Vai trò của thương mại điện tử đối với người tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh COVID


[CTTĐTBP] - Thị trường bán lẻ đang ngày càng mở rộng các kênh, hình thức bán hàng để cạnh tranh, trong đó bán hàng qua các kênh thương mại điện tử [TMĐT] ngày càng chiếm ưu thế. Trong khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 thì TMĐT là một trong những ngành ít chịu tác động tiêu cực mà ngược lại đã phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp [DN], hợp tác xã [HTX] trong tỉnh đã chủ động biến khó khăn thành cơ hội đưa sản phẩm vươn ra biển lớn nhờ công nghệ số.
 

Tiếp cận thị trường thế giới nhờ TMĐT

Nắm bắt xu hướng TMĐT đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, Công ty cổ phần Eubiz Bình Phước chuyên sản xuất hạt điều và trái cây sấy đã chuẩn hóa quy trình, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của TMĐT quốc tế. Đây cũng chính là giấy thông hành để DN tiếp cận được các thị trường khó tính nhất tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Eubiz Bình Phước [thôn 3, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng] chia sẻ: “Trước đây, việc bán hàng của công ty chủ yếu thông qua hình thức trực tiếp và mở rộng đại lý phân phối. Tuy nhiên, từ năm 2019 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn trong mua sắm trực tuyến nên quyết định thúc đẩy phát triển hoạt động bán hàng trên các kênh TMĐT quốc tế như: Alibaba, Amazon; Marketing qua website, YouTube, nhờ đó đã giúp DN tăng tỷ trọng bán hàng từ 40% lên đến 60%. DN cũng vươn lên đạt top 100 Best Seller về hạt điều tại Mỹ năm 2021. Top Ranking vị trí số 1 Alibaba tháng 7, tháng 8/2021…”

Phát triển TMĐT quốc tế là bài toán cần sự kiên trì, sáng tạo và cả kinh nghiệm. Để bán hàng trên trang TMĐT thành công thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu, tiếp đó là đội ngũ nhân lực vận hành, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Thị trường TMĐT có tính cạnh tranh cao, tuy nhiên đây cũng là sân chơi lớn, cơ hội được chia đều cho tất cả DN khi có kế hoạch kinh doanh bài bản.

Chị NGUYỄN THỊ THANH HOA,

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Eubiz Bình Phước

Trong khi nhiều DN ngừng hoạt động hoặc giải thể do khó khăn vì dịch Covid-19, thì công ty lại tìm thấy cơ hội từ việc năng động tìm kiếm phương thức kinh doanh mới để thích nghi với tình hình khó khăn chung.

Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Thành Phương [xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú] sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hướng tới xuất khẩu

HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Thành Phương [xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú] làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên chi phí làm ra các sản phẩm trái cây của HTX này cao hơn nhiều so với trồng bằng phương pháp truyền thống. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát, hợp đồng ký kết với chuỗi cửa hàng trái cây tại TP. Hồ Chí Minh bị đứt gãy và phải chuyển qua bán lẻ trong tỉnh với giá giảm gần một nửa. Trong giai đoạn khó khăn, HTX đã linh hoạt tiếp cận các kênh TMĐT như Tiki, Lazada; các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Fanpage… để chủ động chào hàng, quảng bá sản phẩm.

Chị Trịnh Thị Trang, Phó phòng kinh doanh, HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Thành Phương cho biết: Với diện tích quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khoảng 10 ha, sắp tới HTX sẽ cung cấp cho thị trường các sản phẩm chủ lực như: rau thủy canh, dưa lưới, nho kẹo đen, bơ Mã Dưỡng và lan Mokara. Để tính “đường dài” cho sản phẩm của mình khi thị trường mua sắm đang dịch chuyển lên môi trường mạng thì chắc chắn đây sẽ là phương án kinh doanh HTX hướng tới. Để tạo đà cho xu hướng kinh doanh này, HTX đang được tỉnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách để kết nối tham gia các sàn TMĐT nhằm tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí trung gian.

Tạo đà cho nền kinh tế số

Nhiều năm sản xuất và kinh doanh lĩnh vực hạt điều, có lẽ chưa thời điểm nào thị trường bán lẻ lại khó khăn như hiện nay, khi các dịch vụ mua bán truyền thống bị ngưng trệ, hàng hóa không thể lưu thông. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, Công ty TNHH Vinahe [TX. Phước Long] đã quyết định chuyển hướng khi mang các sản phẩm của mình niêm yết trên các sàn TMĐT để giữ doanh số, cùng với đó là tiếp cận thêm các sàn TMĐT lớn của nước ngoài để tìm kiếm khách hàng mới.

Công ty TNHH Vinahe [TX. Phước Long] xem thương mại điện tử là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá, tạo ra những chiến lược kinh doanh mới

“Trước đây, muốn bán sản phẩm chúng tôi phải đi chào hàng nên phát sinh nhiều chi phí. Bây giờ nhờ có TMĐT đã chuyển đổi hình thức giao dịch. Sản phẩm niêm yết lên sàn với thông tin minh bạch, rõ ràng, khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể tìm hiểu về sản phẩm. Cùng với đó là các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, trở thành kênh tương tác kết nối giao thương toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với phương thức truyền thống. Qua đây, chúng tôi có thể trao đổi, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài mà không mất bất kỳ khoản chi phí trung gian nào” - anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe chia sẻ.

Lợi thế của TMĐT đó là tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng với chi phí thấp hơn nhiều so với giao dịch truyền thống. Theo anh Nguyễn Hoàng Đạt, chắc chắn đây sẽ là kênh mua bán thay thế phương thức mua bán truyền thống trong tương lai. Điều quan trọng DN cần chủ động thích nghi bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh để khai thác thị trường đầy tiềm năng này.

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh TMĐT không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực phát triển kinh tế. Vì thế, việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, TMĐT không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế bắt buộc giúp các DN tồn tại và phát triển. Theo các chuyên gia, năm 2021, TMĐT sẽ là cơ hội để DN bứt phá, tạo ra những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, uy tín. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30-35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.

Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận thị trường nhờ TMĐT, năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ 10 DN, HTX trong tỉnh xây dựng website tham gia sàn TMĐT để quảng bá bán hàng. Khi DN chuyển sang các hình thức mua bán trực tuyến là điều kiện thuận lợi để tỉnh chuyển dần sang nền kinh tế số trên tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập443
  • Hôm nay17,045
  • Tháng hiện tại4,460,703
  • Tổng lượt truy cập109,582,965

Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu

[ĐCSVN] - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã trở thành động lực cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.

Ảnh minh họa [Ảnh: S.T]

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam [TMĐT] ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.

Mặc dù gặp những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử. Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến [số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người].

Đồng thời với đó, TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

TMĐT xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...

TMĐT xuyên biên giới từ lâu đã là phương thức phổ biến ở nhiều quốc gia. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Tại các thị trường EU, số liệu thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, doanh số TMĐTXBG của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu. Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu TMĐT xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá từ thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%.

Tỷ trọng TMĐT xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu [27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020]. Doanh thu TMĐT giữa các công ty và người tiêu dùng [B2C] toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

TMĐT xuyên biên giới ở Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng TMĐT quốc tế. Doanh nghiệp làm TMĐTXBG cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng TMĐT của nước sở tại.

Nhận thấy những tiềm năng của kênh TMĐTXBG, ngay trong vụ vải thiều Bắc Giang năm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel [Viettel Post] và sàn TMĐT Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT của Việt Nam – Voso Global. Có thể coi đây là một bước đi đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu qua TMĐT xuyên biên giới.

Phát huy những kết quả tích cực đó, tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua TMĐT xuyên biên giới theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, trong khuôn khổ chương trình hợp tác cấp Chính phủ về thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như Sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com, Vinanutrifood, Tổng công ty Bưu chính Viettel [Viettel Post], VP Bank, Visa… để tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com. Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu triển khai qua phương thức TMĐT xuyên biên giới.

Thông qua các kênh phân phối quy mô lớn có sự phối hợp, hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ của JD và các đối tác, hàng hoá do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được phân phối qua kênh chính thức, uy tín này tại thị trường Trung Quốc. Thương hiệu của doanh nghiệp tham gia các chương trình sẽ được hỗ trợ quảng bá ngay tại thị trường nước nhập khẩu, điều mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể làm được. Điều quan trọng nữa là hoạt động này không chỉ thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm của doanh nghiệp mà còn gián tiếp giúp thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu lớn ở nước sở tại.

Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, của luật pháp tại nước nhập khẩu đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu. Phương thức này một mặt sẽ giúp giảm chi phí doanh nghiệp mặt khác giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối, giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: “TMĐT xuyên biên giới là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm TMĐT xuyên biên giới cần thời gian và quyết tâm. Tuy nhiên với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành Trung ương, địa phương, chúng tôi hy vọng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả”.

A.N

Video liên quan

Chủ Đề