Bài văn cảm nhận về trường sa hoàng sa năm 2024

Tôi rất may mắn được góp mặt trong 65 thành viên của đoàn cán bộ Đà Nẵng đi thăm và làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong chuyến hải trình kéo dài hơn 10 ngày. Niềm vui đến song hành cùng những lo lắng bởi nhiều thông tin truyền nhau rằng chuyến đi sẽ rất vất vả, nào là say sóng, nào là thiếu thốn đủ điều về cơ sở vật chất, sự khắc nghiệt của biển khơi hay hành trình trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro…Nhưng tôi cũng như nhiều thành viên khác trong đoàn thật sự an tâm khi con tàu sẽ đưa mình ra với đảo là chiếc tàu Kiểm Ngư mang số hiệu KN 491 được trang bị hiện đại, đầy uy lực sẵn sàng "đạp" sóng dữ để đưa chúng tôi ra với Trường Sa - miền đất xa xôi và thiêng liêng của tổ quốc.

Chúng tôi lần lượt đi qua 2 đảo nổi và 8 đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Khởi đầu chuyến hải trình, đoàn đến thăm Đảo Đá Lát vào lúc giữa trưa, tàu phải neo từ xa, mọi người phải trung chuyển bằng ca nô mới vào được đảo. Ngay từ khi mới tiếp cận đảo, hình ảnh khu đảo nổi đầu tiên này gây cho tôi cảm xúc thật mạnh mẽ. Một trạm gác lẻ loi giữa mênh mông biển trời, bốn bề chỉ là một màu xanh ngút ngàn của biển trời bao la. Thời tiết khi chúng tôi đặt chân đến đảo được cho là thuận lợi nhất trong năm, nhưng ai cũng cảm nhận được cái khắc nghiệt bởi nắng rát quyện với mùi chát mặn của biển khơi, “mùa mưa bão thì khủng khiếp lắm, nước phủ trắng xóa, xông vào tận giường ngủ của anh em…”. Nhưng có lẽ khắc nghiệt nhất ở nơi này chính là sự đơn độc, đôi khi chỉ là một ánh đèn nhấp nháy từ xa của tàu cá ngư dân cũng khiến các chiến sỹ reo mừng như bắt được hình bóng của đất liền. Sự đơn độc trên từng ánh mắt, từng tiếng reo mừng, sự đơn độc giữa biển khơi chỉ bốn bề là sóng, “nay da em nâu tươi màu suy nghĩ, nhớ ngày phượng nở hai đứa hẹn mùa thi…”, khúc hát chưa tròn câu mà mắt đã ngấn lệ.

Thị trấn Trường Sa chào đón chúng tôi bằng Lễ thượng cờ trang nghiêm, có lẽ lần đầu tiên tôi được hát Quốc ca bằng tất cả nội lực của mình, cảm nhận sự thiêng liêng trong từng ca từ của bản Tiến quân ca hùng tráng, cảm nhận, màu đỏ tươi của lá quốc kỳ tung bay giữa bầu trời xanh trong vắt chính là màu máu của bao thế hệ đã ngã xuống nơi miền đất đầu sóng ngọn gió đầy nghiệt ngã này.

Điều khiến tôi ngỡ ngàng ngay khi bước chân lên thị trấn Trường Sa [thường gọi là Đảo Trường Sa Lớn] đó chính là những công trình được xây dựng với những khối bê tông to lớn tạo nên bờ đê vững chãi ôm lấy bờ đất, hệ thống cánh quạt gió rất hiện đại vươn lên đầy sức sống, ẩn trong những tán xanh là màu ngói đỏ nhấp nhô, cả khu đảo nhìn từ xa có dáng dấp của một khu đô thị đặc trưng vùng biển đảo đang trong thời kỳ đầu dựng xây đầy triển vọng. Công trình kiến trúc được xây dựng trên đảo tuy không gây sự chú ý về quy mô và kiểu dáng, nhưng tất cả để lại trong tôi ấn tượng thật sâu sắc. Này là Tháp Chủ quyền biên giới hải đảo sừng sững uy nghi giữa đất trời; kia là Đài tưởng niệm được tạo nên từ những khối đá với nét chạm khắc thật tinh tế; Khu trạm xá với những trang thiết bị rất hiện đại đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên đảo và sẵn sàng ứng cứu mọi ngư dân trong các tình huấn khẩn cấp; ngôi trường được đầu tư xây dựng từ quỹ học bổng Vừ A Dính, dù chỉ vỏn vẹn có 11 em học sinh nhưng vẫn đủ đầy với mái ngói tường xanh và rộn ràng tiếng ê a của các em nhỏ. Cư dân trên đảo là những cặp vợ chồng vẫn còn trong độ tuổi thanh xuân tình nguyện ra đây lập xóm. Khu xóm là những dãy nhà liền kề được xây dựng kiên cố, đường được đặt tên với hàng cây bàng thẳng tắp. Họ sống trong ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc nông thôn nhưng khá tiện nghi, nhà có 2 gian, gian dành để ở, gian dành để sinh hoạt, tiếp khách và thờ cúng, khu trồng rau và nuôi gia cầm. Khi chúng tôi đến thăm, chủ nhà đã chuẩn bị rất chu đáo trà nước, kẹo bánh, ai cũng hồ hởi ra tận cổng đón khách đến chơi; bầy trẻ xúm xít, đến chú vện thấy khách lạ cũng quẫy đuôi liên hồi. Cứ thế, những câu chuyện kể về cuộc sống thường nhật, những nếp sinh hoạt xen lẫn nỗi đau đáu về quê nhà làm cho không khí cuộc trò chuyện khi sôi động, lúc lại trở nên trầm lắng.

Điều đặc biệt là trên đảo, dù không quá đông cư dân sinh sống nhưng tín ngưỡng vẫn là một phần không thể thiếu. Ngôi chùa nhỏ được xây dựng ở một nơi rất trang trọng, với vẻ trang nghiêm, trầm mặc ẩn mình sau hàng cây phong ba xanh mướt, tiếng kinh kệ hòa quyện với khói hương trầm mang lại sự bình yên trên đảo đến lạ. Ấn tượng nhất là những gương mặt rám nắng của các chiến sỹ trẻ, nụ cười tươi ẩn chứa bao nỗi niềm: “cuộc sống ngoài này đủ đầy lắm anh chị ơi, ngoài các ca trực, chúng em được tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, phong ba bão táp không làm chúng em sờn chí, chỉ có nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh…”. Lời tâm sự bộc bạch đến chân thành, câu nói cứ ám ảnh tôi mãi trong suốt hành trình.

Chúng tôi lần lượt đi qua những khu đảo chìm khác: Đảo Tiên Nữ, Đảo Đá Đông, Đảo Thuyền Chài, Đảo Đá Núi Le, Đảo Đá Tây… tất cả dường như có chung một kiểu kiến tạo với trạm gác trong thật uy nghiêm, bao quanh cũng vẫn là nước, mọi hướng nhìn đều bắt gặp màu xanh của trời, màu của đất nâu chỉ vỏn vẹn nằm trong chiếc khay nhỏ dùng để trồng rau xanh, một gốc hoa phong ba đặt ở phòng làm việc mang lại chút cỏ cây cho khu đảo. Khi thủy triều xuống, bãi chìm nổi lên với những dáng hình huyền diệu, hình của cô tiên nữ nằm dài trên bãi cát, chiếc thuyền chài neo đậu bến bình yên. Đến giờ thì tôi đã thấm hiểu nghĩa của từ “chìm” ấy, cái phần bãi chìm sâu trong biển khi thủy triều lên cao luôn có sự sống của những rặng san hô cùng với nhiều loài hải sản sinh sôi nẩy nở, tràn đầy sức sống như ý chí mãnh liệt ẩn chứa bên trong những con người bình dị với nước da xạm nắng kia; chìm sâu trong tâm khảm của mỗi chiến sỹ hải đảo xa xôi chính là nỗi đau đáu luôn hướng về quê nhà và chìm sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam chính là tình yêu quê hương đất nước quá đỗi mãnh liệt. Chúng tôi chia tay đảo với món quà là những cành hoa được làm từ ốc biển, lung linh sắc màu và chan chứa tình yêu của những người mang sứ mệnh gác biển.

Và giờ đây, trong tôi vẫn như vọng về mãi bên tôi tiếng thì thầm của sóng, tiếng lao xao của gió, tiếng ê a của trẻ, tiếng hát trong veo và cả tiếng đơn độc của người lính đảo. Tôi đã hơn một lần cảm nhận, nghe thấu những thanh âm của của dặm dài nỗi nhớ kia. Cảm xúc này, chắc chắn mãi đọng lại trong tôi, trong tất cả những ai một lần được tâm tình với biển đảo quê hương.

Chủ Đề