Vai trò vị trí của Biển Đông trong sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ tổ quốc

Việt Nam là quốc gia ven biển với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Đối với Việt Nam, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử, hiện tại và cả tương lai. Công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình trong nước, khu vực, quốc tế và xu thế của thời đại, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Trong đó, Đảng đã xác định quan điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển, đảo hiện nay.
Những năm qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quân và dân ta triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Đại hội XIII đã khẳng định, chúng ta đã: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc trên biển, trên không và trên bộ; hợp tác quốc tế về biển, đảo được tăng cường, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước”. Hiện nay, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực của ta trên các vùng biển, đảo đã tăng lên nhiều. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh hơn. Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có đủ các lực lượng cơ bản, được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Trên mặt trận chính trị - đối ngoại, chính sách của Việt Nam ở Biển Đông đã vận dụng thành công chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Chúng ta đã giữ vững các đảo, điểm đóng quân, các bãi cạn không người... Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện cơ bản chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh; xử lý kịp thời các tình huống trên biển, bảo đảm giữ vững được chủ quyền, mối quan hệ và môi trường hòa bình trên biển. Để có được những kết quả như trên, một trong những nguyên nhân, điều kiện quan trọng, tiên quyết chính là vì chúng ta đã đề ra được những quan điểm, đường lối đúng đắn trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, xử lý kịp thời các tranh chấp trên biển Đông. Có thể thấy rằng, sau 35 năm đổi mới, hệ thống quan điểm của Đảng ta về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua các văn kiện của mỗi kỳ Đại hội Đảng. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Trong đó, Đảng đã xác định quan điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề trên biển hiện nay.

Thứ nhất là “thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Việt Nam là một quốc gia ven biển, vùng biển của nước ta có diện tích gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Đông. Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Vùng biển của chúng ta còn là vùng biển “giàu có” với các tài nguyên, khoáng sản quan trọng như dầu khí, than, sắt, titan, muối..  và hàng triệu tấn thủy sản. Chúng ta có đường bờ biển dài và đẹp, sinh vật biển phong phú, đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Đối với hoạt động an ninh, quốc phòng, biển nước ta như mặt tiền, cửa ngõ quốc gia; biển làm tăng chiều sâu phòng thủ hướng ra biển, củng cố tuyến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.


Thứ hai là "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước". Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. Kiên quyết thể hiện quyết tâm dứt khoát, sự đồng thuận cao hơn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước; kiên quyết giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia - dân tộc, với quyết tâm cao nhất. Chúng ta xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ ba, Việt Nam “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”. Với mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chúng ta không đi với nước này để chống lại nước kia; không thụ động chịu tác động hay sự lôi kéo của bất cứ nước lớn nào, nhất là tránh việc trở thành con bài trong tay các nước lớn. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.
Thứ tư, “Duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982”. Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chủ quyền đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập.
Thứ năm, “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là tại địa bàn chiến lược, vùng đặc biện khó khăn, biên giới, hải đảo”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.  Chúng ta tập trung phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tư tưởng này được hình thành dựa trên kinh nghiệm quốc tế, dự báo tình hình trong nước và trên thế giới, thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại. Các thành tựu ta đạt được trong thời gian qua đã cho thấy sự vận dụng đúng đắn quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tiếp nối truyền thống và trách nhiệm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Mục tiêu mà Đảng ta luôn hướng tới trong giải quyết các tranh chấp trên vùng biển, đảo là duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết các tranh chấp theo đúng đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước dựa trên cơ sở phát huy nội lực và sức mạnh tổng hợp của cả quốc gia. Việc nắm vững, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, đường lối của Đảng đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên.

 Từ khóa: thời kỳ, cơ sở, khu vực, nhất quán, xu thế, khẳng định, tổ quốc, nhiệm vụ, tiếp tục, phát triển, đánh giá, cơ bản, quốc tế, bảo vệ, xác định, quan điểm, tình hình, bổ sung, biện pháp, quốc phòng, thời đại

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUMGiấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020

Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Địa chỉ: 236 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum

Điện thoại: 0260.3862301


Fax: 0260. 3865464Email:

Website: ////tuyengiaokontum.org.vn/

Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

0:00/ 0:00

Giọng nam

  • Giọng nam

[ĐCSVN] - Lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của một Đại hội, kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy được xác lập.

Đại hội Đảng lần thứ XIII là sự kiện chính trị hàng đầu của Việt Nam.

Báo cáo chính trị Đại hội XII, Phần phương hướng nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, Đảng ta xác định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Chủ động phòng ngừa phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Đến Đại hội XIII kế sách này được bổ sung phát triển: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển. Giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển”.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương VIII khóa XI, kế sách này được xác lập trong Nghị quyết của Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là kết quả của bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về quốc phòng an ninh, đối tác đối tượng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kế sách này là sự kế thừa bài học “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình mới. Kế sách này được hình thành trên cơ sở nhận định, đánh giá dự báo đúng tình hình, cục diện và các xu hướng vận động phát triển của thế giới, khu vực, trong nước; gắn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc với xây dựng, đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước.

Kế sách này vừa là quan điểm chỉ đạo cơ bản vừa là phương thức hành động tối ưu để chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình từ sớm, từ xa. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; là trách nhiệm chính trị, là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Do đó công tác tư tưởng – công tác có tầm quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng của ba hình thái hay ba bộ phận cấu thành của công tác tư tưởng đó là công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống các công cụ, phương tiện hay các “binh chủng” của công tác tư tưởng đó là Hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị, Hệ thống các học viện, các trường chính trị, Hệ thống các khoa Mác-Lênin của các trường đại học, cao đẳng; Hệ thống báo chí, xuất bản phát hành; Hệ thống các trung tâm nghiên cứu, dự báo và định hướng dư luận xã hội; Hệ thống các công cụ tuyên truyền giáo dục trực quan… để truyền bá sâu rộng đường lối chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa thành nhận thức sâu sắc, niềm tin vững chắc, trách nhiệm chính trị cao, hành động chủ động tích cực tự giác của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên này.

Để làm tròn trọng trách trên, công tác tư tưởng cần tập trung làm tốt những việc chủ yếu sau:

1- Các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Trung ương, quân đội, công an và Bộ ngoại giao cần phối hợp tiến hành tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương VIII khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới rất coi trọng tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, từ sớm, từ xa. Giữ nước từ khi nước chưa nguy; gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu sự vận động của tình hình cục diện cùng các xu hướng vận động của thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; khu vực Asean, Biển Đông, phân tích kỹ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Trung Quốc - Ấn Độ; cập nhật chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraina để chỉ rõ những tác động đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Trên cơ sở đó chuẩn bị các luận cứ khoa học cho Đảng ta để hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc nhất là kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc trong thời bình từ sớm, từ xa; tập trung phát triển hoàn thiện lý luận bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy trong tình hình mới.

2- Do tính chất tối mật của Nghị quyết Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cho nên rất cần biên soạn một tài liệu hay một đề cương giáo dục tuyên truyền công khai về chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy. Đề cương tuyên truyền này phải được thể hiện như một giáo trình chuẩn. Trên cơ sở của đề cương này, các giảng viên lý luận chính trị có thể biên soạn thành các giáo trình để giảng dạy cho các đối tượng cụ thể trong 5 đối tượng giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh. Là cơ sở cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên xây dựng đề cương tuyên truyền miệng, là cơ sở cho các cơ quan báo chí xây dựng hệ thống tin bài cho chuyên trang, chuyên mục quốc phòng, an ninh. Là định hướng cho văn nghệ sỹ đi vào thực tiễn của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, từ sớm từ xa để tìm cảm hứng sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

3- Đề cương tuyên truyền giáo dục công khai này có thể cần tập trung trình bày những vấn đề chủ yếu sau:

-Tình hình, cục diện của thế giới, khu vực châu Á, Asean, biển Đông. Phân tích các xu hướng vận động chủ yếu sau: Xu hướng toàn cầu hóa đang có những cản trở và phải điều chỉnh bởi chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy… Xu hướng từ đơn cực đang chuyển sang đa cực đa trung tâm. Xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh, trong đó mặt cạnh tranh đậm nét hơn, toàn diện hơn, phức tạp hơn, quyết liệt hơn. Đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang trở thành mặt chủ đạo trong một số cặp quan hệ nước lớn như Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Trung - Ấn. Trong các cặp này cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung là cuộc cạnh tranh chiến lược tiêu biểu giữa một cường quốc mới “trỗi dậy” và một cường quốc đang “tại vị”. Cuộc cạnh tranh này ngày càng gay gắt và quyết liệt tác động rất tiêu cực đến kinh tế, chính trị, an ninh toàn thế giới nhất là đối với khu vực châu Á, Thái Bình Dương, biển Đông. Cho nên tạo nhiều thách thức mới khó lường đối với khu vực này trong đó có Việt Nam. Trào lưu dân túy và xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng nhất là ở Mỹ và châu Âu đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cơ chế đa phương.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ vài thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng. Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, tác động sâu rộng, đưa tới những chuyển biến sâu sắc về mọi mặt như cơ cấu và phương thức sản xuất kinh doanh, sự vận hành của hệ thống tài chính tiền tệ, cơ cấu và chất lượng lao động, phương cách làm việc và lối sống của con người, phương thức học tập, chữa bệnh, phương tiện và phương thức bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Với vị trí địa lý chính trị rất quan trọng của Việt Nam tại châu Á – Thái Bình Dương đang thu hút sự cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với sự can dự của các nước lớn khác. Biển Đông trở thành tiêu điểm của cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, không loại trừ xảy ra va chạm quân sự đặt ra rất nhiều thách thức lớn và mới trong việc giữ vững độc lập tự chủ và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Trên cơ sở trình bày tình hình, cục diện thế giới, khu vực cùng với các xu hướng trên, đề cương cần phân tích rõ những thuận lợi nhất là những thách thức đối với nhiệm vụ chiến lược quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

-Sự đổi mới mạnh mẽ, khách quan toàn diện về vấn đề đối tác, đối tượng.

+ Trình bày ý nghĩa của đổi mới tư duy từ phân định bạn – thù sang đối tác – đối tượng.

+ Phân tích các phương châm chỉ đạo trong xác định đối tác - đối tượng: Trên tinh thần thêm bạn, bớt thù, phân hóa, cô lập các thế lực thù địch chống đối ta, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới xác định một số phương châm chỉ đạo trong xác định đối tác đối tượng: Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn; không nên xác định cả một quốc gia là đối tượng đấu tranh mà chỉ nên nói các thế lực thù địch hoặc một số người trong giới cầm quyền ở một số nước nào đó có hành động cực đoan, hiếu chiến chống đối ta hay các cơ quan tình báo nước ngoài có hoạt động phương hại đến an ninh quốc gia của ta. Không có đối tác vĩnh viễn, song phải xác định được những đối tác chiến lược lâu dài, nhất quán nhằm khai thác triệt để mặt đối tác đảm bảo lợi ích lâu dài và chắc chắn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Làm rõ nội hàm của “Đối tác – Đối tượng”. Đối tác là những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác hòa bình cùng có lợi với Việt Nam. Đối tượng là bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cần nhấn mạnh: Trong tình hình diễn biến rất nhanh và phức tạp hiện nay cần có cách nhìn biện chứng trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác. Trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt mâu thuẫn với lợi ích của ta. Do đó cần khắc phục hai khuynh hướng mơ hồ mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể.

-Phân tích mục tiêu, nội hàm của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với 6 nội dung có quan hệ chặt chẽ với nhau.

+ Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời vùng biển của Tổ quốc Việt Nam.

+ Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

+ Bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

+ Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.

+ Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự toàn xã hội và nền văn hóa.

+ Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Những nội dung chủ yếu của bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tổng thể tư tưởng và hành động của Đảng, nhà nước và nhân dân ta chủ động diễn ra từ trước nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu những âm mưu hành động chống phá chế độ, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc, không để Tổ quốc bị động bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa gồm nhiều nội dung, cần tập trung phân tích những nội dung chủ yếu sau:

+ Chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu vì chủ động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích dự báo chính xác kịp thời cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh đối ngoại bảo vệ Tổ quốc. Tình hình thế giới, khu vực hiện nay đang diễn ra mau lẹ và phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn, khó dự báo đòi hỏi phải nâng cao năng lực xử lý thông tin, dự báo, tham mưu chiến lược, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

+ Chủ động xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững mạnh. Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, kinh tế, quân sự, khoa học – công nghệ, đối ngoại vững mạnh.

Xây dựng lực lượng vũ trang: Xây dựng quân đội nhân dân công án nhân dân cách mạng chính quy tinh nhuệ hiện đại. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu chất lượng ngày càng cao. Xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh rộng khắp, có số lượng phù hợp, coi trọng lực lượng dân quân tự vệ biển và dân quân tự vệ các địa bàn trọng điểm. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân.

+ Phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc “Từ sớm, từ xa”: Nhằm động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị. Tinh thần, tư tưởng – văn hóa, quốc phòng an ninh, kinh tế, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị. Kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới và nâng cao uy tín và vị thế của đất nước.

+ Phương thức bảo vệ Tổ quốc “Từ sớm, từ xa”:

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm nghĩa là về thời gian phải bảo vệ từ trước, phải chủ động phòng ngừa, tích cực chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình, khi đất nước chưa có chiến tranh, nguy biến.

Bảo vệ Tổ quốc từ xa nghĩa là về không gian phải chủ động bảo vệ từ bên ngoài lãnh thổ của đất nước.

Phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa phải được chủ động tiến hành, lấy phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, xung đột là chính. Phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa là chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh không chỉ ngăn chặn chiến tranh xâm lược từ bên ngoài mà còn phải phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến, đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

+ Đẩy mạnh công tác đối ngoại góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đối ngoại giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Do đó cần phải phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước, Đối ngoại nhân dân, Đối ngoại quốc phòng, an ninh.

Quán triệt và thực hiện tốt các nội dung trên chính là thực hiện hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình, từ sớm từ xa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc mà không phải tiến hành chiến tranh.

Chúng tôi mạnh dạn gợi mở đề cương chi tiết trên đây để các cơ quan có trách nhiệm tham khảo sớm biên soạn hệ thống tài liệu về Bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh để hướng dẫn, tổ chức tốt việc học tập quán triệt chuyên đề này cho phù hợp từng cấp từng ngành, từng địa phương, từng đối tượng. Hội đồng giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng Trung ương rất cần tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề này cho đội ngũ báo cáo viên Trung ương, cán bộ lãnh đạo và các phóng viên chuyên trách về quốc phòng an ninh cùng lớp các văn nghệ sỹ trẻ tiêu biểu.

4-Gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII, các cấp các ngành các địa phương đơn vị, sau khi học tập quán triệt tài liệu chuyên đề này xây dựng chương trình hành động cách mạng thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa để kịp thời phát hiện những nhân tố mới những điển hình tiên tiến để tuyên truyền lan tỏa, nhân rộng phong trào hành động cách mạng bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa.

5- Ban chỉ đạo chống diễn biến hòa bình bảo vệ nền tảng tư tưởng các cấp cần nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động đấu tranh phản bác các luận điểm luận điệu sai trái phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

6-Công tác tư tưởng có trọng trách là góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Do đó công tác tư tưởng phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, tập trung triển khai các hoạt động góp phần trực tiếp vào thực hiện có hiệu quả 4 giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ngăn chặn và đẩy lùi “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, ngăn chặn đẩy lùi quốc nạn tham nhũng, lãng phí góp phần trực tiếp xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đảng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt đối với chiến lược quốc phòng an ninh bảo vệ Tổ quốc là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến lược Bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình, từ sớm, từ xa. Giữ nước từ khi nước chưa nguy./.

PGS.TS Đào Duy Quát
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Bài 3: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ trong quá trình thanh tra, kiểm tra
  • Cách mạng Tháng Tám cổ vũ chúng ta đi tới!
  • Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân
  • Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
  • Cán bộ luân chuyển phải có 3 công: Công khai, công tâm và công bằng
  • Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh
  • 55 năm ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

Video liên quan

Chủ Đề