Vai trò của giáo dục gia đình đối với thế hệ trẻ

Chức năng giáo dục của gia đình là chức năng xã hội quan trọng của gia đình nhằm tạo ra người con hiếu thảo, người công dân có ích cho xã hội bởi gia đình là trường học đầu tiên, cha mẹ là những người thầy cô giáo đầu tiên trong cuộc đời môi con người. Do đó nội dung của giáo dục gia đình cũng phải toàn diện bao gồm cả tri thức, kinh nghiệm, đạo đức, lối sống, ý thức cộng đồng, cách cư xử… Dưới góc độ luật học, khái niệm chức năng giáo dục của gia đình có thể hiểu là nhiệm vụ, vai trò của gia đình thông qua việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các thành viên nhằm hoàn thiện nhân cách, năng lực của mỗi cá nhân là thành viên của gia đình.

Từ khái niệm chức năng giáo dục của gia đình, ta thấy những đặc điểm về mặt chủ thể, cách thức, mục tiêu hướng tới việc thực hiện chức năng này…

Thứ nhất, về mặt chủ thể thực hiện chức năng giáo dục của gia đình là các cá nhân có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng, đó thường là những người sống chung một mái nhà và việc tạo dựng gia đình dựa trên các căn cứ pháp lý.

Thứ hai, mục tiêu của việc thực hiện chức năng giáo dục trong gia đình nhằm định hướng, nâng cao nhận thức về mặt đạo đức, lối sống mà không nhấn mạnh tới các kiến thức văn hóa như giáo dục tại nhà trường.

Thứ ba, chức năng giáo dục của gia đình không chỉ giới hạn trong việc cha mẹ bảo ban, dạy dỗ con về hành vi ứng xử, đạo đức mà còn được thể hiện qua sự chỉ bảo, hướng dẫn học tập và đặc biệt là tạo điều kiện cho con thực hiện quyền học tập của mình. Do đó, con cái cũng có nghĩa vụ góp phần thực hiện chức năng giáo dục của gia đình.

Các yếu tố tác động tới thực hiện chức năng giáo dục của gia đình

Gia đình là một trong những thiết chế xã hội quan trọng. Sự thay đổi của gia đình ở các thời kỳ khác nhau chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như: kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật…

Sự phát triển của nền kinh tế trong mỗi giai đoạn lịch sử luôn có những tác động tới các yếu tố xã hội khác. Đối với việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình, có thể thấy sự khác biệt rõ rệt giữa giai đoạn hiện nay và giai đoạn phong kiến khi trình độ kinh tế-xã hội có sự khác biệt đáng kể. Nền kinh tế thị trường đã tạo cơ hội cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình có điều kiện tích lũy, làm giàu và tự do đầu tư vào các hoạt động theo nhu cầu. Nhờ đó chức năng giáo dục của gia đình được cải thiện đáng kể. Trong gia đình con trai và con gái đều được tới trường học tập và được chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho việc thực hiện giáo dục tại gia đình.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ tạo điều kiện để con người có cơ hội tiếp xúc với các ứng dụng mới. Sự phổ biển internet, điện thoại di động… đã có những tác động không nhỏ tới việc giáo dục nói chung và giáo dục tại gia đình nói riêng. Tuy nhiên, việc lạm dụng các ứng dụng công nghệ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của cá nhân. Điều này gây những khó khăn không nhỏ cho việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình bởi thời gian các thành viên bên nhau ngày càng thu hẹp, sự gắn bó giữa các cá nhân bị suy giảm đáng kể.

Về mặt chính trị, sự ổn định của môi trường chính trị là một yếu tố góp phần phát triển mọi mặt của xã hội. Khi môi trường sống có trật tự, ổn định thì việc thực hiện các chức năng của gia đình, trong đó có chức năng giáo dục sẽ được đầu tư hơn về mặt thời gian, công sức, qua đó sẽ thu được những hiệu quả như mong đợi. Ngược lại, khi tình hình chính trị bất ổn, môi trường sinh hoạt không ổn định thì tâm lý, thời gian đều bị chi phối và việc tập trung cho bất cứ một hoạt động cụ thể nào là điều không dễ dàng.

Về ảnh hưởng của yếu tố văn hóa, sự tác động của phong tục, tập quán có những ảnh hưởng nhất định đối với đời sống của mỗi cá nhân trong xã hội cũng như của mỗi thành viên trong gia đình. Trong thời kỳ phong kiến, do ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Nho giáo nên trong gia đình, sự giáo dục thường được thực hiện bởi người đàn ông – người giữ vai trò gia trưởng. Điều này đã hạn chế sự hiểu biết của mỗi cá nhân đối với các vấn đề xã hội bên ngoài gia đình. Ngày nay, với việc tăng cường quyền bình đẳng giới, trong gia đình và ngoài xã hội người phụ nữ được tôn trọng và được trao quyền nhiều hơn, cả trong giáo dục con cái. Nội dung giáo dục đối với các con không chỉ dừng ở các quy tắc, chuẩn mực trong quan hệ gia đình mà còn bao gồm cả cách ứng xử ngoài xã hội, các kiến thức chung về xã hội, khoa học…

Việc pháp luật ghi nhận trách nhiệm giáo dục con cái là của cha mẹ và quyền lợi của trẻ em trong gia đình là cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình. Các quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục…cho thấy mối quan hệ giữa gia đình và pháp luật về việc giáo dục mỗi cá nhân – công dân. Nói cách khác, việc thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục trong gia đình cũng chính là một trong các cách nhằm thực hiện chức năng giáo dục của gia đình.

Sự ảnh hưởng của các yếu tố trên không diễn ra một cách riêng lẻ và một chiều mà có sự tác động đồng bộ, qua lại giữa các yếu tố. Khi một trong các yếu tố có sự thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của một hoặc một số yếu tố khác. Như khi nền kinh tế xã hội có những thay đổi sẽ kéo theo những biến đổi trong đời sống chính trị, trong lối sống, trong phong tục…khi đó, yếu tố pháp luật cũng có những thay đổi và tách động tới thói quen, đời sống của mỗi công dân. Sự thay đổi của pháp luật có thể theo chiều hướng tích cực hoặc ngược lại, trong phạm vi giáo dục tại gia đình, điều đó có thể dẫn tới việc mở rộng hoặc thu hẹp các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, con cái trong việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình.

Thực hiện chức năng giáo dục của gia đình và giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện trong xã hội hiện đại

Kết quả

Ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình đã được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Việc tổ chức gia đình tốt và giáo dục trong gia đình chu đáo sẽ có tác động sâu sắc đến việc hình thành nhân cách con người, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển.

Trước hết, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của mỗi gia đình và đưa ra các chính sách, quy định hướng tới xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Đây là mục tiêu hướng tới sự phát triển toàn diện trong mỗi tế bào của xã hội, bởi thực hiện tốt điều này tức là chúng ta đã làm tốt việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt, ngày 28/6 được chọn là ngày gia đình Việt Nam nhằm kỷ niệm và nhắc nhở các thành viên trong xã hội nhớ và hướng tới các giá trị tốt đẹp của gia đình.

Về phía cộng đồng, phong trào như “kế hoạch hóa gia đình”, công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em… đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng có xu hướng giảm, tỷ lệ trẻ em được đến trường, trẻ được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia, và ý thức người dân về chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cao…

Về phía gia đình, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, sự thay đổi bộ mặt chung của xã hội, giáo dục gia đình thể hiện tính đa dạng và nhiều chiều. Giáo dục gia đình không chỉ gồm những ảnh hưởng từ phía cá nhân đối với cá nhân (giữa cha mẹ với con cái, giữa ông bà với cháu) mà còn bao gồm ảnh hưởng của cả tập thể gia đình liên kết với nhau tác động từng cá nhân qua lối sống, nếp sống, ở mỗi gia đình. Tính đa dạng còn thể hiện qua phương pháp giáo dục, không chỉ bằng lý thuyết mà còn bằng thực tiễn. Tính nhiều chiều trong giáo dục gia đình thể hiện qua việc các thành viên của gia đình tiếp xúc rộng rãi với các mối quan hệ trong xã hội và có sự giáo dục lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình không phân biệt thế hệ, giới tính… Điều này mang tới những dấu hiệu tích cực trong việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình. Việc giáo dục trong gia đình giờ đây trở nên sinh động, phong phú, phù hợp với tâm lý, nhu cầu của mỗi thành viên trong gia đình.

Về phía mỗi cá nhân, bên cạnh việc giữ gìn những thói quen đẹp của gia đình truyền thống, các cá nhân luôn cố gắng thu xếp dành thời gian cho gia đình, cùng nhau chia sẻ những kiến thức, những kỷ niệm, qua đó tăng cường được sự gắn bó và kết hợp việc thực hiện chức năng giáo dục giữa các thành viên trong gia đình.

Hạn chế

Về phía gia đình, nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và thời gian dành cho giáo dục con cái. Mặt khác nhiều gia đình đang lúng túng trong cách giáo dục con cái. Sự thay đổi của xã hội cũng như những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại tới mỗi thành viên trong xã hội đã khiến nhiều gia đình khó khăn trong việc giáo dục con em mình, và phó mặc cho nhà trường, xã hội. Bên cạnh đó, những hoàn cảnh đặc biệt của gia đình như cha mẹ ly hôn, bất hoà, bạo hành… sẽ dẫn tới hành vi rối nhiễu, trầm cảm, tâm lý lệch lạc, phạm pháp… của trẻ em sau này.

Cách thức giáo dục của gia đình hiện nay vẫn còn những còn nhiều bất cập. Trong gia đình, tình trạng giáo dục trẻ bằng sự trừng phạt hay vũ lực còn tồn tại với tỷ lệ khá lớn. Một khảo sát cho thấy, có 12,2% số người được hỏi đồng ý với sử dụng đòn roi trong việc giáo dục con cái, 34% cho rằng “tùy mức độ” mà có thể đánh đòn, như vậy người dân vẫn còn quan điểm giáo dục bằng vũ lực. Nhiều người còn quan niệm rằng chồng có quyền “dạy” vợ con mình bằng cách sử dụng vũ lực”[1] Mặc dù việc dùng vũ lực ở những mức độ khác nhau, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần. Cần xem xét những hoàn cảnh đặc biệt của gia đình và cách cư xử của các thành viên trong gia đình (đặc biệt giữa cha mẹ và con cái) để có những hoạt động giáo dục thích hợp và đạt hiệu quả.

Trong xã hội, sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo đã dẫn đến nhiều trẻ em trong các gia đình nghèo bị thất học, phải rời xa gia đình lao động giúp việc cho gia đình khá giả khác, phải làm việc nặng nhọc... dẫn đến không được tiếp nhận hoặc tiếp nhận không đầy đủ sự giáo dục của gia đình. Cùng với đó, hiện tượng coi thường giáo dục gia đình đang xảy ra ngày càng nhiều tác động đáng kể tới sự phá vỡ nền tảng đạo đức gia đình. Hiện tượng buông lỏng giáo dục phẩm chất đạo đức và cách ứng xử đúng đắn, tình nghĩa đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.

Trong bối cảnh gia đình Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với một loạt thách thức khi chuyển từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại, để tồn tại và phát triển, không chỉ mỗi gia đình tìm cách thích ứng với những điều kiện mới mà mỗi thành viên trong gia đình cũng phải tự điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình. Từ thực trạng về việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình trẻ trên, có thể thấy gia đình Việt Nam hiện nay đã và đang biến đổi dưới tác động của những biến đổi xã hội.

Đảm bảo thực hiện chức năng giáo dục của gia đình trong giai đoạn hiện nay

Trước sự sa sút nhân cách diễn ra trong một bộ phận thế hệ trẻ, gia đình, xã hội đã và đang thấy lo ngại. Nhưng nhìn chung, chúng ta mới dừng lại ở hiện tượng mà chưa đi sâu vào phân tích thực chất và nguyên nhân một cách có căn cứ vững chắc. Việc tìm hiểu nguyên nhân góp phần làm rõ những nhân tố ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng giáo dục trong gia đình, đồng thời bước đầu gợi ý những giải pháp để giải quyết triệt những tồn tại hiện nay.

Nguyên nhân của những tồn tại trong thực hiện chức năng giáo dục của gia đình

Trước hết là những vấn đề liên quan đến pháp luật, đây là một trong các cơ sở hình thành đạo đức gia đình, hiện tượng thiếu hiểu biết pháp luật đã xảy ra, người phạm pháp không hiểu hành vi của mình là phạm tội, người bị hại lại cam chịu cho rằng đó là số phận. Có người biết luật nhưng cố tình không thực hiện. Trong khi đó, nhận thức, năng lực của cán bộ và nhân dân còn hạn chế, hệ thống bảo vệ trẻ em chưa được kiện toàn mang tính chuyên nghiệp.

Về tác động của yếu tố kinh tế tới chức năng giáo dục gia đình, do nền kinh tế thị trường ở nước ta trong thời kỳ hội nhập, chính sách chưa đồng bộ, những ảnh hưởng tiêu cực, thiếu sự quan tâm của gia đình… Có thể thấy, việc xem thường giáo dục đạo đức gia đình, phương pháp dạy chưa đúng, nội dung giáo dục đạo đức chung chung… dẫn tới không đạt được hiệu quả giáo dục trong nhà trường và tại gia đình.

Về phía gia đình, theo nhận định của các chuyên gia tâm lý đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em phạm tội (bên cạnh sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục trẻ của nhà trường). Trong đó, gia đình được xác định là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em. Vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, đặc biệt là vai trò của cha mẹ là hết sức quan trọng.

Nhưng thiếu sót từ phía gia đình trong việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình được thể hiện ở việc lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục không đúng, thiếu hiểu biết trong cách thức dạy con cái, thiếu trách nhiệm, ỷ lại cho nhà trường và xã hội và thiếu thời gian dành cho giáo dục con.

Giải pháp bảo đảm thực hiện chức năng giáo dục của gia đình

Về phương pháp giáo dục: Việc giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ.

Về nội dung giáo dục, bên cạnh các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam như: thái độ, cử chỉ, ăn nói lễ phép, tôn kính người trên, hiếu thảo…còn cần có sự giáo dục cơ bản từ gia đình các lĩnh vực như: văn hóa lao động, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tiêu dùng, văn hóa giao tiếp …

Về hình thức giáo dục, việc giáo dục trong gia đình có thể được hỗ trợ bằng việc trang trí không gian gia đình, không gian riêng của trẻ để rèn luyện tính tự lập cho trẻ.

Về phía phụ huynh, phụ huynh cần hiểu rõ các khía cạnh của cuộc sống xã hội hiện đại. Điều quan trọng hơn là cần xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm cho các em lớn khôn và trưởng thành, không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội; đảm bảo đời sống kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và có cơ quan tổ chức khác trong việc quản lý, giáo dục các em. 

Bậc phụ huynh cũng cần hỗ trợ tham gia một cách có hiệu quả vào giáo dục con cái; hiểu được những nhu cầu về sự phát triển và giáo dục của trẻ; tiếp cận các nguồn lực của trường học và cộng đồng; hiểu các dịch vụ giáo dục đặc biệt và tăng cường kỹ năng làm cha mẹ…Đồng thời trong gia đình cha mẹ cũng cần phải biết sâu sắc nội dung đạo đức gia đình để bản thân họ thực hiện và dạy con cái và dành thời gian, chăm sóc, giáo dục con.

Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội về công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Để gia đình luôn là điểm tựa, là cội nguồn của tình cảm, là môi trường quan trọng hình thành nhân cách và giáo dục nếp sống cho trẻ thì cần tăng cường vai trò của gia đình với ý nghĩa là rào cản vi phạm pháp luật của mỗi cá nhân. Công tác giáo dục trong gia đình được thể hiện cụ thể bằng việc lựa chọn phương pháp giáo dục đúng, tăng cường trách nhiệm trong quản lý giáo dục con cái, kiểm tra các hoạt động hằng ngày của các con để kịp thời uốn nắn, sửa chữa những lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường tiêu cực là việc làm cần thiết.

 

[1] Phan Thị Luyện, “Nhận thức và ý thức pháp luật của cá nhân và cồng đồng về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” (bài tham luận trong hội thảo: “Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, 2015.