Bên kia sông Đuống sáng tác năm bao nhiêu?

TPO - Là một nhà thơ trước khi là một nhạc sỹ, Nguyễn Vĩnh Tiến có thế mạnh về ca từ. Những ca khúc của anh chiếm được tình cảm của khán giả nhờ công không nhỏ của phần lời giàu hình ảnh:  “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng, một mình bà đội cả trời nắng to”… Vì thế, nhiều người bất ngờ khi Nguyễn Vĩnh Tiến phổ nhạc cho một số bài thơ, trong đó phải kể đến “Bên kia sông Đuống, thi phẩm nổi tiếng của cố nhà thơ Hoàng Cầm.  

Anh mê “Bên kia song Đuống” của Hoàng Cầm từ bao giờ? Người viết lời tốt như anh mà còn phổ thơ thi sĩ khác sao?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi chơi với Hoàng Cầm từ thuở còn ở Câu lạc bộ Thơ Sinh viên Hà Nội. Tôi thích sự lãng mạn cũng như ngôn ngữ của Hoàng Cầm.

Ca khúc “Bên kia sông Đuống” đúng nghĩa phổ thơ. Vì có sự tác động rõ ràng của Nguyễn Vĩnh Tiến vào ca từ. Thí dụ có hai câu hoàn toàn mới: “Hiu hiu gió rét, mịt mù mưa bay” hay “giày vò môi xinh”... Có vẻ anh luôn ý thức  mình  là thi sĩ ngay cả khi làm nhạc?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi làm chủ giai điệu. Và chọn được những từ ngữ phù hợp theo dòng chảy của giai điệu. Các trường hợp phổ thơ khác họ hay bị ngợp và bị cuốn theo ca từ. Còn tôi thì khác. Tôi chủ động giai điệu. Giống như thiết kế sẵn một hệ kết cấu âm nhạc, sau đó để thơ Hoàng Cầm tuôn chảy trong kết cấu đó.

“Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm có hình ảnh được đánh giá cao: “Sao xót xa như rụng bàn tay”. Khi phổ nhạc anh đã “biên tập” hình ảnh đắt giá này, anh không sợ  fan Hoàng Cầm giận?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Còn nhiều câu thơ hay nhưng không thể tham được. Cần biết chọn lọc và tái cấu trúc lại. Tôi chơi với chữ mấy chục năm rồi nên chữ cũng yên tâm để mình xoay chuyển dưới ngòi bút. Lại còn thêm gia vị là âm nhạc nữa chứ! [cười]

Hoàn cảnh nào để anh viết ca khúc “Bên kia sông Đuống”?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi viết bày này đúng hôm nghe tin Hoàng Cầm mất. Khi đó tôi đang ở Pháp.

Tức là “Bên kia sông Đuống” không phải sáng tác mới tinh của anh? Nhưng vì sao chưa thấy ca khúc này phổ biến rộng rãi?

Thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến 

Nguyễn Vĩnh Tiến: : Là vì tôi chưa tiến hành thu âm và sản xuất. Ở Việt Nam lạ lắm. Ca sỹ ít đặt hàng, hay hát bài có sẵn, nên nhạc sỹ phải khá tốn kém và vất vả cho sự ra đời của những tác phẩm mới.

Anh đã nhắm ca sỹ nào hát “Bên kia sông Đuống” chưa?

Nguyễn Vĩnh Tiến: “Bên kia sông Đuống” chờ đợi dành cho một giọng ca thực sự đàn ông, nam tính, truyền cảm. Mà điều đó giờ đang hơi hiếm. Còn album về 12 loài hoa của tôi thì chắc sẽ có sự hợp tác của Thanh Lam, Mỹ Linh và Ngọc Khuê rồi.

Ngọc Khuê gắn bó với những ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Vĩnh Tiến song lại không phải là lựa chọn cho ca khúc "Bên kia sông Đuống", phổ thơ Hoàng Cầm

Tò mò một chút, tiêu chí nào để một bài thơ lọt vào “mắt xanh” của thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Thơ hay thực sự thì tôi sẽ phổ thôi. Mới đây, tôi vừa phổ bài “Góc chiều” của nhà thơ Duy Thảo ở Hà Tĩnh. Bài đó ca từ cũng tuyệt hay. Hay bài “Ông tôi” là phổ từ thơ của bố tôi đấy chứ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền! Bài thơ có hình ảnh và lời thơ thực sự xuất sắc. Thí dụ: “Con trâu khổng lồ đi theo ông…”; “Vạm vỡ một trung du của quá khứ và của hiện tại”…. Tôi cũng đã phổ hai bài cho nhà thơ, họa sỹ Ly Hoàng Ly. Đó là bài “Tri kỷ” và “Rơi khăn”. Chỉ đơn giản vì đó là hai bài thơ xuất sắc. Nguyên tắc của tôi khi phổ nhạc cho thơ người khác khá khác biệt, theo kiểu kiến trúc sư. Có nghĩa là xây dựng cấu trúc âm nhạc trước sau đó để thơ tuôn chảy trong cấu trúc âm nhạc đó. Vốn có sẵn điểm mạnh về ca từ, nên tôi có thể ngồi sàng sảy chữ nghĩa được.

Anh sàng sảy khéo quá có khi lại thành ra thơ Nguyễn Vĩnh Tiến thì dở!

Nguyễn Vĩnh Tiến: Không. Nguyên tắc nữa của tôi là tuyệt đối trân trọng nhà thơ. Vì mình cũng là nhà thơ mà. Kết hôn giữa nhạc và thơ, vốn rất khó. Nhưng tôi đã từng thành công với “Giấc mơ trưa”, hoàn toàn để ca từ chảy vừa khít với giai điệu của Giáng Son nhưng vẫn có sự tự do bay bổng của thơ.

Thi sĩ Hoàng Cầm mất ngày 6/5/2010, thọ 88 tuổi.

Vậy anh sẽ làm cho các thi phẩm vừa khít với giai điệu của anh chứ? Anh có tự tin không?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Tự tin chứ. “Bên kia sông Đuống:” của Hoàng Cầm là một ví dụ.

Liệu anh có làm dự án các ca khúc phổ thơ không?

Nguyễn Vĩnh Tiến: Đó là ý tưởng hay. 15 năm kết duyên với âm nhạc và làm chủ hơn về kỹ thuật sáng tác nên tôi cũng tự tin hơn. Có lẽ tôi sẽ chọn 12 bài thơ đương đại.

Anh tự tin mình sẽ thắng trong dự án ca khúc phổ thơ?

Nguyễn Vĩnh Tiến. Thắng thua gì đâu. Làm nghệ thuật thì cứ xác định là cống hiến.

Anh có dám thử sức với “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan không?

Nguyễn Vĩnh Tiến. Bài đó quá nổi rồi. Và Phạm Duy đã phổ quá hay. Tôi sẽ làm những việc chưa ai làm. 

Cống hiến nhiệt tình cho âm nhạc và thi ca có ảnh hưởng tới nghề kiến trúc sư của anh không?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Về kiến trúc thì tôi có kế hoạch xuất bản một cuốn sách rồi. Cuốn sách đó là sự định hình lại bản thân. Nghề kiến trúc sư giống nghề bác sỹ. Gừng càng già càng cay mà. Từ 50-80 tuổi mới là giai đoạn sung sức nhất của các kiến trúc sư, trên thế giới là vậy đấy.

Thi ca, âm nhạc có đợi đến 50-80 tuổi mới thăng hoa không?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi thấy nghề kiến trúc là vậy. Còn âm nhạc và thơ thì không hẳn vậy. Tôi luôn lạc quan nghĩ rằng, mình còn hơn một nửa thế kỷ để tiếp tục sáng tạo. Sống điều độ và khoa học thì thọ 100 tuổi bây giờ là chuyện bình thường.

Và anh vẫn còn hơn một nửa thế kỷ để yêu thêm một người phụ nữ nữa?

Nguyễn Vĩnh Tiến: [Cười lớn]  

Đào Nguyên

Hai tiếng quê hương cất lên trong cõi sâu kín nhất của tâm linh Hoàng Cầm không chỉ gọi dậy một nỗi nhớ thương mênh mang, thổn thức, một tình yêu sâu nặng, khôn cùng mà còn vang động một nỗi niềm tự hào, say đắm. Bởi đó là miền quê của những tiếng hát lời hò ngọt ngào, mê mải, của những nét vẽ trong sáng, rạng ngời, của những con người hồn hậu, thân thương. Bức tranh Kinh Bắc trải ra trước mắt người đọc theo từng lời thơ, con chữ, tất cả hiện về thật tươi mới, sống động, tưởng như Hoàng cầm đang sống giữa quê hương, cũng náo nức đợi chờ, cũng đắm say, mê mải trước “truyền thống nghệ thuật lâu đời, trước vẻ đẹp cổ kính” ấy.Thế giới Kinh Bắc hiện về trong đong đầy thương nhớ, trước hết là gọi về những truyền thống ván hoá, lễ hội đẹp đẽ của quê hương:

Bên kia sông ĐuốngQuê hương ta lúa nếp thơm nồngTranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trèn giấy điệp.

Hoàng Cầm như đưa người ta trở về một không gian ngập ánh sáng, tràn sắc màu, quấn quện, phảng phất hương vị nồng nàn của lúa nếp, nét tươi trong của tranh Đông Hồ, sắc sáng bùng lên của màu dân tộc. Chọn những nét đẹp tinh tuý, chắt lọc của đất trời Kinh Bắc, Hoàng cầm đã khơi dậy trong lòng người một nỗi niềm quê hương da diết. Nét vẽ bình dị mà rất mực tài hoa, không tả mà chỉ gợi nhưng cũng đủ để thế giới Kinh Bắc hiện về sống động, tươi mới. Hai từ “sáng bừng” như một điểm nhấn đẹp đẽ của câu thơ, không chỉ gọi nét tươi tốt, trong trẻo của tranh Đông Hồ mà còn dựng dậy sức sống rạng ngời của dân tộc. Câu thơ như được thắp sáng trong niềm tự hào, kiêu hãnh hết mực của Hoàng Cầm. Đọc thơ Hoàng cầm không chi nghe được hương lúa nồng nàn lặn sâu vào tâm thức, mê mải, cuốn hút với những nét vẽ trong trẻo, hồn nhiên mà còn gọi dậy một niềm tự hào mạnh mẽ về sức sống dân tộc. Bao trùm không gian Kinh Bắc là một tình yêu sâu nặng, một nỗi nhớ thiết tha của Hoàng Cầm. Tình yêu ấy thổi hồn cho sắc màu trong thơ, khơi dậy ánh sáng trong thơ để rồi những câu thơ viết về quê hương cứ ngân vang một nỗi niềm tự hào sâu thẳm:
Ai về Bên kia sông ĐuốngCho ta gửi tấm the đenMấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yênNhững hội hè đình đámTrên núi Thiên ThaiTrong chùa Bút ThápGiữa huyện Lang TàiGửi về may áo cho ai

Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?

Thế giới Kinh Bắc mở ra trước mắt người đọc từ những ấn tương đầu tiên những sắc màu, ánh sáng tươi tắn đầu tiên để rồi cứ mở ra mãi một không gian Kinh Bắc theo lời mời gọi “Ai về Bên kia sông Đuống?” Đại từ phiếm chi “ai”, tạo ra độ ngân vang trong cảm xúc của tác giả. Hoàng Cầm gọi ai? mời ai? Gọi người đến hay nhắc trở về hay nhủ chính lòng mình đây? Những câu thơ thao thức, gióng giả một nỗi niềm, uẩn ức cứ vời vợi chảy trôi theo lời thơ, phong tục tập quán ngàn đời đẹp đẽ của quê hương hiện về thật sống động, vẻ đẹp cổ kính trầm mặc của không gian lễ hội, sự ân tình chất chứa trong hình ảnh “tấm the đen”, “mộng bình yên” gửi gắm trong cảnh vật thơ mộng, thấp thoáng, tất cả làm nên bản sắc văn hoá lâu đời của quê hương Kinh Bắc. Những câu thơ của Hoàng cầm như còn nguyên vẹn cái âm hưởng thanh bình, yên ả của nó. Người ta như cảm thấy mắt nhìn Hoàng Cầm muốn bao chiếm, ôm trọn không gian thân thương của quê hương yêu dấu, từ “trên” đến “trông” vào “giữa”, những địa danh của Kinh Bắc, núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài cứ hiển hiện như đang ở trước mắt người đọc. Từ “tấm the đen”, Hoàng Cầm chất chứa, nén dồn bao yêu thuơng, ấp ủ từ những hình ảnh bình dị, Hoàng Cầm gửi gắm những ước vọng bình yên lớn lao, từ câu chuyện về Kinh Bắc, nhà thơ đưa người ta trở về chốn cũ, người xưa trong không gian đẹp đẽ, thanh bình:
Những nàng môi cắn chỉ quết trầuNhũng cụ già phơ phơ tóc trắngNhững em sột soạt quần nâuBây giờ đi đâu về đâu.Ai về bên kia sông ĐuốngCó nhớ từng khuôn mặt búp senNhững cô hàng xén răng đenCười như mùa thu toả nắng.Chợ Hồ, Chợ Sủi người đua chenBãi Trầm Chỉ người dăng tơ nghẽn lốiNhững nàng dệt sợiĐi bán lụa màuNhững người thợ nhuộmĐồng Tỉnh, Huê Cầu

Bây giờ đi đầu về đâu

Không gian, thế giới Kinh Bắc không chỉ đẹp trong nét vẽ cổ kính trầm mặc, mà còn sống động với hình ảnh đẹp đẽ của những con người hồn hậu, thân thương. Nhớ về Kinh Bắc, hình ảnh con người gợi dậy trong Hoàng cầm bao yêu thương trìu mến. Chỉ phác hoạ bằng vài nét, Hoàng cầm cũng giúp người ta hình dung đầy đủ về họ. Những thiếu nữ duyên dáng, những cụ già hồn hậu, những em bé ngây thơ, tinh nghịch. Một làn môi cắn chỉ, một mái tóc trắng phơ phơ, một hình ảnh sột soạt quần nâu,... cũng đủ để tưởng tượng về những con người không tên, không tuổi, lạ kì. Hoàng cầm đặc biệt dành nỗi nhớ niềm thương cho hình ảnh người con gái Kinh Bắc, những câu thơ viết về vẻ đẹp quyến rũ, hồn hậu của họ trở thành những lối đẹp nhất của bài thơ. Câu thơ bắt đầu bằng từ để hỏi “Có nhớ” đánh thức tình yêu, gọi dậy nỗi nhớ ám ảnh, thổn thức. Hình ảnh cô hàng xén răng đen với nụ cười tươi tắn, với khuôn mặt búp sen gọi ra một vẻ đẹp tươi tắn, sáng trong, đặc trưng cho vẻ đẹp con người Kinh Bắc. Vẻ đẹp con người hoà quyện với vẻ đẹp của đất trời thiên nhiên, nụ cười của cô gái như thu nhận ánh sáng của không gian.Kinh Bắc, mọi nét tinh tuý của quê hương. Chỉ tả nụ cười của con người mà gợi ra được cả một không gian Kinh Bắc và sắc nắng tươi tắn rạng ngời, với vẻ đẹp ấm áp, thiết tha. Thắp sáng cho một nụ cười hồn hậu, Hoàng Cầm còn làm bừng dậy của đất trời quê hương, đó chính là nét tài hoa trong ngòi bút người nghệ sĩ. Những câu thơ tả cảnh bãi chợ với người buôn bán tấp nập gợi được sức sống mạnh mẽ của Kinh Bắc. Nhịp thơ như nhịp rộn rạo, náo nức tươi vui của bước chân lòng người. Đọc thơ Hoàng cầm như lạc lối vào tâm người “dòng lộ nghẽn lối” ấy. Thế giới Kinh Bắc với hình ảnh của thiên nhiên tươi đẹp, con người hồn hậu đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của văn hoá truyền thống ở đây hay ở kia, quê hương vẫn đẹp vẻ đẹp muôn đời của nó.

“Đó là những gam màu hồn nhiên nhất, tươi tắn nhất trong bức tranh quê hương. Đó là những cảm xúc mãnh liệt nhất, trong sáng nhất mà tôi dành cho miền đất thân yêu của tôi” [Hoàng Cầm]. Bên kia sông Đuống là tiếng lòng tri ân sâu nặng của Hoàng cầm, ông viết tác phẩm như trả một món nợ nghĩa tình cho quê hương, bài thơ là những nhịp cảm xúc lúc sôi sục trào dâng, lúc tha thiết ân tình, ân tình phát khởi tự trái tim nghệ sĩ.


[Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ]

Page 2

Cũng tựa như Trường ca sông Lô của Văn Cao và Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận trong âm nhạc, bài thơ này của thi sĩ Hoàng Cầm có thể coi là một bản trường ca trong thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Quy mô bài thơ khá lớn, bao hàm đủ cả quá khứ, hiện tại, tương lai của một miền đất vốn là chiếc nôi văn hoá của xứ Bắc lại đang chìm ngập trong cơn binh lửa, với nhiều cảnh đời, tình người, nhiều trạng huống cảm xúc buồn, vui, yêu ghét, nhớ tiếc, hy vọng...như cả một hoạt cảnh thơ hoàn chỉnh. Để chở được một dung lượng khá đồ sộ như vậy mà cấu trúc không bị manh mún, chất lượng không bị sồi sụt [hoặc có sồi sụt chút ít không đáng kể], mà ngược lại người viết lại có thể cuốn người đọc, người nghe theo một dòng chảy cuồn cuộn từ câu thứ nhất đến câu cuối cùng như một con sông Đuống bằng thơ ấy, rốt cuộc là nhờ vào sức mạnh của cái gì vậy? Về ý tưởng ư? - Thực ra bài thơ có tung ra được ý tưởng gì độc đáo, mới mẻ lắm đâu. Về cốt truyện ư? - Càng không có gì đáng gọi là ly kỳ, hấp dẫn, nếu không nói là sơ lược. Ngay cả về ngôn từ, ngoài những sáng tạo thành công lắm khi đến độ xuất thần mà ta sẽ nói tới sau, không thể phủ nhận là trong bài vẫn còn không ít lời lẽ kiểu cách và sáo. Rốt cuộc, sức mạnh to lớn của bài thơ dài này vẫn nằm trong nguyên lý muôn đời của thơ ca tức là dòng cảm xúc mạnh mẽ, dào dạt vô cùng, thứ cảm xúc dường như đã được tích tụ từ rất lâu trong lòng người, bất chợt được một bàn tay của ngoại cảnh bật tung cánh cửa, khiến nó tuôn ra ào ạt, đủ sức cuốn phăng đi mọi con đê khuôn sáo, mọi toan tính chừng mực và tỉnh táo, để làm tràn ra trên mặt giấy những chữ, những dòng mà sau này chính nhà thơ có lần thú nhận là ông đã viết chúng ra như trong một cơn mê sảng, như thể có ai đó đọc vào tai cho mà ghi lại vậy! Thần bí hoá công việc làm thơ hẳn có người khó chịu, nhưng tình trạng thăng hoa của cảm xúc, sự khơi đúng nguồn mạch trong khai thác cảm xúc và cả ý tưởng nữa trong công việc sáng tạo nghệ thuật, dẫu rất hiếm và quý, nhưng cũng là chuyện xưa như trái đất. Và thi sĩ Hoàng Cầm của chúng ta, một nhà thơ vốn đã nổi danh đa tình, đa cảm, lại sành sỏi trong công việc thao túng chữ nghĩa, trong cái đêm Việt Bắc se lạnh, đang nằm nhớ thương gia đình và quê hương đến cháy lòng, lại được nghe những người du kích từ quê nhà vừa bị giặc chiếm chạy lên chiến khu kể lại nguồn cơn thảm cảnh thì việc chỉ ngay trong một đêm ông có thể hạ bút làm xong bài thơ tràng thiên ngót một trăm năm mươi câu này là điều không có gì khó hiểu. Công việc sáng tạo nghệ thuật vẫn thường như vậy, có khi cả tháng cả năm không vạch nổi một chữ, nhưng có khi mạch cảm xúc bất chợt tuôn ra như thác vỡ bờ, ấy là những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời của người viết.Thậm chí, ta cũng không ngại để “nói vuốt đuôi” rằng, với mạch tình cảm thể hiện ra trong bài thơ này thì sự thể còn không thể nào khác được nữa kia! Liệu bài thơ còn giữ được cái mạch liền như “áo nhà trời không có đường khâu” này hay chăng, nếu nó được làm ra một cách ì ạch, ngắc ngứ, đánh vật hết ngày này sang ngày khác? Dĩ nhiên, làm có thể nhanh, sửa sang có thể dềnh dàng, nhưng liệu có sự khôn ngoan, kỹ tính nào lại đẻ ra nổi một câu thơ kỳ lạ vào bậc nhất trong thơ Việt từ cổ chí kim như câu thơ tả sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” được chăng?Như vậy là ta đã động đến cái đặc thù của bài thơ này: tính liền mạch - nhờ cảm xúc mạnh mà tạo nên liền mạch, lại nhờ có mạch mà tạo ra được nhiều ưu thế khác.Bài thơ rõ ràng mang những cảm xúc có tính xã hội và thời sự, nghĩa là nó thực sự là thơ công dân, thơ phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng điều then chốt ở đây là cảm xúc xã hội lại trùng lên cảm xúc cá nhân, những buồn vui, yêu ghét của cộng đồng lúc này cũng chính là tâm trạng riêng tư của người viết - chính sự hoà hợp ấy đã làm nên một sự cộng hưởng trong cảm xúc và người làm thơ có thể tung hoành ngòi bút để rồi bật lên những lời không còn phân biệt được đâu là chung đâu là riêng, tất cả đều tự nhiên nhi nhiên:

Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Một tiếng kêu tự đáy lòng dễ thường chỉ gặp ở trong thơ tình, mà là thơ tình thứ thiệt, thơ tình chân chất của người trong cuộc, chứ không phải thứ thơ tình mượn danh tình yêu để rao giảng việc khác. Có sự vào bài ngọt lịm như thế, sự vào bài giúp cho cả bài sẽ “đầu đi đuôi lọt” như vậy là nhờ ngay từ đầu tác giả chắc không nghĩ mình làm thơ để ban phát một điều gì, thậm chí phục vụ một mục đích gì. Ông viết như một sự giải toả nỗi lòng đang dào dạt những nhớ thương, buồn đau khôn xiết. Có thể rồi dần dà ông sẽ nghĩ tới những điều ấy, nghĩ tới bạn đọc, nhưng đó chắc chắn là chuyện đến sau, còn vào phút ấy, ông phải viết ra ngay những lời như đã ngấp nghé nơi cổ họng, như một tiếng kêu, một tiếng thét bật ra từ sâu thẳm trái tim - thế thôi. Tôi nghĩ, nếu sau này nhà thơ có kể lại rằng ông đã viết những lời này như sự mách bảo của một thế lực siêu nhân thì thế lực bí mật đó chẳng có gì khác hơn là những cảm xúc, những ý tưởng đã nung nấu đến thành ra máu thịt ở trong ông tự những bao giờ khiến cho chính ông cũng không ngờ tới. Sự thể này trên đời vẫn có lúc xẩy ra, mà nhà thơ của chúng ta không phải là trường hợp hy hữu. Nhất thiết không có gì thần bí theo nghĩa duy tâm ở đây, mà chỉ có bản chất của công việc sáng tạo nghệ thuật, cái công việc “cướp quyền Tạo Hoá” rắc đậu thành binh, dám cả gan tạo dựng cả trời đất và hồn người trên trang giấy thì vốn tự thân đã là như vậy. Phải thấu hiểu đến tận cùng cái phút giây “thơ về giáng bút” như chữ dùng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương khi bàn tay của người viết tựa như miệng của cô đồng - nếu như có những cô đồng đích thực - chỉ biết chạy theo những “mệnh lệnh” bí ẩn từ đâu đó trong cõi vô minh mà ở đây ta có thể hiểu là tiếng nói sâu thẳm của những cảm xúc, những nghiền ngẫm suy tư đã tích tụ từ lâu lắm trong bộ nhớ của con người, lâu và chín đến nỗi ta không còn nhớ đến nó nữa, đến nỗi khi nó vang lên bên tai thì ta cứ nghĩ là nó vọng về từ vô thức! Phải, có hiểu như vậy thì ngõ hầu ta mới không hoang mang khi đứng trước một câu thơ như ta vừa nói tới ở trên:
Sông Đuống trôi điMột dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.

Có lẽ từ thuở bài thơ được phổ biến đến nay, câu thơ này luôn luôn và mãi mãi là một câu đố trong lòng công chúng yêu thơ. Tôi biết, có vị giáo sư đáng kính đã từng đạp xe dọc sông Đuống hàng chục, hàng chục cây số để tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy. Nghe đâu như ông đã tìm ra, nhưng là để giải đáp cho ông thôi, còn những người khác, họ có chấp nhận hay không thì chưa chắc. Thực ra, tất cả chỉ ở hai chữ “nghiêng nghiêng” kỳ quái! Giá như nó chỉ khiến ta thấy nó cầu kỳ, thậm chí kỳ cục thì chẳng có gì mà nói, người ta hoàn toàn có thể viết những chữ kỳ cục hơn thế nhiều, nhưng hoặc chỉ để mua cười cho thiên hạ, hoặc sẽ chẳng ma nào để ý tới, điều phiền toái ở đây là dòng thơ kỳ lạ này lại ngay lập tức bám riết lấy hồn ta, trí ta, nó lay động, nó gợi mở, nó khiến ta cứ phải hình dung, phải tưởng tượng... thế nghĩa là nó có cái lý bên trong nào đó, có cái tình u ẩn nào đó - và với một câu thơ có sức ám ảnh dai dẳng đến như thế, thì ta chỉ biết nói là nó HAY, quá hay, vậy thôi, hay đến nỗi nếu được bầu một câu thơ hay nhất trong nền thơ kháng chiến, tôi xin được bỏ phiếu cho câu này. Bỏ phiếu, không do dự, nhưng cũng không... giải thích! Là vì thú thực, tôi cũng như mọi người, đã hơn một lần cố công giải thích cho cái hay của câu thơ, nhưng riêng tôi tự thấy nên từ bỏ ý định vô vọng này đi, bởi đơn giản càng mổ xẻ, phân tích càng thấy bất lực, thậm chí còn phơi hết sự dung tục của mình ra. Xin cứ để yên cho câu thơ được nằm mờ ảo trong vòng hào quang của Thần Thánh, mà với Thánh Thần thì “kính nhi viễn chi” xem ra vẫn là thái độ khôn ngoan hơn cả.Tôi đã quá dài lời vì một câu thơ, nhưng sự thể không thể khác được. Điều đáng khâm phục là ngoài câu thơ thiên phú trên đây, bài thơ vẫn còn những câu, những chữ tài tình đến mức xuất thần. Chẳng hạn, nói nỗi đau trong lòng mà như cảm thấy được đến tận ngoài da thịt: “sao xót xa như rụng bàn tay”! Sao lại “rụng bàn tay” mà không phải cái gì khác? Tả bọn giặc xâm lược thì:
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gãy quán gầy teo
Còn đây là cái cách mượn cảnh trời tả hồn người tinh vi và kinh điển:
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Có vẻ như ta đang nghe Nguyễn Du với “chim hôm thoi thót về rừng” báo hiệu một tai hoạ sắp ập xuống với nàng Kiều. Và đến câu thơ sau đây thì không có gì khác hơn là tài dùng chữ siêu việt:
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Hai chữ “thấp thoáng” đã nâng vị thế con người lên một tầm nhìn rất cao và đầy nhân bản. Xin kể một câu chuyện nhỏ: Có một lần, sau một cuộc đọc thơ ở Thư viện Hà Nội, mấy anh em làm thơ của nhiều thế hệ quây quần trò chuyện, nhà thơ Phùng Quán, ý muốn thử tài các động nghiệp theo cách của ông, liền làm một cuộc trắc nghiệm bằng cách đề nghị mỗi nhà thơ đọc một câu thơ của mình mà có thể gói trọn thần thái của cả đời người ấy trong đó [xin tiết lộ là đã có không ít nhà thơ rất lúng túng khi phải tham gia cuộc trắc nghiệm này]. Đến lượt nhà thơ Hoàng Cầm thì chính Phùng Quán xin được nói hộ “ông anh tôi đây”, và Phùng Quán đã chọn câu thơ trên một cách thích thú và tâm đắc. May mắn được có mặt ở đấy, người viết bài này cũng phải công nhận cái sự chọn của ông thi sĩ họ Phùng là rất chính xác. Kể câu chuyện này ở đây là để thay cho một lời bình luận, vì nó đã nói lên rất nhiều.Mặc dù không dám mạo hiểm cắt nghĩa những gì mình tự thấy chưa mấy tự tin vào những hiểu biết vốn còn nông cạn, nhưng dẫu sao điều gì cảm được thì cứ xin nói ra, mà một trong những điều ấy là: chính mạch thơ - nhờ được bảo lãnh bởi mạch cảm xúc - đã khơi nguồn cho sức băng tới của bài thơ, và chính trong sự vận động tự thân của thơ như một dòng suối chảy xiết đã làm cho những hạt vàng lấp lánh của ngôn từ vốn bị vùi sâu dưới đất đã bật lên, đã có dịp phơi mình dưới ánh sáng mặt trời. Sức cuốn ấy của tình cảm cũng tạo nên một dòng âm nhạc chảy xiết, vừa phong phú vừa linh hoạt, với hầu như đủ hết các thể thơ từ tự do, lục bát, đến cả song thất... dài ngắn, mạnh nhẹ, cao thấp, nhanh chậm đếu nương theo nhu cầu tình cảm của con người mà ngân lên. Ta dễ dàng nhận ra sức mạnh ấy của nhạc tính trong thơ của thi sĩ Hoàng Cầm khi đọc vào bất cứ đoạn nào trong bài thơ, chẳng hạn:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếpGiặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tànRuộng ta khôNhà ta cháyChó ngộ một đànLưỡi dài lê sắc máuKiệt cùng ngõ thẳm bờ hoangMẹ con đàn lợn âm dươngChia lìa đôi ngảĐám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu...

Và cứ thế cho đến những câu thơ kết đẹp như một dòng âm thanh lanh lảnh vút lên giữa trời xanh:
Bao giờ về bên kia sông ĐuốngAnh lại tìm emEm mặc yếm thắmEm thắt lụa hồngEm đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Thiết nghĩ, cùng với giá trị của những từ ngữ, hình ảnh xuất thần, về mặt nhạc tính, Bên kia sông Đuống đã là cả một dàn giao hưởng của rất nhiều giai điệu, tiết tấu làm say đắm hồn người và đủ để biểu dương vẻ đẹp không gì sánh nổi của tiếng Việt khi trở thành vũ khí lợi hại của thơ ca.Để kết thúc bài viết đã khá dài, tôi thấy vẫn còn một điều phải nói nốt về bài thơ này: ấy là, cuộc sống đã có lý khi giành một bài thơ đẹp và hoành tráng đến thế để ca ngợi một vùng đất như xứ Kinh Bắc, mảnh đất có truyền thống văn hoá sâu thẳm, xứ sở của những hội hè, đình đám, những chùa chiền, miếu mạo, của nguyên phi Ỷ Lan, của bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, của những liền anh, liền chị, của “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” v.v và v.v... Chính là tất cả những cảnh, những người, những tình, những nghĩa đã chung đúc tinh anh lại, gửi vào trong ngọn bút tài hoa của một người con xứ sở: Thi sĩ Hoàng Cầm.

Chúng ta chỉ còn biết cám ơn tất cả.

tửu tận tình do tại

Video liên quan

Chủ Đề