Vì sao trẻ em bị ung thư

Tại hội thảo ung thư nhi quốc gia lần thứ VII diễn ra chiều 13-11, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Lê Thanh Hải cho rằng, hiện các bệnh ung thư ở trẻ em tăng nhanh nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở điều trị ung thư nhi còn hạn chế, phần lớn trẻ nhập viện khi diễn tiến bệnh đã nặng nên tỷ lệ điều trị thành công không cao.

Dấu hiệu nhận biết Trên thế giới, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai ở trẻ thuộc các nước phát triển (chiếm khoảng 10-12,3%). Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện trên thế giới có khoảng 250.000 trẻ em đang bị ung thư. Riêng tại Việt Nam, số ca ung thư nhi mắc mới ước tính trong một năm ở trẻ dưới 19 tuổi là khoảng 4.200 trường hợp. Trẻ em bị ung thư ở một số bộ phận trên cơ thể giống như ở người lớn, trong đó loại ung thư thường gặp nhất là bệnh bạch cầu và u nguyên bào thần kinh.

Trẻ cần được khám, kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm những bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Dương Ngọc

Theo các nghiên cứu, bạch cầu là căn bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em, chủ yếu ở lứa tuổi 3-4 tuổi, chiếm tới 23% tỷ lệ ung thư được chẩn đoán ở trẻ dưới 15 tuổi. Các biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu, da xanh, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, đau xương, sốt thất thường, ra nhiều mồ hôi về đêm, nổi hạch nhiều hoặc hạch to thất thường, bụng chướng do gan, lách to, nhiễm trùng khó điều trị. Một số bệnh nhân có biểu hiện phì đại lợi, lồi mắt, tổn thương da. Nếu những triệu chứng này xuất hiện kéo dài vài ngày hoặc vài tuần thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc điều trị cho bệnh nhi ung thư máu phụ thuộc nhiều vào thể ung thư và thời gian phát hiện bệnh sớm hoặc muộn. Ở trẻ bị ung thư máu, người ta nhận thấy, có sự tăng sinh bất thường và ác tính trong quá trình tạo máu của thành phần bạch cầu gốc trong tủy xương. Hiện nay, một số yếu tố môi trường và di truyền có liên hệ với bệnh bạch cầu cấp đã được ghi nhận do môi trường, virus, tia phóng xạ, hóa chất, bất thường nhiễm sắc thể (trẻ bị hội chứng Down)… Cùng với bạch cầu, u nguyên bào thần kinh cũng là dạng ung thư phổ biến nhất trong năm đầu đời của trẻ. Qua nghiên cứu một số biến đổi di truyền trên bệnh nhân u nguyên bào thần kinh tại BV Nhi trung ương, Th.S Vũ Đình Quang, Khoa Di truyền và Sinh học Phân tử cho biết, 98% khối u tìm thấy ở trẻ dưới 6 tuổi. Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào vị trí u tiên phát, mức độ lan tỏa tại chỗ và di căn. Với khối u vùng bụng thường chiếm tỷ lệ từ 60 đến 65% kèm theo các triệu chứng như chướng bụng, nôn, kém ăn. Khi di căn phổ biến vào gan ở trẻ sơ sinh gây rối loạn chức năng gan, đông máu, chèn ép gây khó thở. Ở trẻ lớn, khi khối u di căn vào xương hoặc tủy xương sẽ gây đau xương, thiếu máu, lồi mắt… "U nguyên bào thần kinh là một loại u thường gặp ở trẻ em, dạng bẩm sinh (đột biến xảy ra trong quá trình mang thai). Trẻ còn nhỏ nhưng lại có triệu chứng đau lưng, đau xương... thêm vào đó là bụng to không bình thường thì cần đưa trẻ đi khám, bởi đây có thể là dấu hiệu của căn bệnh u nguyên bào thần kinh", Th.S Vũ Đình Quang cho biết.

Theo chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ung thư, 85% trẻ ung thư có dấu hiệu gợi ý như: Xuất hiện khối u hoặc sưng nề bất thường ở ổ bụng; sốt kéo dài không lý giải được; mệt mỏi, da xanh, sút cân nhanh; bị bầm tím và chảy máu không lý giải được; đau kéo dài không lý giải được, đau đầu kèm theo nôn; thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hoặc hành vi; đầu bị sưng nề; xuất hiện vệt sáng trắng ở mắt... Trẻ em có một trong những triệu chứng trên trong vài ngày hoặc vài tuần, cần đưa đi khám sớm để phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Chưa hết cơ hội cứu chữa Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, tỷ lệ bệnh ung thư gia tăng đang là thách thức lớn đối với ngành y tế. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mắc mới, trong đó có khoảng 70.000 người tử vong. Được biết, từ năm 2008, Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam kinh phí 6,7 triệu USD để triển khai Dự án ung thư nhi - Lund (giai đoạn 2008-2015). Ông Jacek Toproski - đại diện Dự án cho biết, trong khoảng 250.000 trẻ em đang mắc bệnh ung thư trên toàn thế giới thì có 50.000 trẻ ở các nước phát triển được chẩn đoán và có tỷ lệ sống sót là 80%. 200.000 trẻ còn lại chỉ có khoảng 25% sống sót. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, hơn 50% trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn và không được điều trị đầy đủ. Qua tìm hiểu về việc điều trị căn bệnh ung thư nhi ở Việt Nam cho thấy, cơ sở điều trị ung thư còn thiếu. Ngay tuyến trung ương mới có 4 bệnh viện có khả năng điều trị ung thư nhi. Đây là rào cản đối với bệnh nhi khi tiếp cận với các cơ sở y tế để điều trị bệnh. Chính vì vậy, số trẻ mắc ung thư được chẩn đoán còn sót, khi nhập viện điều trị đã muộn... Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Ung thư nhi Việt Nam cho rằng, các bệnh không nhiễm khuẩn, trong đó có ung thư ở trẻ em ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ em chưa được chú ý. "Ung thư ở trẻ em khác với người lớn ở cách điều trị nhưng nhờ sự tiến bộ của y học mà nhiều bệnh ung thư ở trẻ em đã chữa được. Chúng tôi xem đây là một bệnh hoàn toàn chữa được. Nếu bệnh được phát hiện càng sớm thì càng có cơ may được chữa khỏi và việc điều trị cũng đơn giản và ít tốn kém". GS.TS Nguyễn Công Khanh khẳng định.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Đau nhức xương, gãy xương khi ngã nhẹ,… có thể là một trong những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em. Nhiều ông bố, bà mẹ thường bỏ qua các dấu hiệu này mà không biết con mình đã mắc phải căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, thông qua bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn nhận biết sớm tình trạng để có hướng chữa trị hiệu quả.

1. Tìm hiểu về bệnh ung thư xương ở trẻ em là gì?

Ung thư xương là căn bệnh hiếm gặp, thường xảy ra vào thời điểm xương và sụn xương trưởng thành. Ngay tại vỏ xương hoặc vùng trung tâm của xương, các tế bào đột biến gen bắt đầu phát triển bất thường. Sau một thời gian, chúng hình thành nên khối u làm hủy hoại tất cả vùng xương ở nơi lưu trú. Trong đó xương bả vai, xương chậu và hai đầu xương chi dưới gần khớp gối là các vị trí xương dễ bị phá hủy nhất.

Không chỉ vậy, các khối u còn gây tổn thương các mô xung quanh. Vì vậy khi mắc bệnh, khả năng vận động của trẻ sẽ giảm xuống. Trong trường hợp nặng hơn, trẻ có thể bị cắt cụt chi dẫn đến tàn phế.

Xương bả vai, hai đầu xương chi dưới gần khớp gối là các vị trí xương dễ bị các tế bào ung thư phá hủy nhất

Nguyên nhân gây bệnh ung thư xương ở trẻ em:

Trẻ em và thanh thiếu niên là hai lứa tuổi dễ mắc bệnh ung thư xương nhất. Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được chẩn đoán chính xác. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành các khối u bất thường trong xương:

  • Di truyền: Một số ít trẻ mắc bệnh có thể do đột biến gen hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư xương.

  • Bức xạ: Radium, Stronti,… là các chất phóng xạ tích lũy trong xương. Khi tiếp xúc với những chất này, trẻ rất dễ bị ung thư xương. Đồng thời, nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tia bức xạ mang năng lượng cao như: tia X thì nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên.

  • Trẻ có nhiều khối u trong sụn, là mô liên kết trong xương,…

2. Những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em

Dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em thường không rõ ràng nên bố mẹ dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Nếu không chữa trị kịp thời, các tế bào ung thư xương sẽ di căn sang các vùng xương khác, từ đó làm suy giảm chức năng của xương, ảnh hưởng đến việc đi lại của trẻ. Vì vậy, để phát hiện sớm bệnh ung thư xương ở trẻ, bố mẹ nên nắm vững những dấu hiệu dưới đây:

Đau nhức xương:

Đau nhức xương là một trong những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em. Ban đầu, cơn đau thường nhẹ và ngắt quãng. Đến khi bệnh tiến triển nặng, cơn đau sẽ xuất hiện liên tục, với mức độ tăng dần. Lúc này trẻ sẽ luôn kêu la vì đau nhức.

Vào ban đêm, mặc dù cơ bắp đã được nghỉ ngơi nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm. Cảm giác đau nhức, khó chịu khiến trẻ không thể ngủ được. Khi vận động, cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn. Do đó, việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn nếu khối u nằm ở chân.

Đau nhức xương ở trẻ có thể bị nhầm lẫn với các biểu hiện của sự phát triển xương lúc dậy thì. Vì vậy, nếu cơn đau ngày càng có xu hướng kéo dài, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Trẻ cảm thấy khó chịu vì đau nhức xương

Sưng to bất thường tại vùng da gần xương nổi u:

Các khối u làm biến dạng và phá hủy cấu trúc của xương. Đồng thời, chúng lan rộng sang các mô tổ chức xung quanh khiến vùng da gần phần xương nổi u bị sưng đỏ. Khi khối u phát triển đến một kích thước nhất định, bạn có thể sờ nắn và cảm nhận được sự ấm nóng, căng hoặc mềm do máu tụ. Tuy nhiên, đối với các khối u nằm sâu trong mô thịt thì rất khó phát hiện bằng cách này.

Ngoài ra, khối u còn gây ra các cơn đau nhức xương. Vì vậy, bố mẹ không nên bỏ qua dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em đó là: vùng da gần xương bị sưng to bất thường.

Giảm khả năng vận động:

Các khối u sẽ tác động đến phần khớp xương gần nó nhất. Theo thời gian, các hoạt động của khớp sẽ trở nên khó khăn, từ đó làm giảm khả năng vận động của các chi.

Trong trường hợp khối u nằm ở phần xương sống thì các dây chằng tại đây phải chịu một lực ép lớn. Lúc này, sự linh hoạt của các chi sẽ ngày càng yếu đi, nặng hơn là bị tê liệt toàn bộ chi này. Do đó, khi thấy con mình đi lại bất thường bố mẹ nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân, vì có thể đây là dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em.

Khi bị bệnh, trẻ thường gặp khó khăn trong việc đi lại, nặng hơn là bị liệt

Thường xuyên gãy xương:

Khi chơi đùa, chỉ cần ngã nhẹ thì trẻ đã bị gãy xương. Đa số các bố mẹ đều cho rằng, đây là hiện tượng gãy xương thông thường do trẻ nghịch ngợm. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể là một trong những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em mà bạn không biết.

Các tế bào ung thư phá hủy cấu tạo và làm suy yếu chức năng của xương. Khi cấu trúc không còn vững chắc, thì chỉ một tác động nhẹ đã có thể khiến xương bị biến dạng hoặc gãy hoàn toàn. Khả năng chống chịu ngoại lực của xương sẽ ngày càng giảm đi. Vì vậy, trẻ thường xuyên bị gãy xương khi ngã. Không chỉ vậy, thời gian xương gãy lành lại cũng rất lâu.

Trẻ thường xuyên bị gãy xương khi ngã là dấu hiệu của ung thư xương

Các dấu hiệu khác:

Ngoài những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em điển hình như trên, trẻ còn xuất hiện các biểu hiện toàn thân khác như: cơ thể mệt mỏi, sút cân nhanh, sốt cao, thường xuyên ra mồ hôi trộm,…

3. Cách chữa trị bệnh ung thư xương ở trẻ em

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của ung thư xương, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời, tránh trường hợp bệnh diễn biến phức tạp. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước của khối u và tình trạng sức khỏe của trẻ mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Bố mẹ có thể áp dụng một trong những cách chữa trị ung thư xương phổ biến như:

  • Hóa trị: Bác sĩ sẽ sử dụng các hóa chất và thuốc đặc trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị có tác dụng thu nhỏ kích thước của khối u. Vì vậy, trước khi thực hiện phẫu thuật bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp này để loại bỏ khối u dễ dàng hơn.

  • Phẫu thuật: Bằng các kỹ thuật ngoại khoa, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u và các mô xung quanh nó. Nếu khối u nằm ở vị trí không thể cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật thì cắt cụt chi chính là cách điều trị hiệu quả nhất.

  • Xạ trị: Là phương pháp sử dụng các tia mang năng lượng cao như tia X để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này có thể để lại nhiều biến chứng cho trẻ.

Bác sĩ tiến hành cắt bỏ khối u bằng các kỹ thuật ngoại khoa

Các tế bào ung thư xương có tốc độ phát triển rất nhanh. Vì vậy, bố mẹ nên tìm gặp bác sĩ để có cách chữa trị kịp thời khi phát hiện con mình có những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em. Ngoài những phương pháp điều trị mà bài viết vừa chia sẻ, bố mẹ nên giúp trẻ thiết lập một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi, vitamin,... và duy trì thói quen tập thể dục ở mức độ nhẹ nhàng để bệnh không tiến triển nặng hơn.