Cơ cấu dân số già là gì

Cơ cấu dân số già, những thách thức tiềm ẩn

Chăm sóc người cao tuổi, đối tượng chính sách tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Hơn 50 năm nỗ lực thực hiện chính sách giảm sinh, công tác dân số nước ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, dân số nước ta lại đối mặt với những thách thức  mới khi bước vào giai đoạn cơ cấu dân số già  nhanh hơn 20 năm so với các nước phát triển.

Việt Nam có cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số ở độ tuổi lao động trẻ. Ðiều  này sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế hằng năm. Nhưng hiện nay, dân số  Việt Nam đang già đi một cách nhanh chóng. So sánh các cuộc tổng điều tra dân số  cho thấy, tỷ trọng dân số trẻ em [từ 0 -14 tuổi] đã giảm mạnh [năm 2012 còn  23,9%] và theo dự  báo sẽ tiếp tục giảm và tuổi thọ trung bình của dân số ngày  càng cao, theo đó dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% [năm 2011]. Dân số  nước ta  chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011.  Nếu năm 2012 cứ khoảng 11  người dân thì có một người cao tuổi, ước tính vào năm 2029, cứ sáu người dân sẽ  có một người cao tuổi. So sánh với các nước  phát triển, thì cơ cấu dân số đang  già chuyển sang cơ cấu dân số già ở nước ta tốc độ nhanh hơn so với các nước  phát triển là 20 năm.  Vô hình trung, chúng ta chưa tận dụng hết nguồn nhân lực  "cơ cấu dân số vàng" thì đã chuyển sang "cơ cấu dân số già".

Theo PGS, TS Giang Thanh Long [Bộ Kế hoạch và Ðầu tư], cơ cấu dân số già là  một thành tựu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, già hóa dân số nước ta  với tốc độ  nhanh  như vậy, đã tạo ra những thách thức  lớn đối với quá trình phát triển  kinh tế - xã hội. Dân số già hóa nhanh trong điều kiện kinh tế - xã hội còn  nghèo sẽ gây ra áp lực như tăng trưởng dân số nhanh. Lượng người cao tuổi tăng  nhanh tạo áp lực cho hệ thống  an sinh xã hội,  dịch  vụ chăm sóc sức khỏe... Có  thể nói, Việt Nam sẽ phải đương đầu với hai thách thức là vừa phải đầu tư cho  phát triển vừa phải thích ứng với già hóa dân số. Trước hết, về dài hạn, dân số  già sẽ làm tăng chi phí chăm sóc, thâm hụt vốn, giảm tích lũy... làm ảnh hưởng  tới cơ cấu ngân sách quốc gia; đồng thời, dân số biến đổi theo hướng già dần làm  giảm quy mô lực lượng lao động, ảnh hưởng trực tiếp  tới thu nhập của xã hội,  với phát triển kinh tế - xã hội.  Và như vậy, "Việt Nam sẽ già trước khi  giàu"...

Già hóa dân số sẽ là thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội khi mà lương  hưu tăng lên,  chi phí chăm sóc người cao tuổi tăng [chi phí người cao tuổi cao  gấp 5- 6 lần khi còn trẻ]. Trước đây, chế độ hưu trí được thiết kế cho một người  lao động sau khi hết tuổi lao động sống trung bình là tám năm. Tuy nhiên, trên  thực tế, thời gian sống sau lao động hiện tại dài hơn [bình quân hơn 13 năm],  trong khi hằng năm phải chi các khoản tiền không nhỏ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội để  giải quyết nhiều trường hợp nghỉ trước tuổi hưu hưởng trợ cấp một lần. Bên cạnh  đó, hệ thống chăm sóc người cao tuổi chưa được đầy đủ khi mà hệ thống lão khoa  trang thiết bị còn thiếu, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu giải quyết  các bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Quy mô gần 10 triệu người cao tuổi hiện  nay [với những đặc điểm của mô hình bệnh tật các nước nghèo, đang phát triển như  bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng, tuổi thọ khỏe mạnh thấp] sẽ là một áp lực  rất  lớn cho ngành y tế ở cả hiện tại và tương lai.  Một đặc điểm nữa của  già hóa  dân số ở nước ta là số dân cao tuổi tăng nhanh ở nhóm tuổi cao nhất. Tỷ trọng  dân số cao tuổi tăng 1,44 lần từ năm 1989 đến  2012 nhưng tỷ trọng nhóm dân số  cao tuổi nhất [80 tuổi trở lên] trong tổng dân số tăng 2,7 lần trong giai đoạn  này [từ 0,7% lên 2,0%]. Việc xóa đói, giảm nghèo cũng là một thách thức không  nhỏ với một nền kinh tế chủ đạo vẫn là nông  nghiệp như nước ta, khi mà  tỷ lệ  người cao tuổi sống và làm việc ở nông thôn  có thu nhập thấp chiếm 68,2%.

Những giải pháp  cho vấn đề già hóa dân số, theo Phó Tổng cục trưởng Dân số -  Kế hoạch hóa gia đình [Bộ Y tế] Nguyễn Văn Tân, cần tập trung vào hoàn thiện hệ  thống chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm tuổi già. Cần xây  dựng chính sách bảo hiểm hưu trí, tuổi già tự nguyện với những mức phí linh hoạt  cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Nghiên cứu và xây dựng cơ chế hợp tác liên kết  giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức  khỏe và lương hưu người cao tuổi. Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về  chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.  Tăng cường năng lực quốc gia về chăm sóc   sức khỏe người cao tuổi thông qua ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới viện lão   khoa; từng bước xây dựng và quản lý thống nhất mạng lưới trung tâm điều dưỡng  người cao tuổi trên cơ sở nhu cầu thực tế từng địa phương.  Ðẩy mạnh hơn nữa  tuyên truyền đến mọi công dân cần ý thức giải quyết vấn đề an sinh xã hội, trong  đó có bảo hiểm cho tuổi già không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là  trách nhiệm của nhiều đối tác khác, trong đó việc "tự an sinh" là một năng lực  cần có. Ðiều đó có nghĩa,  bản thân mỗi công dân nên có kế hoạch "bảo đảm tuổi  già" ngay từ khi còn trẻ. Ðây thực chất là việc giải quyết sự già hóa dân số một  cách chủ động nhất, bởi lo cho mình cũng chính là lo cho gia đình, cho cộng đồng  và các thế hệ tương lai.

MAI NGUYÊN

Chủ Đề