Độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý là bao nhiêu?

Độ tuổi ảnh hưởng đến tính chất của các quan hệ pháp luật.  Do đó, để bạn đọc hiểu rõ các quy định của pháp luật về độ tuổi khi tham gia các quan hệ pháp luật và độ tuổi chịu trách nhiệm pháp luật, Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự xin thống kê, tóm tắt để bạn đọc áp dụng vào thực tiễn như sau:

A – CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm [Bộ luật hình sự 2015]
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người và một số tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong Bộ luật hình sự [Bộ luật hình sự 2015]
3. Chưa đủ 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự
4. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
5. Phạm tội với người dưới 16 tuổi, người đủ 70 tuổi trẻ lên hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội là tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS 2015.
6. Trường hợp người phạm tội là người 70 tuổi trở lên, người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có thể đươc tha trước thời hạn [có điều kiện].
7. Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
8. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

B – CÁC QUY ĐỊNH CỦA  BỘ LUẬT DÂN SỰ
1. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
2. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
4. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra
5. 18 tuổi là người thành niên
6. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký
7. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
8. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.
9. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
10. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
11. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
12. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
13. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

C – CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
14. Tuổi kết hôn của nam giới là từ đủ 20 tuổi trở lên
15. Tuổi kết hôn của nữ giới là từ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn
16. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
17. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.
18. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý
19. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý
20. Định đoạt tài sản của con dưới 15 tuổi nhưng trên 9 tuổi phải xem xét nguyện vọng của con.
21. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu,
22. Khi ly hôn, nếu có con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con để xác định người trực tiếp nuôi con.
23. Khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi
24. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

D – CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
2. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
3. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì người học nghề phải đủ 14 tuổi.
4. Không xử lý kỷ luật lao động đối với lao động đang trong thời gian: Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
5. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
6. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Chủ Đề