Cách làm diều đại tràng

Khi diều bay ổn định, anh Nguyên ngồi bên vệ cỏ phấn khởi nói: Dù bận nhiều công việc nhưng hễ thời tiết tốt là tôi lại mang diều ra thả, vừa để phục vụ con cháu trong làng, vừa thỏa thú chơi diều của bản thân. Thế rồi anh Nguyên nói về niềm đam mê ấy một cách say sưa. Tuổi thơ của cậu bé Nguyên là nhưng buổi chiều sau giờ học lại hì hụi ngồi vót tre, xé giấy, lấy cơm dán diều. Cánh diều tuổi thơ bé con con như chiếc quạt nan thêm cái đuôi dài ngoằng, gặp gió cũng bay vút cao. Chỉ có vậy thôi nhưng hè năm nào Nguyên cũng tự làm diều và giúp bạn bè, các em có đồ chơi.

Thích chơi diều, tự tay anh Nguyên có thể làm được nhiều loại diều khác nhau. Dẫn chúng tôi về thăm nhà, anh giới thiệu nhiều dụng cụ để làm ra một con diều hoàn chỉnh. Nguyên liệu không quá cầu kỳ nhưng kỹ thuật làm thì phải chuẩn. Loại tre đực được lựa chọn làm khung có tính dẻo tốt, chịu được gió lớn, khi vót phải cẩn thận không dày không mỏng, không cứng không mềm, để khi liên kết lại thân diều cân đối, dẻo dai bền chắc. Vải diều được cắt theo khuôn hình khung tre, khi dán phải căng đều mới có tác dụng đón gió tốt. Để tạo âm thanh vui tai, diều được gắn thêm sáo. Việc làm sáo là kỳ công nhất. Những ống nứa nhiều kích cỡ khác nhau được dóc cật, làm vách ngăn, gắn miệng sáo bằng gỗ mít sau đó liên kết lại thành một bộ có từ hai cho đến hơn chục con sáo. Sáo diều có âm thanh khác nhau là nhờ kích cỡ ống và miệng sáo được cắt gọt tỉ mẩn, thử tiếng trước sau mới gắn vào thân. Công đoạn sau cùng là buộc dây diều. Cái sợi dây dù mảnh mai ấy là thứ duy nhất để người chơi điều chỉnh độ cao, thấp, bay lượn của con diều.

Anh Lê Xuân Nguyên làm những cánh diều sáo.

Yêu mến cánh diều, anh Nguyên tham gia Hội diều sáo Hải Phòng để kết nối chia sẻ thú vui chơi diều với các hội viên trong thành phố và giao lưu với các hội diều sáo ở nhiều địa phương khác. Anh Nguyên cho biết thêm: Hằng năm các hội chơi diều sáo tổ chức thi thả diều ở khu vực gần biển Đồ Sơn. Tại đây các tay chơi diều có cơ hội trưng bày nhiều loại diều khác nhau, phô diễn những kỹ thuật thả diều điêu luyện. Tùy từng năm ban tổ chức hội thi có yêu cầu riêng, khi thì làm trực tiếp xong mới thả, khi thì thi thả diều với chấm tiếng sáo hay. Mỗi dịp như vậy bạn chơi có cơ hội học hỏi thêm cách làm ra các loại diều khác nhau, trao đổi về kỹ thuật để năm sau tiếp tục trình diễn chơi diều.

Trở về sau mỗi dịp giao lưu, anh Nguyên lại mày mò tỉ mẩn làm ra những con diều mới. Trẻ con trong khu phố có điều kiện ngắm nghía những con diều rực rỡ sắc màu. Hiện nay nhiều người mua sẵn diều làm công nghiệp, sử dụng khung carbon lắp ghép với áo diều may sẵn nhưng anh vẫn bền bỉ làm theo cách truyền thống, hướng dẫn bạn bè, trẻ em làm diều. Anh dặn đám trẻ viết những điều ước muốn trên mỗi con diều để khi thả lên trời cao điều ước đó sẽ sớm thành hiện thực. Dẫu chỉ là một trò chơi bình dị nhưng qua bàn tay khéo léo của mình, anh Lê Xuân Nguyên đã làm ra những con diều đẹp mắt giúp con trẻ có thêm niềm vui mới, qua đó chắp cánh ước mơ cho các em bay cao giữa khung trời tuổi thơ.

Bài và ảnh:NGỌC NAM

Chủ Đề