71 trần đại nghĩa hà nội thuộc phuong nào

Phường Phước Nguyên được thành lập theo Nghị định 45-CP ngày 2 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở chia huyện Châu Thành làm 3 đơn vị hành chính, thị xã Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Châu Thành, trên cơ sở các thôn Phước Nguyên, Phước Đức, Phước Thành; của thị trấn Bà Rịa có diện tích tự nhiên 190 ha, 7.971 nhân khẩu. Địa giới của phường: phía đông giáp phường Long Toàn với đường Phạm Hùng làm ranh giới; phía bắc giáp phường Long Tâm đường Võ Thị Sáu làm ranh giới, phía tây đường Hùng Vương làm ranh giới với phường Phước Hưng; phía nam giáp phường Phước Trung ranh giới là đường Cách mạng Tháng tám.

Phường Phước Nguyên nằm ở trung tâm nội thị có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với bên ngoài do có những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương nối Vũng Tàu với quốc lộ 1A đi Long Khánh hay các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đường Cách mạng Tháng tám là trục lộ chính của thành phố Bà Rịa nối với quốc lộ 51A đi Biên Hòa, thành phố Hồ Chí Minh và nối với quốc lộ 55 đi các tỉnh miền Trung.

2. Đất đai

Diện tích đất tự nhiên của toàn phường là 255,27 ha, chủ yếu là đất pha cát. Đất nông nghiệp chiếm 10,62 ha, đất phi nông nghiệp là 244,65 ha, trong đó đất ở thổ cư 133,96 ha, đất quốc phòng 12,65 ha, đất mục đích công cộng 63,37ha. Diện tích đất phân bố theo các khu phố như sau:

Khu phố 1: 47,8 ha

Khu phố 2: 25,5 ha

Khu phố 3: 52 ha

Khu phố 4: 63,4 ha

Khu phố 6: 66,57 ha

3. Ao hồ, sông suối

Địa thế phường tương đối bằng phẳng, nhiều chỗ thấp trũng. Trước đây có nhiều ao hồ, nay đô thị hóa đã bị san lấp, chỉ còn sót lại một bàu lớn rộng hơn 2 ha tại khu phố 3. Trên địa bàn phường chỉ có một con suối nhỏ không có tên bắt nguồn từ vùng Gò Cát phường Long Tâm rồi đổ vào sông Thủ Lựu, dài độ hơn 2km. Suối chảy qua đường Trần Hưng Đạo [hương lộ 10], cầu bắc qua suối có tên cầu Khỉ.

4. Khí hậu

Khí hậu của phường Phước Nguyên nằm trong khí hậu chung của khu vực Đông Nam Bộ, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa lớn và phân hóa thành hai mùa rõ rệt mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình 1.400mm/năm, chiếm 80 - 90% cả năm, các tháng 8, 9, 10 lượng mưa lớn hơn 250mm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, do nắng nóng nên lượng bốc hơi cao trung bình 3,1 - 4,6mm/ngày.

Nhiệt độ bình quân trong năm là 26,30C, nhiệt độ cao nhất là 300C, thấp nhất là 240C, vì thế khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm. Độ ẩm không khí trung bình hằng năm 78%, thuận lợi cho việc trồng các loại cây nhiệt đới. Tổng giờ nắng trung bình 2.709 giờ, thấp nhất vào mùa mưa và cao nhất vào mùa khô.

II. ĐẶC ĐIỂM XÃ HỘI

1. Quá trình hình thành vùng đất Phước Nguyên

Vùng đất Phước Nguyên gắn liền với sự ra đời và phát triển của thành phố Bà Rịa. Năm Mậu Dần [1698] khi Chúa sãi Nguyễn Phúc Lan cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lí, chính thức sáp nhập vùng đất Nam Bộ vào bản đồ nước ta, thiết lập xã thôn, đặt bộ máy cai trị, thì vùng đất Phước Nguyên thuộc thôn Phước Lễ, tổng An Phú, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, trấn Biên Hòa.

Hiện chưa có tài liệu nào khẳng định đã có những cư dân sinh sống trên địa bàn của phường từ những ngày đầu mở mang vùng đất Mô Xoài của người Việt. Vào những ngày khai cơ ấy, có con đường Thiên lý nối kinh thành Huế với thành Gia Định chạy qua dọc theo hương lộ 10 sau này [nay là đường Trần Hưng Đạo]. Đường được mở vào năm 1748, nhân có việc binh ở Chân Lạp, Điều kiển Nguyễn Hữu Doãn mới sai giăng dây đắp một con đường từ phía bắc Cầu Sơn đến Mô Xuy, gặp sông ngòi thì đặt bến đò, bắc cầu cống, nơi bùn lầy thì đắp bồi thêm lên, trên đường có đặt nhà trạm.

Một dấu tích xưa trong quá trình khai phá vùng đất Phước Nguyên nay vẫn tồn tại đó là có chùa Hội Phước, khởi dựng từ năm 1896, qua nhiều lần dời địa điểm và hiện tọa lạc ở khu phố 1, trong hẻm đường Cách mạng Tháng tám.

Trước năm 1945, vùng đất của phường lúc bấy giờ cây cối um tùm, hoang vắng, có khu nghĩa địa Quảng Đông của người Hoa, nên ít ai dám đi ngang vì cọp vẫn thường lãng vãng. Khu nghĩa địa này sau năm 1955, chôn thêm người Việt nên có tên là Nghĩa địa Việt Hoa, năm 2000 nghĩa địa được giải tỏa, để xây dựng trường PTTH Bà Rịa, chùa Cửu Long, nay vẫn còn dấu tích là chiếc cổng nằm trên đường Trần Hưng Đạo [gần cổng sau chợ Phước Nguyên].

Mãi đến năm 1956, đồng bào Thiên Chúa giáo từ miền Bắc di cư vào lập nghiệp, lập nên giáo xứ Dũng Lạc, Long Kiên. Ngày 1 tháng 1 năm 1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký quyết định thành lập Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Vạn Kiếp nhằm đào tạo lực lượng viễn thám cho quân lực Việt Nam Cộng hòa. Mỗi năm Trung tâm huấn luyện cho hơn một ngàn tân binh. Một khu gia binh trong Trung tâm cũng được xây dựng. Bên ngoài cổng có một số quán mọc lên phục vụ binh sĩ.

Một lô cốt của Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp còn sót lại cạnh đường Trần Hưng Đạo.

Từ đó địa bàn phường được mở mang, dân cư đông đúc. Vùng đất Phước Nguyên được chính quyền Sài Gòn đặt tên là Ấp Bàu, nhưng dân gian vẫn gọi là Xóm Bàu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, một số hộ làm nghề bún và buôn bán nhỏ. Trên khu vực phường chỉ có một số đường được mở như Hương lộ 10, đường Thành Thái - nay được mở rộng và đặt tên là đường Cách mạng tháng Tám. Ngoài ra có một số đường đất nhỏ hẹp. Ngoài Nghĩa địa Nhà Mồ, Quảng Đông, trên địa bàn còn có các nghĩa địa khác như: Long Kiên, Thủ Lựu, Cây Gõ.

Sau năm 1975, ấp Bàu vẫn thuộc xã Phước Lễ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Khu Trung Tâm huấn luyện Vạn kiếp trở thành Trường Thiếu sinh quân, rồi Trường Quân chính của Quân khu 7, từ tháng 4 năm 1980 giao lại cho trường Trung cấp Biên phòng.

Ngày 8 tháng 2 năm 1982, xã Phước Lễ chuyển thành thị trấn Bà Rịa, ấp Bàu được chia làm các thôn: Phước Đức, Phước Hạnh, Phước Thành, Phước Nguyên. Từ ngày 1 tháng 9 năm 1991, huyện Châu Thành trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngày 2 tháng 6 năm 1994 theo Nghị định 45/CP của Chính phủ về việc thành lập thị xã Bà Rịa. Phường Phước Nguyên ra đời, 4 thôn trước đây chuyển thành khu phố, thôn Phước Nguyên thành khu phố 1, thôn Phước Đức thành khu phố 2, thôn Phước Thành thành khu phố 3, và một phần của phường Phước Hưng được sát nhập thành khu phố 4. Đến ngày 27 tháng 6 năm 2005 theo nghị định số 83/2005/NĐ-CP của Chính phủ đã điều chỉnh 1,66 ha diện tích đất tự nhiên và 237 nhân khẩu của phường Phước Nguyên về phường Phước Hiệp; điều chỉnh 71,40 ha diện tích đất tự nhiên và 1.171 khẩu của phường Long Toàn về phường Phước Nguyên tiếp nhận thêm 1 khu phố [trước đây là thôn Phước Hạnh và Long Kiên] của phường Long Toàn chuyển qua, thành khu phố 6. Hiện nay, phường có 5 khu phố, 89 tổ dân cư.

Trước khi thành lập phường, địa bàn Phước Nguyên là một khu vực nông thôn với đất rộng, người thưa. Trong quá trình hình thành và phát triển, một số địa danh trên địa bàn phường đã in sâu vào ký ức của người dân.

Phước Nguyên

Địa danh Phước Nguyên ra đời từ năm 1982 khi thành lập thôn của thị trấn Bà Rịa. Đây là một mỹ từ, PHƯỚC nghĩa Hán –Việt là may mắn, còn NGUYÊN có nghĩa là mở đầu hay mảnh đất bằng phẳng. PHƯỚC NGUYÊN là mở đầu cho sự may mắn, hay một vùng đất bằng phẳng tạo nên sự may mắn thì chưa rõ đâu là nghĩa chính thức. Song địa danh này thể hiện sự mong ước điều tốt lành đối với con người.

Cầu khỉ

Cầu bắc qua suối nhỏ không tên trên hương lộ 10, nay là đường Trần Hưng Đạo [thuộc khu phố 6]. Trước đây là cầu tạm, vào thập niên 50 thế kỷ 20 cầu được xây dựng với chiều dài 15m, chiều ngang 4m, kết cấu bằng sắt và nền được lót bằng gỗ. Sau cầu hư và thay thế bằng cầu bê tông cốt thép. Từ năm 2014, đường Trần Hưng đạo được nâng cấp mở rộng cầu được xây dựng lại. Địa danh này hiện có hai giả thiết giải thích:

1, Nơi trước đây có nhiều khỉ

2, Trước đây chỉ có một thân cây dài bắc qua suối.

Cây Gõ

Nghĩa địa nằm ở góc đường Nguyễn Tất Thành - Điện Biên Phủ hiện nay, được hình thành sau năm 1955. Năm 2002 nghĩa địa giải tỏa để xây dựng công viên Thanh Niên. Trên khu vực này xưa có một cây gõ nên dân gian gọi thế.

Đồng Quê

Khu vực ở ngã 3 đường Cách mạng Tháng 8 - Trần Đại Nghĩa, thuộc khu phố 1. Địa danh này ra đời từ tên gọi một quán café có từ khoảng năm 1971 do vợ chồng ông Nguyễn Văn Hai và bà Nguyễn Thị Vạn làm chủ. Quán này nay vẫn còn tồn tại.

Lập Thành

Đường có vào khoảng năm 1970, trên đường có tiệm hớt tóc “Lập Thành” do ông Phan Văn Lục làm chủ tiệm, địa danh này hiện nay là đường Lê Duẩn [ngã ba Cách mạng Tháng tám - Lê Duẩn] thuộc Khu phố 1.

Long Kiên

Khu vực thuộc khu phố 6. Dân cư chủ yếu là người theo đạo Thiên Chúa từ miền Bắc di cư vào từ năm 1956. Ở đây có nhiều hộ làm nghề bún truyền thống nổi tiếng của tỉnh. Địa danh gọi theo tên của Giáo xứ.

Phước Đức

Thôn thuộc thị trấn Bà Rịa, huyện Châu Thành được thành lập vào năm 1982. Năm 1994 lấy phần đất thôn Phước Đức cùng các thôn Phước Nguyên, Phước Thành lập thành phường Phước Nguyên. Địa phận thôn nay nằm khu phố 2, giáp sông Thủ Lựu.

Phước Hạnh

Thôn của thị trấn Phước Lễ, huyện Châu Thành. Ngày 2 tháng 6 năm 1994 phần đất của thôn được sát nhập với một số thôn khác lập nên phường Long Toàn. Sau phần đất này chuyển qua phường Phước Nguyên, nay là khu phố 6.

Phước Thành

Thôn thuộc thị trấn Bà Rịa, huyện Châu Thành. Sau lấy phần đất thôn cùng các thôn Phước Đức, Phước Nguyên lập thành phường Phước Nguyên thị xã Bà Rịa. Địa phận thôn Phước thành nay thuộc khu phố 3.

Vạn Kiếp

Năm 1962 chính quyền Sài Gòn lập Trung tâm huấn luyện Quốc gia Vạn Kiếp. Từ đó khu vực dân cư sát Trung tâm huấn luyện có tên trên. Chính quyền Sài Gòn trước đây thường lấy những địa danh lịch sử chống ngoại xâm của nước ta đặt tên cho các trung tâm quân sự, như ở Vũng Tàu có Trung tâm Chí Linh.

Vạn Kiếp là căn cứ thủy quân và cảng lớn thời Lý - Trần, nằm gần những chỗ giao nhau của sông Cầu, sông Thương, sông Đuống, sông Kinh Thày với sông Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tháng 6 năm 1825, cánh quân của Thoát Hoan và Lý Hằng của quân Nguyên chạy theo đường Vạn Kiếp bị quân nhà Trần bố trí từ trước xông ra phản công nên chết đuối rất nhiều. Lý Hằng tử trận. Thoát Hoan được một viên tì tướng “giấu trong ống đồng” chạy thoát về Trung Quốc.

Xóm Bàu

Địa danh có từ lâu đời, từ thập niên 60 thế kỷ 20 chính quyền tỉnh Phước Tuy lập ấp Xóm Bàu, vì nơi đâu có bàu rất lớn tại khu phố 3, diện tích khoảng 5 ha giáp khu phố 1 và khu phố 3, hiện nay một số hộ dân vẫn cùng nhau canh tác trên bàu này để trồng rau muống.

Xóm Cát

Khu vực thuộc khu phố 4, giáp với đường Hùng Vương. Địa danh này ra đời trước năm 1945, do ở đây là một khu vực có rất nhiều cát. Ngã tư Trần Hưng Đạo - Hùng Vương cũng gọi là Ngã tư Xóm Cát.

2. Dân cư

Vào khoảng năm 1955 - 1960, một số hộ dân gồm các thành phần, nghề nghiệp từ các vùng miền khác về đây lập nghiệp, đa số là người Việt. Từ sau năm 1975, dân số ngày càng đông và có một ít dân cư của các dân tộc khác đến sinh sống.

Hiện nay, địa phương quản lý 70hộ/208 khẩu/13.775 tổng số dân đồng bào dân tộc, trong đó Hoa: 39 hộ/106 khẩu, Khmer: 11 hộ/34 khẩu, Nùng: 08 hộ/25 khẩu, Tày: 06 hộ/ 15 khẩu, Mường: 01 hộ/03 khẩu, Chơro: 01 hộ/ 01 khẩu; Chăm: 02 hộ/16 khẩu; Thổ: 02 hộ/08 khẩu.

Đa số các hộ DTTS làm nghề công nhân, làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ, công nhân viên chức, giáo viên các hộ đều có cuộc sống ổn định. Trên địa bàn Phường có 1 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.

Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, hộ kinh doanh là đồng bào dân tộc đóng trên địa bàn sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả.Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc phường, các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

3. Dân Số

Năm 1956, các cư dân từ miền Bắc vào đây định cư với khoảng 150 hộ với 1.200 khẩu. Năm 1994, khi có quyết định thành lập phường, dân số là 1.577 hộ với 8.274 khẩu. “Đất lành chim đậu”, từ đó nhiều số hộ từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đã về đây sinh sống, lập nghiệp. Hiện toàn phường có: 2.877 hộ dân với 13.534 khẩu.

4. Tín ngưỡng

Dân cư trên địa bàn phường theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Bên cạnh thờ cúng ông bà tổ tiên, hằng năm nhân dân tổ chức các ngày lễ hội như: Tết Nguyên Đán, lễ Thượng Nguyên [rằm tháng Giêng], Lễ giỗ Tổ Hùng Vương [10 - 3 Al], Tết Đoan Ngọ [5 - 5 Al] Trung Nguyên [rằm tháng 7], Tết Trung Thu và Hạ Nguyên [rằm tháng 10]…

Các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn phường luôn được tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đúng qui định của pháp luật.

5. Tôn giáo

Trên địa bàn phường hiện có 2 tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo và Phật giáo, một số hộ theo đạo Cao Đài, Tin Lành… Các ban ngành, đoàn thể trong phường cũng thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên các cơ sở tôn giáo, vận động đồng bào có đạo sống “tốt đời đẹp đạo”. Các tôn giáo luôn thực hiện tốt pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo.

Đạo Công giáo:

Trên địa bàn phường số người theo đạo Công giáo là 4.940/13.775 tổng dân số, chiếm tỷ lệ 35,9%, sinh sống tập trung ở 3 giáo xứ như: Dũng Lạc [khu phố 3], Thủ Lựu [khu phố 2], Long Kiên [khu phố 6].

Giáo xứ Dũng Lạc được thành lập năm 1956 với tên gọi là Trung Đoàn, Xóm Bàu, giáo dân phần lớn là gia đình binh sĩ. Năm 1957, giáo xứ Dũng Lạc là sự hợp nhất ba cộng đoàn vốn là ba giáo sở riêng biệt: Trung Đoàn, Xóm Bàu và giáo sở tại khu Vạn Kiếp cũ. Năm 1959, ngôi nhà thờ chính thức của giáo xứ được khởi công xây dựng và hoàn tất vào năm 1960.

Giáo xứ Long Kiên được thành lập đầu năm 1956, gồm khoảng 60 gia đình với 300 người. Nhà xứ được xây dựng vào năm 1990 và đã được trùng tu. Nhà thờ hiện nay được khởi công xây dựng năm 1998, khánh thành vào ngày 20 tháng 1 năm 2000.

Giáo xứ Thủ Lựu lập cũng được lập vào năm 1956, lúc đầu gồm 34 gia đình với khoảng 240 người.

Ngoài ra trên địa bàn phường còn 2 đền: Đền Thánh Đa Minh và Đền Thánh Vicente.

Phật giáo

Toàn phường hiện có 3.240/13.775 tổng dân số, chiếm tỷ lệ 23,5% và 3 chùa gồm: chùa Hội Phước ở khu phố 1, chùa Tịnh Quang ở khu phố 3 và chùa Cửu Long ở khu phố 4.

Chùa Hội Phước

Còn có tên là chùa Cây Dương, tọa lạc tại khu phố 1, do ông bà Hữu Đại người Hoa khởi dựng từ năm 1896. Lúc đầu dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên. Sau khi ông bà Hữu Đại mất, ngôi chùa do dân chúng trông coi. Năm 1926, Hoà thượng Diệu Quang, Phổ Điền và Tâm Thiểu đã về đây tu học và hành đạo. Năm 1992, chùa được giao về cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1999, chùa được tiến hành đại trùng tu, xây dựng quy mô như hiện nay. Bên ngoài là cổng tam quan, khu trung tâm gồm hai tầng, tầng trệt là giảng đường, tầng trên là chánh điện. Tất cả được trang trí hoa văn tinh xảo, hoành phi câu đối trang nghiêm. Ngoài ra, chùa còn có khu nhà ở dành cho chư tăng và khu nhà thờ hài cốt của Phật tử. Chùa Hội Phước, là cơ sở của lớp sơ cấp Phật học trực thuộc Trường trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm; là cơ sở tổ chức An cư kiết hạ Phật đản của tỉnh hội được tổ chức hàng năm. Các ngày lễ giỗ Tổ 21/10 và lễ cầu siêu vào đầu năm và rằm tháng giêng.

Chùa Hội Phước

Chùa Tịnh Quang

Nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, thuộc khu phố 3. Chùa xây dựng quy mô được đánh giá là chùa to nhất trên địa bàn thành phố Bà Rịa.

Chùa Cửu Long

Chùa nằm trong hẻm, cách đường Nguyễn Tất Thành 100m thuộc khu phố 4.

III. TRUYỀN THỐNG

Nhân dân Phước Nguyên có nguồn gốc từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đến đây sinh sống, lập nghiệp. Họ có tinh thần yêu lao động, yêu quê hương đất nước và có tinh thần hiếu học, đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Trong quá trình di cư những cư dân từ Hải Phòng đã mang theo nghề làm bún truyền thống từ quê cha đất tổ vào quê mới tạo nên thương hiệu “bún Long Kiên” nổi tiếng trên thị trường hiện nay. Từ việc tổ chức sản xuất ở một số cơ sở còn phân tán, quy mô nhỏ, khép kín trong hộ gia đình. Trình độ tay nghề của lao động còn yếu, phần lớn chưa qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn. Việc phân công, hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh chưa mạnh. Vốn đầu tư nhỏ, công nghệ, kỹ thuật thấp; mặt bằng sản xuất chật hẹp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng như xử lý nước thải… tuy đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng chưa hoàn thiện; các chính sách khuyến khích phát triển chưa được thực thi đồng bộ khiến làng nghề chậm phát triển.

Qua bao nhiêu thăng trầm và luôn bám nghề, đến nay các hộ sản xuất bún đã chuyển sang làm bằng công nghệ máy móc nên ít tốn nhân lực mà chất lượng vẫn giữ nguyên và tăng sản lượng theo nhu cầu thị trường. Hàng ngày các hộ sản xuất từ 20 - 30 tấn bún, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân trong địa bàn và các tỉnh, thành lân cận. Với việc mở rộng quy mô sản xuất bún của làng nghề Long Kiên không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho các hộ trực tiếp sản xuất mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ngày 8 tháng 10 năm 2013 làng bún Long Kiên đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là làng nghề truyền thống. Đến nay, làng nghề có 40 hộ sản xuất bún, bánh phở, hủ tíu…

Chủ Đề