Bài học kinh nghiệm về kỹ năng thuyết trình


I. Tìm hiểu về kỹ năng thuyết trình


1. Thuyết trình là gì?

Thuyết trình là trình bày trước đám đông một vấn đề nào đó nhằm mục đích thuyết phục mọi người. Những chủ đề thường xuất hiện trong một buổi thuyết trình bao gồm: đưa ra quan điểm, chiến lược phát triển,... với mục tiêu giúp mọi người hiểu và chấp nhận quan điểm với mình.

2. Kỹ năng thuyết trình là gì?

Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm quan trọng được rèn luyện từ trên ghế nhà trường cho đến khi làm việc. Kỹ năng thuyết trình là trình bày một vấn đề dựa trên những ý kiến cá nhân hoặc lập luận nào đó. Người thuyết trình sẽ đưa ra những lý luận chặt chẽ, thuyết phục người nghe đồng tình với quan điểm của mình.

Tìm việc làm, tuyển Thiết kế đồ họa có thể bạn quan tâm:

- Product Owner & UX/UI Designer [Web TGDĐ/ĐMX]

- Nhân viên Graphic Design và Content [NH Phụ Kiện TGDĐ/ĐMX]

II. Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình


Kỹ năng thuyết trình giúp tạo nền tảng cho việc tự tin trong mọi hoàn cảnh. Trong quá trình học tập, trao đổi hay làm việc, bạn mong muốn được nêu lên quan điểm của bản thân và được mọi người chấp nhận. Kỹ năng thuyết trình sẽ giúp bạn làm được điều đó. Người có được kỹ năng thuyết trình sẽ có thể trình bày suy nghĩ của mình và với phong thái tự tin ấy sẽ dễ dàng được người khác chấp nhận và thu hút nhiều cơ hội hơn.

III. Các bước xây dựng bài thuyết trình cơ bản


1. Trước buổi thuyết trình

- Chuẩn bị bài thuyết trình: Bạn cần phải xây dựng dàn bài, sắp xếp nội dung cần nói theo đúng thứ tự hợp lý. Bên cạnh đó, cũng cần phải chú ý đến phần tạo Powerpoint - công cụ hỗ trợ cho buổi thuyết trình. Bài thuyết trình được chuẩn bị kỹ càng sẽ dễ dàng thu hút và thuyết phục được người nghe. Không quên chuẩn bị cho bản thân một phong thái tự tin, vẻ ngoài gọn gàng, trang phục lịch sự, điều này giúp gây ấn tượng với người nghe.

- Xác định mục tiêu: Bạn cần phải biết được đối tượng bạn cần phải thuyết phục. Điều này giúp ích cho việc chọn lọc từ ngữ phù hợp để thuyết phục được người nghe. 

- Hoàn thành và rà soát nội dung: Phần bài nói nên được liệt kê những ý chính để tránh học thuộc lòng và quên ý. Phần hình ảnh từ Powerpoint không kém phần quan trọng, vì đó là yếu tố giúp cho buổi thuyết trình thành công. Hình ảnh cần rõ ràng, không bị vỡ, trực quan và đúng trọng tâm mà bài thuyết trình hướng đến. Sau khi đã hoàn thành mọi việc, cần phải kiểm tra lại 2 - 3 lần để chắc chắn rằng bài thuyết trình đã đủ ý thuyết phục.

- Luyện tập nhiều lần: Nếu muốn tăng sức thuyết phục người nghe, bạn cần luyện cách nói chuyện mỗi ngày. Từ ngữ phát ra cần phải có âm điệu, dễ nghe và tạo được sự chú ý. Bên cạnh đó cần phải kết hợp với ngôn ngữ hình thể để tăng mức độ tương tác với người nghe.

2. Trong buổi thuyết trình

- Mở đầu bài thuyết trình: Trước khi bắt đầu buổi thuyết trình, cần phải tạo một không khí vui vẻ, gần gũi với người nghe. Sau đó là bước dẫn dắt đến bài thuyết trình có thể bằng cách kể một câu chuyện để người theo dõi liên kết đến nội dung thuyết trình.

- Điều khiển bài thuyết trình: Người nói nên trình bày, diễn đạt nội dung theo dàn ý đã lập sẵn. Cần hạn chế tình trạng nhìn vào kịch bản quá nhiều, như thế sẽ dễ gây chán nản cho người nghe. Thay vào đó, hãy dùng những cử chỉ tay, hoặc mắt để tương tác với người nghe. Dáng điệu trình bày phải lịch sự và nghiêm túc, khuôn mặt luôn giữ được vui vẻ hoặc bày tỏ thái độ phù hợp với bài thuyết trình.

- Kết thúc bài thuyết trình: Tóm lại ý chính của toàn bài để người nghe nắm được ý chính, đó cũng là một trong những cách hướng người nghe theo mạch của bài thuyết trình. Tuy nhiên, trước khi kết thúc bài thuyết trình cần phải có thông báo bằng những cụm từ để họ chuẩn bị được tinh thần đón nhận ý chính. Và cuối cùng là phần đóng góp ý kiến từ khán giả.

- Lắng nghe ý kiến đóng góp: Việc tiếp thu những ý kiến từ người nghe có thể giúp bạn tích lũy được kinh nghiệm, cải thiện cách trình bày hoặc chỉnh sửa bài nói cho hoàn thiện hơn. Không những thế, hành động lắng nghe ý kiến đóng góp cho thấy người nghe được tôn trọng. Bên cạnh đó cần giải đáp những thắc mắc của người nghe khi họ chưa rõ để tăng khả năng thuyết phục.

IV. Rèn luyện kỹ năng thuyết trình hiệu quả


1. Thái độ, tác phong khi thuyết trình

- Rèn luyện phong thái tự tin: Có thể bạn chưa biết, phong thái tự tin giúp thu hút người đối diện rất tốt. Do đó, khi bạn tin vào những gì mình nói cũng sẽ dễ dàng thuyết phục người khác tin vào những gì bạn nói.

- Giao tiếp ánh mắt và luôn mỉm cười: Khi thuyết trình, bạn nên quan sát một cách tổng quan khán giả để biết rằng họ có đang lơ đãng hay không. Việc dùng đôi mắt để giao tiếp với một ai đó, dù chỉ vài giây cũng có thể mang đến người theo dõi cảm giác bạn đang dồn hết tâm quyết để chia sẻ cho họ, và người khán giả sẽ trân trọng hơn. Bên cạnh đó, nụ cười là vũ khí lợi hại để tạo ấn tượng với người nghe.

- Kết hợp ngôn ngữ cơ thể khi trình bày: Nếu muốn người nghe nhớ rõ những gì mà bạn trình bày thì nên sử dụng đôi tay của mình để làm công cụ hỗ trợ truyền đạt. Tuy nhiên, nên vận dụng chúng đúng lúc, tránh tình trạng khua tay múa chân quá nhiều gây khó chịu cho người xem. 

- Tạo cảm xúc khi thuyết trình: Hãy biểu hiện thái độ của gương mặt phù hợp với bài thuyết trình. Điều này giúp bài thuyết trình trở nên sinh động hơn và người nghe dễ đồng cảm. Đồng thời, chú ý đến ngữ âm và nhịp điệu khi truyền đạt thông tin sẽ giúp cho bài thuyết trình của bạn thu hút hơn đây!

- Chọn góc đứng phù hợp khi thuyết trình: Hãy chọn một góc mà bạn nghĩ bản thân mình có thể tự tin và thoải mái nhất. Điều này giúp cho người nghe sẽ định vị được vị trí của người nói, họ dễ dàng tập trung hơn. 

2. Thực hành thuyết trình trước đám đông

- Tìm hiểu về đối tượng người nghe: Người nghe sẽ thật sự hứng thú với những thông tin họ cần và đang muốn tìm hiểu. Do đó, bạn cần phải đào sâu vào nhu cầu và mong muốn của người nghe. Từ đó, biết cách triển khai thông điệp phù hợp.

- Mở đầu bằng thông tin mới mẻ, gây chú ý: Nên mở đầu bài thuyết trình bằng những điều không liên quan hoặc bằng một câu chuyện, trạng thái bất ngờ,... Điều này giúp khán giả tò mò về những gì bạn sắp trình bày, và tạo được sự chú ý ban đầu cho nội dung bài thuyết trình.

- Xây dựng bài thuyết trình logic chặt chẽ: Để bài thuyết trình dễ dàng hơn trong việc truyền tải thông tin, người nói cần liệt kê những ý chính trước khi vào bài. Nếu bài thuyết trình được đi theo một trình tự và những lập luận chặt chẽ, thỏa mãn được người nghe sẽ thuyết phục họ hơn. Bên cạnh đó phải kích thích sự tò mò người nghe bằng cách nhấn mạnh những ý quan trọng. 

- Trình bày nội dung rõ ràng, lưu loát: Sử dụng slide làm công cụ hỗ trợ làm cho bài thuyết trình trở nên sinh động hơn. Bên cạnh đó, điểm trọng tâm là nội dung mà người nói truyền tải. Người nói cần trình bày chúng một cách rõ ràng, lưu loát để khán giả có thể theo mạch bài thuyết trình dễ dàng hiểu được thông điệp.

- Cung cấp được những thông tin giá trị: Mục đích của người nghe là giải đáp được thắc mắc của chính họ và tích lũy thêm những kiến thức. Vì thế, người thuyết trình phải cung cấp những thông tin mới và hữu ích để thỏa mãn được nhu cầu người nghe.

- Nhấn mạnh lại các ý chính: Bài thuyết trình kéo dài 30 phút hoặc hàng giờ đồng hồ sẽ dễ gây nên sự hoang mang với người nghe. Do đó, những nội dung quan trọng cần nhấn mạnh để chắc chắn rằng người nghe đã không bỏ lỡ bất kỳ nội dung nào.

- Đừng chờ đợi để trả lời câu hỏi: Giữa bài thuyết trình, hoặc chuyển giao giữa các phần nội dung nên có phần đặt câu hỏi. Trong khoảng thời gian này, hãy gợi ý cho người nghe cách đặt câu hỏi để tránh khoảng lặng trong buổi thuyết trình nhé!

- Giao lưu, tương tác với người nghe: Đừng chỉ đứng nói suốt buổi thuyết trình, như thế sẽ rất nhàm chán. Hãy giao lưu với người nghe bằng những câu hỏi giúp bạn biết thêm được nhu cầu người nghe và giải đáp được vấn đề.

- Kiểm soát thời gian thuyết trình: Những bài thuyết trình theo đúng kế hoạch đề ra sẽ có mức độ thành công cao hơn. Bài thuyết trình quá dài, gây lan man làm người nghe không còn hứng thú mà họ sẽ trông chờ vào những phần sau.

- Xây dựng hai kế hoạch dự phòng: Không phải điều gì cũng xảy ra như mình mong muốn, do đó mà những vấn đề dù đã được chuẩn bị rất kỹ càng nhưng vẫn xảy ra trục trặc. Hãy tự đặt ra những tình huống rủi ro có thể xảy đến và lập cho mình phương án giải quyết. Điều đó sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh khi gặp tình huống bất ngờ.

3. Tham khảo những người thuyết trình khác

Học hỏi những người có kinh nghiệm luôn là điều tốt. Do đó, muốn trở thành người thuyết trình chuyên nghiệp hay là để mình trông chuyên nghiệp hơn trong chính bài thuyết trình, hãy tham khảo người xung quanh. Có rất nhiều người có kỹ năng thu hút người khác, kỹ năng thuyết phục,...và tất cả những điều này thật sự bổ ích cho một bài thuyết trình thành công.

V. Những điều cần tránh khi thuyết trình


- Đọc lại nội dung đã có trên slide: Đừng nhầm lẫn việc dùng slide để trình bày mọi thứ. Đó chỉ là công cụ hỗ trợ cho phần thuyết trình của bạn. Slide chỉ nên chứa những hình ảnh liên quan và những ý chính hoặc từ khóa để người nghe dễ hình dung. Thế nên, bạn cần hạn chế nhìn vào đó và đọc lại nội dung đã trình bày thay vì truyền tải đến người nghe những thông tin mới, thú vị hơn.

- Lẩn tránh ánh mắt của khán giả: Ánh mắt được dùng để tương tác với người nghe trong suốt quá trình thuyết trình nhằm thu hút họ. Tuy nhiên, đừng dùng ánh mắt nhìn thẳng vào một điểm sẽ khiến bạn bị mất đi sự thoải mái. Thay vào đó, bạn nên nhìn một cách bao quát toàn bộ người tham dự sẽ giúp kiểm soát được cảm xúc, cũng như không khí của buổi thuyết trình.

- Tác phong, tư thế không đàng hoàng: Tư thế, tác phong góp phần làm cho khán giả ấn tượng về sự chuyên nghiệp của bạn. Cần phải nghiêm túc trong cách trình bày kể cả khi bạn đứng hay ngồi và tự tin nêu lên những quan điểm của mình.

- Trình bày dài dòng, không có trọng tâm: Thời lượng bài thuyết trình bao lâu không quan trọng, điều quan trọng là bạn cần phải trình bày được trọng tâm vấn đề. Việc trình bày những ý không liên quan dễ dàng làm người nghe bị chán nản, từ đó rất khó để thuyết phục được họ. Do đó, cần phải trình bày rõ ràng, ngắn gọn nhất có thể nhưng đầy đủ.

- Không tạo được không khí phấn khích: Trong suốt bài thuyết trình, người nói phải biết cách tạo ra âm điệu cho bài thuyết trình, cùng tương tác với khán giả để có thể vực dậy tinh thần của họ. Thật gần gũi với khán giả, thậm chí bạn có thể đặt một vài câu hỏi tương tác để đồng thời kiểm tra được mức độ tiếp nhận thông tin của khán giả.

- Không tập dượt trước những gì sẽ phát biểu: Khi đứng trước một đám đông, bạn khó tránh khỏi việc mất tập trung và dẫn đến quên bài. Như thế sẽ gây gián đoạn buổi thuyết trình làm cho mọi thứ trở nên rời rạc. Do đó, hãy tập luyện nhiều lần trước khi trình bày để bài thuyết trình trở nên mạch lạc.

- Đứng yên như pho tượng: Bài thuyết trình dù có hay, nhưng người thuyết trình chỉ đứng một chỗ và không có sự tương tác cũng sẽ bị giảm đi khả năng thu hút. Do đó, hãy kết hợp với ngôn ngữ hình thể để biểu lộ giúp tương tác và biểu lộ những ý quan trọng.

- Kết thúc bài phát biểu 1 cách nhạt nhẽo: Khán giả sẽ nhớ những gì gần nhất với họ. Do đó, kể cả khi bạn tự tin hay không tự tin thì cũng cần để lại ấn tượng với khán giả tại phần kết bài. Việc tạo sự bất ngờ hoặc kết thúc bằng những điều mới lạ sẽ để lại ấn tượng sâu sắc hơn với khán giả.

Xem thêm:

- 22 kỹ năng cần có trong CV giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng

- 31 điều bạn nên làm cho ngày đầu tiên đi làm ấn tượng, suôn sẻ

- Mẹo ghi sở thích trong CV gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có một buổi thuyết trình thành công tốt đẹp. Đừng ngại chia sẻ bài viết đến bạn bè của mình, nếu bạn thấy hay và bổ ích nhé!

Nguồn tham khảo: 

//www.cbs.de/15-effective-presentation-tips-to-improve-presentation-skills/

//www.inc.com/guides/how-to-improve-your-presentation-skills.htm

Video liên quan

Chủ Đề