công tác thanh tra, kiểm tra trong nhà trường

Ngày 11/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3530/BGDĐT-TTr hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2020 2021.

Theo đó, nhiệm vụ chung là tập trung rà soát, bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học để xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức thanh tra trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; kịp thời thanh tra, kiểm tra những vấn đề nóng, phức tạp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra; tiếp tục chuẩn hóa quy trình hoạt động thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, tạo chuyển biến rõ nét về tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng [PCTN]; Kiện toàn đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra; Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức thanh tra, kiểm tra; Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; Công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra; Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và các điều kiện đảm bảo và chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, PCTN.

Việc xây dựng kế hoạch hanh tra, kiểm tra năm học 2020 - 2021 cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục theo Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT. Số lượng các cuộc thanh tra phù hợp tình hình thực tế và công tác quản lý nhà nước về giáo dục của địa phương, tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cụ thể:

Đối với giáo dục mầm non: công tác phòng chống bạo hành trẻ, công tác quản lý nhóm trẻ tư thục;

Đối với giáo dục phổ thông: Việc thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, công tác tuyển sinh; việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; việc quản lý điểm, đánh giá xếp loại học sinh;

Đối với các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, cơ sở giáo dục: việc quản lý dạy thêm, học thêm; quản lý thu chi trong nhà trường; việc thực hiện các quy định về công khai trong nhà trường; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; việc cấp, phát quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công khai đối với cơ sở giáo dục; việc thực hiện chế độ, chính sách nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo; việc quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; trung tâm tư vấn du học; hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ - tin học; việc sáp nhập, giải thể Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, giáo viên; biện pháp đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường và một số vấn đề nóng, bức xúc liên quan đến giáo dục xã hội quan tâm.

Kế hoạch thanh tra, cần phân biệt rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP, nêu cụ thể nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, thời gian thanh tra, đơn vị phối hợp.

Không thực hiện thanh tra quá 01 lần trong một năm học đối với một đơn vị [trừ các cuộc thanh tra đột xuất hoặc cấp trên giao].

Quang Huy

Video liên quan

Chủ Đề