Xây dựng xã hội học tập ở trường trung học cơ sở

Tiếp tục xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030

19/10/2021 - 02:20 PM

Cỡ chữ

“Xây dựng xã hội học tập” là một chủ trương, một công việc lớn, quan trọng của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg đã khẳng định: Xây dựng một xã hội học tập là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời, đồng thời, trong hệ thống đó có những chính sách và cơ chế tương ứng để bảo đảm cho mọi công dân góp sức phát triển các hình thức học tập thường xuyên trên mọi địa bàn dân cư… Sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, đáp ứng xu hướng phát triển giáo dục mở, thời gian tới, cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn; điều chỉnh phương pháp; thay đổi từ nhận thức đến hành động. Đảm bảo việc phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia.

Kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”

Báo cáo kết quả sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Bộ Giáo Dục và Đào tạo cho thấy, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.

Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Điều này đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá.

Trong 4 mục tiêu chính, Đề án đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”. Theo đó, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 97,85%, trong đó số người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 chiếm 99,3%, cao hơn 0,3% so với mục tiêu của Đề án; số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt 64,6%, cao hơn 14,6% so với mục tiêu; cả nước có 51/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu này.

63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó 34/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300 nghìn người trong độ tuổi 15-60.

63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Có 21/63 tỉnh/thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh/thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 03 tỉnh (Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức cao nhất - mức độ 3.

Xây dựng xã hội học tập ở trường trung học cơ sở


Ảnh minh họa

Thành phố Hà Nội là địa phương hoàn thành cả bốn mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Cụ thể là: Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%); số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)…

Kết quả nổi bật của Hà Nội trong thời gian qua là những nỗ lực trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ năm 2012 đến năm 2020, số lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao hoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất đạt 87% (cả nước đạt 69,78%); số công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương đạt 98% (cả nước đạt 66,97%)…

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, kết quả lớn nhất khi thực hiện Đề án là việc đã hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng thú vị này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được Báo cáo cũng cho biết, quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế. Trong đó, nhận thức về đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đúng mức. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030

Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, mới đây, ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030”. Theo đó, quan điểm chỉ đạo trong Đề án chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp.

Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đó là: 70% các tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 70% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 50% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 70% các trường đại học có triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 70
% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.

Đến năm 2030, 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phấn đấu 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 70% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 90% các trường đại học có triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; Đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa…

Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác xóa mù chữ; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục cho người dân tộc thiểu số và miền núi sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng và phát triển các mô hình học tập, ngành nghề đào tạo, các nghề đặc thù cần học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp quy hoạch của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030.

Với các giải pháp tổng thể và chi tiết, Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” thể hiện quyết tâm, nhiệm vụ và mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời đạt chất lượng. Điều này góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0./.

TS. Đặng Quang Trung
Đại học Lao động - Xã hội


Về trang trước Gửi email In trang