Đánh giặc trên ba mũi giáp công trong đường lối của Đảng giai đoạn 1965 1975 là gì

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Đảng chủ trương đấu tranh thi hành hiệp định, hiệp thương để tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Cho nên lúc này ta chỉ sử dụng mũi chính trị, đấu tranh chính trị. Nhưng Đảng ta cũng đã dự kiến trước là địch sẽ phản bội không thi hành Hiệp định, dùng khủng bố đàn áp, giết chóc để tiêu diệt cách mạng miền Nam. Do đó, đi đôi với việc bảo vệ cơ sở chính trị miền Nam, Đảng đã có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang để làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Và ngay ở miền Nam cũng đã xây dựng một số đơn vị dưới danh nghĩa giáo phái chống Mỹ - Diệm để chống địch khủng bố, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Sau Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, ở miền Nam có nhiều tỉnh đã nổ ra đồng khởi, xóa bỏ chính quyền ở thôn, xã giành quyền làm chủ về tay nhân dân. Khi giành được quyền làm chủ, các địa phương tổ chức ngay lực lượng vũ trang và các xưởng làm vũ khí. Lực lượng vũ trang lập tức phát huy tác dụng hỗ trợ cho đồng khởi, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Từ đó, hai lực lượng chính trị, quân sự đồng thời phát triển, phối hợp hoạt động rất nhịp nhàng, để đưa cách mạng tiến lên. Chiến thắng Tua Hai – đánh chiếm một căn cứ của một trung đoàn ngụy ở Tây Ninh [tháng 2-1961] hỗ trợ cho đồng khởi và có thể lập thành một công thức “Đồng khởi → Tua Hai, Tua Hai → Đồng khởi”. Sau khi lực lượng quân sự lớn mạnh, thì hoạt động quân sự, chính trị nhịp nhàng hỗ trợ nhau và cùng phát triển. Vài năm sau, lực lượng quân sự đã có 3 thứ quân và có tổ chức đến cấp trung đoàn chủ lực [năm 1961], đồng thời các đoàn thể chính trị cũng phát triển mạnh mẽ về số lượng và phương thức đấu tranh đi đến hình thành “đội quân tóc dài”. Hoạt động của “đội quân tóc dài” chống càn quét, khủng bố bảo vệ làng xã, bảo vệ sinh mạng, tài sản của dân, bảo vệ các căn cứ du kích đã gây nhiều khó khăn cho địch và bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của chúng. “Đội quân tóc dài” đấu tranh chống cả quân ngụy và quân Mỹ, đã tác động mạnh đến tinh thần, ý chí của chúng. Rõ ràng đây là một mũi chính trị lợi hại, một sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Cuộc chiến tranh do một bên [Mỹ - ngụy] tiến hành đã thất bại, chúng đã phải thay đổi chiến lược: chiến lược chiến tranh đặc biệt. Để đối phó với chiến lược này, hai lực lượng chính trị, quân sự của cách mạng miền Nam vẫn nhịp nhàng phối hợp tác chiến, đấu tranh và phát triển. Đến chiến dịch Bình Giã, quân chủ lực cách mạng tập trung đánh gãy xương sống ngụy quân [quân chủ lực ngụy]. Nhân dân đấu tranh phá rã các ấp chiến lược và ngay ở thành phố Sài Gòn cũng nổ ra những hoạt động chống Mỹ - ngụy trên mặt trận chính trị.

Mỹ thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, phải đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam tiến hành chiến tranh cục bộ tháng 3-1965. Sự có mặt của nửa triệu quân Mỹ và chư hầu với phương tiện vũ khí hiện đại với những thủ đoạn quân sự, chính trị xảo quyệt, tàn bạo, cũng không hạn chế được hai mũi tấn công quân sự và chính trị của ta.

Cách mạng miền Nam vẫn tiếp tục tiến công với hai lực lượng quân sự, chính trị. Trên chiến trường đã diễn ra các trận đánh Mỹ quyết liệt như ở Củ Chi, ở chiến khu Dương Minh Châu, ở Bầu Bàng, Nhà Đỏ, Bông Trang thì ở thành phố Sài Gòn, phong trào đấu tranh chính trị chống Mỹ cũng nổ ra liên tiếp đẩy Mỹ - ngụy lâm vào khủng hoảng chính trị triền miên và chưa bao giờ có được một hậu phương ổn định.

Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng tấn công Sài Gòn đến 2 đợt, đánh địch những đòn sấm sét kinh hoàng. Ai chứa chấp họ, ai cung cấp tình hình địch, ai đưa đường dẫn lối, ai tiếp tế, chuyển thương, nuôi dưỡng thương binh, rồi đưa về vùng giải phóng? Chính là dân Sài Gòn.

Không có lực lượng chính trị ở nội đô và vùng ven, làm sao thực hiện được các cuộc tấn công quân sự. Trong Mậu Thân, ở nội đô và vùng ven Sài Gòn quân sự và chính trị phối hợp rất đẹp để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng dân Sài Gòn.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai mũi quân sự và chính trị trong quá trình chiến đấu đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ đã đặt nền móng cho sự phối hợp tổng tấn công và nổi dậy trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng [ngày 26-4 đến 30-4-1975].

Nếu chiến dịch giải phóng Sài Gòn diễn ra theo một kịch bản khác với đường lối của Đảng thì tình hình sẽ diễn biến vô cùng phức tạp và khó có thể có một thành phố Sài Gòn được giải phóng nguyên vẹn với hàng triệu sinh mạng và tài sản của dân được bảo đảm an toàn.

Điểm lại những diễn biến chính trong chiến dịch Hồ Chí Minh ta thấy rõ vai trò của hai lực lượng: quân sự, chính trị.

Về vai trò và hiệu quả quyết định của mũi tấn công quân sự đã thể hiện rõ vì chúng ta đang tiến hành chiến tranh giải phóng chống quân xâm lược Mỹ và tay sai cho nên muốn giành thắng lợi cuối cùng phải có quả đấm quân sự vượt trội lực lượng quân địch.

Ngày 29 và 30-4-1975, năm mũi tấn công quân sự của ta đã đánh tan lực lượng ngụy quân do Mỹ trang bị huấn luyện và chỉ huy [do một tổ chức cố vấn Mỹ ở Sài Gòn]. Hàng vạn binh lính sĩ quan quân Sài Gòn đã lột bỏ quân phục, súng ống mà trốn chạy. Riêng tên chỉ huy quân đoàn 3 Sài Gòn đã bỏ chạy trước [ngày 29-4-1975]. Có thể nói không có trận kháng cự nào đúng nghĩa ngoài trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Trong trận này, một đơn vị đặc công cỡ tiêu đoàn của ta đã ba lần tấn công và đánh chiếm được cầu còn nguyên vẹn.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai, theo đường lối hai chân, ba mũi của Đảng, nhân dân ta liên tục tấn công vào tinh thần quân ngụy, đã góp phần vô hiệu hóa, làm tan rã quân ngụy từng lúc, từng bộ phận.

Quân ngụy là một đội quân không có tinh thần. Ngụy quyền còn kiểm soát một số vùng thì lính ngụy còn nấn ná ẩn thân, khi lâm nguy trước lực lượng quân sự áp đảo của ta, có nơi chưa chạm súng họ đã bỏ súng chạy trốn mặc dù bọn đầu sỏ phản quốc có kế hoạch tử thủ.

Có một Dương Văn Minh làm Tổng thống chính quyền Sài Gòn chưa được 2 ngày tuyên bố đầu hàng không phải chỉ do áp lực quân sự mà tư tưởng không kháng cự đó đã được gieo vào đầu óc của ông ta trong nhiều năm trước do nhiều tổ chức cách mạng đã cử người tiếp xúc với ông ta. Đến sáng 30-4-1975, những áp lực phi quân sự đó đã phối hợp với đòn quân sự cũng đã tác động liên tục vào Dương Văn Minh góp phần thúc giục ông xin gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bàn giao chính quyền lúc 9g30 ngày 30-4-1975 và tuyên bố đầu hàng trước mũi xe tăng của ta vào 11g30. Nhưng chính quyền của địch ở phường xã, quận huyện đã tan rã trước đó và sụp đổ hoàn toàn sau lời tuyên bố của Dương Văn Minh do mũi tấn công chính trị trực tiếp của ta.

Chính quyền ở phường xã đã về tay nhân dân trong ngày 30-4-1975. Mục tiêu cuối cùng của cách mạng là giành chính quyền về tay nhân dân, giành được chính quyền rồi còn câu nệ chi một hình thức nổi dậy! Nó không giống như ta giành chính quyền Sài Gòn trong Cách mạng tháng 8-1945. Vì lúc đó ta chưa có tổ chức đảng và tổ chức chính trị đều khắp. Năm 1975, ngụy quyền đã rệu rã, cần chi một cuộc xuống đường. Sài Gòn đã được giải phóng nguyên vẹn, điện nước, điện thoại, nhà thương, trường học, xí nghiệp, công sở, chợ búa... còn hoạt động bình thường như không có chuyện gì xảy ra, trong thời điểm quyết định một mất một còn giữa hai lực lượng đối kháng. Đó là một điều kỳ diệu, công đầu thuộc về lực lượng chính trị “mũi nổi dậy” đã thực hiện một cách sáng tạo đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng.

Còn một vấn đề không kém quan trọng là tập trung gần 1 triệu sĩ quan, binh lính ngụy để cải tạo. Sau ngày 30-4-1975, họ tản mác khắp nơi, không ai quản lý. Nhưng chỉ cần ta ra thông báo là họ kéo đến địa điểm đăng ký xếp hàng ghi tên đi học, không ai trốn tránh, ta khỏi phải vây ráp, bắt bớ. Nếu không có sức mạnh chính trị, dân không đứng về phía giải phóng, liệu ta có tập hợp họ được dễ dàng như vậy không?

Rõ ràng sức mạnh chính trị “mũi nổi dậy” đã cùng với mũi quân sự [mũi quyết định] đánh thắng chiến lược chiến tranh của địch, cùng xây dựng, cùng phát triển và cuối cùng phối hợp dứt điểm ngụy quyền trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện xuất sắc Di chúc của Bác Hồ “Đánh cho ngụy nhào”.

NGUYỄN VĂN TÒNG

Video liên quan

Chủ Đề