An Giang có diện tích khoảng bao nhiêu?

Tri Tôn là huyện lớn nhất tỉnh An Giang với diện tích tự nhiên khoảng 60.039,74 ha chiếm gần 17% diện tích toàn tỉnh gồm 2 thị trấn: Tri Tôn, Ba Chúc và 13 xã: Lạc Quới, Lê Trì, Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Châu Lăng, Lương Phi, Lương An Trà, Tà Đảnh, Núi Tô, An Tức, Cô Tô, Tân Tuyến, Ô Lâm. Trong đó, thị trấn Tri Tôn là trung tâm huyện lỵ, cách không xa các đô thị lớn và cửa khẩu trong khu vự như: Thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, thành phố du lịch – cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, thành phố Rạch Giá,…

Nằm về hướng Tây Nam của tỉnh An Giang, phía Bắc và Đông Bắc Tri Tôn giáp huyện Tịnh Biên và nước bạn Campuchia, phía Đông giáp huyện Châu Thành và Thoại Sơn của tỉnh An Giang, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Hòn Đất, Giang Thành tỉnh Kiên Giang. Với vị trí địa lý này, Tri Tôn khá thuận lợn so với những huyện, thị xã của tỉnh trong việc giao thương, nhất là giao thương với các tuyến khu du lịch nổi tiếng Châu Đốc – Chùa Bà núi Sam – Cửa khẩu Xuân Tô – Núi Cấm – Tức Dụp – Ô Tà Sóc – Nhà Mồ Ba Chúc – Hà Tiên – Kiên Giang; Khu du lịch Óc Eo – Núi Cô Tô,…

Song song đó, huyện Tri Tôn có mạng lưới hệ thống đường bộ, đường thủy với nhiều tuyến đường huyết mạch nối Tri Tôn với các huyện và các nơi khác trong khu vực. Đối với đường bộ, huyện Tri Tôn có các tuyến đường bộ chính, bao gồm: Quốc lộ N1 nối quốc lộ 91 tại Tịnh Biên qua Tri Tôn đến quốc lộ 80 tại Hà Tiên; Tỉnh lộ 941 nối Tri Tôn với quốc lộ 91 tại Châu Thành; Tỉnh lộ 943 nối Tri Tôn qua Thoại Sơn đến quốc lộ 91 tại thành phố Long Xuyên; Tỉnh lộ 948 nối Tri Tôn qua Tịnh Biên đến quốc lộ 91; Tỉnh lộ 955B nối Tri Tôn – Ba Chúc đến quốc lộ N1.

Mạng lưới đường thủy chính bao gồm: Kênh Tri Tôn nối Sông Hậu tại Châu Phú qua Tri Tôn đến Kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại Hòn Đất; Kênh Vĩnh Tế nối Sông Hậu tại thành phố Châu Đốc qua Tri Tôn, Kiên Lương đến Kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại thành phố Hà Tiên; Kênh Mạc Cần Dưng nối Sông Hậu tại Châu Thành đến Tri Tôn, nối tiếp Kênh Tri Tôn – Vàm Rầy đến Kênh Rạch Giá – Hà Tiên và Hòn Đất; Kênh 10 – Châu Phú nối Sông Hậu tại Châu Phú qua Tri Tôn đến Kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại Hòn Đất.

Ngoài ra, huyện Tri Tôn là một trong 05 huyện [Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, An Phú, Tân Châu] – thị thành biên giới của tỉnh An Giang giáp với Vương quốc Campuchia và có hơn 15km đường biên giới với Campuchia và gần Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Hà Tiên, vị thế này không chí giúp việc đi lại được thuận tiện, đảm bảo giao lưu giữa huyện và các nơi khác trong khu vực mà rất thuận lợi để trao đổi hàng hóa vưới nước bạn Campuchia và khu vực; là lợi thế so sánh đặc biệt để phát triển kinh tế cửa khẩu của huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu giữa 2 nước; đồng thờigiữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.

An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu, có một phần nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Vùng đất này được khai phá cách đây khoảng 300 năm. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, An Giang xưa thuộc đất Tầm Phong Long của Chân Lạp. Năm 1757, quốc vương Chân Lạp dâng đất cho chúa Nguyễn đặt làm đạo Châu Đốc. Thời Gia Long, đất An Giang thuộc trấn Vĩnh Thanh, một trong 5 trấn của thành Gia Định.

Tỉnh An Giang được thành lập năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng thứ 13. Thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hoà, địa giới tỉnh An Giang thay đổi thường xuyên. Ngày 20-12-1975, tỉnh An Giang được tái lập trên cơ sở hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ, trừ huyện Thốt Nốt. Tỉnh An Giang lúc này có 8 quận với 84 xã. Những năm sau, địa giới hành chính của tỉnh tiếp tục thay đổi. Ngày 10-03-1999, thành lập thành phố Long Xuyên - tỉnh lỵ của tỉnh, đồng thời hoàn tất quá trình phân chia hành chính, xác lập ranh giới với các tỉnh lân cận.

An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn đứng đầu khu vực qua các năm. Năm 2007, đạt 6.465,4 tỷ đồng [theo giá so sánh 1994], chiếm 13,26% giá trị của toàn khu vực, dẫn đầu cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007 của tỉnh đạt 10.369,1 tỷ đồng, đứng hàng thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau thành phố Cần Thơ, tỉnh Long An và tỉnh Cà Mau.

Tỉnh có diện tích 3.536,8 km2, đứng thứ 4 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau và tỉnh Long An. Dân số năm 2007 là 2.231.000 người, cao nhất khu vực và đứng hàng thứ 6 trong cả nước. Vị thế của tỉnh nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long,  liền kề thành phố Cần Thơ, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 190 km đường chim bay. Đây là điều kiện thuận lợi cho phép tỉnh phát triển và hội nhập kinh tế với các tỉnh Nam Bộ cũng như các tỉnh thành khác trong và ngoài nước, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Long Xuyên - tỉnh lỵ của tỉnh - nằm bên bờ sông Hậu, có truyền thống văn hóa đặc sắc của một thành phố miền Tây với chợ nổi trên sông và nhiều di tích thắng cảnh khác. Thị xã Châu Đốc là thị xã biên giới xinh đẹp, nổi tiếng với thắng cảnh núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ, là những địa điểm du lịch được nhiều người biết đến.

Tỉnh An Giang nằm ở địa đầu Tây Nam của lãnh thổ Việt Nam. Phía Bắc và Tây Bắc tiếp giáp Campuchia với đường biên giới dài 104 km, chạy dọc theo kênh Vĩnh Tế. Phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, đường ranh giới dài 69,789 km. Phía Nam có 44,734 km đất đai tiếp giáp với  thành phố Cần Thơ. Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Đồng Tháp, ngăn cách bởi sông Tiền và rạch Cái Tàu Thượng, chiều dài đường ranh giới là 107,6 km.

Lãnh thổ An Giang bao gồm hai vùng: dãy cù lao nằm giữa sông Tiền - sông Hậu, bao gồm các huyện: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới; dãy đất nằm dọc bên hữu ngạn sông Hậu, thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, bao gồm các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Châu Đốc và thành phố Long Xuyên. Chiều dài nhất theo hướng Bắc - Nam là 86 km, Đông - Tây là 87 km, trong vùng tọa độ từ 10012' - 10057' vĩ Bắc và 104046' - 105035' kinh Đông. Điểm cực Bắc nằm tại xã Khánh An, huyện An Phú. Điểm cực Nam nằm tại xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn. Điểm cực Tây tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Điểm cực Đông tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

An Giang có 2 dạng địa hình chính là đồng bằng và đồi núi.

Địa hình đồng bằng

Đồng bằng Châu Đốc nhìn từ núi Sam - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Đồng bằng chiếm khoảng 87% diện tích tự nhiên của tỉnh, là nơi sinh sống của khoảng 89% dân cư toàn tỉnh.

Đồng bằng cũng được phân thành hai loại là đồng bằng phù sa và đồng bằng ven núi.

- Đồng bằng phù sa do phù sa của sông Cửu Long bồi đắp, gồm 2 khu vực:

+ Khu vực 1: Là dãy đất nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu, bao gồm một phần huyện An Phú và các huyện Tân Châu, Phú Tân và Chợ Mới. Địa hình có dạng lòng chảo, cao ở hai bờ sông và thấp dần ở giữa. Độ cao trung bình ở ven sông là 3 - 4 m, ở khu lòng chảo là 1,5 - 3 m. Đất chủ yếu là loại cát pha, thích hợp với việc trồng lúa, ngô, cây ăn quả.

+ Khu vực 2: là dãy đất nằm ở hữu ngạn sông Hậu, bao gồm một phần huyện An Phú, các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, thị xã Châu Đốc và thành phố Long Xuyên. Địa hình hơi nghiêng, thấp dần về phía Tây - Tây Nam. Nơi thấp nhất chỉ cao khoảng 0,7 - 1,0 m so với mực nước biển. Đất chuyển từ thịt nhẹ đến đất sét, thích hợp cho cây lúa, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả.

- Đồng bằng ven núi thuộc kiểu sườn tích [Deluvi] và phù sa cổ. Kiểu sườn tích hình thành trong quá trình phong hóa và xâm thực từ các núi đá, độ cao trung bình từ 5 - 10 m, hẹp, độ dốc nhỏ.

Địa hình đồi núi

Vùng đồi núi chiếm khoảng 13% diện tích tự nhiên và 11%  dân cư toàn tỉnh. Các dãy núi phân bố thành hình vòng cung kéo dài gần 100 km, khởi đầu từ xã Phú Hữu, huyện An Phú, qua xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, bao trùm lên gần hết diện tích huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, về tận xã Vọng Thê và Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, gồm các cụm núi chính:

    Núi Cô Tô - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

  • Cụm núi Sập: gồm 4 núi là núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà và núi Cậu đều thuộc địa bàn huyện Thoại Sơn. Núi Sập có độ cao 85 m với chu vi 3.800 m.

  • Cụm Ba Thê: có 5 núi cũng nằm trên huyện Thoại Sơn là: núi Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Lớn nhất là núi Ba Thê với độ cao 221 m và chu vi khoảng 4.220 m.

  • Cụm núi Phú Cường: có 13 núi nằm trên địa bàn huyện Tịnh Biên gồm núi Phú Cường, núi Dài Năm Giếng, núi Két, núi Rô, núi Trà Sư, núi Bà Vải, núi Đất Lớn, núi Bà Đắt, núi Cậu, núi Đất Nhỏ, núi Mo Tấu, núi Chùa và núi Tà Nung. Cao nhất là núi Phú Cường 282 m với chu vi khoảng 9.500 m.

  • Cụm núi Cấm: có 7 núi nằm giáp ranh giữa huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên gồm: núi Cấm, núi Bà Đội, núi Nam Quy, núi Bà Khẹt, núi Tà Lọt, núi Ba Xoài và núi Cà Lanh. Núi Cấm cao nhất 705 m với chu vi 28.600 m.

  • Cụm núi Dài: thuộc huyện Tri Tôn có 4 núi: núi Dài, núi Tượng, núi Nước và núi Sà Lôn. Trong đó núi Dài cao 554 m và chu vi là 21.625 m .

  • Cụm núi Tô: có 2 núi là Cô Tô và Tà Pạ, đều thuộc huyện Tri Tôn. Cao nhất là núi Cô Tô 614 m với chu vi 14.375 m.

  • Núi Nổi: nằm độc lập ở huyện An Phú độ cao 10 m và chu vi khoảng 320 m.

  • Núi Sam: cũng nằm độc lập ở thị xã Châu Đốc, có độ cao 228 m và chu vi khoảng 5.200 m.

Trong đó, khu vực Bảy Núi hay còn gọi là Thất Sơn gồm các ngọn núi: núi Cấm [cụm núi Cấm], núi Dài [cụm núi Dài], núi Dài Năm Giếng [cụm núi Phú Cường], núi Cô Tô [cụm núi Cô Tô], núi Nước [cụm núi Dài], núi Tượng [cụm núi Dài]. Núi Sam ở thị xã Châu Đốc và núi Nổi ở huyện An Phú là các núi lẻ nổi lên giữa cánh đồng lúa xanh rờn, tạo nên vẻ đẹp sinh động. Đất đai vùng núi chủ yếu là đất xám, nghèo dinh dưỡng, giữ nước kém, dễ bị khô hạn và xói mòn. Sản xuất nông nghiệp chỉ được một vụ vào mùa mưa, chủ yếu là trồng cây ăn quả và trồng rừng.

An Giang nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, đoạn hạ lưu của sông Mê Kông, có nhiều sông lớn chảy qua. Ngoài ra, tỉnh còn có một hệ thống rạch tự nhiên và các kênh đào nằm rải rác khắp nơi, tạo thành mạng lưới giao thông thủy lợi chằng chịt với mật độ sông ngòi là 0,72 km/km2.

Các sông chính

- Sông Tiền

- Sông Hậu

- Sông Vàm Nao.

Ngoài ra còn có sông Bình Di và sông Châu Đốc. Sông Bình Di là một nhánh của sông Hậu, tách ra tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, chảy đến xã Vĩnh Hội Đông, dài khoảng 10 km. Sông Châu Đốc là một phụ lưu của sông Hậu, bắt đầu từ xã Vĩnh Hội Đông, nơi giao nhau giữa sông Tà Keo

[chảy từ Campuchia qua] và sông Bình Di, chảy qua xã Đa Phước, đến thị xã Châu Đốc thì nhập vào sông Hậu, dài khoảng 18 km.

Chế độ thủy văn của An Giang phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ nước sông Mê Kông. Hằng năm, có khoảng 70% diện tích tự nhiên bị ngập lụt với mức nước phổ biến từ 1 - 2,5 m, thời gian ngập lụt từ 2,5 - 4 tháng. Điều này gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Các kênh, rạch, hồ

Kênh Thần Nông - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Ngoài các con sông lớn, An Giang còn có hệ thống các kênh, rạch, hồ nằm rải rác khắp bề mặt lãnh thổ.

Hệ thống rạch tự nhiên có độ dài từ vài km đến 30 km, bề rộng từ vài m đến 100 m, độ uốn khúc quanh co khá lớn. Các rạch nằm giữa sông Tiền và sông Hậu thường lấy nước từ sông Tiền chuyển sang sông Hậu. Các rạch ở phía Tây sông Hậu thì lấy nước từ sông Hậu dẫn vào nội đồng. Xưa kia, số lượng các rạch tự nhiên khá nhiều. Trải qua một thời gian dài, nhiều rạch đã bị phù sa sông Tiền và sông Hậu bồi đắp thành ruộng, hoặc bị cải tạo thành các kênh đào, vì vậy, số còn lại ngày nay không nhiều. Một số rạch lớn như: Mương Khai, Cái Đầm, Cái Tắc [huyện Phú Tân]; Ông Chưởng, Cái Tàu Thượng [huyện Chợ Mới]; Long Xuyên [thành phố Long Xuyên]; Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng [huyện Châu Thành]; Cần Thảo [huyện Châu Phú]. Trong đó rạch Ông Chưởng và rạch Long Xuyên là quan trọng nhất.

Ngoài hệ thống rạch tự nhiên, An Giang còn có mạng lưới kênh đào được khai mở qua các thời kỳ. Hệ thống kênh trên địa bàn tỉnh được phân thành 3 cấp, với chiều dài tổng cộng khoảng 5.171 km, đạt mật độ 1,5 km/km2. Năng lực giao lưu nước lớn nhất vào mùa lũ khoảng 7.500 m3/s và nhỏ nhất vào mùa khô khoảng 1.650 m3/s, có tác dụng tích cực trong việc khuếch tán dòng chảy lũ - phù sa - triều vào sâu nội đồng để tiêu lũ trong mùa mưa, chuyển tải ngọt đuổi mặn trong mùa khô, thay nhau rửa phèn vào đầu và cuối mùa mưa. Sau đây là một vài tuyến kênh chính:

- Kênh Thoại Hà

- Kênh Vĩnh Tế

- Kênh Vĩnh An

- Kênh Trà Sư

- Kênh Thần Nông

- Kênh Vàm Xáng

Trên địa bàn An Giang hiện có hai loại hồ là tự nhiên và nhân tạo. Hồ tự nhiên ở An Giang là dấu tích còn sót lại của quá trình sông - biển tạo lập châu thổ sông Mê Kông. Điển hình là hai hồ Búng Bình Thiên Lớn và Búng Bình Thiên Nhỏ, nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu, thuộc xã Khánh Bình, huyện An Phú. Nguồn nước cung cấp cho hai hồ là sông Hậu và sông Bình Di. Vào mùa khô, Búng Bình Thiên Lớn có diện tích mặt nước là 193 ha, độ sâu trung bình khoảng 6 m; Búng Bình Thiên Nhỏ lần lượt là 10 ha và 5 m. Chung quanh hai hồ là các gò đất cao từ 3 - 4 m, có các cửa thông với sông. Vào mùa mưa, khi lũ lên cao, nước lũ tràn bờ, chảy vào lấp đầy hồ, làm chìm ngập hai hồ trong biển nước mênh mông. Hiện tại, hai hồ chỉ được khai thác nguồn thủy sản tự nhiên, trong tương lai sẽ được cải tạo để nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Long Xuyên còn có hồ Nguyễn Du, cũng là hồ tự nhiên được hình thành từ một nhánh nhỏ của sông Hậu, tạo nên một thắng cảnh đẹp giữa lòng thành phố. Các hồ nhân tạo được xây dựng ở vùng đồi núi Tri Tôn - Tịnh Biên vào những năm 1986 - 1994 như: hồ Soài So, hồ Ô Tức Xa, hồ Cây Đuốc. Ngoài tác dụng cung cấp nước sinh hoạt, các hồ này còn hỗ trợ nước tưới cho hoa màu và các loại cây trồng khác, phục vụ đắc lực cho công tác trồng rừng phủ kín đồi trọc, phòng chống cháy rừng và phòng chống sa mạc hóa đất đồng bằng ven núi, góp phần cải tạo môi trường, tạo cảnh quan hấp dẫn cho du lịch sinh thái.

An Giang nằm trong vùng gần trung tâm xích đạo nên mang đậm tính chất của kiểu khí hậu xích đạo, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Lượng bức xạ tương đối lớn, tổng nhiệt độ trung bình hằng năm là 10.0000C. Số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 2.520 giờ, cao kỷ lục so với cả nước. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 270C, cao nhất là tháng 4 khoảng 29,50C, thấp nhất là tháng 12 khoảng 240C. Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm thấp. Vào mùa khô, biên độ nhiệt từ 1,5 - 30; vào mùa mưa, biên độ nhiệt giữa các tháng chỉ vào khoảng trên dưới 10.

Số giờ nắng trung bình tại trạm khí tượng Châu Đốc thời kỳ 1976 - 2000

Tháng

Tổng cộng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

264

232

257

234

217

180

192

183

183

189

207

236

2.574

  Nguồn: Địa chí An Giang - UBND tỉnh An Giang - 2003

Khí hậu phân hóa thành hai mùa rõ rệt. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, có gió mùa Đông Bắc, thời tiết trong sáng, ít mưa, mưa vào mùa này chỉ chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm, gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng cho cây trồng và sinh hoạt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, có gió mùa Tây Nam thổi vào, nóng ẩm, mưa nhiều, lượng mưa chiếm khoảng 90% lượng mưa cả năm, tập trung cao nhất từ tháng 8 - tháng 10, gây nên cảnh ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

Nhìn chung, chế độ khí hậu của tỉnh tương đối ôn hoà, nắng nhiều, mưa vừa, ít thiên tai, thời tiết khá ổn định, hầu như không xảy ra bão và sương muối. Đây là những thuận lợi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và các ngành kinh tế khác như du lịch, giao thông. Khó khăn nhất mà khí hậu gây ra cho tỉnh An Giang cũng như các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là thiếu nước vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa. Vấn đề đặt ra là cần phải có những giải pháp đồng bộ để khắc phục, tìm nguồn cung cấp nước vào mùa khô, tận dụng các nguồn lợi của lũ như: bồi đắp phù sa, khai thác thủy sản....giúp người dân yên tâm sống chung với lũ.

1. Các loại đất:

An Giang có 3 loại đất chính: đất phù sa, đất phèn và đất đồi núi.

- Nhóm đất phù sa chiếm khoảng 66% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu ở vùng nằm giữa sông Tiền - sông Hậu và dãy đất ven hữu ngạn sông Hậu từ Châu Đốc tới Long Xuyên. Vùng đất này được phù sa bồi tụ hằng năm, có đặc tính chung là chứa nhiều hữu cơ, ít pH, ít bị bào mòn, xâm thực, thích hợp trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả. Dựa vào nguồn gốc hình thành và thành phần dinh dưỡng, người ta chia đất phù sa ở An Giang thành 5 loại khác nhau như sau:

Sử dụng nguồn tài nguyên đất - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

+ Đất cồn bãi: phân bố chủ yếu ven sông Tiền, sông Hậu và một phần nhỏ trên sông Vàm Nao, gồm doi sông, cồn sông. Đất do phù sa sông Tiền, sông Hậu bồi đắp có hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa các ion gây độc cho cây trồng, lại được bồi đắp liên tục hằng năm nên tầng canh tác dày. Thành phần hạt gồm chủ yếu là cát thô đến mịn, tầng mặt có lẫn sét bột. Đất có tính chua ít, pH từ 4 - 2,6, ít độc chất gây hại cho cây trồng, chất hữu cơ thường ít, đạm và lân không nhiều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 cồn và cù lao, 8 trên sông Tiền, 14 trên sông Hậu. Những bãi bồi đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, dân địa phương gọi là cồn như cồn Béo, cồn Tiên ở Vĩnh Hoà, cồn Én ở Tấn Mỹ, cồn Khánh Bình của xã Khánh Hoà....Những cù lao được hình thành lâu đời, có diện tích lớn như cù lao Ông Hổ, cù lao Phó Ba, cù lao Bắc Nam, cù lao Kha Tam Boong, cù lao Bình thủy.

+ Đất phù sa xám nâu được bồi, ít hữu cơ: phân bố nhiều ở huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân, huyện Châu Phú và những cánh đồng ven sông Hậu thuộc huyện Châu Phú, huyện Châu Thành. Đây là phần đất bị ngập nước hằng năm vào mùa mưa lũ, địa hình khá bằng phẳng và trải rộng, trầm tích chủ yếu là sét, bột, lẫn chất hữu cơ, lớp phù sa dày từ 1 - 2 m. Đất dẻo chặt, không có ion gây hại cho cây trồng, pH khoảng 4,0. Hàm lượng lân trao đổi khá thấp, từ 1 - 4 meq/100 g. Hàm lượng chất hữu cơ ở tầng mặt là 3,8%, càng xuống dưới càng thấp. Tổng số đạm trung bình thấp khoảng 0,06 - 0,18%, nghèo lân và kali. Thành phần cơ giới gồm 45% sét, 49% bột, 1,4% cát. Đất chủ yếu trồng lúa hai vụ. Một số nơi như Châu Phú, An Phú, có thể trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu.

+ Đất phù sa xám nâu ít được bồi: phân bố ở những địa hình thấp và thường ở sâu trong nội đồng, cách xa sông rạch, như các xã Ô Long Vĩ, Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây - huyện Châu Phú, xã Tân Lập - huyện Tịnh Biên, xã Vĩnh An, Tân Phú - huyện Châu Thành, các xã Tây Phú, Vĩnh Nhuận, Vĩnh Phú - huyện Thoại Sơn, một phần nhỏ ở huyện Chợ Mới và thị xã Châu Đốc. Đất có nguồn gốc từ đồng lụt thấp, địa hình tương đối bằng phẳng. Tầng mặt là lớp phù sa mới tươi nâu, chứa nhiều hữu cơ nên một vài vùng sậm màu, bề dày tầng tích tụ mùn khoảng 20 cm. Tầng mặt có bề dày trung bình khoảng 30 - 50 cm, đất có độ dinh dưỡng khá cao. Do nằm sâu trong nội đồng nên không được phù sa bồi đắp thường xuyên. Độ pH khoảng 4,5, giảm dần ở các tầng bên dưới. Hàm lượng nhôm thấp, trung bình từ 2 - 2,2 meq/100 g, lượng sunphat hoà tan khá cao, từ 0,21 - 0,6%. Hàm lượng hữu cơ khoảng 3,8%, giảm dần ở các tầng bên dưới. Thành phần hữu cơ bao gồm: 41,3% sét, 36,6% bột mịn, cát rất ít hoặc không có. Hiện trạng canh tác chủ yếu là trồng lúa 2 vụ/năm.

+ Đất phù sa có phèn: phân bố chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và Tri Tôn. Đất có nguồn gốc chủ yếu là bưng sau đê, địa hình thấp và khá bằng phẳng, độ cao trung bình từ 0,8 - 1 m so với mực nước biển. Đất có phản ứng hơi chua, pH từ 4,7 - 5,5, càng xuống sâu, lượng nhôm, tổng số acid và lượng sunphat hoàn tan tăng nhanh. Chất hữu cơ ở tầng mặt khá lớn, chiếm khoảng 5%, lượng đạm giàu có với độ dày khoảng 30 cm. Thành phần cơ giới gồm 62,66% sét, 35,6% bột. Khả năng thoát nước kém, tính thoáng khí và tơi xốp cũng thấp. Nhóm đất này chủ yếu thuộc địa hình thấp, có mức bồi tụ yếu. Tầng sinh phèn nằm ở độ sâu từ 50 - 100 cm có khả năng gây hại cho cây trồng. Hiện trạng sử dụng chủ yếu là trồng lúa 2 vụ/năm.

+ Đất phù sa cổ: phân bố ở những nơi có địa hình cao thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Nhóm đất này tạo nên dãy đồng bằng quanh núi Dài, núi Cấm, dãy cánh đồng ven kênh Vĩnh Tế. Đất có màu xám trắng, lẫn nhiều vết loang lổ đỏ nâu, trạng thái dẻo chặt, thành phần sét Kaolinit là chủ yếu. Hàm lượng nhôm hầu như không có, đất trung tính, hàm lượng sunphat thấp, đặc biệt lượng oxyt sắt Fe2O3 rất cao, có nơi chiếm tới 2,75%. Tầng mặt có hàm lượng chất hữu cơ và dinh dưỡng khá. Các tầng bên dưới nghèo dinh dưỡng và rất ít hữu cơ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của phù sa mới sông Hậu, qua các đợt lũ tràn về, đã hình thành tầng mặt mới trộn lẫn với các chất hữu cơ thứ sinh tạo thành tầng tích tụ mùn khá dày, thích hợp cho cây trồng. Hiện canh tác chủ yếu là lúa 2 vụ/năm.

- Nhóm đất phèn chiếm 23% diện tích tự nhiên, phân bố ở vùng tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang, thuộc địa phận huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và một phần của huyện Châu Phú. Nhóm đất này được hình thành do quá trình biển tiến cách đây 6.000 năm, đặc biệt trong môi trường vũng vịnh biển nông. Dựa trên nguồn gốc hình thành và mức độ nhiễm phèn có thể chia thành 4 loại nhỏ là: đất phèn tiềm tàng, đất phèn nhiều, đất phèn ít và đất than bùn chứa phèn. Đặc tính chung của loại đất này là có chứa nhiều gốc sunphat, độ pH thấp, đất nặng, thành phần chủ yếu là sét, cát mịn. Trong môi trường acid như vậy, nhôm và các nguyên tố độc hại khác có thể gây chết cây trồng và ảnh hưởng đến đời sống của các loài động thực vật khác. Tại đây, rừng ngập mặn phát triển mạnh với các loài đước, sú, mắm....

- Nhóm đất đồi núi chiếm 10% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu tại huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và một phần nhỏ ở huyện Thoại Sơn. Loại đất này được hình thành từ quá trình phong hóa, xâm thực của các đồi núi đá. Sau đó bị các dòng lũ mang xuống tích thụ thành những vành đai thổ nhưỡng quanh núi. Đất đồi núi có thành phần thuộc loại cát pha sét, chủ yếu là cát, xen lẫn ít bột và sét, có nơi hàm lượng cát chiếm trên 60% như ở các xã An Hảo, An Cư - huyện Tịnh Biên. Đất có tính trung bình, pH 6,65, hầu như không có độc chất có hại cho cây trồng. Tuy nhiên, hàm lượng chất hữu cơ trong đất rất thấp, nghèo đạm và lân, chỉ thích hợp trồng cây ăn quả và trồng rừng.

2. Cơ cấu sử dụng đất

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01-01-2007, trong số 353.680 ha đất tự nhiên của tỉnh An Giang, có đến 280.600 ha diện tích đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 79,4%; 14.700 ha đất lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ  4,2%; 25.400 ha đất chuyên dùng, chiếm tỷ lệ 7,2%; 15.500 ha đất ở, chiếm tỷ lệ 4,4%. Trong đó, phần lớn đất nông nghiệp là đất trồng cây hằng năm, chủ yếu là lúa và hoa màu các loại.

Bảng cơ cấu sử dụng đất của tỉnh so với khu vực và cả nước

Danh mục

Đất nông nghiệp [%]

Đất lâm nghiệp [%]

Đất chuyên dùng [%]

Đất ở [%]

Cả nước

28,5

43,8

4,3

1,8

Đồng bằng Sông Cửu Long

63,2

8,6

5,5

2,7

An Giang

79,4

4,2

7,2

4,4

Nguồn: Tổng cục Thống kê - ngày 01-01-2007

Do khí hậu thuận lợi và đất đai màu mỡ nên động thực vật ở An Giang phát triển phong phú, có nhiều loài. Năm 2003, toàn tỉnh có 583 ha diện tích rừng tự nhiên và 11.8884 ha diện tích rừng trồng. Năm 2007, diện tích rừng của tỉnh đạt 14.000 ha, trong đó, có 600 ha rừng tự nhiên và 13.400 ha rừng trồng. Rừng tập trung chủ yếu ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên.

1. Thực vật

Vùng núi An Giang trồng nhiều thốt nốt - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Trước đây, thảm thực vật tự nhiên của An Giang rất phong phú cả về số lượng lẫn chủng loại. Qua nhiều thế kỷ, thảm thực vật này đã biến đổi mạnh do tác động của con người, nhiều hệ sinh thái ngập nước và hệ sinh thái rừng trên đồi núi đã chuyển dần sang hệ sinh thái nông nghiệp.

- Thảm thực vật ngập nước: Thực vật chiếm ưu thế là tràm, phát triển ở vùng ngập nước, bưng trũng đất phèn và than bùn ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Cây tràm ở An Giang cao từ 15 - 20 m, có khi đạt tới 25 m. Cách đây gần 1 thế kỷ, tràm mọc thành rừng, phủ kín cả vùng đồng bằng, song do con người khai thác bừa bãi nên rừng tràm bị thu hẹp dần. Ngoài tràm, còn có hơn 100 loài thực vật thuộc các họ khác nhau, trong đó nhiều loài có giá trị phát triển và khai thác như: chà là nước, mốp, trâm sẻ, trâm khế, sộp, mây nước, nắp bình, bòng bòng, choại, bồn bồn.....Thảm thực vật này có vai trò ngăn cản quá trình oxid hóa khoáng sinh phèn và quá trình khoáng phèn ở tầng đất dưới, đồng thời góp phần điều hoà khí hậu, độ ẩm, cản dòng chảy, giữ phù sa.

- Thảm thực vật đồi núi: Tập trung chủ yếu ở vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và một phần thị xã Châu Đốc, huyện Thoại Sơn. Ngày trước, thảm thực vật ở đây thuộc kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới có cấu trúc 3 tầng rõ rệt, phong phú về chủng loại, có nhiều loại cây quý hiếm. Qua nhiều thế kỷ, do tác động của con người, thảm thực vật này đã giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Cây tái sinh kém và lớp tái sinh không liên tục, cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Con người đã trồng tỉa hoa màu, cây ăn quả, tạo nên những thảm thực vật nhân tạo thay thế các thảm thực vật tự nhiên. Hiện nay, thảm thực vật này còn giữ được một số loài gỗ quý như: mật, căm xe, giáng hương, dầu, sao, tếch....

Để tạo sự cân bằng sinh thái, điều hoà khí hậu, cải tạo đất, tạo nguồn nước ngọt và hạn chế lũ lụt, tỉnh cần phải khôi phục lại rừng tràm và phủ xanh đồi trọc ở vùng Bảy Núi.

2. Động vật

Đất lành chim đậu - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Hệ động vật ở An Giang trước đây rất phong phú. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã viết: "Ở núi Nam Vi cây cối um tùm, cấm chặt cây, khe sâu cỏ rậm, rất nhiều hươu, nai, hổ, báo. Dân núi và người ẩn tụ họp cấy cày ở chân núi". Còn trong núi Khe Săn ở huyện Hà Dương, cách Vàm Nao 5 dặm về phía Đông Nam, theo Trịnh Hoài Đức thì "cây tùng, cây trúc tốt tươi, hươu nai tụ tập, có ruộng để cày cấy, có chằm để chài lưới, nhân dân thường đến núi này để tìm mối lợi".

Ở các vùng ngập nước thì có nhiều tôm cá và nhiều loài chim cò, đặc biệt có cả cá sấu, nhiều nhất là ở khu vực sông Vàm Nao. Người ta có thể bắt cá sấu về nuôi và xẻ thịt bán. Gia Định thành thông chí viết: "Người ta bắt ở nước thì nuôi trong cái bè, trên đất thì nuôi trong chuồng, rồi đem bán cho hàng thịt, da phơi khô đem bán, răng làm cán đồ dùng". Ngày nay, cá sấu được liệt vào danh sách những loài quý hiếm và được nuôi để lấy da xuất khẩu. Cùng loài bò sát với cá sấu, vùng nông thôn ngập nước ở An Giang còn có nhiều loài rắn như rắn nước, rắn bông súng, rắn ri voi, ri cá, rắn râu, rắn mối, rắn trun, rắn hổ, rắn lục, rắn máy gầm....

Một loài động vật tự nhiên rất phổ biến ở An Giang là chuột. Chuột có mặt ở khắp nơi, từ trong nhà đến ngoài đồng, gây thiệt hại không nhỏ cho nghề nông. Các giống chuột thường thấy ở An Giang là chuột đồng Rattus argetiventer, chuột nhà Rattus rattus, chuột cống heo hay chuột cống ét Bandicota indica, chuột cống nhum hay chuột cống cơm Bandicota bengalensis, chuột nhắt Mus musculus. Ngoài ra còn có loài chuột nhỏ, di chuyển nhanh trên các đọt lúa, rất khó diệt trừ, gọi là chuột bọ Mus sp. Ở xã Bình Long, huyện Châu Phú có một làng nghề chuyên thu gom và giết thịt chuột, gọi là làng nghề Chuột.

Với những cánh đồng bạt ngàn, An Giang là nơi sinh sống của nhiều loài chim hoang dã như: sẻ, chào mào, chích chòe, sậu, sáo, cồng cộc, le le, vịt trời, cò trắng, cò ma, cò bộ, cò lửa, diệc, cuốc, trích....Theo số liệu điều tra vào tháng 07-1999, ở rừng Trà Sư huyện Tri Tôn có 62 loài chim với hơn 5.000 cá thể. Rừng Trà Sư thể hiện tính đa dạng sinh học, là nơi có nhiều loài chim trú ẩn và làm tổ. Cũng trong đợt điều tra này, người ta còn phát hiện một số lượng nhỏ loài điêng điểng đang sinh sản. Đây là loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, còn có hơn 300 cá thể diệc lửa, điều này cho thấy đây có thể là điểm trú ngụ của các loài diệc lửa ở đồng bằng sông Cửu Long.

An Giang có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, song trữ lượng không nhiều, đáng kể nhất có vật liệu xây dựng, than bùn, nước khoáng, cao lanh và một ít quặng kim loại.

- Vật liệu xây dựng:

+ Đá granite với trữ lượng khoảng 7.046 triệu m3, phân bố ở Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn, gồm hai loại là loại sáng màu hạt mịn và loại sậm màu hạt thô. Loại sáng màu hạt mịn phân bố ở núi Trà Sư, núi Két, núi Bà Đội - huyện Tịnh Biên, núi Sập, núi Ba Thê nhỏ, núi Tượng, núi Chóc, núi Trọi - huyện Thoại Sơn; đá có màu sáng trắng, ít khoáng vật màu, kích thước hạt khá đồng nhất. Loại sậm màu hạt thô phân bố ở núi Cô Tô, núi Ba Thê; đá có màu xám, chứa nhiều khoáng vật màu, hạt thô.

+ Cát xây dựng trữ lượng khoảng 10 triệu m3, có hai loại là cát núi và cát sông. Cát núi nằm theo triền hoặc trong các trũng giữa núi Cấm và núi Dài thuộc các xã An Cư, Thới Sơn, là sản phẩm trầm tích, do dòng nước mang cát từ trên triền cao của các thềm cổ tích tụ mà thành. Cát núi thường có màu trắng, hạt thô, độ lựa chọn yếu, hiện chưa được khai thác phổ biến. Cát sông được khai thác từ lâu và ngày một phổ biến trên sông Tiền, sông Hậu. Thành phần vật chất chủ yếu của các sông bao gồm: cát bùn, bột sét, cát, bùn, bột cát phục vụ nhu cầu xây dựng và san lấp mặt bằng.

+ Sét gạch ngói có trữ lượng khoảng 40 triệu m3, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và huyện Châu Phú. Thành phần hóa học của loại đất này bao gồm: oxyt silic chiếm từ 59,08 - 61,18 %, oxyt nhôm chiếm từ 17,39 - 17,82 %; còn lại là oxyt canxi, oxyt magiê, oxyt mangan, oxyt natri, oxyt kali và một số oxyt kim loại khác. Chỉ cần khai thác ở lớp mặt có bề dày từ 0,2 - 0,3 m là có thể đủ cung cấp cho hơn 400 nhà máy sản xuất gạch ngói lớn nhỏ trong toàn tỉnh. Sau đó, chỉ trong vòng 2 - 3 mùa ngập lũ, phù sa lại lấp đầy như cũ. Sét gạch ngói ở An Giang dùng làm gạch ống, gạch thẻ, ngói lợp, gạch tàu....sản lượng khoảng 100 triệu viên mỗi năm.

- Vật liệu trang trí:

+ Đá ốp lát: An Giang có các loại đá ốp lát như: granite hồng xen đốm đen, hoa văn nhỏ; granodiorite con tằm, có màu xám xanh, hoa văn dạng đốm lớn hình da báo; granite hồng ở khu mỏ Ô Mai...Ngoài ra còn có đá phiến đen ở núi Phú Cường, núi Nam Quy. Hiện nay, tỉnh có những mỏ đá có thể khai thác như: Mỏ núi Cấm chủ yếu nằm trên sườn Đông Nam núi Cấm, xen giữa dãy núi Cấm và núi Nam Quy. Mỏ đá Gập Ghềnh nằm ở phía Bắc núi Dài Nhỏ, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên.

+ Đá aplite: Là nguyên liệu để sản xuất gạch ceramic. Đá aplite ở An Giang được khai thác để cung cấp cho nhà máy gạch Đồng Tâm - Long An và các nhà máy khác ở thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh aplite, những mạch pecmatit chứa tràn kali và natri rất cần thiết cho công nghiệp gốm sứ cũng được tìm thấy ở núi Sập và khu vực Bảy Núi.

- Than bùn: Có trữ lượng khoảng 16,4 triệu tấn, phân bố ở khu vực Bảy Núi, thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, dùng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh và acid humic. Dựa vào đặc điểm hình thái, nguồn gốc hình thành, than bùn ở An Giang được phân thành hai loại, gồm: than bùn dạng vỉa và than bùn dạng dải theo các lòng sông cổ. Các mỏ than bùn ở Núi Tô, Tà Đảnh, Ba Chúc thuộc dạng vỉa; các dải than An Tức, Vĩnh Gia thuộc dạng lòng sông cổ. Than bùn ở An Giang có độ pH từ 2,91 - 3,8; hàm lượng carbon từ 16,6 - 28,76 %, hàm lượng acid humic từ 13,6 - 26,7 %, độ phân giải từ 28,8 - 79 %.

- Cao lanh: Có trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn, tập trung tại huyện Tri Tôn, nằm xen kẹp trong các sườn tích phù sa cổ, ở các thung lũng giữa núi Cấm với núi Dài, giữa núi Cô Tô với núi Tà Pạ, giữa núi Nam Quy với núi Sà Lon. Cao lanh không chỉ là nguyên liệu cho sản xuất sành sứ mà còn làm khung xương gạch men cao cấp, sản xuất bột sơn. Ở An Giang, hiện có hai mỏ cao lanh đang được khai thác là mỏ Nam Quy và mỏ Tà Pạ.

- Đá quý và ngọc: Có trữ lượng không nhiều, được tìm thấy ở núi Nam Quy, núi Tà Pạ, núi Ba Thê, núi Két.

- Quặng kim loại:

+ Quặng molipden: Đã được người Nhật khai thác từ hơn 40 năm trước và miệng hầm mỏ vẫn còn ở núi Sam. Mạch quặng molipdenit có màu xám đen đi kèm với đá pecmatic. Ngoài ra, molipden còn được phát hiện trong 1 số mạch đá ở núi Trà Sư, núi Két nhưng không nhiều.

+ Quặng mangan: Là lớp bột màu tím đỏ hoặc tím đen [MnO2], phân bố ở Tà Lọt. Loại khoáng sản này đã được khai thác từ năm 1936. Quặng mangan thường đi kèm với sắt ở trong đá trầm tích bị biến chất.

Nước khoáng thiên nhiên:

- Dọc theo trục đứt gãy phân cắt núi Phú Cường và núi Dài, núi Cấm và núi Dài có 6 điểm lộ nước khoáng: núi Cậu, An Cư - phía Bắc núi Phú Cường, Soài Chết, Suối Vàng, Sà Lôn và Tà Pạ. Tại các điểm này, nước có tổng độ khoáng hóa từ 500mg/l đến 2.750mg/l.
- Dọc theo trục đứt gãy chia cắt núi Két và núi Dài [theo trục tỉnh lộ Nhà Bàn - Tri Tôn] có 5 điểm lộ nước khoáng:

+ Nhà Bàn: xuất hiện phía dưới Bắc núi Két.

+ Vĩnh Trung: xuất hiện nhiều giếng đào chứa nước khoáng.

+ Chi Lăng: nước khoáng xuất hiện trong nhiều giếng cạn ở trung tâm thị trấn Chi Lăng.

+ Tri Tôn: xuất hiện phía Bắc thị trấn Tri Tôn.

+ Cô Tô: không tìm thấy điểm lộ thiên nhưng qua các giếng khoan đã tìm ra nước khoáng ở độ sâu 123 m.

- Diatomite: Ở An Giang, diatomite được phát hiện ở Lê Trì [Tri Tôn] nằm cách mặt đất từ 1,8 - 2,2 m. Bề dày bình quân khoảng 1,7 - 2 m, trữ lượng dự báo khoảng từ 800.000 đến 1.000.000 tấn. Các loại diatomite có ở đây đều lẫn sắt hoặc chất hữu cơ rất cao, nên thường có màu xám đen hoặc vàng. Do vậy, màu trắng và tính ròng của diatomite An Giang là vô cùng đặc sắc; có thể sử dụng rộng rãi trong công nghiệp lọc hoạt tính, đặc biệt là lọc bia, rượu, dầu ăn.

Nằm ở địa đầu phía Tây Nam của Tổ quốc, giáp biên giới Campuchia, là nơi đầu tiên ở Việt Nam đón nhận nguồn nước sông Mê Kông đổ về, An Giang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, một ngành kinh tế tổng hợp, hứa hẹn mang hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho địa phương.

An Giang có núi non hùng vỹ, nổi bật trên nền đồng bằng châu thổ là dãy Thất Sơn với núi Cấm, núi Két, núi Cô Tô, núi Dài… gắn với biết bao truyền thuyết, chuyện kể đầy chất tâm linh huyền bí, có sức hấp dẫn mạnh mẽ trí tưởng tượng của nhiều người. An Giang có hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu chảy song song trên lãnh thổ tạo nên cảnh quan thiên nhiên hết sức độc đáo, hấp dẫn du khách. Thành phố Long Xuyên nằm bên bờ sông Hậu, nổi tiếng với chợ nổi Long Xuyên. Thị xã Châu Đốc có bến Châu Giang thơ mộng không kém bến Ninh Kiều ở Cần Thơ, hay bến Bạch Đằng ở Sài Gòn.

Bên cạnh thắng cảnh thiên nhiên, vùng đất này cũng mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. An Giang là nơi tìm thấy di chỉ văn hóa Óc Eo tại vùng núi Sập - núi Ba Thê, một nền văn hóa cổ ở miền Nam gắn liền với vương quốc Phù Nam vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Từ mấy trăm năm trước, khi vùng đất này hãy còn hoang vu, các bậc tiền nhân vào mở cõi phương Nam đã vượt qua sơn lam chướng khí, khẩn đất, khoan núi, đào kênh, biến vùng tân cương biên trấn thành làng mạc ruộng đồng trù phú, màu mỡ. Hiện An Giang còn có nhiều lăng tẩm, đình, chùa, miếu mạo mang đậm dấu ấn khí phách của cha ông thời mở cõi. Trên địa bàn tỉnh hiện có 54 di tích được xếp hạng, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia.

An Giang là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo. Nhiều lễ hội văn hóa dân gian như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ diễn ra từ ngày 23 - 27 tháng 4 âm lịch, lễ hội Chol Chnam Thmay được tổ từ ngày 12 - 15 tháng 4 âm lịch, lễ hội đua bò nhân Tết Đôn-ta của người Khmer diễn ra từ ngày 1 - 15 tháng 10 âm lịch, lễ hội Hat Gi của người Chăm theo đạo Hồi được tổ chức từ ngày 7 - 10 tháng 12 lịch Hồi giáo....đều thu hút đông đảo đồng bào và du khách đến tham gia.

Nhìn chung, các chỉ tiêu du lịch của tỉnh đều tăng qua các năm. Năm 2004, có 2,7 triệu lượt khách du lịch đến An Giang, với tổng doanh thu khoảng 772 tỷ đồng. Năm 2005, An Giang đón trên 3 triệu lượt khách đến tham quan. Năm 2006, An Giang đăng cai tổ chức lễ khai mạc Festival du lịch Đồng bằng sông Cửu Long lần 2. Năm 2008, An Giang chọn các lễ hội của vùng "Thất Sơn huyền bí" làm một trong những sự kiện đặc trưng của ngành du lịch tỉnh tham gia hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia 2008 "Miệt vườn sông nước Cửu Long" do thành phố Cần Thơ đăng cai tổ chức.

Hiện nay, An Giang đã đưa vào khai thác các tour, tuyến để phục vụ cho nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách như:

- Tour ngược dòng Mê Kông: thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ – Long Xuyên – Châu Đốc – Phnompenh – Xiemriep. Tour này có thể áp dụng cho du khách nước ngoài lẫn nội địa.

- Tour liên tỉnh: Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang. Đây là sự kết hợp giữa du lịch gắn liền với sông nước – núi sông và núi biển

- Tour khép kín trong tỉnh: Long Xuyên – Châu Đốc - Tịnh Biên – Tri Tôn - Thoại Sơn – Long Xuyên

- Tour du lịch mùa nước nổi tại rừng Tràm Trà Sư và du lịch cộng đồng tại Mỹ Hoà Hưng và làng Chăm.

Song song với việc phát triển tour, An Giang từng bước hình thành và phát triển các dịch vụ du lịch phong phú để giữ chân du khách lâu hơn. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ như tranh gỗ ghép tre bông - một nguyên liệu độc đáo nhất đồng bằng, lụa Tân Châu - đậm đà phong cách Nam Bộ, thổ cẩm Châu Giang - thổi hồn cho dân tộc Chăm nhàn nhã… đang được hỗ trợ, đào tạo và truyền nghề cho thế hệ mai sau để giữ mãi ngành nghề truyền thống vốn đã để lại ấn tượng thú vị cho du khách mỗi khi đến An Giang.

Bên cạnh đó, ẩm thực cũng có những nét rất riêng do An Giang có bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng sinh sống hoà thuận. Du khách sẽ có dịp thưởng thức và khám phá những món ngon do chính bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Chăm với món Tung Lò Mò – xúc xích bò; sẽ không khỏi ngạc nhiên với chút dư vị còn giữ lại sau một lần nếm thử món canh chua lá giang của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi; những tô hoành thánh nóng hổi với vị cay cay của dân tộc Hoa sẽ làm cho du khách khó quên và cuối cùng là những sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu nổi tiếng của vùng sông nước - con cá Basa của người Kinh.

Song song đó, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm phát triển hạ tầng du lịch. Tỉnh đã tranh thủ được nguồn vốn vay ADB đưa vào hỗ trợ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như: cầu tàu du lịch tại thị xã Châu Đốc, xây dựng cửa khẩu liên hợp quốc tế đường thuỷ tại xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu. Ngoài ra, tỉnh cũng rất quan tâm và ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào các dự án như: dự án đầu tư khu du lịch Búng Bình Thiên, Dự án đầu tư Khu du lịch Núi Cấm khoảng 900 ha với các hạng mục chính: nhà hàng – khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu công viên, khu di tích văn hóa dân tộc, cáp treo lên núi…

Với tất cả nỗ lực quyết tâm thực hiện trong giai đoạn trước thềm hội nhập, ngành du lịch An Giang đang từng bước vươn lên và tự khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo cái nhìn tích cực hơn cho du khách mỗi khi đến khám phá nét đẹp An Giang.



Núi Sập - Ảnh: Hoàng Chí Hùng


  • Thốt nốt

  • Bò cạp

  • Bánh canh bột gạo Sóc

  • Bò xào lá giang

  • Gỏi sầu đâu

  • Mắm Châu Đốc

Hiện nay, tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thành phố Long Xuyên - tỉnh lỵ của tỉnh, thị xã Châu Đốc và 9 huyện là: huyện An Phú, huyện Châu Phú, huyện Châu Thành, huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân, huyện Tân Châu, huyện Tịnh Biên, huyện Thoại Sơn, huyện Tri Tôn. Trong đó, huyện Tri Tôn có diện tích lớn nhất, thị xã Châu Đốc có diện tích nhỏ nhất. Tổng số đơn vị hành chánh cấp xã là 154, trong đó có 15 phường, 17 thị trấn và 122 xã, tại thời điểm 31-12-2007.

Các cơ quan quản lý cao nhất của tỉnh hiện nay là: Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân [HĐND] và Ủy ban Nhân dân [UBND].

Tỉnh ủy là cơ quan đại diện cho Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh. Đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy. Quyền hạn và trách nhiệm được quy định theo Điều lệ Đảng. Bí thư Tỉnh ủy hiện nay là ông Nguyễn Hoàng Việt.

HĐND theo quy định là cơ quan quyền lực nhân dân trong tỉnh, được bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu cơ quan này là Chủ tịch HĐND. Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang hiện nay là ông Võ Thanh Khiết. HĐND họp mỗi năm 2 kỳ, tại các kỳ họp này, các đại biểu sẽ bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề quan trọng của tỉnh. Hội đồng Nhân dân chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, đồng thời chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.

UBND do Hội đồng nhân dân chọn ra, có trách nhiệm quản lý trực tiếp các vấn đề hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa....của tỉnh nhà. Đứng đầu UBND là Chủ tịch và các phó Chủ tịch, bên dưới là các Sở ban ngành quản lý từng lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh hiện nay là ông Lâm Minh Chiếu. Các Phó chủ tịch là: Phạm Kim Yên, Lê Minh Tùng, Huỳnh Thế Năng, Vương Bình Thạnh. Trụ sở UBND đặt tại số 16C, Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, An Giang xưa kia là vùng đất Tầm Phong Long của vương quốc Chân Lạp. Vào năm 1757, Quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Khoát để đền ơn chúa Nguyễn giúp mình lên làm vua và dẹp yên nội loạn. Sau đó, chúa Nguyễn đặt làm đạo Châu Đốc. Đầu triều Nguyễn, thấy đất đai hoang vắng, vua Gia Long mới mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc Tân Cương, lệ thuộc trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1832, vua Minh Mạng lấy đất này gộp với huyện Vĩnh An của tỉnh Vĩnh Long lập thành tỉnh An Giang. Tỉnh An Giang vào năm 1836 gồm hai phủ chia thành bốn huyện là: huyện Tây Xuyên và Đông Xuyên thuộc phủ Tuy Biên; huyện Vĩnh An và Vĩnh Định thuộc phủ Tân Thành. Tỉnh An Giang ngày nay tương đương với phần đất của phủ Tuy Biên thời bấy giờ.

Đến đời Tự Đức, sau nhiều lần tách, nhập, tỉnh An Giang có 3 phủ với 10 huyện. Cụ thể như sau: Phủ Tuy Biên gồm các huyện: Tây Xuyên, Phong Phú, Hà Dương, Hà Âm. Phủ Tân Thành gồm các huyện: Vĩnh An, An Xuyên, Đông Xuyên. Phủ Ba Xuyên gồm các huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh, Vĩnh Định.


Ngày 05-10-1876, Thống đốc Dupré ký nghị định bãi bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh, chia Nam Kỳ thành 4 khu vực là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac với tất cả 19 hạt. Tỉnh An Giang được chia thành 5 hạt: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc. Địa bàn An Giang ngày nay nằm trên hai hạt Châu Đốc và Long Xuyên. Năm 1899, Pháp lại bỏ hạt để lập tỉnh. Tỉnh An Giang lúc đầu được tách thành hai tỉnh là Châu Đốc và Long Xuyên. Tỉnh Châu Đốc gồm 4 quận: Châu Thành, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Tỉnh Long Xuyên gồm 3 quận: Châu Thành, Thốt Nốt, Chợ Mới. Năm 1930, tỉnh Châu Đốc nhận thêm quận Hồng Ngự, tỉnh Long Xuyên thì vẫn như cũ.

Thời kỳ này, tỉnh An Giang chịu sự phân chia hành chính theo hai phía: Pháp và Cách mạng.

Về phía Pháp, vẫn giữ hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên, nhưng có thêm bớt các quận. Tỉnh Châu Đốc lúc này bao gồm 5 quận: Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Phú. Tỉnh Long Xuyên gồm ba quận là: Chợ Mới, Thốt Nốt và Châu Thành. Năm 1953, tỉnh Long Xuyên có thêm hai quận mới là Núi Sập và Lấp Vò. Trong khi đó, chính quyền Cách mạng muốn tiện việc chỉ đạo kháng chiến nên phân tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu. Tỉnh Long Châu Tiền gồm 5 quận: Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B và Lấp Vò. Tỉnh Long Châu Hậu gồm 6 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành. Đến năm 1949, chính quyền Cách mạng cắt quận Thốt Nốt nhập vào tỉnh Cần Thơ, quận Lấp Vò nhập vào tỉnh Sa Đéc [nay là Đồng Tháp].

Năm 1950, chính quyền Cách mạng nhập hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên thành tỉnh mới là Long Châu Hà, gồm 8 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Châu Thành, Thoại Sơn, Thốt Nốt, Châu Giang, Phú Quốc. Năm 1951, nhập tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền thành tỉnh mới là Long Châu Sa, gồm 7 huyện là: Châu Thành [của Sa Đéc], Lai Vung, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu, Chợ Mới. Trong đó, hai huyện Tân Hồng, Tân Châu vốn là hai quận Hồng Ngự, Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền trước đó. Năm 1951, nhập huyện Lấp Vò vào tỉnh Long Châu Sa.

Riêng về phía Pháp thì vẫn giữ nguyên hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên như thời điểm 1953. Hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa của phía Cách mạng tồn tại đến năm 1954.

Năm 1955, tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự với tất cả 70 xã. Tỉnh Long Xuyên có 5 quận: Châu Thành, Chợ Mới, Núi Sập, Thốt Nốt, Lấp Vò, với tổng cộng 47 xã. Ngày 22-10-1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN tuyên bố địa phận Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Theo đó tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên được sáp nhập thành tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại Long Xuyên. Tỉnh An Giang lúc này gồm 8 quận là: Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập, với 16 tổng và 96 xã. Ngày 06-08-1957, tách 13 xã của quận Châu Phú để thành lập quận mới An Phú. Ngày 08-09-1964, chính phủ mới của Việt Nam Cộng Hoà ký Sắc lệnh 246/NV, tách tỉnh An Giang thành hai tỉnh Châu Đốc và An Giang. Tỉnh An Giang mới tức phần đất của tỉnh Long Xuyên trước đó.

Về phía chính quyền Cách mạng, năm 1954, cũng lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Tỉnh Long Xuyên gồm các quận: Châu Thành, Chợ Mới, Lấp Vò, Thốt Nốt, Phong Thạnh Thượng. Tỉnh Châu Đốc gồm các quận: Tân Châu, Hồng Ngự, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú. Năm 1957, hợp nhất hai tỉnh này thành tỉnh An Giang, gồm 9 quận: Chợ Mới, Thốt Nốt, Núi Sập, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Trả Hồng Ngự về tỉnh Kiến Phong và Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc. Năm 1963, giao Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và nhận Hà Tiên từ tỉnh Kiên Giang. Tháng 8/1971, tỉnh An Giang lại chia thành hai tỉnh là An Giang và Châu Hà.

- Tỉnh An Giang gồm 5 huyện: Châu Phú, Châu Thành X, An Phú, Tân Châu, Phú Tân.

- Tỉnh Châu Hà gồm 6 huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Huệ Đức, Hà Tiên, Phú Quốc và Châu Thành A [vốn thuộc Kiên Giang]

Năm 1974, phía Cách mạng lại phân chia địa bàn các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong thành hai tỉnh mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hà.

- Tỉnh Long Châu Tiền gồm 6 huyện: Tân Châu, An Phú, Phú Tân A, Phú Tân B, Hồng Ngự, Tam Nông [nay thuộc tỉnh Đồng Tháp]

- Tỉnh Long Châu Hà gồm các huyện: Châu Thành X, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức, Châu Thành A, Phú Quốc, Long Xuyên, Châu Đốc.

Sau sự kiện 30-04-1975, Việt Nam thống nhất. Ngày 20-12-1975, Bộ Chính trị Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết  số 19/NQ - TW thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thời Việt Nam Cộng Hoà, trừ huyện Thốt Nốt. Năm 1976, tỉnh An Giang chính thức có 8 huyện là: Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên cùng với hai thị xã là Long Xuyên và Châu Đốc.

Năm 1977, hai huyện Huệ Đức và Châu Thành hợp nhất thành huyện Châu Thành, đồng thời hợp nhất hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thành huyện Bảy Núi. Năm 1979, huyện Bảy Núi tách thành huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, đồng thời tách một phần của huyện Châu Thành để thành lập huyện Thoại Sơn. Tỉnh An Giang lúc này có 8 huyện và 2 thị xã. Năm 1991, huyện Phú Châu tách thành hai huyện Tân Châu và An Phú.

Ngày 12-11-1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 669/TTg về việc xác định ranh giới giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Năm 1996, hoàn tất việc xác định ranh giới giữa An Giang và các tỉnh lân cận. Ngày 01-03-1999, thị xã Long Xuyên được nâng lên thành thành phố Long Xuyên. Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chánh trực thuộc, trong đó có 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện với tổng cộng 140 đơn vị cơ sở, trong đó có 11 phường, 11 thị trấn và 118 xã.


An Giang là tỉnh đông dân. Năm 2003, dân số trung bình của tỉnh là 2.152.736 người, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 12,7% dân số toàn vùng và đứng hàng thứ 6 trong cả nước. Năm 2007, dân số của tỉnh là 2.231.000 người, tiếp tục dẫn đầu khu vực và xếp thứ 6 trong cả nước.

Dân số của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Năm 1979, toàn tỉnh có khoảng 1.474.700 người. Năm 1989 là 1.773.666 người. Năm 1999 là 2.049.039 người. Năm 2003 là 2.152.736 người. Năm 2007 là 2.231.000 người. Như vậy, trung bình mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 28.000 người. Tốc độ tăng trung bình giai đoạn 1979 - 2003 là 2%/năm.

Thiếu nữ Chăm - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Trong những năm qua, tỷ suất gia tăng tự nhiên liên tục giảm. Nguyên nhân là do mức sinh giảm đi đáng kể nhờ thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, mặt khác, cũng do chất lượng cuộc sống đang dần được nâng cao. Mức sinh tử và gia tăng tự nhiên ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị. Năm 2003, mức sinh ở khu vực thành thị là 18,2%, mức tử là 5,4%, mức tăng tự nhiên là 1,28%. Trong khi ở khu vực nông thôn, các chỉ số tương ứng lần lượt là: 20,8%, 5,9%, 1,49%. Vì vậy, trong hướng phát triển dân số ở những năm tiếp theo, An Giang cần tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ, kế hoạch hóa gia đình ở khu vực nông thôn.

Dân cư ở An Giang phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở thành thị và vùng đồng bằng ven sông Tiền, sông Hậu, chiếm khoảng 89% dân số; vùng đồi núi phía Tây và Tây Nam dân cư thưa thớt hơn, chỉ khoảng 11% dân số. Theo số liệu năm 2003, huyện Chợ Mới có đông dân nhất với khoảng 362,5 nghìn người, kế đến là thành phố Long Xuyên với 263,8 nghìn người, xếp thứ 3 là huyện Châu Phú với khoảng 244,3 nghìn người. Hai huyện vùng Bảy Núi là Tịnh Biên và Tri Tôn có dân số thấp nhất, lần lượt là 115,9 nghìn và 118,6 nghìn người.

Giữa nông thôn và thành thị cũng có sự chênh lệch rõ nét, số dân nông thôn nhiều gấp 3 lần số dân thành thị. Những năm gần đây, do tác động của quá trình đô thị hóa, số dân thành thị có xu hướng tăng dần lên. Dân cư phân bố không đều ngay cả ở khu vực đồng bằng nông thôn. Bốn huyện cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu có mật độ rất cao: huyện Chợ Mới 1.019 người/km2, huyện Tân Châu 991 người/km2, huyện An Phú 859 người/km2, huyện Phú Tân 775 người/km2. Trong khi 3 huyện đồng bằng nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên là Châu Phú, Châu Thành và Thoại Sơn có mật độ thưa hơn, trung bình khoảng 490 người/km2.

Dân cư An Giang sống trải dài theo trục lộ giao thông, dọc theo hai bên bờ sông, rạch, kênh đào, quy tụ ở các trung tâm kinh tế - hành chính - văn hóa lớn. Một số khác sống trên các ghe, bè họp thành làng nổi trên sông - một loại hình cư trú độc đáo ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

- Xét theo độ tuổi, dân số An Giang là dân số trẻ, mặc dù trong những năm gần đây, mức sinh và tốc độ tăng dân số đã giảm đi đáng kể. Theo kết quả của cuộc tổng điều tra năm 1999, cơ cấu dân số theo độ tuổi của An Giang như sau: 60,3% dân số trong độ tuổi từ 15 - 59, 32,2% dân số trong độ tuổi từ 0 - 14, 7,5% dân số trong độ tuổi trên 60. Với cơ cấu này, số trẻ em và người già của tỉnh thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong khi đó số người trong độ tuổi lao động cao hơn đôi chút so với mức trung bình của cả nước.

- Về giới tính, dân số An Giang thiên về nữ giới, tuy nhiên, tỷ trọng của nam cũng đang tăng dần, do đó mức chênh lệch đang được thu hẹp dần. Năm 2007, dân số nữ chiếm 1.132.300 / 2.231.000 người, tương đương 50,75%. Tỷ lệ này tương đối thấp hơn so với các năm trước: thời kỳ 1979 - 1989 là 52,1%, năm 1999 là 50,9%, năm 2003 là 50,8%.

- Về dân tộc và tôn giáo, theo số liệu của cuộc tổng điều tra năm 1999, trên địa bàn tỉnh An Giang có 16 dân tộc cư trú. Trong đó, người Kinh chiếm khoảng 94,7% dân số, sinh sống ở khắp các huyện thị trong tỉnh. Người Khmer chiếm khoảng 3,8% dân số tập trung chủ yếu ở các huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Người Chăm chiếm khoảng 0,6%, quy tụ ở thị xã Châu Đốc, huyện Tân Châu, huyện Phú Tân. Người Hoa chiếm khoảng 0,5%, phân bố rải rác khắp vùng đồng bằng trong tỉnh. Còn lại là một số dân tộc khác như: Ngái, Tày, Mường, Nùng, Phù Lá....Về tôn giáo, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 88,2% dân số theo tôn giáo, trong đó Phật giáo chiếm 42,1%, đạo Hoà Hảo chiếm 38,8%, Công giáo chiếm 3,1%, còn lại là các tôn giáo khác như: Cao Đài, Hồi giáo.....

- Về cơ cấu lao động, An Giang có nguồn lao động dồi dào và gia tăng hàng năm với tốc độ khá nhanh. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60% tổng dân số. Số người làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh chiếm 75% số người có khả năng lao động. Trong số còn lại thì 2,5% đang đi học, 14,5% đang làm nội trợ và 5,3% chưa có việc làm. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo các ngành kinh tế diễn ra tương đối chậm. Năm 2000, tỷ lệ lao động trong ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp là 79,1% , Công nghiệp - Xây dựng là 7,0%, Thương mại - Dịch vụ là 13,9%. Năm 2003, tỷ lệ này lần lượt là 73,0% - 7,6% - 19,4%. Về chất lượng lao động của tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu đều kém hơn so với chuẩn chung của cả nước. Tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn khá cao, chiếm tới 86,6% trong tổng số lao động, chỉ có 13,4% có trình độ sơ cấp, học nghề trở lên, trong đó có 7,4% công nhân kỹ thuật có bằng cấp. Việc đào tạo văn hóa, chuyên môn cho lực lượng lao động trong tỉnh là rất cần thiết trong những năm tới.

Cùng với sự phát triển chung của cả nước, ngành giáo dục An Giang trong những năm qua đã có những thay đổi đáng kể. Số trường lớp, giáo viên và học sinh không ngừng gia tăng, phương tiện giảng dạy được cải tiến, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Cuối năm 1999, tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập tiểu học. Cuối năm 2003, toàn bộ các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 30-09-2007, toàn tỉnh An Giang có 594 trường học ở các cấp phổ thông; tổng số học sinh phổ thông tại thời điểm 31-12-2007 là 331.409 em; tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy tại thời điểm 31-12-2007 là 16.616 người. Tất cả các chỉ tiêu trên của tỉnh đều đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2006 - 2007 là 81,24%, cao hơn một chút so với tỷ lệ trung bình khu vực [80,62%] và cả nước [80,42%].

Cùng với giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng và đại học cũng được chú trọng. Năm 2007, toàn tỉnh có 4.814 học sinh trung học chuyên nghiệp, 384 giáo viên cao đẳng - đại học với tổng số sinh viên là 8.327 em. Hiện An Giang có 1 trường đại học và  3 trường trung học chuyên nghiệp. Đại học An Giang được xây dựng năm 2001, là trường đại học công lập thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long, sau Đại học Cần Thơ. Trường nằm tại số 25, Võ Thị Sáu, thành phố Long Xuyên. Trường được sự quản lý và hỗ trợ tài chính của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang và chịu sự giám sát chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài việc đào tạo đại học, trường còn tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng nguyện vọng của từng cá nhân, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những năm qua, ngành y tế tỉnh An Giang được đầu tư quan tâm đúng mực. Số lượng các cơ sở y tế tăng đều qua các năm. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và phòng chống dịch bệnh được triển khai tích cực. Năm 2007, toàn tỉnh có 180 cơ sở y tế do Sở Y tế quản lý, trong đó có 15 bệnh viện, 11 phòng khám khu vực và 154 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tổng số cán bộ y tế ngành Y năm 2007 do Sở Y tế quản lý là 3.672 người, trong đó có 824 bác sĩ, 1.237 y sĩ, 1.108 y tá và 503 nữ hộ sinh. Tổng số cán bộ y tế ngành dược năm 2007 do Sở Y tế quản lý là 624 người, trong đó có 61dược sĩ cao cấp, 479 dược sĩ trung cấp và 84 dược tá.

Các đơn vị, các Trung tâm trực thuộc Sở [có chức năng, nhiệm vụ được quy định riêng tại Quy chế làm việc của từng đơn vị do Giám đốc Sở Y tế ký ban hành] gồm:

- Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang.

- Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc.

- Trung tâm Tim Mạch An Giang.

- Trung tâm Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt.

- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang.

- Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình.

- Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm.

- Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe.

- Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế An Giang.

- Trường Trung học Y tế An Giang.

- Giám định Y khoa.

- Giám định Pháp y.

- Công ty cổ phần Dược phẩm An Giang.

- Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.

- Công đoàn Ngành Y tế [trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh].

- Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ [trực thuộc Tỉnh ủy, chịu sự quản lý nhà nước và quản lý, chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ về công tác y tế của Sở Y tế tỉnh].

Ngoài ra còn có 3 bệnh viện tư nhân [chịu sự quản lý và chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ về công tác y tế của Sở Y tế] gồm:

- Bệnh viện đa khoa Hạnh Phúc.

- Bệnh viện đa khoa Bình Dân.

- Bệnh viện đa khoa Nhật Tân

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, diện mạo nền kinh tế của tỉnh An Giang đã có nhiều thay đổi đáng kể. Tổng GDP của tỉnh liên tục tăng qua các năm, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 1985 - 2005 là 11,7%. GDP toàn tỉnh đạt khoảng 230 triệu USD vào năm 1990, và 1.130 triệu USD vào năm 2005. GDP bình quân đầu người tăng từ 125 USD năm 1990 lên gần 510 USD năm 2005.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng Công nghiệp và Dịch vụ. Khu vực Nông nghiệp từ 59,4% năm 1990 giảm còn 53,6% vào năm 1995 và 41,6% vào năm 2000. Khu vực Dịch vụ từ 31,6% năm 1990 tăng lên 34,7% vào năm 1995 và 47,3% vào năm 2000. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng từ 9% năm 1990 lên trên 11% vào năm 2000. Năm 2005, khu vực Dịch vụ đã vươn lên dẫn đầu với 52,4%, khu vực Nông nghiệp chiếm 32,5%, khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 12,4%. Khu vực Dịch vụ tăng mạnh và giảm dần tỷ trọng Nông nghiệp, song quy mô Công nghiệp của tỉnh còn nhỏ so với yêu cầu phát triển chung, vì vậy, tỷ trọng khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng tương đối chậm.

Về thành phần kinh tế, khu vực kinh tế trong nước chiếm tuyệt đại đa số [99,9%]. Trong đó, kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng cao với khoảng 83% vào năm 2003, có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong khi đó, kinh tế nhà nước đang tăng dần tỷ trọng, từ 11,5% năm 1995 lên 14% năm 2000 và 15% năm 2003.

Theo thông tin từ văn phòng UBND tỉnh, 9 tháng đầu năm 2008, tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 13,45%, ước tính cả năm tăng 14,46%, cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ nhiều năm trước. Các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá: khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng 8,27%, khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 15,45%, khu vực Thương mại - Dịch vụ tăng 16,15%. GDP bình quân đầu người đạt 14,63 triệu đồng, tăng trên 2,7 triệu đồng/người so năm 2007].



Đồng lúa Thoại Sơn mùa thu hoạch - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, thế mạnh kinh tế của An Giang là sản xuất nông nghiệp. Do chú trọng đầu tư khai thác tài nguyên đất đai, sông nước, ngành Nông nghiệp của tỉnh không ngừng phát triển qua các năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng qua các năm, thường xuyên đứng đầu khu vực và cả nước. Năm 2007, đạt 6.465,5 tỷ đồng [theo giá so sánh năm 1994], dẫn đầu cả nước.

Diện tích gieo trồng năm 1975 là 233.878 ha, trong đó diện tích lúa chiếm 93%, phần lớn là canh tác 1 vụ lúa mùa nổi. Đến năm 2005, diện tích gieo trồng của tỉnh đạt hơn 500.000 ha, trong đó lúa chiếm khoảng 89%. Sản lượng lúa từ 465.440 tấn năm 1975, lên trên 3 triệu tấn vào năm 2005.

An Giang nằm ở thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu, có diện tích mặt nước lớn, thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản. Theo thông tin của Tổng cục Thống kê, năm 2007, toàn tỉnh có khoảng 2.600 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Năm 2005, sản lượng cá nuôi của tỉnh đạt 170.000 tấn, tăng gấp nhiều lần so với con số 6.500 tấn vào năm 1976. Thủy sản trở thành mặt hàng chủ lực thứ hai, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Những năm qua, tỉnh cũng đã phủ xanh đồi trọc vùng núi và khôi phục rừng tràm vùng đồng bằng. Hình thành những vùng sinh thái cải thiện môi trường vùng Bảy Núi và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Năm 2007, toàn tỉnh có khoảng 14.000 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên chiếm 600 ha, còn lại là rừng trồng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2007 của tỉnh đạt 77,7 tỷ đồng [theo giá so sánh năm 1994].

Trong cơ cấu GDP của tỉnh, ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp tuy đã giảm dần tỷ trọng, từ 59,4% năm 1990 xuống còn 37,7% năm 2003, song về giá trị tuyệt đối vẫn tăng 7,1 lần, từ 699 tỷ đồng năm 1990 lên đến 4.966 tỷ đồng năm 2003 [theo giá hiện hành]. Trong nội bộ của nhóm ngành này, Nông nghiệp có xu hướng giảm về tỷ trọng, nhưng vẫn chiếm ưu thế [80,9% - năm 2003]. Giá trị sản xuất Ngư nghiệp có sự chuyển biến tích cực, từ 5,9% năm 1990 lên 18,1% năm 2003. Khu vực Lâm nghiệp thì tương đối ổn định, ít có biến chuyển mạnh, vì tài nguyên rừng của tỉnh không còn nhiều và khả năng khai thác có hạn.


Sản xuất Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp ở An Giang có bước phát triển khá trong những năm qua, trung bình mỗi năm tăng trưởng khoảng 10,3%, tuy nhiên tỷ trọng của ngành trong cơ cấu GDP còn nhỏ và chuyển dịch chậm, từ 9% năm 1990 lên 11,2% năm 2000 và 12,7% năm 2003. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 1.896 tỷ đồng năm 1995 lên 3.500,9 tỷ đồng năm 2000 và 5.868,9 tỷ đồng vào năm 2003. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 10.369.1 tỷ đồng [theo giá thực tế].

Năm 2003, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh, trong đó có 3 cơ sở của trung ương và 12 cơ sở của địa phương, thu hút khoảng 8.600 lao động. Các doanh nghiệp quốc doanh chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực chế biến xuất khẩu gạo, chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng và cơ khí. Số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công ngoài quốc doanh là 11.343, thu hút khoảng 54.400 lao động, tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực như chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí, dệt thổ cẩm, thêu ren xuất khẩu....Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài rất hạn chế. Tính đến hết năm 2003, toàn tỉnh chỉ có 2 liên doanh nước ngoài đang hoạt động, thu hút 98 lao động và tạo ra khoảng 18,5 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất của các liên doanh này là mì ăn liền, chế biến gạo xuất khẩu, khai thác và chế biến đá xuất khẩu.

Trong cơ cấu ngành công nghiệp, nhóm ngành chiếm ưu thế là công nghiệp chế biến, chiếm trên 90% giá trị sản xuất toàn ngành, nổi bậc nhất là các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, dệt - may, da - giày....

- Công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống là ngành chủ đạo của công nghiệp tỉnh An Giang, đứng đầu cả về giá trị sản xuất lẫn số lao động. Năm 2003, ngành này thu hút 20.985 lao động, chiếm 33,2% số lao động toàn ngành, sản xuất ra giá trị hàng hóa đạt 4.443,8 tỷ đồng, chiếm 75,7% giá trị toàn ngành công nghiệp. Ngành này phát triển trong cả ba khu vực kinh tế: quốc doanh, ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài. Một số doanh nghiệp lớn có thể kể đến như: Công ty xuất nhập khẩu nông sản An Giang [AFIEX], chuyên chế biến thức ăn gia súc, thủy sản xuất nhập khẩu, nông sản thực phẩm; Công ty TNHH liên danh công nghiệp thực phẩm An Thái, chuyên sản xuất mì gói các loại; Công ty xuất nhập khẩu An Giang [ANGIMEX] chuyên xuất nhập khẩu và kinh doanh lương thực, xay xát gạo; Công ty dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang [ANTESCO] chuyên kinh doanh máy móc nông nghiệp và chế biến rau quả đông lạnh...... Năm 2009, toàn tỉnh có 8 dự án phát triển công nghiệp chế biến ở các địa bàn đi vào hoạt động, gồm: Phân xưởng 2 chế biến thủy sản [Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long] công suất 10.000 tấn thành phẩm/năm, Nhà máy chế biến thủy sản [Công ty TNHH một thành viên Bình Long] công suất 10.800 tấn/năm, Nhà máy xay xát và lau bóng gạo xuất khẩu [Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trường Phát] có công suất 19.000 tấn/năm… Ngoài ra, trong 2 năm 2009-2010, các doanh nghiệp còn triển khai đầu tư 4 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực thủy sản.

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng là thế mạnh của tỉnh, đứng thứ 2 về giá trị sản xuất công nhiệp và thứ 3 về số lượng lao động. Năm 2003, ngành này thu hút 8.485 lao động, chiếm 13,4% số lao động toàn ngành, sản xuất ra giá trị hàng hóa đạt 281,8 tỷ đồng, chiếm 4,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tính đến thời điểm năm 2003, cả tỉnh có 86 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, tiêu biểu là: Công ty khai thác và chế biến đá An Giang, có trụ sở đặt tại xã Cô Tô, huyện Tri Tôn; Công ty xây lắp An Giang, chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng....

- Công nghiệp cơ khí chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất phụ tùng thay thế, dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp. Năm 2003, toàn tỉnh có 1.938 cơ sở, góp phần giải quyết việc làm cho 7.234 lao động, tạo ra 259,4 tỷ đồng, chiếm 4,4% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Các ngành công nghiệp khác như: dệt - may, giày - da, chế biến gỗ và lâm sản, hóa chất....cũng được khuyến khích phát triển song quy mô còn nhỏ.

Từ nay đến năm 2010, tỉnh An Giang sẽ đầu tư xây dựng hai Khu công nghiệp [KCN] nhằm thu hút đầu tư vào các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu và lao động tại địa phương.

- KCN Bình Long có quy mô 41,75 ha, nằm cạnh quốc lộ 91 và giáp sông Hậu, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cách thành phố Long Xuyên 30 km, thị xã Châu Đốc 23 km và Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên 49 km. Vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ và nằm ngay trung tâm vùng nguyên liệu nông thủy sản Tứ giác Long Xuyên. Các ngành công nghiệp được kêu gọi đầu tư là: chế biến nông - thủy - súc sản; chế biến thực phẩm, rau quả; chế biến thức ăn chăn nuôi; may mặc, da giày...

- KCN Bình Hoà có quy mô 146 ha, nằm tại khu vực ngã ba Lộ Tẻ, cạnh quốc lộ 91 và tỉnh lộ 941, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên 15 km, thị xã Châu Đốc 41 km, cảng Mỹ Thới 20 km và Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên 67 km. Vị trí thuận lợi về giao thông và nằm ngay vùng nguyên liệu nông thủy sản Tứ giác Long Xuyên. Các lĩnh vực được kêu gọi đầu tư là chế biến nông - thủy - súc sản; chế biến thực phẩm, rau quả; chế biến thức ăn chăn nuôi; dệt, may mặc, da giày, nhựa, hàng tiêu dùng; cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị; vật liệu xây dựng và trang trí nội thất...
Ngoài hai KCN trên, tỉnh An Giang cũng đang tiến hành quy hoạch một số KCN vệ tinh như KCN ở cửa khẩu Tịnh Biên, KCN ở cửa khẩu Vĩnh Xương, KCN ở cửa khẩu Khánh Bình, KCN Vĩnh Mỹ ở thị xã Châu Đốc, KCN Mỹ Quý ở thành phố Long Xuyên và một loạt các khu tập trung công nghiệp: Tân Hoà - huyện Phú Tân, Phú Hoà và Núi Sập - huyện Thoại Sơn, Hoà An - huyện Chợ Mới.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2010, khu vực Công nghiệp - Xây dựng sẽ chiếm 18,2% trong cơ cấu GDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 11,6%. Tập trung phát triển các ngành có nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn lao động địa phương như: công nghiệp chế biến nông - thủy - súc sản, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, dệt - may, da - giày, công nghiệp hóa chất, chế biến gỗ và lâm sản.

Đây là khu vực kinh tế hàng đầu trong nền kinh tế tỉnh An Giang. Năm 2003, khu vực này chiếm 49,6% GDP và 19,4% lao động toàn tỉnh. Từ năm 1989, lĩnh vực này bắt đầu phát triển với tốc độ khá nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm 1989 là 650 tỷ đồng, gần bằng 5 lần so với năm trước đó. Hàng hóa dồi dào, cơ sở hạ tầng thương mại được đầu tư phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2007 đạt 23.871 tỷ đồng [theo giá thực tế], dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 4 cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và tỉnh Đồng Nai.

Hoạt động thương mại, thị trường được mở rộng từ thành thị đến nông thôn, từ trong nước ra ngoài nước. Mạng lưới chợ được tập trung đầu tư, xây dựng siêu thị ở thành phố Long Xuyên, chợ cửa khẩu Vĩnh Xương, chợ nông sản lúa nếp ở Phú Tân, chợ gia súc ở Châu Đốc và Tịnh Biên. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua các năm song chưa thực sự vững chắc, từ 119,3 triệu USD năm 1990 lên 201,4 triệu USD năm 1995, rồi giảm xuống còn 152,8 triệu USD năm 2000 và lại tăng lên 221,4 triệu USD vào năm 2003.

Giá trị xuất khẩu tăng đều qua các năm: năm 2003 đạt 182,3 triệu USD tăng gấp 3 lần so với năm 1990, tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,5%/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo. Năm 2003, toàn tỉnh xuất khẩu 524,4 nghìn tấn, chiếm 13,8% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, thu được 92,6 triệu USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Thủy sản đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ hai với 23,2 nghìn tấn, thu về 54,8 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn xuất khẩu rau quả đông lạnh, mì ăn liền, hàng thêu tay, hàng may mặc và giày dép. Theo thông tin từ website tỉnh, 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 256 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ và bằng 57% kế hoạch năm. Đa số các mặt hàng đều có kim ngạch tăng cao so cùng kỳ, trừ mặt hàng gạo chỉ bằng 81% [do chính sách điều hành xuất khẩu của trung ương].

Kim ngạch nhập khẩu thấp hơn kim ngạch xuất khẩu và giảm dần qua các năm: năm 1990 là 46,9% - năm 1995 là 34,4% - năm 2000 là 29,6% - năm 2003 là 17,7%. Giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 1990 là 56 triệu USD - năm 2003 là 39,1 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hóa chất, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp....Hoạt động mậu dịch thông qua các cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình ngày càng nhộn nhịp.

Các ngành dịch vụ như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch cũng tham gia đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành. Các tuyến giao thông huyết mạch được khai thông, khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách gia tăng. Bưu chính viễn thông phát triển mạnh, số máy điện thoại năm 2003 là 106,2 nghìn chiếc, toàn tỉnh có 59 bưu cục, 68 trạm bưu điện xã, 29 máy vô tuyến, 100 tổng đài điện thoại. Ngành du lịch được đầu tư, mở rộng và xây dựng mới những điểm tham quan, vui chơi giải trí, tạo nhiều điểm du lịch thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước, hiện lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng và triển vọng.

An Giang là tỉnh  thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc, lại là nơi phát tích của nền văn hóa cổ Óc Eo, từng in đậm dấu ấn của tiền nhân trong thời mở cõi. Những yếu tố này đã làm nên một nền văn hóa riêng mang đậm bản sắc địa phương, được thể hiện rõ nét qua các di tích, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực của người dân An Giang.

Những phát hiện khảo cổ trên núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo cho thấy, vùng đất An Giang từng là một thương cảng lớn, có thành trì, hào nước và nhà cửa sầm uất. Đặc điểm nổi bật của cư dân văn hóa Óc Eo là lối cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, hoặc chọn các gò, giồng cao xây dựng những trung tâm sinh hoạt tinh thần, mở rộng khu vực xung quanh làm nơi cư trú, tiến đến mở rộng địa bàn canh tác. Cư dân cổ đã duy trì và phát triển cuộc sống này, trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ X - XII. Đặc điểm cư trú này hiện còn thể hiện rất rõ nét tại nhiều nơi ở tỉnh An Giang.

Ở An Giang hiện nay có khoảng 13.000 người Chăm, sống tập trung ở các xã Khánh Hòa, Vĩnh Trường, Phú Hiệp, Châu Phong, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái và Đa Phước thuộc địa bàn 3 huyện: An Phú, Phú Tân và Tân Châu. Người Chăm ở đây theo đạo Hồi giáo Islam, có những nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt.

Họ cư trú trong những ngôi nhà sàn khang trang. Có hai loại nhà sàn: “nhà sàn tốp” là nhà có 4 kèo tiếp giáp với cột giữa ở trước, “nhà sàn hấp” là loại nhà có hai kèo tiếp giáp với cột giữa và hai kèo kia gởi phân nửa qua cột giữa, phân nửa qua kèo. Mái nhà lợp ngói hoặc lá, thường có bốn gian và một nhà bếp riêng. Hai gian ngoài dùng để tiếp khách nam, hai gian trong dùng để ngủ và tiếp khách nữ. Giữa hai gian có một vách ngăn, có cửa ra vào và che rèm thêu kết tua rất đẹp. Trước nhà có hàng ba, có cầu thang, khi lên nhà giày dép của chủ nhà và khách đều để phía dưới cầu thang. Khi khách đến nhà, chủ nhà trải chiếu mời khách ngồi nói chuyện, ăn bánh và uống nước trà. Người Chăm không dùng bàn ghế trong nhà. Ngày xưa, phụ nữ Chăm thường bị cấm cung, không cho tiếp xúc người ngoài. Ngày nay tập quán này đã được thay đổi dần, phụ nữ Chăm được đi học, mua bán và giao tiếp với xã hội.

Thổ cẩm Chăm - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Người Chăm An Giang nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Con gái khoảng 11-12 tuổi đã được mẹ và bà truyền nghề cho. Thổ cẩm Chăm hiện nay chủ yếu dùng nguyên liệu từ sợi công nghiệp, nhưng vẫn giữ được phương pháp nhuộm màu truyền thống từ nước nấu củ, vỏ, lá cây rừng và họa tiết hoa văn độc đáo, mang bản sắc riêng.
Nét độc đáo của văn hóa người Chăm ở An Giang là lễ hội. Trong đó lễ cưới và lễ Ramadan là ấn tượng nhất.

- Lễ cưới: Nghi thức cưới của người Chăm An Giang bao gồm hai phần lễ chính: Lễ Pakioh - Po Nuối và Lễ cưới.

+ Lễ Pakioh - Po Nuối [Lễ dứt lời]: Sau khi đôi nam nữ tìm hiểu về nhau và quyết định tiến đến hôn nhân, đồng thời được sự chấp thuận của cha mẹ hai bên, nhà trai sẽ cử người làm mai mối [gọi là maha] sang nhà gái để thông báo ngày giờ nhà trai sang viếng thăm và trao đổi về việc hôn nhân. Sau thủ tục trên, đúng ngày giờ đã định nhà trai sẽ đến, mọi nghi thức trong ngày này sẽ do vị sư cả chủ trì, tiếp sau đó là dùng một bữa tiệc nhỏ trong gia đình để mừng cho hai họ. Vài hôm sau, nhà gái sẽ cử người mang sang nhà trai một mâm bánh đáp lễ, nhà trai cũng đáp lại bằng việc gửi một phong bì có tiền [mang tính tượng trưng]. Đến ngày Roja, chú rể cùng bạn bè đến thăm nhà cô dâu, nhưng không được thấy mặt cô dâu. Đến tối, cô dâu và các bạn gái cũng sẽ sang nhà chú rể nhưng cũng không được gặp nhau.
Trước khi cưới ba ngày, vị sư cả và người của nhà trai sẽ mang sang nhà gái một chiếc giường. Vị sư Cả sẽ cầu nguyện cho đôi nam nữ, những người còn lại sẽ phụ dọn dẹp cho phòng tân hôn - đây là nghi thức Thon - Kghe.

+ Lễ cưới: Lễ cưới diễn ra trong vòng 3 ngày đêm: ngày nướng bánh [Âm - ha], ngày nhóm họ [Pa Thưng - Pa Gú], ngày lễ lên ghế [lần 1 và 2]. Theo phong tục người Chăm, chàng trai phải đi ở rể. Khi chú rể bước tới chân cầu thang nhà gái, các bà, các cô ở nhà gái sẽ bưng nước rửa chân cho chú rể mới trong lúc mọi người hát vang bài hát có nội dung hân hoan rửa chân, và trải khăn trắng mời chú rể bước vào nhà. Sau khi một người có uy tín đọc xong đoạn kinh Coran, thì cha cô dâu cầm tay chú rể nói: "Tôi gả đứa con gái tên là...". Chú rể đáp: "Tôi nhận cưới...". Khi được đưa vào phòng tân hôn, chú rể sẽ gỡ cây trâm cài trên tóc cô dâu, rồi cùng ngồi trên giường và lắng nghe vị sư Cả cầu nguyện. Bữa cơm đầu tiên của đôi tân hôn bao gồm một dĩa cơm, một dĩa thức ăn. Xung quanh là bốn phụ nữ đã có gia đình, có đời sống hạnh phúc nói lời chúc mừng đôi trẻ, sau đó đôi vợ chồng trẻ sẽ cùng bốc cơm ăn chung. Lễ cưới người Chăm An Giang diễn ra khá đơn giản, nhưng cũng khá trang trọng và ấm áp, mang tính chất giềng mối trong quan hệ xã hội và gia đình chặt chẽ. Ngày nay, nghi thức lễ cưới của người Chăm An Giang ít nhiều đã được đơn giản hóa - chỉ còn diễn ra trong hai ngày, nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của lễ cưới truyền thống của dân tộc Chăm.

- Lễ Ramadan

Ramadan là một trong những lễ lớn của người Chăm theo đạo Hồi ở tỉnh An Giang. Ðây là tháng ăn chay diễn ra từ ngày 01-09 đến 30-09 hằng năm theo lịch Hồi giáo.

Ðây là một dịp để đồng bào, cả nam lẫn nữ từ năm tuổi trở lên tự kiểm điểm lại những hành động đúng - sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua để khắc phục, sửa chữa những hành vi sai trái. Mỗi người trong suốt tháng này, từ rạng đông đến chạng vạng phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống [khi tắm cũng không để cho nước ngập đến lỗ tai]. Cũng không được sát sinh hại vật, và nhất là không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết với bất cứ ai. Ðược biết, trong thời gian thực hành tháng Thánh lễ, không được tổ chức vui chơi, hát xướng. Sau tháng lễ, người ta sẽ tổ chức hội trong vòng 3 ngày từ 01 đến 03-10 theo lịch Hồi giáo. Ðây cũng là ngày "hẹn truyền thống" của những thành viên trong cộng đồng đồng bào Chăm theo Hồi giáo. Tất cả những người vì sinh kế, đi làm ăn phương xa đều trở về đoàn tụ với gia đình, thăm hỏi bà con thân thuộc, xóm giềng. Người Chăm ở An Giang xem đây là những ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước, và chuẩn bị đầy đủ đặc sản để đãi khách, bất kể thân, sơ, gọi là tết Roya, ngày này vui như người Việt ăn Tết Nguyên đán. Thức ăn truyền thống trong những buổi tiệc tùng vào dịp này là hai món cà-ri và cà-púa được chế biến từ thịt bò [người Chăm không ăn thịt heo và thịt chó], không uống rượu, bia.

Người Khmer bắt đầu sinh sống trên địa bàn An Giang cách đây gần ba thế kỷ, cư trú đông đúc ở một số huyện như Tri Tôn, Tịnh Biên. Người Khmer Nam Bộ xây dựng phum, sóc của mình quanh các sườn đồi thành từng lớp như hình “vành khăn” từ chân núi, tiến dần theo hướng ra ruộng đồng và những con mương xunh quanh. Tại đây, từ trên ba thế kỷ qua, họ đã cùng với người Việt, người Chăm, người Hoa chung sống hòa thuận bên nhau. Qua quá trình giao lưu và trao đổi văn hóa tạo nên một sắc thái văn hóa đặc trưng cho vùng An Giang.

Phum, sóc [sróc] là điểm định cư truyền thống của người Khmer. Dưới tán dừa hay thốt nốt, có từ vài ba đến vài chục nóc nhà quần tụ quanh mái chùa. Phum, sóc là hình thức xã hội cổ truyền của người Khmer. Trong phum, sóc, chúng ta thấy vừa có quan hệ huyết thống, vừa có quan hệ láng giềng. Bộ máy tự quản cổ truyền của các phum, sóc là mê phum, mê sóc [mẹ phum, mẹ sóc]. Đó là những thành viên có tuổi, có kinh nghiệm sản xuất, có uy tín được người dân bầu lên. Tuy hiện nay mê phum, mê sóc không còn thực hiện quyền quản lý, điều hành xã hội Khmer nữa, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến tình cảm, huyết tộc của người Khmer.

Người Khmer ở An Giang rất tín ngưỡng đạo Phật  - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Người Khmer ở An Giang đa số theo đạo Phật. Phật giáo tiểu thừa được người Khmer tiếp nhận từ thế kỷ XIII và trở thành tôn giáo độc tôn của họ. Tại các phum, sóc Khmer, con trai đến gần tuổi trưởng thành đều được cha mẹ gởi vào tu học tại chùa. Tại đây, họ không chỉ nghe thuyết pháp giáo lý nhà Phật mà còn học chữ và kiến thức phổ thông. Bởi vậy, chùa đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống, tâm linh của người Khmer. Ngay cả đến khi nhắm mắt xuôi tay, người Khmer cũng gởi nắm tro tàn đã hỏa thiêu vào chùa.

Một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần mang tính cộng đồng tiêu biểu của người Khmer là múa hát vào các dịp hội hè. Hầu như tất cả mọi người Khmer đều biết múa, biết hát. Các điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành… như: Dù kê, Lâm vông, Lâm thôn, múa chim công, múa gáo dừa, múa đám cưới…tuân theo những quy cách nghệ thuật đặc sắc, mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Các lễ hội lớn của người Khmer là:

- Lễ Đôn-ta tức lễ Cúng ông bà diễn ra từ 29-08 đến 01-09 âm lịch. Trong dịp này, hội đua bò được tổ chức tại vùng Bảy Núi, thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi đến xem. Lễ hội đua bò Bảy Núi được xem là một trong những điểm nhấn văn hóa của ngành du lịch tỉnh An Giang.

- Tết Chol Chnam Thmay là ngày tết vào năm mới của người Khmer, còn gọi là lễ Chịu tuổi. Lễ diễn ra vào đầu tháng "chét" theo Phật lịch Tiểu thừa, tức từ ngày 12 đến 15-04 dương lịch hàng năm. Vào dịp này, nhà nào cũng làm bánh tét, bánh ít, củ gừng trước để cúng Phật, cúng ông bà đã khuất, sau dùng đãi khách và sư, sãi.


Miếu Khổng Thánh - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Người Hoa ở An Giang sống rải rác ở các vùng đồng bằng từ thành thị đến nông thôn, nhưng tập trung đông nhất là ở thị xã Châu Đốc. Đặc trưng văn hóa người Hoa ở An Giang biểu hiện qua các di tích đền, chùa, miếu thờ như miếu Quan Đế, miếu Khổng Thánh, miếu Vệ thủy....và đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Đến Châu Đốc, đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ăn do người Hoa ở đây chế biến như: bánh củ cải, bánh lá liễu, bánh hẹ, bánh bò Tiều, chí mè phủ [chè mè đen].....

Ngay nay, các hàng quán phát triển mạnh, không chỉ trong nội ô mà dọc theo đường Trưng Nữ Vương nối dài về phía đường vòng quốc lộ 91, các nhà hàng của người Hoa mọc lên san sát, vừa bán thức ăn vừa đãi đám tiệc, kinh doanh dịch vụ cưới. Đặc điểm của những nhà hàng, quán ăn này là bán thức ăn chế biến theo phong cách đặc trưng của người Hoa, vừa nêm nếm nhiều gia vị, vừa được ăn nóng nên rất được du khách ưa chuộng. Một trong những món ăn phổ biến ở Châu Đốc là mì xào các loại. Để chế biến món này, người ta dùng chiếc chảo to bắc trên bếp, chờ thật nóng để khi cho dầu vào lập tức bùng lên ngọn lửa to. Đầu bếp nhanh tay cho vào đó những món thịt, tôm, gan cật v.v…, đảo thật nhanh rồi cho tiếp các loại rau cải, đậu v.v… xào qua lại vài cái đã chín tới và xúc ra đĩa. Mì sợi đã được trụng qua nước sôi cho nóng và trộn với hành tỏi phi thơm lừng. Đặc biệt, mì sợi ở Châu Đốc do người Hoa tự chế biến bằng phương pháp thủ công, chứ không mua mì khô sản xuất công nghiệp bán sẵn ở chợ nên có độ tươi ngon rất đặc biệt và mang hương vị riêng rất đặc trưng.

Người Kinh ở An Giang cũng như người Kinh sống ở nhiều nơi khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người Kinh bắt đầu đến vùng đất An Giang từ lúc nào, đến nay chưa thấy sử sách ghi chép rõ ràng. Tuy nhiên theo truyền thuyết dân gian và một số vết tích còn lại, thì đã có một số nhóm người Kinh gốc miền Trung vào đây từ rất lâu. Mặc dù cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng họ vẫn kiên trì tìm đất sống. Họ ở rải rác dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu.

Miếu Bà Chúa Xứ - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Người Kinh ở An Giang có tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên và theo nhiều tôn giáo khác nhau. Người theo đạo Thiên Chúa lánh nạn kỳ thị tôn giáo của vua quan nhà Nguyễn từ miền ngoài đến khá sớm ở cù lao Giêng [1778], Bò Ót [1779] và Năng Gù [1845]. Những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa gồm dân các tỉnh xung quanh [Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long…] phần lớn tập trung khai phá vùng Thất Sơn. Gia tộc Lê Công gốc Thanh Hóa là một trong những nhóm di dân đến khai phá vùng Châu Đốc [khoảng năm 1785 – 1837], hiện con cháu đời thứ 7 còn cư ngụ ở đây. Gia tộc thứ 2 cũng có công khai phá vùng Châu Đốc là dòng Nguyễn Khắc, thuộc con cháu của Nguyễn Văn Thoại.

Người Kinh ở An Giang có những lễ hội truyền thống hằng năm đáng chú ý như:

- Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam: Lễ được tổ chức từ ngày 23 đến 27-04 âm lịch tại miếu Bà Chúa Xứ ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc. Ban đầu đây chỉ là lễ nhỏ do dân địa phương cúng tế, dần dần lượng du khách từ khắp nơi trong cả nước về trẩy hội rất đông. Có thể nói đây là lễ hội dân gian lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt lễ hội năm 2008 được tổ chức với quy mô cấp quốc gia có tên gọi là Tuần lễ quốc gia lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2008. Cũng trong dịp này, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tiến hành nghi thức trao giấy xác nhận và cúp lưu niệm kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam” cho đại diện Ban quản trị lăng miếu núi Sam.

- Lễ hội văn hóa mùa nước nổi: Diễn ra vào mùa nước nổi hằng năm tại các huyện thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu của tỉnh An Giang. Ngày xưa, mỗi khi mùa nước lũ đổ về, người dân vùng An Phú, Tân Châu lại thấp thỏm, lo âu vì những tai họa mà nó có thể gây ra. Ngày nay, nhờ một loạt chính sách gia cố đê bao, đào kênh thoát lũ của nhà nước, mùa lũ lớn hung bạo ngày nào giờ trở nên hiền hòa với người dân nơi đây. Mùa lũ về mang theo một lượng thủy sản phong phú như: cá, tôm, rùa, rắn....trở thành đặc sản của địa phương. Từ đó, khi nước bắt đầu dâng cao, trước mỗi nhà đều giăng một chiếc lồng đèn để chào đón một lễ hội đang dần trở thành quen thuộc: lễ hội văn hóa mùa nước nổi. Vào dịp này, người ta tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí đặc sắc, mang đậm phong cách miền sông nước.

Chủ Đề