Cách giâm cành chanh dây

Cùng viết bởi Lauren Kurtz

Tham khảo

X

Bài viết này đã được cùng viết bởi Lauren Kurtz. Lauren Kurtz là chuyên gia về tự nhiên và làm vườn. Lauren đã làm việc cho Aurora, Colorado, quản lý Water-Wise Garden tại Trung tâm Thành phố Aurora cho Cục Bảo tồn Nước. Cô đã có bằng cử nhân về Nghiên cứu Môi trường và Bền vững từ Đại học Western Michigan vào năm 2014.

Bài viết này đã được xem 22.521 lần.

Nếu sống trong vùng khí hậu ấm và không có mùa đông khắc nghiệt, bạn có thể trồng chanh dây nhiệt đới tại nhà. Loài cây này có thể hơi kén chọn và đòi hỏi có không gian để leo, nhưng nếu được chú ý và chăm sóc đúng cách, nó sẽ cung cấp cho bạn những mùa quả ổn định và ngon lành.

Các bước

Phần 1
Phần 1 của 4:
Trồng cây từ hạt

  1. 1
    Sử dụng hạt tươi. Hạt của những quả chanh dây mới hái nảy mầm rất nhanh, nhưng hạt khô và cũ hơn nếu có nảy mầm cũng phải mất vài tháng.[1]
    • Vài ngày trước khi định trồng cây bằng hạt, bạn hãy mua quả chanh dây chín từ cửa hàng. Cắt ra và nhặt lấy ít nhất nửa tá hạt.
    • Rải hạt lên mảnh vải bố và xoa cho đến khi lớp màng bảo vệ bên ngoài hạt [còn gọi là áo hạt] bung ra.
    • Rửa hạt trong nước và phơi khô 3 4 ngày trước khi rửa lại lần nữa và phơi trong bóng râm.
    • Nếu được gieo ngay, hạt sẽ nảy mầm trong vòng 10-20 ngày.
    • Nếu cần phải cất trữ hạt, bạn hãy bỏ vào túi ni lông kín và bảo quản trong tủ lạnh đến 6 tháng.
  2. 2
    Chuẩn bị chậu ươm cây. Tốt nhất là bạn nên trồng chanh dây trong một chậu riêng biệt và an toàn, sau đó đánh ra trồng vào vị trí chuẩn bị sẵn trong vườn. Chọn chậu không rộng quá 0,3 m2.
    • Đổ vào chậu ươm hỗn hợp đất gồm phân trộn, đất mặt và cát thô với tỷ lệ bằng nhau. Lớp đất nên dày khoảng 10 cm.
  3. 3
    Đào các rãnh nông. Dùng que vạch xuống đất trong chậu ươm những đường rãnh cách nhau khoảng 5 cm.
    • Những đường rãnh này có tác dụng như những rãnh thoát nước nông để giúp cho nước khỏi nhấn chìm hạt và rễ mầm.
  4. 4
    Gieo hạt. Đặt hạt vào rãnh, hạt này cách hạt kia khoảng 1 cm. Bảo vệ hạt bằng cách phủ lên một lớp đất thật mỏng.
    • Tưới nước ngay sau khi gieo hạt. Tưới sao cho đất ẩm nhưng không ướt sũng.
    • Sau khi gieo hạt, mọi việc bạn cần làm là thỉnh thoảng tưới nước khi đất bề mặt đã khô hẳn.
  5. 5
    Đánh cây con ra trồng bên ngoài. Khi mọc cao khoảng 20-25 cm, các cây con đã có thể được trồng vào vị trí vĩnh viễn trong vườn.

Phần 2
Phần 2 của 4:
Trồng cây bằng cành

  1. 1
    Chuẩn bị lớp cát. Đổ vào chậu hoa bằng nhựa một hỗn hợp gồm 3 phần cát nông nghiệp và 1 phần đất mặt. Trộn kỹ các thành phần trong đất cho đều khắp chậu.
    • Các cành cây lấy độ ẩm cần thiết để phát triển từ độ ẩm trong môi trường, vì thời điểm này chúng chưa có rễ. Như vậy, bạn không nên dùng đất giữ nước quá nhiều để trồng các đoạn cây.
  2. 2
    Lấy một cành cây.[2] Chọn cây chanh dây trưởng thành, khỏe mạnh để lấy cành. Cắt một đoạn cành có ít nhất 3 chồi hoặc nhiều hơn, và cắt ngay bên dưới chồi dưới cùng.
    • Những cành mới mọc hoạt động mạnh hơn, do đó bạn nên chọn đoạn cành này thay vì đoạn cành mọc đã lâu.
    • Trồng ngay đoạn cành này vào lớp cát.
    • Loại bỏ các lá nằm dưới để giúp cành giữ nước.
  3. 3
    Duy trì môi trường ẩm cho cành. Nơi lý tưởng nhất để trồng các cành cây là nhà kính. Nhưng nếu không có nhà kính, bạn có thể tạo một không gian ẩm bằng cách dùng tấm ni lông bao quanh khung tre.
    • Đảm bảo duy trì độ ẩm trong phòng ẩm. Dựng ở nơi có nắng toàn phần và không khí ẩm.
    • Nếu muốn tạo thêm độ ẩm, bạn có thể dùng máy tạo ẩm hoặc đặt các đĩa đựng sỏi và nước xung quanh gốc cành cây.
  4. 4
    Đánh cây ra ngoài trồng khi rễ đã hình thành. Các đoạn cành cây sẽ ra rễ trong vòng 1-2 tuần. Thời điểm này bạn có thể đem ra trồng ở vị trí vĩnh viễn ngoài vườn như một cây con đã cứng cáp.

Phần 3
Phần 3 của 4:
Trồng cây con

  1. 1
    Chọn vị trí thích hợp. Tốt nhất là bạn nên chọn một vị trí có ánh nắng toàn phần và xung quanh không có nhiều các rễ cây khác cạnh tranh.[3]
    • "Ánh nắng toàn phần" nghĩa là có ánh nắng mặt trời chiếu vào 6 tiếng trở lên mỗi ngày.
    • Nơi trồng chanh dây cũng phải sạch cỏ. Nếu có cỏ dại mọc, bạn cần nhổ đi trước khi trồng cây.
    • Các cành chanh dây cần có không gian để leo lên và lan ra. Lý tưởng nhất là bạn nên chọn nơi có các vật kiến trúc cho cây leo, chẳng hạn như hàng rào, ban công hoặc giàn. Nếu không có sẵn những vật kiến trúc trên, bạn có thể dựng hàng rào mắt cáo để thay thế.
  2. 2
    Cải tạo đất. Chanh dây cần ánh sáng và đất trồng sâu giàu chất hữu cơ. Đất trong sân nhà bạn có thể không đạt được chất lượng cao như vậy, do đó bạn cần cải tạo đất một chút trước khi trồng hạt hoặc cành cây.
    • Trộn đất với phân trộn trước khi trồng cây. Phân trộn sẽ cải thiện kết cấu và giá trị dinh dưỡng trong đất. Bạn cũng có thể thử dùng phân hữu cơ đã hoại mục, đất mùn hoặc phế phẩm của cây xanh.
    • Nếu đất quá chặt, bạn có thể làm tơi đất bằng cách trộn một nắm cát thô vào đất.
    • Bạn cũng nên chú ý đến độ pH trong đất. Độ pH cần phải trong khoảng 6.5 đến 7.5. Nếu độ a-xít trong đất quá cao, bạn hãy trộn thêm bột dolomite hoặc vôi nông nghiệp.
    • Cải tạo đất hằng năm bằng cách bổ sung phân trộn.
    • Trộn các vật chất hữu cơ hay cát vào đất để tăng khả năng thoát nước cho đất.
  3. 3
    Trồng từng cây con vào mỗi hốc đất to. Đào mỗi hốc cho một cây. Hốc đất cần phải có chiều rộng gấp đôi chiều rộng hiện tại của cây, và độ sâu ít nhất phải bằng với chậu đang trồng cây con.
    • Cẩn thận đào hoặc trượt cây con và bộ rễ ra khỏi chậu ươm.
    • Đặt bộ rễ vào giữa hốc đất, sau đó rải đất lên cho đến khi cây đứng vững.
    • Trong quá trình trồng cây, bạn càng ít chạm vào rễ cây càng tốt. Rễ cây rất nhạy cảm, và bạn có thể làm chết cây nếu làm tổn hại bộ rễ trong khi trồng.
  4. 4
    Đắp lớp phủ và bón phân xung quanh cây. Rải phân gà dạng viên hoặc các loại phân bón hữu cơ tan chậm khác xung quanh gốc cây. Bạn cũng cần đắp lớp phủ hữu cơ như rơm hoặc dăm bào xung quanh gốc cây.
    • Toàn bộ hệ thống rễ cần phải tiếp cận được với phân bón và lớp phủ. Để có kết quả tốt nhất, bạn cần nhẹ tay đẩy hoặc đào một ít lớp phủ xuống lớp đất mặt sau khi rải phân bón và đắp lớp phủ xung quanh gốc cây.
  5. 5
    Tưới nhiều nước. Dùng bình tưới hoặc vòi tưới vườn đễ tưới nhẹ cho cây con sau khi trồng. Đảm bảo đất phải thật ẩm nhưng không để lại những vũng bùn, vì đó là dấu hiệu cho thấy bạn tưới nhiều nước hơn mức độ thấm hút và thoát nước của đất.

Phần 4
Phần 4 của 4:
Chăm sóc hàng ngày và lâu dài

  1. 1
    Chăm bón thường xuyên. Chanh dây là cây hút nhiều chất dinh dưỡng, do đó bạn phải cung cấp nhiều nước và phân bón trong suốt mùa sinh trưởng của cây.
    • Bạn nên bón phân vào mùa xuân và cách bốn tuần một lần trong suốt mùa hè. Lần bón cuối cùng nên được thực hiện vào giữa thu. Sử dụng các loại phân bón hữu cơ tan chậm với nồng độ ni tơ thấp. Phân gà dạng viên là một lựa chọn tốt.
    • Nếu sống trong vùng có nhiều mưa, có thể bạn không cần tưới cây quá thường xuyên. Trái lại, trong mùa khô hạn hoặc nếu ở trong vùng chỉ có độ ẩm trung bình, bạn cần phải tưới cây ít nhất mỗi tuần một lần. Đừng bao giờ để cho lớp đất mặt khô kiệt.
  2. 2
    Uốn cành cây. Khi các cành cây lan ra, có thể bạn cần uốn cho chúng leo lên hàng rào, lưới mắt cáo hoặc các giàn đỡ khác. Cây chanh dây sẽ khỏe mạnh nhất nếu cành cây được tạo điều kiện để leo, và cây khỏe mạnh sẽ cho thu hoạch cao.
    • Uốn cành là quá trình tương đối đơn giản nếu bạn biết cách làm. Khi những cành cây mới mọc hoặc dây leo bắt đầu vươn ra, bạn hãy dùng dây mỏng để buộc các cành cây xung quanh gốc của nó và dây thép trên hàng rào. Buộc lỏng để khỏi cành cây khỏi bị thít chặt.
    • Khi cây chanh dây mới mọc, những cành trên cao mọc ra từ thân chính cần được uốn quanh dây thép cao nhất của giàn sao cho chúng mọc theo hướng ngược lại.
    • Khi các cành bên đã mọc lan ra xa nhau, những cành ở trên có thể phát triển và sà xuống.
  3. 3
    Làm cỏ xung quanh cây. Chanh dây đòi hỏi nhiều nước và chất dinh dưỡng, do đó đất trồng màu mỡ thường cũng là mục tiêu của cỏ dại. Bạn cần cố gắng nhổ sạch cỏ dại gần đó để cho nguồn dinh dưỡng không bị thất thoát.
    • Duy trì một khoảng trống 60-90 cm không có cỏ dại xung quanh mỗi gốc chanh dây. Dùng phương pháp hữu cơ hoặc nhổ cỏ, tránh dùng hóa chất. Lớp phủ có thể giúp ngăn chặn cỏ dại mọc lên khỏi mặt đất, và nhổ cỏ bằng tay cũng là một lựa chọn tốt.
    • Trong vườn của bạn có thể có các cây khác và cả cỏ dại, nhưng bạn nên tránh những cây có thể truyền bệnh hoặc thu hút sâu bọ. Đặc biệt là những cây họ đậu có thể gây nguy hiểm cho cây chanh dây khi trồng gần đó.
  4. 4
    Cắt tỉa cây nếu cần thiết. Việc cắt tỉa cây chủ yếu là để kiểm soát các cành cây và tạo điều kiện cho ánh nắng chiếu đến những phần thấp hơn của cây.
    • Cắt tỉa vào mùa xuân hai năm một lần. Đảm bảo thực hiện việc này trước khi cây ra hoa. Việc cắt tỉa khi cây đã ra hoa có thể làm cây yếu đi và giảm sản lượng quả.
    • Dùng kéo tỉa cây cắt các cành thấp hơn 60 cm. Điều này giúp loại bỏ những chồi già, yếu, đồng thời cải thiện độ lưu thông không khí xung quanh gốc cây.[4]
    • Khi tỉa cây, bạn cần đàm bảo không cắt cành chính bằng cách lần theo cành đến gốc trước khi cắt đi.
    • Để lại 3-5 mấu gần gốc cành khi cắt. Chồi mới có thể mọc ra từ những mấu được để lại.
  5. 5
    Hỗ trợ quá trình thụ phấn nếu cần thiết. Thông thường thì loài ong có thể lo việc thụ phấn cho cây mà không cần sự giúp đỡ của bạn. Tuy nhiên, nếu trong vùng không có ong, có thể bạn cần phải thực hiện công việc này.
    • Để thụ phấn nhân tạo cho cây, bạn hãy dùng chổi quét sơn nhỏ và sạch lấy phấn từ hoa đực, sau đó quét lên các hoa cái.
    • Bạn cũng có thể dùng ngón trỏ và ngón cái chạm vào bề mặt các bao phấn và nhụy hoa khi đi dọc theo các hàng.
  6. 6
    Bảo vệ cây chanh dây khỏi sâu bọ. Bạn không nên dùng thuốc trừ sâu cho đến khi phát hiện ra sâu bọ ở giai đoạn đầu. Nếu có dùng thuốc trừ sâu, bạn nên chọn loại hữu cơ vì hóa chất có thể làm hỏng mùa quả và khiến cho quả cũng không an toàn để ăn.
    • Những vấn đề lớn nhất liên quan đến sâu bọ là rệp aphids, vine girders, và ấu trùng bọ cánh cứng coleopteran.
      • Rệp aphids thường được ngăn chặn bằng cách rắc ớt xung quanh gốc cây.
      • Diệt trừ các loài bọ cây leo bằng cách trộn thuốc trừ sâu hữu cơ vào hắc ín. Phun dung dịch này xung quanh thân chính và loại bỏ các cành nhiễm bệnh.
      • Để diệt ấu trùng bọ cánh cứng, bạn sẽ cần dùng thuốc trừ sâu ngấm qua rễ trước khi cây ra hoa.
  7. 7
    Bảo vệ cây khỏi mầm bệnh. Có một số bệnh hại cây mà bạn cần ngăn ngừa. Khi phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh, bạn cũng cần tìm cách điều trị cho cây và ngăn chăn bệnh lây lan.
    • Cây chanh dây có thể bị bệnh thối rữa và các bệnh do virus.
      • Bệnh thối cổ rễ và thối rễ phải được phòng chống trước bằng cách duy trì độ thoát nước tốt.
      • Bạn có thể cố gắng điều trị cây nhiễm virus bằng dung dịch thương mại, nhưng thông thường bạn phải cắt và đốt các cành nhiễm bệnh để bảo toàn phần còn lại của cây. Virus đốm chanh dây, virus hình nhẫn chanh dây và virus khảm lá dưa chuột là những mối nguy hại phổ biến nhất.
  8. 8
    Thu hoạch quả. Cây chanh dây có thể mất một năm hoặc một năm rưỡi mới cho quả, nhưng khi đó bạn có thể hái quả và ăn.[5]
    • Thông thường, quả chanh dây chín sẽ rụng khỏi cành ngay khi có thể ăn được. Quả chanh dây rơi xuống sẽ không bị hỏng, nhưng bạn cần nhặt quả trong vòng 2 ngày sau khi quả rụng để đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể.
    • Nếu trồng loại chanh dây không rụng quả, bạn chỉ cần hái từng quả khi thấy vỏ quả bắt đầu nhăn nheo.

Những thứ bạn cần

  • Quả chanh dây chín [nếu lấy hạt]
  • Cây chanh dây trưởng thành [nếu lấy cành]
  • Chậu ươm cây
  • Dao hoặc kéo tỉa cây
  • Vải bố
  • Tấm ni lông
  • Đất mặt
  • Cát
  • Phân trộn
  • Xẻng hoặc bay làm vườn
  • Phân bón hữu cơ dạng viên
  • Bình tưới cây hoặc vòi tưới vườn
  • Hàng rào lưới mắt cáo hoặc các giàn đỡ khác
  • Chổi quét sơn nhỏ [để thụ phấn]
  • Thuốc trừ sâu [nếu cần]

Video liên quan

Chủ Đề