Chiến lược xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngân hàng

Files in This Item:

Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh

Chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng đã và đang được đánh giá rất tích cực. Phó Thống đốc có thể cho biết, những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà ngành Ngân hàng đã triển khai trong giai đoạn 2016-2021?

Bám sát đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại NHNN trong giai đoạn 2016-2021 đặt ra hai mục tiêu lớn. Đó là từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ CB, CC, VC chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; Bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển của NHNN và ngành Ngân hàng giai đoạn 2016-2021.

Những mục tiêu này được cụ thể hóa xuyên suốt trong cả giai đoạn, trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và đạt được kết quả tích cực trong giai đoạn 2016-2021. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên rõ rệt nhờ đã xác định rõ hơn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, cử đúng đối tượng và nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu công việc. Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ thuộc diện quy hoạch đào tạo chuyên gia luôn là đối tượng được ưu tiên xem xét cử tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên sâu, các đợt thực tập/hội thảo chuyên đề tại các tổ chức quốc tế ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý/quy hoạch lãnh đạo quản lý luôn được ưu tiên cử với số lượng lớn tham gia các lớp bồi dưỡng nhằm hoàn chỉnh tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, đội ngũ CB, CC, VC và người lao động trong hệ thống ngân hàng thường xuyên được cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức bổ trợ và kỹ năng mềm nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và yêu cầu công việc.

Thực hiện nhất quán phương châm đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, yêu cầu vị trí việc làm và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của đơn vị, công tác đào tạo, bồi dưỡng của NHNN trong những năm qua đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, các cơ sở đào tạo và các đơn vị chuyên môn đã thực hiện tốt các khâu, chuẩn bị những yếu tố cần thiết cho một khóa học: từ phân tích, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đến thiết kế, xây dựng nội dung, khung chương trình, chương trình, tài liệu và triển khai các khóa bồi dưỡng... Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng được triển khai đa dạng và linh hoạt phù hợp với từng nội dung, từng nhóm đối tượng tham gia.

Việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên kiêm chức của hệ thống ngân hàng cũng được quan tâm. Hiện nay, giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy trong hầu hết các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của NHNN và các TCTD, một số trường hợp đảm nhiệm tới trên 80% tổng thời lượng giảng dạy. Qua đó, tính thực tiễn trong các khóa học được tăng cường rõ rệt, giúp học viên ứng dụng kiến thức, kinh nghiệm thu được qua học tập trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của Ngành.

Về cơ sở vật chất, NHNN tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cũng được đầu tư các hệ thống, trang bị CNTT phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng. Các TCTD cũng có những bước đột phá trong đầu tư thành lập, nâng cấp, mở rộng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực như Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank.

Nhằm tăng cường nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng, NHNN đã tích cực huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế với IMF, SEACEN, ADB, WB, JICA [Nhật Bản], GIZ [Đức], SECO [Thụy Sỹ]... Nhiều nội dung chuyên môn, nghiệp vụ mới, mang tính chuyên sâu, nâng cao, được các chuyên gia nước ngoài có hiểu biết sâu rộng và có kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy, tư vấn, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu năng lực chuyên môn của các đơn vị.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ phải chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng. Ngành Ngân hàng đã có giải pháp nào để cụ thể hoá mục tiêu Chiến lược, thưa Phó Thống đốc?

Cụ thể hoá nhiệm vụ, giải pháp trên, NHNN đã ban hành Quyết định số 1537/QĐ-NHNN ngày 17/7/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện với nhiều nội dung trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Ngân hàng Việt Nam như xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của Ngành… Quyết định này khẳng định đã nhanh chóng nắm bắt được những biến chuyển trong nhu cầu nhân lực của ngành Ngân hàng và có những bước đi phù hợp để chuẩn bị cho tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, bắt kịp xu hướng phát triển chung, NHNN luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thực thi các nhiệm vụ then chốt của ngân hàng, tiến tới trở thành một NHTW tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, NHNN xây dựng Đề án “Đào tạo chuyên gia” cho từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2004. Trải qua các giai đoạn thực hiện Đề án, NHNN đã đạt được một số kết quả nhất định, đáng khích lệ, khẳng định sự cần thiết của công tác đào tạo chuyên gia. Đến cuối năm 2020, NHNN đã có 40 cán bộ được công nhận hoàn thành chương trình đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn chính. Những cán bộ được công nhận hoàn thành chương trình đào tạo chuyên gia đều là những cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên sâu, kỹ năng làm việc tốt, khả năng tư duy chiến lược, đã tích cực tham mưu, tư vấn cho Ban lãnh đạo NHNN cũng như Ban lãnh đạo các đơn vị trong việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách góp phần điều hành có hiệu quả công tác hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ ngân hàng, hoạt động thanh toán và thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN. Một số cán bộ cũng đã được bổ nhiệm vào các vị trí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng các đơn vị chủ chốt của NHNN. Cụ thể, số lượng cán bộ đã được bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ là 33 người; bổ nhiệm lãnh đạo cấp Phòng là 90 người; và 100% cán bộ quy hoạch chuyên gia được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp Phòng trở lên.

Quá trình thực hiện Đề án đào tạo chuyên gia, Đề án giảng viên kiêm chức, Chương trình đào tạo cán bộ làm công tác thanh toán đã đạt những thành công; từng bước thí điểm và triển khai các hoạt động đào tạo ngoài trường lớp như khuyến khích tự đào tạo, đào tạo qua công việc, cử cán bộ đi thực tập/ tìm hiểu thực tế tại các TCTD... Với cách làm như trên của NHNN thực sự hiệu quả và đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của các đơn vị trong và ngoài Ngành.

Trong giai đoạn 2016 – 2021, Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối cử 30.266 lượt công chức tham gia các khóa ĐT, BD ở trong và ngoài nước; trong đó đã triển khai 944 khóa bồi dưỡng cho 30.165 lượt công chức, đạt bình quân trên 5 ngày bồi dưỡng/người/năm; cử 94 lượt công chức đi đào tạo dài hạn, trong đó số cử đi học ở nước ngoài là 82 người [Tiến sĩ: 30 người; Thạc sĩ: 52 người].

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của ngành Ngân hàng còn những vấn đề gì cần phải hoàn thiện hơn không, thưa Phó Thống đốc?

Có thể nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua đã có bước cải tiến rất tích cực về phương pháp, cách thức triển khai theo hướng đáp ứng tối đa nhu cầu thực tế. Từ đó, đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng.

Mặc dù kết quả đạt được là rất tích cực, nhưng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, hoàn thiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, xét trên phương diện cả lý thuyết và thực tiễn, việc đào tạo, bồi dưỡng có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau bên cạnh hình thức đào tạo, bồi dưỡng chính thức [lớp học]. Ngành Ngân hàng tại nhiều nước rất coi trọng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phi chính thức như đào tạo qua công việc, chia sẻ kiến thức nội bộ, hướng dẫn, tham gia nghiên cứu khoa học, tự học,… Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngoài lớp học chưa được quy định trong chế độ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, do vậy chưa phát huy được hiệu quả tối ưu.

Thứ hai, việc thiết kế nội dung các chương trình đào tạo chưa thật phù hợp với vị trí việc làm và thứ bậc của học viên. Hay nói cách khác, các chương trình bồi dưỡng chưa có sự phân định rõ giữa các nhóm học viên như giữa học viên thuộc khối Trung ương với Chi nhánh, giữa học viên có kinh nghiệm công tác lâu năm với học viên mới vào Ngành.

Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng của từng cán bộ, đơn vị chủ yếu dựa trên nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng phát sinh hàng năm, chưa có lộ trình đào tạo dài hạn với các mốc thời hạn cùng sự kiểm tra, đánh giá định kỳ. Lộ trình đào tạo giúp từng cán bộ, đơn vị thấy rõ mục tiêu đào tạo, các cấp độ năng lực cần đạt tới, các mốc thời gian cần hoàn thành, chủ động bố trí thời gian, nguồn lực để đạt được yêu cầu năng lực đề ra. Do đó, ưu điểm nổi trội của đào tạo theo lộ trình nhất quán là cán bộ được đào tạo đúng nội dung cần cho công việc, gắn với yêu cầu của tổ chức, tránh đào tạo dàn trải, trùng lặp. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy lộ trình đào tạo giúp đạt mục tiêu đào tạo nhanh chóng, hiệu quả với chi phí tiết kiệm hơn so với việc đào tạo theo nhu cầu phát sinh, đăng ký định kỳ. Lộ trình đào tạo còn là cơ sở, nền tảng chung giúp gắn kết, phối hợp giữa các chủ thể liên quan trong quá trình học tập của cán bộ [như người học, người lãnh đạo, cấp quản lý, cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý tài chính].

Thứ tư, trong một số trường hợp, Thủ trưởng đơn vị chưa thực sự nhìn nhận công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài; một số CB, CC, VC chưa thực sự chủ động, tích cực học tập nâng cao năng lực công tác.

Phó Thống đốc có thể cho biết, hướng giải pháp của ngành Ngân hàng để “tăng chất” nguồn nhân lực, bắt kịp sự bùng nổ của CMCN 4.0 trong giai đoạn tới?

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề trong xã hội. Một trong những tác động rõ rệt nhất là xu hướng ngân hàng số bùng nổ. Phát triển ngân hàng số đã không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu, buộc các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong các nghiệp vụ và giao dịch tài chính. Trong bối cảnh đó, vấn đề nguồn nhân lực được xem là nền tảng phát triển bền vững cho các ngân hàng, tổ chức tài chính. Do vậy, ngành Ngân hàng phải chú trọng khâu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể thích ứng được yêu cầu rất cao của cuộc CMCN 4.0. Trong thời gian tới, việc triển khai giải pháp nhằm thích ứng với thay đổi của thị trường nhân lực là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Một là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ quy định tại Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực Phát triển nguồn nhân lực ban hành theo Quyết định số 1537 với Chương trình hành động cụ thể.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của NHNN. Trong đó, NHNN hoàn thiện, xây dựng mới khung năng lực và khung chương trình bồi dưỡng cho các lĩnh vực chuyên môn chính của NHNN [trong đó có vị trí lãnh đạo, quản lý], làm cơ sở rà soát, hoàn thiện danh mục các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc trong danh mục các khóa bồi dưỡng đưa vào Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 và các năm tiếp theo; Từng bước xây dựng và hoàn thiện quy định về luân chuyển cán bộ, coi đây là giải pháp đào tạo qua công việc; Xây dựng cơ chế đánh giá năng lực công chức hàng năm. Đây cũng là hoạt động cần thiết để thẩm định kết quả tự đào tạo, đào tạo qua công việc với sự hỗ trợ của đơn vị ngoài phần đào tạo trên lớp…

Ba là, tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành. Điều này cần được đặc biệt chú trọng ở cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao, bởi đây là lực lượng then chốt cho việc triển khai kế hoạch cải cách và thích ứng với sự thay đổi. Theo đó, tiếp tục triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch chuyên gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu có được các nhóm chuyên gia, chuyên sâu trong các lĩnh vực của ngành Ngân hàng, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc để tham mưu, tư vấn cho Ban lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các đơn vị ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn của NHNN được xác định trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bốn là, xây dựng và ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho các vị trí lãnh đạo, quản lý của NHNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo đủ nguồn cán bộ kế cận, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý để sẵn sàng bổ sung vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt khi trống. Qua đó đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cán bộ của NHNN trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đạt hiệu quả cao, các đơn vị tham mưu thuộc NHNN cần định kỳ rà soát, cập nhật, ban hành mới khung năng lực và khung chương trình bồi dưỡng cho các chức danh lãnh đạo, quản lý, các lĩnh vực chuyên môn trọng tâm; Xây dựng và trình Lãnh đạo NHNN phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho các chức danh lãnh đạo của NHNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025, đảm bảo NHNN luôn có từ 2 - 3 cán bộ/ 01 vị trí đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý diện Ban Cán sự Đảng, Thống đốc quản lý…

Thủ trưởng các đơn vị chú trọng đẩy mạnh các hình thức đào tạo, chia sẻ kiến thức nội bộ, tăng cường giao nhiệm vụ đối với từng cán bộ, đặc biệt là nhóm cán bộ nòng cốt, cán bộ quy hoạch lãnh đạo, quản lý; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng xây dựng nội dung chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng; trực tiếp giảng dạy hoặc cử cán bộ tham gia giảng dạy, thuyết trình, báo cáo; cử đúng đối tượng và đủ chỉ tiêu được phân bổ tham gia các lớp bồi dưỡng...

Với những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian vừa qua, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực của hệ thống Ngân hàng Việt Nam tiếp tục được đổi mới. Qua đó, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhân lực ngành Ngân hàng, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cán bộ, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Tính đến tháng 6 năm 2021, NHNN có tổng cộng 6.706 cán bộ, công chức, viên chức [CB, CC, VC]. Về trình độ chuyên môn: Trên 70% tổng số CB, CC, VC có trình độ đại học trở lên. Trong đó, CB, CC, VC có trình độ tiến sĩ là 255 người [chiếm 3,8% trên tổng số]; CB, CC, VC có trình độ thạc sĩ là 2.234 người [chiếm 33,3%]; CB, CC, VC có trình độ đại học là 2.982 người [chiếm 44,4%]; CB, CC, VC có trình độ cao đẳng trở xuống là 814 người [chiếm 18,5%]. CB, CC, VC thông thạo ngoại ngữ và có thể sử dụng một cách độc lập trong công việc hiện chiếm khoảng 23% trên tổng CB, CC, VC trong toàn hệ thống, tập trung nhiều tại các đơn vị ở NHTW.

Video liên quan

Chủ Đề