Đánh giá hiện trạng môi trường nước khu công nghiệp năm 2024

Được khởi nguồn từ năm 1991 với việc thành lập KCX Tân Thuận, đến nay, cả nước đã có 173 KCN, KCX đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 43.718 ha. Tổng hợp từ các địa phương, hiện đã có 105 KCN xây dựng và đi vào vận hành nhà máy xử lý nước thải, còn lại đang trong giai đoạn xây dựng và giải phóng mặt bằng. Như vậy, so với những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tỷ lệ các KCN có công trình xử lý nước thải tập trung được vận hành đã tăng lên đáng kể [từ gần 35% trong năm 2006 lên hơn 61% tính cho đến nay]. Dự kiến kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, 100% các KCN đã đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Trong quá trình phát triển, các KCN đã có nhiều đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta; đã và đang là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp; nhận chuyển giao công nghệ mới, đẩy mạnh sản xuất tăng nguồn hàng xuất khẩu; tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; việc phát triển KCN theo quy hoạch đã tránh được sự phát triển tự phát, phân tán, tiết kiệm được đất và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do ch t thải công nghiệp gây ra.

Năm 2008, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN đạt 33,2 tỷ USD [chiếm 38% GDP của cả nước]; giá trị xuất khẩu của các KCN liên tục tăng trong những năm gần đây [năm 2006 đạt khoảng 8 tỷ USD, năm 2007 đạt 10,8 tỷ USD, năm 2008 đạt 16,2 tỷ USD và chiếm tỷ trọng khoảng 25,8% trong tổng giá trị xuất khẩu của cả nước]. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, tỷ suất đầu tư các dự án FDI/ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 2,55 triệu USD, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ suất đầu tư trung bình của các dự án FDI/ha đất công nghiệp đã cho thuê cao hơn mức trung bình của cả nước, lần lượt là 3,29 và 3,22 triệu USD. Tỷ suất đầu tư các dự án có vốn đầu tư trong nước [DDI]/ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt gần 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực nêu trên, quá trình phát triển các KCN cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, nếu không được giải quyết kịp thời thì có thể gây ra hậu quả xấu tới môi trường và tác động tiêu cực đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Thực trạng về môi trường KCN

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương và từ các bộ, ngành liên quan cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bảo vệ môi trường KCN còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế mà trong thời gian tới cần khắc phục và phải có những giải pháp thiết thực để đảm bảo môi trường KCN.

Kết quả đạt được

Về xử lý nước thải: Việc xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thúc đẩy. Tại một số khu vực, tỷ lệ các KCN có công trình nhà máy xử lý nước thải được xây dựng và đi vào hoạt động đạt tỷ lệ cao, như vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; đồng thời, số lượng các doanh nghiệp trong KCN, KCX đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ cao [khoảng 85%].

Về khí thải: Do được quan tâm, đánh giá, xem xét ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư nên nhiều doanh nghiệp trong KCN, KCX đã thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Một số ngành nghề có mức độ xả thải khí thải cao như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Vì vậy, việc ô nhiễm khí thải, tiếng ồn được hạn chế.

Về chất thải rắn và chất thải nguy hại: Việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn được hầu hết các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành. Đa số các doanh nghiệp trong KCN, KCX đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Một số KCN, KCX đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải tập trung. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn được đảm bảo.

Việc đăng ký nguồn chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được quan tâm đôn đốc thực hiện. Tại một số địa phương, việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại từ các KCN, KCX được triển khai tốt.

Sau khi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009, việc phối hợp giữa Ban Quản lý [BQL] các KCN, KCX, KKT với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cảnh sát môi trường và các cơ quan có liên quan trong công tác bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ hơn. Đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã được tăng lên, thể hiện rõ nhất là trong công tác xử lý nước thải.

Tồn tại và hạn chế

Về nước thải: Đa số các KCN, KCX đều phát triển sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực nên phát thải nhiều loại nước thải khác nhau. Việc gom và xử lý chung là khó khăn. Mặc dù số lượng các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã tăng lên nhưng theo báo cáo của các BQL các KCN, tại khu vực xung quanh KCN, KCX ở một số địa phương, một số tiêu chuẩn nước thải vượt quá quy định cho phép. Nguyên nhân là do việc vận hành và kiểm tra vận hành nhà máy xử lý nước thải chưa có quy định pháp luật cụ thể, cũng như chưa có chế tài xử phạt có tính răn đe cao cho nên một số KCN không vận hành các trạm xử lý nước thải liên tục.

Về khí thải: Mặc dù các doanh nghiệp đã có ý thức thực hiện nhưng trang thiết bị phục vụ công tác này chủ yếu còn sơ sài, đơn giản, chưa giảm thiểu triệt để ảnh hưởng của khí thải gây ra đối với môi trường xung quanh. Chất lượng môi trường không khí tại các KCN, đặt biệt là các KCN được thành lập trên cơ sở các doanh nghiệp cũ có sẵn với công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải đang bị suy giảm. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí trong các cơ sở sản xuất của các KCN cũng là vấn đề cần được quan tâm. Cụ thể như các đơn vị chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất đang gây ô nhiễm tại chính các cơ sở sản xuất đó và đã tác động không nhỏ đến sức khỏe người lao động.

Về chất thải nguy hại và chất thải rắn: Một số doanh nghiệp trong KCN, KCX không thực hiện đăng ký nguồn thải theo quy định, có doanh nghiệp tự lưu giữ chất thải, gây ô nhiễm cục bộ. Tại một số địa phương, còn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KCX, nên chất thải nguy hại không được quản lý, xử lý theo quy định, nảy sinh nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Về chất thải rắn, tại một số KCN, KCX, chưa có nơi tập kết chất thải rắn để đưa đi xử lý, vì vậy, khó khăn trong việc thu gom, xử lý. Một số doanh nghiệp trong KCN, KCX tự lưu giữ và xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn.

ở một số địa phương, việc thực hiện ủy quyền cho BQL các KCN, KKT trong quản lý môi trường chưa triệt để. Do vậy, nảy sinh một số vấn đề như: cơ quan này cấp phép về môi trường trong khi cơ quan khác là đơn vị kiểm tra [ví dụ: UBND huyện cấp cam kết bảo vệ môi trường, BQL các KCN, KCX, KKT kiểm tra việc thực hiện cam kết]; việc thanh, kiểm tra về môi trường chồng chéo và không hiệu quả.

Ý thức doanh nghiệp trong KCN, KCX, KKT về bảo vệ môi trường đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác môi trường làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận đạt được. Do vậy, tại một số nơi, việc bảo vệ môi trường chưa được doanh nghiệp tự giác thực hiện, vẫn cần được tuyên truyền thường xuyên, đồng thời có cơ chế thanh, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường.

Giải pháp thực hiện

Để đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường KCN trong thời gian tới, trong bài viết này, xin đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường KCN để bạn đọc cùng chia sẻ.

Về công tác quy hoạch: Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN để đảm bảo các quy hoạch KCN, KCX, KKT đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; cần xem xét lại mối quan hệ qua lại giữa quy hoạch phát triển KCN tại mỗi vùng kinh tế với quy hoạch của các ngành kinh tế - xã hội khác trong vùng; quy hoạch phát triển KCN tại mỗi vùng cần phù hợp với điều kiện tài nguyên, đặc điểm kinh tế - xã hội, triển vọng thị trường. Quá trình lập quy hoạch phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và bảo vệ môi trường. Việc thành lập và phát triển KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Về thu hút đầu tư: Thu hút đầu tư vào KCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.

Về cơ chế, chính sách: Rà soát và tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phân cấp quản lý môi trường theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền và trách nhiệm trực tiếp về công tác bảo vệ môi trường cho các BQL các KCN, KKT. Các BQL phải được trao đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường trong KCN, KCX, KKT. Ngoài ra, các văn bản cũng cần phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư KCN với các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư trong KCN trong công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong KCN. Nghiên cứu phát triển mô hình KCN thân thiện với môi trường, trước hết là thí điểm, sau đó nhân rộng ra toàn quốc.

Về phân cấp và phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể theo hướng tổ chức quản lý tập trung: BQL KCN, KKT cần được UBND các c p [tỉnh và huyện], Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành khác có liên quan ủy quyền để trở thành một chủ thể đầy đủ, có quyền và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý môi trường trong KCN và triển khai các quy định bảo vệ môi trường liên quan. Bổ sung thanh tra BQL các KCN, KKT vào hệ thống thanh tra nhà nước để tạo điều kiện cho các BQL thực hiện tốt chức năng, giám sát thi hành pháp luật về môi trường trong KCN, KCX, KKT. Trong thời gian tới, phải có biện pháp để nâng cao năng lực quản lý về môi trường cho các BQL các KCN, KKT cả về nhân lực và trang thiết bị để tạo điều kiện cho các BQL chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT.

Chủ đầu tư KCN chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN; tham gia ứng phó các sự cố môi trường trong KCN. Chủ đầu tư KCN cần bố trí địa điểm và xây dựng các khu vực lưu giữ tạm thời và trung chuyển các chất thải rắn, chất thải nguy hại từ các doanh nghiệp trong KCN.

Tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN, trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài. Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.

Về pháp luật môi trường: Rà soát, bổ sung và tiếp tục điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, trong đó hướng dẫn cụ thể, quy định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước; ban hành, cập nhật các tiêu chuẩn môi trường cho phù hợp với thực tế. Đối với các công trình xử lý chất thải của doanh nghiệp thì cần quy định rõ về tiêu chuẩn, chế độ vận hành để thống nhất thực hiện, đảm bảo được chất lượng của các công trình, nhất là đối với nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN, khắc phục tình trạng vận hành không thường xuyên, công nghệ chưa phù hợp như hiện nay; hướng dẫn quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung.

Về đầu tư vốn: Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư các công trình môi trường của KCN, bao gồm: vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng [kể cả Quỹ Môi trường - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường], vốn ODA, vốn từ ngân sách nhà nước, trong đó, vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng là chủ yếu.

Ban hành cơ chế, chính sách để tạo cơ sở cho việc hỗ trợ về tài chính, ưu đãi đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung các KCN, KCX quy định tại Quyết định 43/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xem xét huy động, bố trí nguồn vốn với quy mô thích hợp để thực hiện tín dụng ưu đãi cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường trong các KCN, đồng thời xem xét điều chỉnh các chế tài để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đối với việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung, cần có những chế tài có tính bắt buộc đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, KCX. Ví dụ như: coi việc xây dựng công trình xử lý chất thải tập trung là một trong những điều kiện khi thực hiện các ưu đãi về thuế, đất đai cho chủ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN, là điều kiện để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, KCX.

Chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN cũng như các doanh nghiệp thứ cấp để giúp các doanh nghiệp ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN, KKT; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường các KCN; khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh hoạt động thi đua khen thưởng trong công tác bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT, động viên kịp thời các doanh nghiệp, BQL KCN, KCX, KKT thực hiện tốt công tác này.

Chủ Đề