Cách tính thuế xăng dầu nhập khẩu

Xăng dầu có chịu thuế chồng thuế?

Suốt 2 tháng qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và liên tục phá vỡ các đỉnh lịch sử đã đẩy giá xăng dầu bán lẻ trong nước lên cao, gây “sốt” thị trường.

Giá xăng dầu tăng lên kỷ lục gần 30.000 đồng/lít từ chiều 11/3. Ảnh minh hoạ

Để “giảm nhiệt”, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường [BVMT] để giảm phần nào giá bán lẻ. Tuy nhiên, một số đề nghị lại cho rằng không chỉ giảm thuế BVMT mà nên tính lại cách “đánh” thuế lên mặt hàng này mới có thể giảm được giá xăng dầu một cách thực chất.

Vì sao lại có đề nghị này?

Theo Nghị định 95 [sửa đổi, bổ sung Nghị định 83] về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 2/1/2022, cách tính giá cơ sở được quy định như sau:

Giá cơ sở = Giá nhập khẩu x % sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu + Giá xăng dầu sản xuất trong nước x % sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước.

Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định:

Giá nhập khẩu = Giá CIF [Giá xăng dầu thế giới + Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam] + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập Quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Chi phí thuế [thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng - VAT] + Phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành nếu có.

Riêng với chi phí thuế, giá tính thuế không tính rời rạc từng loại dựa trên giá CIF mà có sự liên quan, gối lên nhau.

Cụ thể, giá tính thuế nhập khẩu là giá CIF x thuế suất 12%, nhưng sau đó giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là [giá CIF + thuế nhập khẩu] x thuế suất 10%.

Tương tự, giá tính thuế VAT là giá đã bao gồm giá CIF, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt sau đó nhân với thuế suất 10%.

Chính vì cách tính này mà từ cách đây 10 năm, khi giá xăng dầu tăng cao, cũng đã gây ra tranh cãi khá gay gắt. Khi đó, có khá nhiều ý kiến cho rằng cách tính như trên dẫn tới xăng dầu phải “gánh” thuế chồng thuế hoặc cho rằng xăng dầu bị đánh thuế hai, thậm chí là ba lần.

Nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới leo cao vừa qua, thì với cách tính thuế theo tỷ lệ tương đối [%] vừa với cách tính được cho là “thuế chồng thuế” nêu trên khiến giá xăng dầu chịu áp lực từ ba phía.

Hiện nay, giá xăng dầu lại tăng “nóng”, trong phiên điều chỉnh ngày 11/3, giá bán lẻ xăng lên gần 30.000 đồng/lít, một lần nữa làm dấy lên ý kiến cho rằng nên đổi lại cách tính ba loại thuế trên theo mức tuyệt đối như đang áp dụng với thuế BVMT đang áp dụng.

Các ý kiến cho rằng, nếu tính theo cách này sẽ làm giảm áp lực tăng giá đồng thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cách nào điều tiết giá xăng dầu?

Phân tích các sắc thuế đang áp dụng đối với xăng dầu hiện nay, PGS. TS Ngô Trí Long cho biết, ngoài thuế nhập khẩu là bắt buộc, xăng dầu là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế đánh vào các nhóm hàng hoá xa xỉ, nhóm hàng độc hại… mà nhà nước không khuyến khích như rượu bia, hay ảnh hưởng tới môi trường như xăng dầu”, PGS. TS Ngô Trí Long lý giải.

Chính vì nằm trong nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và hạn chế tiêu dùng nên xăng dầu cũng không nằm trong nhóm các hàng hoá được giảm thuế VAT từ 1/2/2022 theo quyết định của Quốc hội [giảm thuế VAT 2% cho một số nhóm hàng hoá từ 10% xuống 8%].

Phân tích rõ hơn, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh [Học viện Tài chính] cho biết cả thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT cũng như cách đánh thuế với xăng dầu như hiện nay đều nhằm điều tiết thị trường và điều tiết tiêu dùng.

“Thuế có hai cách tính, theo tỷ lệ % trên giá trị hàng hoá, và thuế cố định theo giá trị tuyệt đối trên khối lượng hàng hoá. Người ta cũng có so sánh và thống kê thì tất cả các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT theo tỷ lệ %”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

“Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, không có nước nào đánh theo số tuyệt đối vì đánh như thế thì khi giá trị hàng hoá tăng lên sẽ dẫn đến tỷ lệ thuế so với giá trị hàng hoá lại càng ít đi. Như vậy đi ngược với chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt, vì sắc thuế này nhằm điều tiết tiêu thụ của người dân”, ông Thịnh nói.

Tương tự với thuế VAT, chuyên gia này cũng phân tích, phải đánh thuế gia tăng theo mức độ gia tăng của giá trị hàng hoá. Nếu giá trị hàng hoá tăng thì thuế phải tăng theo. Bởi ai tiêu dùng nhiều thì người đó phải trả nhiều thuế.

“Cho nên nếu đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế VAT theo giá trị tuyết đối là không hiểu về thuế và nguyên tắc đánh thuế. Không có một nước nào đánh thuế VAT theo giá trị tuyệt đối cả”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng là người phản đối giảm thuế BVMT dù giá xăng dầu đang tăng “nóng” bởi ông lý giải so với mức giá gần 30.000 đồng/lít xăng, thậm chí giá xăng dầu còn có thể tăng thêm thì mức giảm 2.000 đồng/lít thuế BVMT không “thấm” vào đâu so với đà tăng.

“Về nguyên tắc, tôi cũng đã có ý kiến là không nên giảm thuế. Nếu nói nhà nước phải ưu tiên, ưu đãi thì lại quay về thời bao cấp. Nhưng bây giờ kinh tế thị trường thì phải chấp nhận giá lên xuống theo thị trường. Chứ sao khi giá lên thì đòi làm cách nào cho giá xuống. Vậy sao lúc giá xuống không kiến nghị nâng thuế lên?”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia này cũng đồng tình quan điểm, bản thân thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT là hai sắc thuế nhằm điều tiết tiêu dùng và điều tiết thu nhập của xã hội nên không bao giờ đánh theo mức cứng mà đánh theo tỷ lệ phần trăm.

Do đó, đối với giải pháp thị trường hiện nay, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình rằng vấn đề không phải ở thuế mà là ở cung – cầu, tăng cung trong nước.

Việc mở rộng công suất hoặc đầu tư thêm nhà máy, nhất là nhà máy chế biến sản xuất xăng sinh học như chiến lược trước đây đã đề ra là cần thiết và là bài toán lâu dài.

“Tuy nhiên, khi đầu tư thêm cũng là một bài toán cần cân nhắc thật kỹ về hiệu quả bởi chi phí đầu tư lớn. Nếu trường hợp giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm tăng cao theo thì không sao. Nhưng nếu giá dầu thế giới giảm dẫn đến đẩy chi phí sản xuất xăng sinh học làm giá xăng này cao hơn giá xăng khoáng thì lại không hiệu quả.

Nhưng xét đến cùng thì phải đa dạng hoá nguồn cung. Về vấn đề này tôi luôn ủng hộ”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng ở quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Cung cấp thông tin cho Tuổi trẻ Online ngày 21-2 về chính sách thuế đối với các mặt hàng xăng dầu, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, xăng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với xăng nhập khẩu. Còn mặt hàng dầu chịu thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu.

Cụ thể, thuế nhập khẩu ưu đãi [MFN] với xăng là 20%, với các sản phẩm dầu gồm diesel, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%. Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt [thuế suất FTA] với xăng là 8-8,8%, với các mặt hàng dầu diesel, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 0-7%.

Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu 8% với xăng và 0% với dầu. Từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, hai nhà máy này đã cung cấp chủ yếu xăng dầu cho thị trường trong nước. Do đó, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm đáng kể và hiện chiếm tỉ trọng thấp trong nhu cầu tiêu dùng xăng dầu cả nước.

Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành với xăng là 10%, xăng sinh học E5 8% và xăng E10 7%. Thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng xăng dầu đều có chung mức áp dụng là 10%.

Riêng thuế bảo vệ môi trường, xăng RON95 đang chịu mức thu cao nhất là 4.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. 

Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với mức khoảng 9.000 đồng. Xăng RON92, diesel thì có số tiền thuế khoảng 7.000-8.000 đồng/lít tùy theo sản phẩm.

Để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…

Tuy nhiên, dự báo giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng khoảng 800-1.000 đồng/lít, tùy theo mặt hàng, vào ngày 21-2, nên giải pháp duy nhất để bình ổn giá xăng dầu trong nước lúc này, theo ông Trịnh Quang Khanh, tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, là Nhà nước sớm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. 

Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/lít; với dầu diesel còn 1.500 đồng thay cho mức áp dụng lâu nay là 2.000 đồng/lít.

"Bộ Tài chính cần sớm đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm sắc thuế này đối với mặt hàng xăng dầu. Trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm thì mức thuế lại được khôi phục.

Xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất quan trọng, tác động trực tiếp, gián tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân và doanh nghiệp. Do đó, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam", ông Khanh kiến nghị.

Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Công thương có giải pháp bình ổn giá xăng dầu

LÊ THANH

Video liên quan

Chủ Đề