Ví dụ về thực thi chính sách công

Hội thảo về Quy trình chính sách ở Việt Nam do Học viện Hành chính quốc gia tổ chức tháng 3/2015. Ảnh: internet

1. Những bất cập trong quá trình hoạch định chính sách

Một là, đời sống kinh tế – xã hội đang còn nhiều vấn đề bức thiết đặt ra nhưng chưa có sự tác động bởi chính sách của Nhà nước, từ đó tạo ra các khoảng trống trong hoạt động quản lý. Ví dụ, kết quả báo cáo sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành nghề ở khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy, khu vực doanh nghiệp nhà nước có kết quả kinh doanh tốt hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo cáo lỗ nhiều hơn là lãi và thực tế hiện nay mới chỉ có một thông tư của Bộ Tài chính quy định về vấn đề chuyển giá.

Hai là, các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được thay đổi; trong một số lĩnh vực có nhiều quy định thay đổi liên tục. Ví dụ, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, từ 2005 đến nay đã có 4 luật về đầu tư, 48 nghị định của Chính phủ về đầu tư, 132 thông tư của các bộ, ngành và 362 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng các bộ liên quan đến vấn đề này. Vấn đề chính sách vận động không ngừng và thay đổi theo thời gian, môi trường, vì thế các chính sách đưa ra cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nhưng việc thay đổi liên tục các chính sách này có thể gây khó khăn cho đối tượng thực thi và các đối tượng mà chính sách hướng tới. Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, các văn bản pháp luật và chính sách thay đổi liên tục sẽ tạo ra tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp, làm hạn chế nguồn đầu tư vào Việt Nam.

Ba là, một số chính sách được ban hành nhưng vì những lý do khác nhau đã không có hiệu lực trên thực tế. Ví dụ như quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng. Những chính sách như vậy được ban hành đã phản ánh nỗ lực của Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội; tuy nhiên, khi đưa ra những chính sách này, các nhà hoạch định chưa xem xét đến khả năng thực hiện của chúng và cơ chế để đảm bảo các chế tài được thực hiện một cách nghiêm túc. Vì vậy, mặc dù có mục tiêu rất tốt nhưng các  chính sách này không có khả năng để đảm bảo được thực hiện.

Bốn là, nhiều chính sách còn thiếu tính hợp lý. Một trong những yêu cầu quan trọng của chính sách “tốt” là phải có tính hợp lý, nếu không thì dù chính sách có được hoạch định theo đúng trình tự, thủ tục và mục tiêu, biện pháp có tốt đến đâu cũng không được đảm bảo thực hiện khi tổ chức thực thi trên thực tế. Chính sách được ban hành là để giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, bảo đảm quyền lợi cho cộng đồng, nhưng nếu thiếu tính thực tế sẽ không áp dụng được. Chính sách thiếu tính hợp lý vừa gây tốn kém cho Nhà nước khi nghiên cứu, ban hành, vừa gây ra tâm lý bất ổn trong nhân dân. Ví dụ, Nhà nước quy định cộng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho những người là con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945 hay cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học… Những quy định này ngay sau khi được ban hành đã bị dư luận xã hội phản ứng nên buộc phải sửa đổi hoặc loại bỏ.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách tuy được thực thi trên thực tế nhưng kém hiệu quả. Ví dụ, trong giai đoạn 2 của chính sách xóa đói giảm nghèo, Nhà nước đã chi ra một khoản kinh phí rất lớn, song chỉ có 6% số xã thoát nghèo, nhiều xã tỉ lệ nghèo còn cao và có khả năng tái nghèo. Một số chính sách được ban hành còn chưa bảo đảm sự công bằng, đặc biệt là ngân sách phân bổ cho lĩnh vực y tế và an sinh xã hội. Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở Trung ương và cấp tỉnh, trong khi người nghèo tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì lại chưa được đầu tư thỏa đáng…

2. Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong quá trình hoạch định chính sách

Một là, hạn chế trong tổ chức bộ máy hoạch định chính sách.

Trình tự ban hành chính sách được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, trong đó quy định các bước tiến hành, nhưng thực tế cho thấy còn rất nhiều hạn chế trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc ban hành chính sách. Sự phối hợp giữa các bộ với địa phương còn lỏng lẻo và không có một cơ chế rõ ràng trong quá trình hoạch định dẫn đến thông tin được cung cấp không đầy đủ và thiếu chính xác.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trong quá trình thiết kế chính sách còn rời rạc, chưa chặt chẽ. Ví dụ, có đến 95% sáng kiến pháp luật là do Chính phủ đề xuất, song theo thể chế hiện hành, hoạt động giữa Chính phủ và Quốc hội còn có sự tách rời, đôi khi là biệt lập với nhau.

Hai là, năng lực hoạch định chính sách của đội ngũ công chức còn yếu.

Đội ngũ hoạch định chính sách ở nước ta còn yếu và thiếu, chưa có đủ năng lực thực tế. Rất nhiều chính sách ban hành chỉ giải quyết các triệu chứng của vấn đề chứ chưa khắc phục được nguyên nhân, thậm chí còn làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, nhiều chính sách không tính đến các tác động ngược chiều. Ví dụ, bên cạnh những thành công và kết quả đáng kể thì chính sách khai hoang, xây dựng kinh tế mới đã vô tình làm cho tình trạng tàn phá rừng trở nên nghiêm trọng; hoặc chính sách cải cách giáo dục làm cho việc học trở nên quá tải với học sinh và làm gia tăng tình trạng dạy thêm, học thêm…

Ba là, thiếu sự tham gia của người dân và các nhóm lợi ích trong quá trình hình thành chính sách.

Chính sách là công cụ quản lý của Nhà nước, được ban hành để giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội. Mỗi chính sách khi ban hành sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhóm người khác nhau theo hướng làm tăng chi phí [hoặc lợi ích] của mỗi nhóm. Vì vậy, mỗi nhóm lợi ích, đặc biệt là các nhóm đặc thù đều mong muốn có sự tác động vào quá trình hoạch định chính sách theo hướng có lợi cho tổ chức mình. Tuy nhiên, quá trình hoạch định chính sách hiện nay còn thiếu sự tham gia của các nhóm lợi ích, hoặc nếu có thì sự tham gia mang nặng tính hình thức dẫn đến chính sách khi ban hành có mục tiêu không phù hợp và thiếu tính khả thi.

Bốn là, thiếu kênh thông tin đối thoại giữa Chính phủ với các tổ chức, cá nhân.

 Quá trình hoạch định chính sách công hiện nay chưa tạo được kênh thông tin tốt nhất để tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách. Trong khi đó, chính sách không thể là ý muốn chủ quan của cơ quan nhà nước, càng không phải là ý chí áp đặt của cá nhân người có thẩm quyền mà xuất phát từ hiện thực khách quan, từ việc tìm kiếm, phát hiện, nhận thức một cách biện chứng các vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội và có các phương án giải quyết phù hợp với thực tế. Quá trình đó đòi hỏi sự đóng góp tích cực từ phía người dân, đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách công ở Việt Nam

Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách.

Hiện nay, việc tham gia đề xuất ý tưởng hoạch định chính sách hoặc đóng góp vào xây dựng các phương án, biện pháp chính sách của các đối tượng chịu tác động bởi chính sách còn nhiều hạn chế. Không nhiều chính sách công được ban hành xuất phát từ ý tưởng của những đối tượng bị chính sách chi phối, ảnh hưởng và các biện pháp thực hiện chính sách do những nhà quản lý xây dựng nên nhiều chính sách không có tính khả thi và khó thực hiện. Do vậy, cần phải tăng cường sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân và coi đây là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình hoạch định chính sách, tạo điều kiện để mọi người dân nắm được thông tin và đóng góp vào các dự thảo chính sách liên quan trực tiếp đến mình.

Thứ hai, tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các nhóm lợi ích, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Hiện nay, việc phối hợp giữa các tổ chức với cơ quan nhà nước còn khá rời rạc. Thông thường, khi có dự thảo chính sách, các cơ quan nhà nước mới gửi cho các bên có liên quan [trong đó có các tổ chức có lợi ích liên quan]. Vì thế, ý kiến của các nhóm lợi ích thường ở thế bị động. Do đó, cần tạo ra kênh đối thoại, trao đổi thường xuyên giữa các nhóm lợi ích và Nhà nước để các ý kiến, nguyện vọng của các nhóm lợi ích được truyền tải một cách nhanh nhất đến các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba, hình thành nhóm nghiên cứu và thiết kế chính sách.

 Cần xem xét hình thành nhóm nghiên cứu riêng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thủ tướng Chính phủ, được tuyển chọn từ các chuyên viên, công chức trẻ, có trình độ từ các bộ, ngành để tham gia, lồng ghép ý tưởng. Nhóm này có trách nhiệm xây dựng chính sách của Chính phủ, thường xuyên có tương tác hai chiều với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan thực thi chính sách.

Thứ tư, thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan xây dựng chính sách.

 Việc hoạch định các chính sách hiện nay còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, thường chỉ là bản liệt kê các chính sách mà thiếu kế hoạch hành động cụ thể. Mỗi bộ, ngành có nhiều kế hoạch nhưng lại không xác định được lĩnh vực ưu tiên. Do đó, để xây dựng chính sách một cách toàn diện nhất, cần xây dựng các quy định phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành. Đồng thời, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan một cách cụ thể hơn.

Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế, mỗi chính sách khi ban hành đều có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và của người dân. Do đó, hoàn thiện quá trình hoạch định nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của chính sách là một yêu cầu quan trọng đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành phải nỗ lực để tạo ra những chính sách tốt cho xã hội./.

ThS. Phùng Thị Phương Thảo - Học  viện Hành chính quốc gia

-----------------------

Tài liệu tham khảo:

1] Giáo trình Hoạch định và Phân tích chính sách, Học viện Hành chính Quốc gia, Nxb Khoa học kỹ thuật, H.2008.

2. Nguyễn Hữu Hải - Lê Văn Hòa, Đại cương về Chính sách công, Nxb CTQG, H.2013.

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề