Các địa điểm có di sản văn hóa óc eo

Là tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử cách mạng; là nơi có tín ngưỡng thờ mẫu - Bà Chúa Xứ núi Sam nổi tiếng khắp cả nước và quốc tế nên hàng năm, thu hút hàng triệu lượt khách đến chiêm bái, tạ lễ. An Giang có 2 di tích văn hóa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, gồm Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích Óc Eo - Ba Thê.

.jpg]

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, cách đây gần 80 năm, di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện và khai quật khảo cổ lần đầu tiên. Kể từ đó đến nay, nhiều địa phương trong vùng đất Nam Bộ, nhất là khu vực ĐBSCL đã liên tục khám phá và phát hiện ra nhiều di tích, di chỉ có giá trị mới thuộc nền văn hóa Óc Eo; nhưng tiêu biểu và quan trọng nhất vẫn là quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thuộc tỉnh An Giang ngày nay.

Chính những giá trị quan trọng của văn hóa Óc Eo mà Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương giao cho tỉnh An Giang phối hợp các cơ quan chuyên môn của Trung ương, tiến hành lập hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Với sự cố gắng của địa phương và sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, đến nay, tỉnh An Giang đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ giai đoạn 1 [trong quy trình 2 giai đoạn của UNESCO]. Vừa qua, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế [ICOMOS] đã cử các chuyên gia đến Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê để thực hiện quy trình tập trung theo quy định của UNESCO. Tỉnh An Giang đang phấn đấu đến năm 2026, sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ chính thức trước UNESCO tại Pháp.

Khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu

Tại Hội thảo quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á” vừa được tổ chức tại An Giang, các đại biểu đã khái quát các thành tựu nghiên cứu văn hóa Óc Eo, xoay quanh các vấn đề: Không gian văn hóa và niên đại, nhận diện đặc trưng di tích văn hóa Óc Eo, các vấn đề kinh tế cư dân văn hóa Óc Eo, đời sống cư dân và nguồn gốc cư dân văn hóa Óc Eo, giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật của văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, đặc biệt là đô thị cổ Óc Eo và Trung tâm tôn giáo Ba Thê.

Hội thảo tiếp tục làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị cổ Óc Eo trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới trong giai đoạn 10 thế kỷ sau Công nguyên; làm sáng rõ và sâu sắc hơn những giá trị nổi bật của di tích Óc Eo - Ba Thê trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ và lịch sử Vương quốc Phù Nam.

.jpg]

“Qua hội thảo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang mong muốn UNESCO, các quốc gia thành viên của UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học quốc tế và trong nước tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê xứng tầm với danh hiệu cao quý khi được UNESCO công nhận và vinh danh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Theo TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với giá trị đặc biệt và tầm vóc lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê [huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang], Nền Chùa [tỉnh Kiên Giang]”.

Sau gần 4 năm thực hiện nhiệm vụ [2017 - 2020], kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng, như: Kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng. Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.

Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học của đề án có nhiều phát hiện mới rất quan trọng, khẳng định Óc Eo - Ba Thê là trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo của văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam. Những phát hiện nêu trên cho thấy, với tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, Óc Eo - Ba Thê không chỉ đóng vai trò là một đô thị hay thành phố ven biển và mở rộng giao lưu với thế giới, một trung tâm buôn bán, trung chuyển thương mại giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á, mà còn thực sự là một trung tâm gia công, sản xuất hàng hóa lớn của Đông Nam Á.

Qua phát hiện và nghiên cứu văn hóa Óc Eo đã xác lập được một không gian rộng lớn phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh An Giang, ĐBSCL và cả vùng đất Nam Bộ. Những kết quả nghiên cứu từ di tích, di vật của di tích Óc Eo là một chuỗi giá trị cấu thành toàn bộ giá trị chung của nền văn hóa này, trong đó Khu vực di tích Óc Eo - Ba Thê [huyện Thoại Sơn] có quy mô và vị trí trọng yếu.

Óc Eo là một gò nổi trên cánh đồng bằng phẳng của châu thổ, còn Ba Thê là một trong những ngọn núi lớn và cao. Không gian tự nhiên này được cư dân Óc Eo chọn để tạo nên một phức hệ văn hóa Óc Eo, mà ở đó sự liên kết giữa núi và châu thổ có thể xem là độc đáo nhất về không gian địa lý và không gian văn hóa của vùng Tây Nam Bộ.

Thông qua các cuộc điều tra thám sát và khai quật cho thấy, tại di tích Óc Eo - Ba Thê có quy mô lớn và mật độ tập trung di chỉ, di tích, di vật có đặc trưng tiêu biểu lớn nhất so với các khu vực khác. Đồng thời, là khu di tích tiêu biểu có đầy đủ các giai đoạn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo trong toàn bộ chuỗi di tích phát hiện trên vùng đất Nam Bộ...

Chính vì thế, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1419/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích khảo cổ kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê [huyện Thoại Sơn] là Di tích quốc gia đặc biệt, nhằm tôn vinh những giá trị to lớn của một trong 3 nền văn hóa cổ ở Việt Nam.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích 433,2ha được chia làm 2 khu. Khu A là vùng di tích trên sườn và chân núi Ba Thê, diện tích 143,9ha. Ở đây có hệ thống các di tích khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo, gồm nhiều giai đoạn phát triển. Các di tích phân bố tập trung mật độ cao trên khu vực có cao độ từ 5-20m so với mực nước biển, như: Linh Sơn Bắc, Gò Út Nhanh, Gò Danh Sang, Gò Tư Trâm, Gò Cây Me, Gò Trung Sơn, Gò Sáu Thuận... là các di tích kiến trúc tôn giáo, cư trú và thương cảng.

Khu B là vùng di tích trên cánh đồng Óc Eo với tổng diện tích là 289,3ha. Với các di tích dạng gò nổi, như: Giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Cây Da, Giồng Cát... Gò Cây Thị, Giồng Cát, Gò Cây Trôm... là những di tích kiến trúc tôn giáo lớn, tiêu biểu cho loại hình di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo điển hình có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII-VIII sau Công Nguyên.

Giá trị nổi bật của Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là thiết lập nên dấu ấn một đô thị có cấu trúc hoàn chỉnh sớm nhất ở Đông Nam Á, lấy đỉnh núi Ba Thê làm trung tâm tôn giáo; còn ở chân núi và cánh đồng Óc Eo là khu vực cư trú, sản xuất và giao thương buôn bán có vai trò chủ đạo.

Hệ thống giao thông cổ trong khu vực này đủ khả năng để phục dựng một cách cơ bản và có đủ điều kiện để hình dung đầy đủ diện mạo khu đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê. Bên cạnh, Khu vực di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê đã có một bộ sưu tập hiện vật có giá trị lớn do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thu thập đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam [TP. Hồ Chí Minh] cùng khối lượng di vật được các nhà khảo cổ học trong nước và Bảo tàng tỉnh thu thập từ sau năm 1975 đến nay, đang trưng bày lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Trong tập hợp hiện vật, có nhiều sản phẩm với cấu tạo phức tạp được tiếp thu kỹ thuật chế tác từ những trung tâm văn hóa lớn ở vùng Nam Ấn, giao lưu văn hóa với nhiều nước Ấn Độ, Trung Hoa, La Mã... minh chứng cho một thời, nơi đây từng là một đô thị, thương cảng, trung tâm kinh tế - văn hóa lớn và phát triển rực rỡ của Vương quốc Phù Nam xưa.

Hiện nay, bên cạnh việc gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo, phát huy tốt những giá trị của di tích, tỉnh đang tích cực triển khai các hồ sơ giai đoạn 2 trình UNESCO công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là Di sản thế giới, góp phần đưa di sản văn hóa Óc Eo xứng tầm với các di sản văn hóa cổ trong nước và thế giới.

Chủ Đề