Đánh nhanh thắng nhanh là gì

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình là thay đổi phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang phương châm đánh chắc tiến chắc. Đó là một quyết định lịch sử vì nó quyết định sự thành bại của một chiến dịch đã tạo nên một cơn địa chấn chôn vùi chủ nghĩa thực dân cũ giữa thế kỷ XX. Từ quyết định lịch sử đó có thể rút ra những bài học lớn không chỉ trong chiến tranh mà còn có ý nghĩa thực tiễn, mang tính thời đại.

1. Không được chủ quan duy ý chí

Ngày 14-1-1954, mệnh lệnh chiến đấu cho chiến dịch Điện Biên Phủ được phổ biến trên một sa bàn lớn ở hang Thẩm Púa ở cây số 15 trên đường Tuần Giáo đi Điện Biên. Hầu hết cán bộ trung cao cấp của chiến dịch đều có mặt.

Với phương châm đánh nhanh thắng nhanh nhiệm vụ được giao cho các đại đoàn chủ lực là: 308 đánh vào tập đoàn cứ điểm vào hướng tây, xuyên qua những vị trí trên cánh đồng thọc thẳng tới sở chỉ huy Đờ Cát; các đại đoàn 312, 316 có nhiệm vụ đột kích vào hướng đông, nơi có những cao điểm trọng yếu. Dự kiến trận đánh diễn ra trong hai ngày ba đêm. [Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ. NXB QĐND HN 2004. Tr294].

Cơ sở của phương châm đánh nhanh thắng nhanh là: nếu không đánh sớm, địch tăng cường công sự, tập đoàn cứ điểm sẽ trở nên quá mạnh và cũng lo chiến dịch kéo dài, khó giải quyết vấn đề tiếp tế; Tinh thần của bộ đội đang háo hức lập công. Chính vì tinh thần và ý chí chiến đấu ấy mọi đơn vị đều hăng hái nhận nhiệm vụ, không một ai thắc mắc gì. Nhưng, như Đại tướng viết: Sau này, tôi mới biết có những đồng chí chỉ huy cảm thấy nhiệm vụ khá nặng, lo phải đột phá liên tiếp, trận đánh kéo dài, không giải quyết được thương binh và tiếp tế đạn dược.

Nhưng trước không khí hào hùng trao nhiệm vụ, không ai nói hết băn khoăn của mình [VNG. Sách đã dẫn, tr295] và Công tác tư tưởng mới nhắc nhiều tới quyết tâm mà ít bàn đến khắc phục những khó khăn của trận đánh [Sách đã dẫn, tr 298].

Không thể xuất phát từ ý chí, từ ý muốn chủ quan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần trăn trở. Trước hội nghị giao mệnh lệnh chiến đấu ở Thẩm Púa ông đã gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự của bạn trình bày những suy nghĩ của mình: với so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường không thể huy động toàn bộ sức mạnh của ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong vài ngày, lựa chọn phương án đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm. Nhưng, Vi Quốc Thanh, trưởng đoàn cố vấn vẫn giữ ý kiến: Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng, sẽ không còn điều kiện công kích quân địch [Sđd, tr 294].

Tuy vẫn phải thực hiện phương châm đã được thông qua nhưng Đại tướng vẫn chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng Bộ theo dõi tình hình, nghiên cứu và suy nghĩ thêm và chỉ trao đổi ý kiến riêng với ông. Chỉ thị cho đồng chí Cao Pha, Cục phó Cục 2 điều tra kỹ những vị trí trên cánh đồng hướng tây, nơi được coi sơ hở của địch ta sẽ dùng mũi thọc sâu đánh vào. Phải báo cáo hàng ngày tình hình củng cố công sự tăng quân của địch.


Chủ tịch Hồ Chí Minh [thứ 2 từ phải sang] và Đại tướng Võ Nguyên Giáp [người phía sau bên trái]
duyệt qua một chiến dịch quân sự. Ảnh: Tư liệu

Trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: Tôi không hiểu vì sao mọi người lựa chọn phương án đánh nhanh? Vấn đề tiếp tế khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này. Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng thêm mạnh, sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch! Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và pháo cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn. Đặc biệt mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần.

Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch. Chúng ta không thể giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào, mà phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài [Sđd. Tr299].

Những trăn trở của Đại tướng trước và sau hội nghị Thẩm Púa là bài học lớn trong nghệ thuật quân sự. Không thể áp đặt ý muốn chủ quan, không thể duy ý chí trước một trận đánh dù lớn hay nhỏ. Tinh thần là quan trọng, nhưng để bảo đảm yếu tố thắng lợi, tinh thần không phải là tất cả mà phải xuất phát từ tương quan lực lượng, từ những yếu tố thắng bại trên chiến trường. Nếu không, sẽ mạo hiểm dễ dẫn đến thất bại, hy sinh xương máu của bộ đội mà không giành được thắng lợi.

2. Quyết định phải xuất phát từ thực tế chiến trường

Sau hội nghị Thẩm Púa, mệnh lệnh chiến đấu đã được phổ biến nhưng sau hội nghị Thẩm Púa trên chiến trường có những diễn biến mới: khó khăn lúc này là ta chưa đưa được pháo vào trận địa, khi tất cả các khẩu pháo đã vào vị trí nhả đạn, trận đánh mới có thể bắt đầu. Đại tướng viết: Từ hội nghị Thẩm Púa tới khi đưa pháo vào trận địa đối với tôi là một thời gian rất dài. Nhiều đêm thao thức. Suy tính, cân nhắc nhiều lần, vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi [Sđd. Tr 297].

Việc kéo pháo vào trận địa diễn ra rất khó khăn, ác liệt. Con đường cơ giới vận chuyển pháo từ Tuần Giáo Điện Biên được mở rộng dài 82 km nhưng để đưa pháo vào trận địa phải kéo bằng tay dài 15 km chạy từ cửa rừng Nà Nham qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, tới bản Nghìu. Khi đến thăm đường kéo pháo Đại tướng thấy băn khoăn, con đường quá dài, nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao vực sâu, khó đưa pháo vào như thời gian dự kiến và việc tiếp đạn khi chiến đấu sẽ rất khó khăn. Sau bảy đêm pháo không vào tới vị trí quy định.

Thời gian nổ súng dự định ngày 20-1 phải lùi lại 5 ngày. Hai ngày trước khi nổ súng theo dự kiến, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ theo dõi việc kéo pháo báo cáo Đại tướng: Pháo của ta đều đặt trên trân địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo, hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh khỏi tổn thất. Một số pháo vẫn chưa tới được trận địa.

Việc phối hợp giữa bộ binh và pháo binh cũng là một vấn đề vì chưa quen tác chiến có pháo binh yểm trợ, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm của Đại đoàn 312 đề nghị trả bớt pháo vì được trao nhiều pháo quá. Chưa bao giờ một đơn vị đột kích lại từ chối pháo phối thuộc. Một diễn biến quan trọng khác là các chiến trường phối hợp với Điện Biên như Tây Nguyên, Hạ Lào chưa nổ súng, điều đó sẽ bất lợi cho tình hình. Địch sẽ tập trung lực lượng cho Điện Biên gây khó khăn cho các mũi tiến công. Diễn biến trên chiến trường đã có những thay đổi, địch tăng quân, củng cố công sự vững chắc hơn.

Điện Biên Phủ lúc đầu vốn là một trận địa dã chiến lúc này địch đã tập trung binh lực, xây dựng công sự trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có. Bộ đội ta phải tiến hành một trận đánh công kiên mà trong nghệ thuật quân sự đánh công kiên lực lượng tấn công phải hơn 5 lần lực lượng phòng thủ. Tuy đã huy động hết các đại đoàn chủ lực nhưng so sánh lực lượng của ta cũng không phải là lực lượng áp đảo. Hơn nữa, trong chiến dịch Điện Biên Phủ Đại tướng còn chỉ rõ ba hạn chế của bộ đội ta khi tác chiến:

Thứ nhất: bộ đội chủ lực ta đến lúc đó mới tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Khi chúng ta mới đánh vào Nà Sản địch chỉ có dưới một tiểu đoàn, công sự dã chiến trong tập đoàn cứ điểm mà vẫn có những trận không thành công, bộ đội ta thương vong nhiều.

Thứ hai: ở Điện Biên Phủ ta tuy không có xe tăng, máy bay, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu mà chưa qua diễn tập nên có chỉ huy xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào.

Thứ ba: bộ đội ta từ trước đến lúc đó chỉ quen tác chiến ban đêm, ở địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày, với kẻ địch có ưu thế máy bay, pháo binh, xe tăng. Trận đánh lại diễn ra trên một cánh đồng dài 15 km, rộng 6-7 km.

Cân nhắc những diễn biến thực tế trên chiến trường càng củng cố quyết tâm thay đổi phương châm đánh của Đại tướng nhưng phải đến ngày 26 tháng 1 mới được quyết định trong cuộc họp của Đảng ủy Mặt trận.

Theo Báo Quảng Bình

Video liên quan

Chủ Đề