Cty thủy lợi dầu tiếng thành lập năm nào

Những năm đầu sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, quân và dân Tây Ninh một mặt lo xây dựng lại quê hương, mặt khác phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới tây nam. Gian nan như càng chồng chất hơn, khi xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh hầu như là con số không. Chính trong giai đoạn khó khăn này, công trình thủy lợi Dầu Tiếng được Trung ương quyết định đầu tư.

Ðây là công trình thủy nông được thực hiện đầu tiên tại miền nam sau 1975, có quy mô tưới, tiêu thuộc hàng lớn nhất nước, với dung tích hơn 1,5 tỷ m3, có khả năng cung cấp nước tưới cho hàng trăm nghìn ha cùng hàng loạt lợi ích lâu dài khác. Ngày 29-4-1981, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Huỳnh Tấn Phát bổ nhát cuốc khởi công tại kênh N4 thuộc huyện Dương Minh Châu, chính thức phát lệnh xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng.

Ngay sau đó, toàn tỉnh Tây Ninh trở thành một đại công trường. Tất cả các cấp chính quyền trong tỉnh đều hình thành bộ máy chỉ huy công trường, thực hiện thi công hệ thống kênh cấp 1, 2, 3 bằng lao động thủ công của địa phương. Năm 1982, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định thành lập "Công trường Thanh niên Cộng sản", giao nhiệm vụ cho Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh làm lực lượng xung kích trên mặt trận thủy lợi. Khẩu hiệu "Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta" ra đời từ đây.

Hàng vạn thanh niên đã lên đường đến với những vùng đất hoang vu, chấp nhận gian khổ, ngày đêm cống hiến, thông qua lao động trên công trường mà học tập, rèn luyện, trưởng thành. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi, nhiều sáng kiến ra đời từ thực tế lao động trên những tuyến kênh như: đơn vị Hòa Thành có sáng kiến tổ chức "Hội thao kỹ thuật", biến công sức đào, đắp đơn thuần thành lao động dây chuyền chuyên môn. Nhờ đó, một dân công chỉ cần 10 ngày đã hoàn thành khối lượng của 30 ngày theo định mức với chất lượng cao. Khi sông Sài Gòn tiến hành chặn dòng đợt 2, vĩnh viễn ngăn dòng chảy tự nhiên vào cuối năm 1983, thì cũng là lúc toàn công trường thực hiện được 2,5 triệu m3 đất đào, đắp, một con số khổng lồ chưa từng có trong lịch sử địa phương.

Ðầu năm 1984, đích thân ông Ðặng Văn Thượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ huy cuộc hành quân "Theo bước chân những người Anh hùng", nhằm đẩy mạnh phong trào lao động trên công trường hồ Dầu Tiếng. Phong trào được Tỉnh đoàn Tây Ninh phát động, với quyết tâm kết thúc giai đoạn I sớm hơn kế hoạch một năm, kịp thời đưa nước tưới về các cánh đồng.

Lực lượng thanh niên xung kích tiếp tục ồ ạt lên công trường, có lúc số lượng lên đến hơn 36.000 người. Ðể tiếp sức cho bộ phận trực tiếp thi công, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể từ tỉnh đến xã, ấp thường xuyên tổ chức động viên, thăm viếng, vận động quyên góp công cụ lao động, lương thực, nhu yếu phẩm... gửi lên công trường. Hằng ngày, hàng tấn rau xanh, thịt cá được cung cấp kịp thời. Không chỉ có vậy, những người lớn tuổi và các em thiếu nhi cũng có mặt tại hiện trường, chăm lo cơm nước đầy đủ cho dân công. Vào dịp nghỉ hè, các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh đều lên công trường lao động. Ðây là những hình ảnh sinh động về phong trào toàn dân làm thủy lợi ở Tây Ninh.

Ngày 2-7-1984, hồ Dầu Tiếng bắt đầu tích nước. Ðến ngày 10-1-1985, hồ chính thức mở nước ra kênh thành công, mở đầu một thời kỳ mới cho sản xuất nông nghiệp, không chỉ riêng Tây Ninh mà còn cho cả các tỉnh, thành phố lân cận. Lần đầu tiên, nước sông Sài Gòn được dẫn về tận ruộng ngay trong mùa khô gay gắt. Hàng nghìn hộ nông dân đã háo hức trông chờ ngày này. Nước về cũng xóa tan những hoài nghi trước đó đối với công trình về mặt kỹ thuật. Từ đây, người nông dân được hoàn toàn chủ động, không còn phụ thuộc vào trời đất như xưa nữa.

Chỉ trong giai đoạn 1981 - 1985, lực lượng lao động của tỉnh, mà chủ lực là thanh niên đã thực hiện đến gần 10 triệu ngày công, hoàn thành 640 km kênh từ cấp 1 đến cấp 3, xây dựng xong 956 công trình bê-tông, đá xây, tương đương khối lượng 7,5 triệu m3 đất đào đắp, gần 26.000 m3 bê-tông, hơn 8.300 m3 đá xây. Tổng trị giá lao động đóng góp trong thời kỳ này khoảng hơn 300 tỷ đồng. Mặt khác, người dân còn đóng góp gần 3.000 ha đất canh tác để xây dựng hệ thống kênh, mương không đền bù.

Ngày kết thúc phong trào lao động trên công trường thủy lợi, ngoài những huân chương, bằng khen, cờ thi đua của Trung ương và tỉnh, Tây Ninh còn có được 350 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 1.450 kiện tướng lao động. Từ phong trào, có hơn 50.700 thanh niên được kết nạp vào Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, hơn 11.600 thanh niên được gia nhập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, 616 đoàn viên vinh dự được kết nạp vào Ðảng.

Sau 25 năm xây dựng và 20 năm quản lý, khai thác, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng đã chứng tỏ tác dụng quý giá của mình, thật sự trở thành hạ tầng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cho người nông dân Tây Ninh và vùng phụ cận. Ngày nay, chính hệ thống tưới tiêu từ công trình thủy nông Dầu Tiếng đã góp phần định hình các vùng chuyên canh rộng lớn, phát triển hàng nghìn trang trại, làm ra nông sản hàng hóa giá trị cao.

Nhiều vùng tưới năng suất cây trồng tăng lên từ 4 đến 5 lần so trước đó, nhiều nông dân làm giàu nhờ thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên vùng đậu bạt ngàn thuộc xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, có bốn tuyến kênh đi qua tưới được hơn 1.200 ha tự chảy, số còn lại dùng bơm tưới thấm do kênh tạo nguồn.

Ông Trần Minh Châu, một cựu chiến binh và là nông dân kỳ cựu ở Truông Mít cho biết: Trước khi có thủy lợi, cuộc sống người dân rất khó khăn, ruộng đất chỉ có giá từ ba chỉ đến 10 chỉ vàng/ha. Giờ thì tưới được cả ba vụ nhờ có hồ nước, giá đất lên 17-18 cây vàng/ha nhưng cũng khó tìm mua được. Nếu không có nước tưới, 1 ha đậu chỉ đạt năng suất khoảng 700 kg/ha, còn hiện tại năng suất từ 3,5 đến hơn 4 tấn/ha. Ngày trước, toàn xã có không tới 5% số hộ có nhà ở kiên cố, sau hơn 20 năm từ ngày nước về, nhà tường đã chiếm tới 80%, trong xã không còn hộ nghèo đói. Hầu hết các hộ đều có xe máy, ti-vi. Do kinh tế phát triển nên nông dân đã mua được cả xe con, hiện có gần 30 chiếc trong xã...

Anh Trần Văn Tiện, nông dân chuyên trồng đậu ở Truông Mít cũng cho hay, lúc trước anh canh tác khoảng 3 ha đậu trong vùng tưới, từ khi có nước về đất như "sống dậy", nhờ đó anh tích lũy được cả trăm triệu đồng, cất được nhà tường khang trang năm 1996 nhờ vào nông nghiệp, không có buôn bán gì thêm. Ở khu vực phía bắc Tây Ninh, kênh Tân Hưng phát huy tác dụng chuyển đổi cây trồng khá hiệu quả. Năm 2006, dù hồ Dầu Tiếng tích thiếu nước so thiết kế, nhưng khu vực này vẫn tưới được cho hơn 7.000 ha, trong đó có hàng nghìn ha mía chuyển đổi từ cây lúa một vụ.

Theo anh Trần Văn Mang ở ấp Bàu Ðá, xã Mỏ Công, Tân Biên, trước khi có kênh thủy lợi, đồng ruộng này thường bỏ hoang trong mùa khô do thiếu nước. Nay, dù đang mùa nắng hạn, nhưng toàn cánh đồng đều phủ mầu xanh, năng suất mía đạt từ 80 đến 100 tấn/ha.

Ðã hơn một phần tư thế kỷ từ ngày "Ta đi xây dựng công trường", bao gian khó đã lùi về quá khứ, nhưng hiệu ích kinh tế - xã hội to lớn của công trình thủy nông Dầu Tiếng vẫn ngày càng được mở rộng. Rất nhiều người khẳng định, không có hồ Dầu Tiếng thì bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân không thể được như hôm nay. Hình ảnh một đại công trường sôi động ngày nào, vẫn còn trong tâm thức hàng triệu người dân Tây Ninh với lời ca không quên: "Con kênh ta đào..."

Chủ Đề