quy chế vừa dẫn, tốt nhất là không dùng “chữ” để người đọc khỏi bị nhầm lẫn với “chữ cái” hay “chữ viết”, vốn thuộc phạm vi văn tự, mà nên dùng là “âm tiết” (và có thể chua thêm “từ đơn”, hoặc có thể giải thích thêm: chữ = âm tiết). Như vậy, người đọc (là những người có trình độ khá cao) hoàn toàn có thể hiểu và không nhầm lẫn. Và nếu dùng là “từ” như trong thư của bạn Trịnh Hoài Thu thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự hiểu sai. Bởi chúng ta biết rằng, nhiều từ tiếng Việt có cấu trúc lớn hơn một âm tiết, ví dụ các từ: Trường phổ thông, chủ nghĩa sô vanh nước lớn, chủ nghĩa xã hội dân chủ, phép biện chứng duy vật lịch sử… Nếu lấy “từ” là đơn vị tính trong một văn bản thì chắc chắn là khó thực hiện được. Nó sẽ rắc rối bởi việc phân định rõ ràng các từ cụ thể trong một văn bản dài và phức tạp, nhiều nội dung như trong một luận án là vô cùng khó khăn.

1. * Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để đặt câu.

    * Cấu tạo từ của tiếng việt là : 

+ Đơn vị cấu tạo nên từ là tiếng, đơn vị cấu tạo nên câu là từ.

+ Từ mà gồm mỗi một tiếng trong đó có tên gọi là từ đơn. Từ bao gồm hai tiếng hoặc nhiều tiếng được gọi là từ phức.

+ Các từ phức được tạo ra bởi cách ghép một số tiếng có quan hệ về nghĩa với nhau. Từ láy là những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng.

2. * Nghĩa của từ là nội dung ( sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,... ) mà từ biểu đạt.

    Cách giải thích nghĩa của từ :

     - Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.

     - Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

3. Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm,..... Đặc điểm ngữ pháp của danh từ là : Có thể kết hợp với từ chỉ số lượng phía trước, các từ này, ấy, đó,..... ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.

4. Chức vụ ngữ pháp của danh từ là : Chức vụ điển hình trong câu của danh từ là chủ ngữ. Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ đứng trước. Các loại danh từ : Danh từ chung và danh từ riêng.

5. Động từ là những từ chỉ hoạt động trạng thái của sự vật. Chức vụ ngữ pháp của động từ là : Động từ thường kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng,.....Thường làm vị ngữ, khi làm chủ ngữ , động từ mất khả năng kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ, đừng.

6. Tính từ là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái. Đặc điểm của tính từ: Tính từ có thể kết hợp với các từ : đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, ..... để tạo thành cụm tính từ. Khả năng kết hợp với các từ hãy, chớ, đừng của tính từ rất hạn chế. Tính từ có thể làm chủ ngữ và vị ngữ trong câu. Tuy vậy, khả năng làm vị ngữ của tính từ hạn chế hơn động từ.