Vì sao cần dạy học trải nghiệm

Giáo dục trải nghiệm là gì?

Theo Hiệp hội Giáo dục trải nghiệm quốc tế thì Giáo dục trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kỹ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Người dạy ở đây có thể là: giáo viên, tình nguyện viên, hướng dẫn viên, huấn luyện viên, bác sỹ tâm lý... Nó nói lên tính đơn giản, đa dạng, phổ biến và ứng dụng của “Giáo dục trải nghiệm”.

Người học sẽ huy động một cách toàn diện về trí tuệ, cảm xúc, thể chất, kỹ năng và các quan hệ xã hội của bản thân trong quá trình tham gia; yêu cầu người học phải sáng tạo, tự chủ, tự ra quyết định và thỏa mãn với kết quả đạt được.

Thông qua Giáo dục trải nghiệm, người học được tham gia tích cực vào việc: đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề, tự chịu trách nhiệm. Kết quả của trải nghiệm không quan trọng bằng quá trình thực hiện và những điều học được từ trải nghiệm đó, tạo cơ sở nền tảng cho việc học và trải nghiệm của cá nhân đó trong tương lai.

Một số kỹ thuật dạy - học qua trải nghiệm

Quy trình dạy - học qua trải nghiệm được thể hiện bằng “Vòng tuần hoàn” theo mô hình 5 bước khép kín như dưới đây:

GV điều hành lớp; HS thảo luận nhóm, làm bài tập, đóng vai, trò chơi mô phỏng...; HS thông báo kết quả, cảm tưởng, phản ứng và phát hiện ra cách giải quyết vấn đề; HS và GV cùng nhau phân tích theo hướng: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao..; GV khái quát hóa kiến thức và đúc kết bài học và những hướng vận dụng kiến thức vào thực tế.

Các hình thức thường vận dụng trong dạy học trải nghiệm là:

Thảo luận nhóm: Nhiệm vụ cụ thể của GV là giúp đỡ, dẫn dắt HS, làm nảy sinh tri thức ở HS. Trong một bài học,GV chỉ nêu ra các tình huống, học sinh được đặt trong các tình huống ấy sẽ cảm thấy có vài vấn đề cần giải quyết.Các em phải tự tìm ra các phương pháp có thể hy vọng giải quyết vấn đề, và cuối cùng phải tìm ra một phương pháp tối ưu. Sau đó HS thảo luận, trao đổi với nhau và đi đến các kết luận phù hợp với ý đồ của giáo viên, hoặc tài liệu.

Nghiên cứu tình huống: Có nhiều cách dạy học bằng tình huống: có thể dùng các bài đọc ( sách, báo) làm các ví dụ minh họa và mở rộng vấn đề cho từng đề mục lý thuyết.; dùng vài tình huống lớn để giảng dạy

Đóng vai, trò chơi: GV hướng dẫn học sinh đóng vai hoặc tham gia một số trò chơi để giải quyết một số tình huống thực tế.

Học tập từ thực tế: Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát thực tế, ghi chép các vấn đề có liên quan đến nội dung học tập, sau đó trao đổi, chia sẻ với bạn và giáo viên để đi đến kết luận.

Tất nhiên tùy tính chất của môn học và qui mô của lớp học mà chúng ta có thể sử dụng các kỹ thuật nêu trên một cách linh hoạt và hiệu quả.

Những điều kiện cần thiết để tổ chức dạy - học theo hướng trải nghiệm

Thứ nhất,cần có đủ điều kiện và phương tiện giảng dạy tiến tiến trang thiết bị hiện đại như phòng thí nghiệm, phương tiện nghe nhìn, học cụ, thư viện với đầy đủ tài liệu

Thứ hai, qui mô lớp học phải hợp lý, không quá đông học sinh, đảm bảo để giáo viên có thể quán xuyến, theo dõi, hỗ trợ học sinh một cách tốt nhất.

Thứ ba, cần có sự thay đổi của giáo viên. bản thân mỗi giáo viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, có vốn hiểu biết và kỹ năng giải quyết các thắc mắc của học sinh này sinh trong quá trình học tập thực tế.

Tác dụng của dạy- học trải nghiệm

Phương pháp buộc học sinh phải sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi...), tăng khả năng lưu giữ những điều đã học được lâu hơn; có thể tối đa hóa khả năng sáng tạo, tính năng động và thích ứng của người học.

Việc trải qua quá trình khám phá kiến thức và tìm giải pháp giúp phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin; việc học cũng trở nên thú vị hơn với học sinh và việc dạy trở nên thú vị hơn với giáo viên.

Khi chủ động tham gia tích cực vào quá trình học, học sinh được rèn luyện về tính kỷ luật. Học sinh cũng có thể học các kỹ năng sống mà được sử dụng lặp đi lặp lại qua các bài tập, hoạt động, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng đó vào thực tế.

Với phương pháp học thông qua trải nghiệm luyện được cho học sinh cả về kiến thức và kĩ năng học tập, tìm tòi, phân tích và áp dụng thực tiễn. Nhờ vậy, các em sẽ có được một kho tàng kiến thức vững chắc, trang bị cho bản thân kĩ năng xã hội một cách toàn diện.

LTS: Trước những bất cập, yếu kém của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Đỗ Tấn Ngọc đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục lần đầu tiên được xuất hiện là một chương trình độc lập, được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Ở cấp tiểu học, gọi là hoạt động trải nghiệm. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Nội dung chương trình ở tiểu học tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình.

Ở trung học cơ sở, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp.

Ở trung học phổ thông, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp.

Các em có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp, được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Vì sao cần dạy học trải nghiệm
Hoạt động trải nghiệm chương trình phổ thông mới (Ảnh minh họa: Thanh Hùng).

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên thì để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đầy đủ trong các nhà trường thì kết quả giáo dục trong hoạt động trải nghiệm phải được xem là một tiêu chí xếp loại học sinh, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học.

Hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm với nhiều nội dung và quy mô khác nhau, bởi vậy, tùy theo cách tổ chức để huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Nhà trường cũng cần tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương... cho các hoạt động giáo dục này.

Về cơ bản thì nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lần này không khác mấy so với hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp được tổ chức thực hiện trong nhà trường phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 như hiện nay, với thời lượng 3 tiết/tháng.

Thế nhưng, vừa ra đời, hai hoạt động này đã nảy sinh nhiều bất cập, hầu hết các trường trung học phổ thông ở mọi tỉnh thành đều bị động, bối rối và gặp vô vàn khó khăn.

Vì sao cần dạy học trải nghiệm
Tôi rất băn khoăn về việc dạy hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học

Trước hết, tất cả giáo viên ở trường phổ thông không ai được đào tạo để giảng dạy hai hoạt động này, thế nên, các trường mỗi nơi làm một kiểu.

Có trường thì giao, khoán thẳng cho giáo viên chủ nhiệm lớp từ khâu soạn giáo án đến giảng dạy.

Có trường thì thành lập ra một, vài ban chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ, dưới hình thức tập trung. Thậm chí, một số trường bỏ hẳn hoặc cắt xén nội dung, thời lượng của hướng nghiệp và ngoài giờ lên lớp.

Hiện nay, không có giáo viên chuyên trách dạy 2 hoạt động này, nên chủ yếu các giáo viên dạy kiêm nhiệm.

Bao nhiêu năm qua, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên kiêm nhiệm cũng diễn ra hết sức sơ sài, hình thức. Do cách làm như thế tạo thêm nỗi lo, áp lực nặng nề cho giáo viên, từ chủ nhiệm, đến giáo viên chuyên môn.

Hơn nữa, để làm tốt, ngoài yếu tố nhân lực thì hai hoạt động trên rất cần đến nguồn kinh phí, cơ sở vật chất. Nói đến hai từ "kinh phí", ban giám hiệu nào cũng đau đầu, nhức óc.

Ngoài chi trả thừa tiết cho giáo viên giảng dạy thì hai hoạt động trên cần đến kinh phí, trang thiết bị khác để đáp ứng được tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn của nó.

Phần lớn nguồn kinh phí cấp về cho nhà trường, chủ yếu để chi trả lương cán bộ, giáo viên, nhân viên, kinh phí còn lại chi cho các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường rất eo hẹp, khó khăn.

Vậy làm sao hai hoạt động này được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc?

Theo chủ trương, quy định của Bộ, kết quả của hai hoạt động chỉ tham gia vào quá trình xếp loại hạnh kiểm học sinh chứ không tính thành cơ số điểm như những môn học văn hóa khác.

Chỉ ở mức độ đó, nó không đủ sức ràng buộc học sinh phải nhiệt tình học tập. Không tính điểm dẫn đến tình trạng học sinh bỏ bê, xem thường môn học.

Mặt khác, tất cả học sinh phổ thông cũng chẳng có sách, tài liệu cho việc học tập, chuẩn bị hai hoạt động trên. Nghĩa là đều học “chay”.

Qua tìm hiểu ở các trường đang thực hiện, chúng tôi có đánh giá khái quát rằng: hiệu quả, chất lượng dạy và học ở hai hoạt động đó đạt rất thấp.

Do giáo viên bị "bắt cóc” lại phải chi phối nhiều công tác khác, nên việc giảng dạy của hầu hết thầy cô giáo chưa có tính thuyết phục cao.

Vì sao cần dạy học trải nghiệm
Dự thảo mới quy định trải nghiệm sáng tạo là hoạt động bắt buộc

Kéo theo đó, học sinh ngày càng chán nản, mệt mỏi, nhiều em tìm cách trốn học. Mỗi khi nhận thông báo hôm nay học hai môn này, cả lớp lại ồ lên tiếng than thở, tiếng đòi về....

Đã làm giáo viên bao nhiêu năm nay, chưa có hoạt động nào tôi thấy lại thất bại thảm hại như hai hoạt động này.

Thất bại là lẽ đương nhiên vì khâu chuẩn bị của cấp quản lí giáo dục còn quá sơ sài, chủ quan. Nhận thức, hiểu biết của thầy cô giáo về hoạt động đấy chưa có gì mà bắt dạy thì dạy sao được?

Chúng tôi cho rằng yếu tố nhân lực có tính quyết định đến chất lượng, hiểu quả khi giảng dạy môn mới.   

Về mặt lý thuyết, mục tiêu, yêu cầu của môn học trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình mới xem ra rất ổn. Song khi đi vào tổ chức thực hiện không hề dễ dàng, đơn giản chút nào.

Vì những bất cập, yếu kém của hai hoạt động gần giống nó đã, đang chết dở, sống dở từng ngày.

Muốn môn học này được cải thiện, thực chất, hiệu quả khi triển khai trong hai năm tới (triển khai đại trà từng cấp học) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ngay kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cấp tốc một số giáo viên, cán bộ quản lí  để họ đảm đương, đảm nhiệm được công việc.

Về lâu dài, chúng ta phải đào tạo bài bản từ hệ thống các trường sư phạm, thành những giáo viên chuyên trách, như những giáo viên các môn văn hóa.

Đồng thời, các trường cần có nguồn bổ sung kinh phí, cơ sở vật chất  đầy đủ để nhà trường, thầy cô yên tâm giảng dạy, thuận lợi tổ chức các hình thức, hoạt động…

Nếu không, ta cứ luôn miệng hô hào chống "dạy chay, học chay" mà thực sự ta không tạo điều kiện để nhà trường, giáo viên thì mọi cái cũng bằng không.

Bộ Giáo dục và Đào có biết cho chăng?

ĐỖ TẤN NGỌC