Album chiều mưa biên giới nguyễn văn đông năm 2024

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời để lại cho lòng người ái mộ âm nhạc những tiếc nuối. Một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Chiều mưa biên giới được ông sáng tác năm 1956.

Bài hát được mở màn với câu “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu”. Rất nhiều người nghe, thích câu này và cũng thắc mắc “biên giới” mà Nguyễn Văn Đông nhắc đến là “biên giới nào”.

Bài hát này được sáng tác vào năm 1956. Thời điểm này, Nguyễn Văn Đông vẫn là trung úy của quân lực Việt Nam cộng hòa. Thời điểm cuối 1955, ông giữ chức vụ Trưởng phòng 3 [Tác chiến] của Phân khu Đồng Tháp Mười và đến 1956 thì tham gia chiến dịch Thoại Ngọc hầu.

Chiến dịch Thoại Ngọc hầu là chiến dịch quân sự quy mô của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm đối phó với lực lượng của Ba Cụt [tướng Lê Quang Vinh]. Tài liệu đăng trên báo CAND cũng xác nhận: “Vào ngày 5.1.1956, Dương Văn Minh phát lệnh một cuộc tấn công đại quy mô có mật danh là “Thoại Ngọc Hầu” nhằm vào lực lượng của Ba Cụt... Dù đang “nước sôi lửa bỏng”, thay vì ém quân thật kỹ, hàng ngày các tay súng của Ba Cụt vẫn ngang nhiên đột nhập vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp. Thậm chí, một vài nhóm phỉ còn nhận được lệnh bắt cóc công chức của Ngô Đình Diệm để tạo tiếng vang”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây với một tờ báo hải ngoại, nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông từng kể về hoàn cảnh sáng tác bài Chiều mưa biên giới: “Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu...”.

Như vậy, có thể thấy bài Chiều mưa biên giới do Nguyễn Văn Đông sáng tác vào năm 1956 là nói về biên giới Việt Nam – Campuchia để tả tâm trạng của người lính khi tham gia chiến dịch Thoại Ngọc hầu.

Câu sâu lắng nhất trong Chiều mưa biên giới phải kể đến đoạn cuối đầy triết lý nhân văn:

"Người đi khu chiến thương người hậu phương.

Thương màu áo gởi ra sa trường.

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng

Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi".

Không phải người hậu phương thương người đi ra chiến trường mà ngược lại chính người ra sa trường nghĩ và thương cho người ở hậu phương. Ở đây, có sự đồng cảm rõ giữa Nguyễn Văn Đông và nhà thơ Hữu Loan trong bài Màu tím hoa sim [sáng tác 1949] với câu:

“Nhỡ khi mình không về

thì thương

người vợ chờ

bé bỏng chiều quê...”

Cùng là người khoác áo lính, với những âm hưởng đậm chất lính nhưng lại rất nhân văn, trong tâm trạng rất thật của con người, Nguyễn Văn Đông và Hữu Loan để lại cho chúng ta những tác phẩm bất hủ, lắng đọng mãi lòng người.

SANTA ANA, California [NV] – Cuộc đời của các anh chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời chinh chiến hầu như gắn liền với những ngày tháng xa nhà, hết xa mái trường cũ thân yêu đến xa rời thành phố tuổi thơ hay chốn quê nghèo ngày ấy, nơi có mẹ già, đàn em thơ và người vợ hiền hay người yêu nhỏ bé chờ mong.

Bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới.” [Hình: Tài liệu]

Tình anh lính chiến xa nhà càng thêm thiết tha khi biết rằng người nơi xa xăm phương trời ấy ngày đêm vẫn mỏi mắt trông chờ, nhất là vào những lúc chiều mưa nơi chốn biên giới xa xăm trong hoàn cảnh anh ở đầu sông, em cuối sông: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?/ Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu…”

Với những người tình nhỏ bé nơi hậu phương, gì chớ những cơn mưa đầu mùa nơi xa xăm phương trời ấy chỉ gieo thêm giá buốt vào tấm thân người lính chiến trên bước đường hành quân đầy gian khó, hiểm nguy nơi rừng sâu, núi thẳm. Nhưng em vẫn chờ anh về, anh về một chiều mưa, anh nhé, để chúng mình thôi hết bơ vơ, hỡi người trai lính chiến đang làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương, với ước vọng đơn sơ là đem lại thanh bình cho cho đất nước và an lành cho xóm thôn. “Kìa rừng chiều âm u rét mướt/ Chờ người về vui trong giá buốt/ Người về bơ vơ.”

Nhưng với năm tháng dần qua, ở phương này tuy vui kiếp sống chinh nhân nhưng anh có cảm giác mơ hồ rằng chúng mình tình vẫn chưa yên, bởi vì anh như đám mây trôi dạt phương trời, người đi, đi mãi chưa về. Hỡi em yêu, trăng tròn rồi cũng đến lúc trăng khuyết, thử hỏi hoa nào mà không phôi pha sắc hương theo bước chân của thời gian, và ân tình nào mà không gây vấn vương? “Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang/ Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn.” Mỗi lần nhìn lá quốc kỳ tung bay trong gió chiều, anh lại mơ đến ngày ca khúc khải hoàn, trở về gặp em vào một sớm mai nắng ấm dưới bầu trời xanh lơ cho vơi đi niềm thương, nỗi nhớ: “Cờ về chiều tung bay phất phới/ Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ/ Bầu trời xanh lơ.”

Rồi đêm đêm, một mình với vọng gác đêm sương, anh lặng lẽ ngắm nhìn ánh trăng nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường của những mối tình còn ngăn cách, và bóng dáng người em yêu dấu lại hiện về trong tâm tưởng: “Đêm đêm chiếc bóng bên trời, vầng trăng xẻ đôi/ Vẫn in hình bóng một người.” Lòng anh càng thêm thương ai, nhớ ai khi đôi mình còn cách trở mấy dặm sơn khê, bởi vì anh giờ như cánh chim bạt gió giữa vùng mây nước xa xăm: “Xa xôi cánh chim tung trời, một vùng mây nước/ Cho lòng ai thương nhớ ai.”

Ở nơi này, mỗi khi ngồi lặng nhìn mưa rơi, em cứ mãi phân vân không biết giờ này anh ở đâu, góc núi ven rừng hay chân mây đầu gió? Em lại chạnh nhớ đến anh, với những kỷ niệm đẹp của một ngày trời đẹp nắng khi anh đến với em. Rồi em lại mơ ước sao phải chi vào lúc này, băng qua rừng chiếu nắng nghiêng sườn non chơi vơi, anh đang lặn lội tìm đường về với em để chúng mình cùng sống lại những tháng ngày hoa mộng đã vuột khỏi tầm tay: “Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay/ Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng/ Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng/ Người tìm về trong hơi áo ấm/ Gợi niềm xa xăm.”

Nhưng xin em nhớ cho rằng “Người đi khu chiến thương người hậu phương/ Thương màu áo gởi ra sa trường,” người trai xông pha nơi chiến tuyến vẫn hoài thương nhớ người em gái nhỏ quê nhà, thương cả chiếc áo em gởi ra tiền tuyến cho anh, áo tuy không dày nhưng em tin rằng lòng anh sẽ thêm ấm những khi hành quân.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng là sĩ quan Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. [Hình: Tài liệu]

Nhưng anh yêu có biết cho rằng mộng ước của em thật hết sức bình thường, đó là chỉ mong ngày đôi mình sum họp và được sống mãi bên nhau? Em nào có mơ ước danh vọng cao sang, công hầu, khanh tướng làm gì, bởi vì càng ước vọng cao vời cho lắm thì cuộc đời binh nghiệp của anh lại càng lắm gian lao, sóng gió, còn nhiều chiều mưa biên giới đang đợi chờ đó anh: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ Thì đường trần mưa bay gió cuốn/ Còn nhiều anh ơi…”

***

Nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác vào năm 1956 khi tác giả đang là trung úy trong quân đội Cộng Hòa và đang tham dự cuộc Hành Quân Thoại Ngọc Hầu tại vùng Đồng Tháp Mười gần biên giới Việt-Miên.

Bài hát này vừa được phổ biến trên làn sóng điện của Đài Phát Thanh Sài Gòn ngay lập tức được thính giả khắp nơi tại miền Nam Việt Nam nồng nhiệt đón nhận, một phần vì cả nhạc điệu lẫn lời hát đều tuyệt vời và phần khác là vì bản nhạc là một trong những bản “nhạc lính” đầu tiên của Miền Nam Tự Do.

Tuy nhiên, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ lại cho rằng ca từ trong “Chiều Mưa Biên Giới” quá ủy mị, nhất là đoạn cuối của ca khúc dễ làm “nản lòng chiến sĩ” khi có ý nói rằng các chàng trai thế hệ nếu quyết chí theo nghiệp kiếm cung thì cuộc đời sẽ chẳng được yên lành mà lại đầy sóng gió, gian lao: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ Thì đường trần mưa bay gió cuốn/ Còn nhiều anh ơi…” Vì thế, nhạc sĩ Trung Úy Nguyễn Văn Đông đã bị thượng cấp khiển trách, trong khi “Chiều Mưa Biên Giới” bị cấm hát trong suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa, và chỉ được phổ biến sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm hồi Tháng Mười Một, 1963.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, mà cấp bậc sau cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975 là đại tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sinh tại Sài Gòn nhưng gốc người ở Tây Ninh. Sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Văn Đông rất phong phú. Ông từng là trưởng Đoàn Văn Nghệ Vì Dân, trưởng Ban Ca Nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Sài Gòn, giám đốc các hãng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca.

Ngoài “Chiều Mưa Biên Giới,” các sáng tác thuộc loại “nhạc lính” của Nguyễn Văn Đông còn gồm các nhạc phẩm “Phiên Gác Đêm Xuân,” “Sắc Hoa Màu Nhớ,” “Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp,” “Xin Đừng Trách Anh” [dưới bút danh Phượng Linh]…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông [trái] cùng vợ và nhạc sĩ Trần Quốc Bảo chụp trước cửa tiệm Nhiên Hương năm 1996. [Hình: Tài liệu]

Cũng dưới bút danh Phượng Linh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sáng tác nhiều bản nhạc tình cảm rất có giá trị, trong đó có “Khi Đã Yêu,” “Thầm Kín,” “Niềm Đau Dĩ Vãng,” “Nhớ Một Chiều Xuân”…

Với bút danh Phượng Linh và Đông Phương Tử, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng còn viết nhạc nền cho trên 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam, như “Nửa Đời Hương Phấn,” “Đoạn Tuyệt,” “Tiếng Hạc Trong Trăng,” “Mưa Rừng”…

Sau khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã bị đưa đi “học tập cải tạo” ngoài Bắc suốt 10 năm, và chỉ được trở về đoàn tụ với gia đình sau khi sức khỏe đã suy sụp nặng nề. Người nhạc sĩ tài hoa của miền Nam Việt Nam mất ngày 26 Tháng Hai, 2018, tại Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi. [Vann Phan] [qd]

Chủ Đề