Vai trò của giáo dục giá trị sống là gì

Giá trị sống của bạn là những điều mà bạn cho là quan trọng trong cách bạn sống và làm việc: Chúng chi phối việc xác định thứ tự các ưu tiên hoặc ra quyết định của bạn, và, trong sâu thẳm, có lẽ chúng là cái thước đo mà bạn sử dụng để thấy được rằng cuộc sống của bạn có tiến triển theo cách bạn muốn nó diễn ra không.

Giá trị sống trả lời câu hỏi Tại sao ? hay Vì sao ? một người nào đó làm điều này hoặc không làm điều kia. Ví dụ như một người chạy xe vượt đèn đỏ để nhanh hơn vài chục giây, mà không để ý rằng điều đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của bản thân hay của người khác, như vậy trong hành động này, người đó đánh giá cao giá trị thời gian mà bỏ qua giá trị an toàn.

Nên học về giá trị sống từ khi nào?

Theo UNESCO, 8 tuổi đã là quá trễ. Vì đến độ tuổi này đã hình thành cho mình phần lớn các giá trị; trừ phi có sự thay đổi sâu sắc về trải nghiệm trong đời, nếu không thì khó mà lĩnh hội thêm giá trị sau độ tuổi này. Trẻ từ dưới 2 tuổi đã bắt đầu tiếp thu từ môi trường sống xung quanh, như giọng nói của người lớn khi trò chuyện với trẻ, cách thức tiếp xúc với trẻ, tranh ảnh treo trong phòng tất cả đều tác động đến sự phát triển của trẻ.

Không bao giờ là quá sớm để học về các giá trị, bởi các giá trị được tự thân đứa trẻ xây dựng hàng ngày, hàng giờ, thông qua cảm giác, tri giác, qua giao tiếp, bắt chước, thói quen, định kiến, qua những cách ứng xử xã hội, lối tư duy, hành vi có tính chất truyền thống qua tất cả những gì xoay quanh, hiện hữu bên trong và tác động trực tiếp/ gián tiếp đến cuộc sống của chính em bé đó. Những giá trị cốt lõi đó, nếu tích cực, có thể nâng đỡ, có thể giúp em dễ dàng hòa nhập, thích nghi, dễ dàng hơn để kiến tạo và truy cầu hạnh phúc nội tâm.

Ngày nay, trẻ tập trung quá nhiều vào việc học cách để làm [doing], chuẩn bị cho mưu sinh trong tương lai. Nhưng bên cạnh những kỹ năng sống vốn rất quan trọng ấy, trẻ cũng cần biết nên sống [being] ra sao. Có nghĩa là làm thế nào để ứng phó trước nhiều tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ và thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh. Nếu trẻ không có nền tảng giá trị sống rõ ràng và vững chắc thì dù được học nhiều kỹ năng, trẻ cũng không biết cách sử dụng hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Từ đó, trẻ sẽ không biết cách tôn trọng bản thân và người khác. Có nền tảng giá trị sống, trẻ sẽ không bị lôi cuốn bởi những giá trị vật chất trong việc định hình mục đích sống. Giá trị sống giúp chúng ta cân bằng lại những mục tiêu vật chất.

12 giá trị sống được nêu ra bởi UNESCO

1. Hòa bình

Hòa bình không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh, mà là khi chúng ta đang sống hòa thuận và không có sự tranh đấu với nhau.

Hòa bình còn có nghĩa là sống với sự tĩnh lặng và thư thái của nội tâm.

Hòa bình bắt đầu từ nơi mỗi người chúng ta. Xuyên qua sự tĩnh lặng và sự suy nghĩ đúng đắn về ý nghĩa của mọi việc, chúng ta có thể tìm được nhiều cách mới mẻ và sáng tạo để nâng cao hiểu biết về các mối quan hệ và sự hợp tác với tất cả mọi người.

2. Tôn trọng

Tôn trọng trước hết là tự trọng là biết rằng tự bản chất bạn cũng là người có giá trị như bất kỳ người nào khác. Một phần của tự trọng là nhận biết những phẩm chất của chính bản thân mình. Tôn trọng chính bản thân là nền tảng làm tăng trưởng về sự tin cậy lẫn nhau. Khi chúng ta tôn trọng chính mình thì cũng sẽ dễ dàng để tôn trọng người khác hơn, và những ai biết tôn trọng sẽ nhận lại đuợc sự tôn trọng. Hãy biết rằng mỗi người đều có giá trị và khi thừa nhận giá trị của người khác thì thế nào cũng chiếm được sự tôn trọng nơi người khác.

Một phần của sự tôn trọng là ý thức rằng bạn có sự khác biệt với người khác trong cách đánh giá, và biết sẳn sàng lắng nghe người khác.

3. Hợp tác

Hợp tác là khi mọi người biết làm việc chung với nhau và cùng hướng về một mục tiêu chung. Một người biết hợp tác thì có những lời lẽ tốt đẹp và cảm giác trong sáng về người khác cũng như đối với nhiệm vụ. Hợp tác phải được chỉ đạo bởi nguyên tắc về sự tôn trọng lẫn nhau.

Một người biết hợp tác sẽ nhận được sự hợp tác. Khi có yêu thương thì có sự hợp tác. Khi nhận thức được những giá trị của cuộc sống, bạn có khả năng tạo ra sự hợp tác.

Sự can đảm, sự quan tâm, sự chăm sóc, và sự đóng góp là sự chuẩn bị đầy đủ cho việc tạo ra sự hợp tác.

4. Trách nhiệm

Trách nhiệm là việc bạn góp phần của mình vào công việc chung. Trách nhiệm là đang thực hiện nhiệm vụ với lòng trung thực.

Một người có trách nhiệm thì biết thế nào là phải, là đẹp, là đúng, nhận ra được điều gì tốt để góp phần. Quyền lợi gắn liền với trách nhiệm . Trách nhiệm là đang sử dụng tiềm lực, tài nguyên của chúng ta để tạo ra những thay đổi tích cực. Muốn có hòa bình, chúng ta phải có trách nhiệm tạo ra sự yên ổn. Muốn có một thế giới hài hòa, chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên. Một người được coi là có trách nhiệm khi người ấy đồng ý góp phần để gánh vác công việc chung với các thành viên khác.

5. Trung thực

Trung thực là nói sự thật. Khi trung thực bạn cảm thấy tâm hồn trong sáng và nhẹ nhàng. Một người trung thực và chân chính thì xứng đáng được tin cậy.

Trung thực được thể hiện trong tư tưởng, lời nói và hành động thì sẽ đem lại sự hòa thuận. Trung thực là sử dụng tốt những gì được ủy thác cho bạn. Trung thực là cách xử sự tốt nhất, đó là một mối dây gắn kết tình bạn.

Khi sống trung thực, bạn có thể học và giúp người khác học cách biết trao tặng. Tính tham lam đôi khi là cội rễ của sự bất lương. Đó là đủ cho những người cần, nhưng không bao giờ thỏa mãn cho kẻ tham lam. Khi nhận thức mối quan hệ với nhau có tầm quan trọng như thế nào thì chúng ta nhận ra được giá trị của lòng trung thực.

6. Khiêm tốn

Khiêm tốn là ăn ở, nói năng, làm việc một cách nhẹ nhàng, đơn giản và có hiệu quả. Khiêm tốn gắn liền với lòng tự trọng. Khiêm tốn là khi bạn nhận biết đúng khả năng, uy thế của mình, nhưng không khoác lác khoe khoang. Khi bạn khiêm tốn, tính kiêu ngạo phải trốn xa.

Một người khiêm tốn tìm được niềm vui khi lắng nghe người khác. Khi quân bình được giữa tự trọng và khiêm tốn, bạn có được sức mạnh tâm hồn để tự điều khiển và kiểm soát chính bản thân mình. Khiêm tốn tạo nên một trí óc cởi mở và bạn có thể nhận ra sức mạnh của bản thân và khả năng của người khác.

7. Giản dị

Giản dị là sống một cách tự nhiên, không giả tạo. Giản dị là chấp nhận hiện tại và không làm mọi điều trở nên phức tạp. Người giản dị thì thích suy nghĩ và lập luận rõ ràng. Giản dị dạy chúng ta biết tiết kiệm biết thế nào là sử dụng tài nguyên, tiềm năng một cách khôn ngoan; biết hoạch định đường hướng cho tương lai. Giản dị giúp bạn kiên nhẫn, làm nảy sinh tình bạn và khả năng nâng đỡ lẫn nhau.

Giản dị là hiểu rõ giá trị của những vật chất dù nhỏ bé nhất trong cuộc sống.

8. Khoan dung

Khoan dung là tôn trọng qua sự hiểu biết lẫn nhau. Hòa bình là mục tiêu, khoan dung là phương pháp. Có khoan dung là bạn trở nên cởi mở và chấp nhận sự khác biệt với những vẻ đẹp của nó.

Mầm mống của sự cố chấp là sợ hãi và dốt nát. Hạt giống khoan dung và yêu thương cần được vun trồng bởi lòng trắc ẩn và sự ân cần quan tâm đến nhau. Người khoan dung thì biết nhìn thấy điều tốt nơi người khác cũng như trong các tình huống. Khoan dung là nhìn nhận cá tính và sự đa dạng trong khi vẫn biết đối phó với các mầm mống gây chia rẽ hoặc bất hòa và tháo gỡ ngòi nổ của sự căng thẳng được tạo ra bởi sự dốt nát.

9. Đoàn kết

Đoàn kết là sự hòa thuận giữa các cá nhân trong một nhóm, một tập thể hay một tổ chức. Đoàn kết tồn tại được nhờ sự chấp nhập và hiểu rõ giá trị của mỗi người, cũng như biết đánh giá đúng sự đóng góp của mỗi người đối với tập thể. Sự thiếu tôn trọng dù là nhỏ cũng có thể là lý do làm cho mất đoàn kết.

Đoàn kết được xây dựng qua việc chia sẻ các mục tiêu, niềm hy vọng và viễn tượng tương lai. Khi đoàn kết lại thì nhiệm vụ lớn dường như trở nên dễ dàng thực hiện. Đoàn kết tạo nên kinh nghiệm về sự hợp tác, làm gia tăng sự hăng hái trong nhiệm vụ và tạo ra một bầu khí thân thiện. Đoàn kết tạo ra cảm giác hạnh phúc êm ái và gia tăng sức mạnh cho mọi người.

10. Yêu thương

Yêu người khác nghĩa là bạn muốn điều tốt đến với họ. Yêu là biết lắng nghe, là biết chia sẻ. Khi bạn yêu thương trọn vẹn, giân dữ sẽ tránh xa. Tình yêu là giá trị làm cho các mối quan hệ trở nên tốt hơn.

11. Tự do

Tất cả mọi người đều có quyền tự do. Trong sự tự do ấy, mỗi người có bổn phận tôn trọng quyền lợi của những người khác. Tự do tinh thần là một kinh nghiệm khi bạn có những suy nghĩ tích cực về tất cả, kể cả về chính bản thân.Tự do thuộc lãnh vực của lý trí và tâm hồn.

Tự do là một món quà quý giá. Chỉ có thể tự do thật sự khi các quyền lợi quân bình với những trách nhiệm. Có tự do thực sự khi mọi người có được quyền bình đẳng.

12. Hạnh phúc

Hạnh phúc là trạng thái bình an của tâm hồn khiến con người không có những thay đổi đột ngột hay bạo lực. Khi bạn trao hạnh phúc thì nhận được hạnh phúc. Khi bạn hy vọng, đó là lúc hạnh phúc. Khi bạn yêu thương sự bình an nội tâm và hạnh phúc chợt đến ngay. Nói những lời tốt đẹp về mọi người đem lại hạnh phúc nội tâm. Những hành động trong sáng và quên mình sẽ đem đến hạnh phúc. Hạnh phúc lâu bền là trạng thái của sự hài lòng bên trong.

Khi hài lòng với chính mình, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Khi những lời nói của bạn là những bông hoa thay vì những hòn đá, bạn đem lại hạnh phúc cho những người tiếp xúc với bạn.

[Nguồn: sưu tầm]

Video liên quan

Chủ Đề