Du học sinh nên về nước làm việc

Có nên về nước hay không luôn là một câu hỏi lớn với mỗi du học sinh. Câu hỏi này xuất phát mâu thuẫn du học sinh muốn về làm việc và cống hiến cho đất nước, nhưng môi trường làm việc trong nước liệu có phát huy được năng lực của họ? liệu họ có chọn được 1 vị trí phù hợp? liệu họ có được đãi ngộ xứng đáng?

Bài viết này không cố gắng trả lời các câu hỏi của du học sinh, cũng như không cố gắng đưa ra lời khuyên nên trở về hay không trở về. Bài viết chỉ cố gắng đưa ra phân tích về thực tế cuộc sống các du học sinh đã về nước, phân tích những khó khăn, thuận lợi cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các du học sinh đã về nước. Quyết định cuối cùng không ai khác chính là các du học sinh bởi họ, hơn ai khác, hiểu rõ mình cần gì, lo lắng gì, và kì vọng điều gì.

Những lợi thế của du học sinh khi khởi nghiệp ở “nhà”

Kiến thức sâu

Được học tập ở nước ngoài với môi trường đào tạo bài bản, nội dung chương trình hiện đại, phương pháp học tiên tiến, đội ngũ giảng viên tâm huyết và chuyên môn cao, các du học sinh tốt nghiệp có trình độ chuyên môn, kiến thức sâu. Ở bất kì quốc gia nào cũng cần những người có kiến thức, kinh nghiệm từ nhiều ngành nghề khác nhau để phát triển nền kinh tế. Vì vậy, đây là lợi thế lớn của các du học sinh khi về nước khởi nghiệp.

Tự tin

So với cuộc sống bao bọc của gia đình, du học sinh phải tự xoay xở và sống độc lập từ sớm. Chưa kể đến môi trường học tập yêu cầu tư duy độc lập, kinh nghiệm làm việc thực tế buộc bạn phải học hỏi và trải nghiệm nhiều. Những năm tháng học tập ở nước ngoài sẽ tôi luyện kinh nghiệm quý giá khiến bạn trưởng thành và tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh.

Suy nghĩ độc lập

Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong phương pháp học tập khi đi du học và học tại Việt Nam. Một trong những điểm khác biệt là sinh viên được yêu cầu tự làm việc và phân tích độc lập. Chẳng hạn, khác với ở Việt Nam, các giáo sư luôn muốn học sinh tự tìm hiểu và phát triển ý tưởng của bản thân nên để giao bài tập nhóm trước. Khi vấp phải vấn đề và đã thảo luận nhóm cặn kẽ, giáo sư mới giải đáp và hệ thống toàn bộ kiến thức chính. Cách học này nhớ bài rất lâu và giúp sinh viên biết vận dụng kiến thức vào thực tế.

Góc nhìn mới

Đi du học, du học sinh sẽ có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia từ các sinh viên quốc tế, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Họ cũng có một thuận lợi là được tiếp xúc với những sản phẩm, dịch vụ ở các nước phát triển mà người Việt ở trong nước đang cần. Chính vì nhìn thấy khoảng khác biệt này đã giúp họ thấy được tiềm năng của những sản phẩm đó.

Cọ xát với thực tế

Việc học ở Việt Nam không khuyến khích đầu tư thời gian vào công việc bên ngoài trường học. Tuy nhiên du học có thể coi như một môi trường giả lập trước khi bước vào sự nghiệp. Bạn có thể sử dụng việc học tập trên trường như một phép thử. Chẳng hạn kinh doanh nhỏ, tham gia dự án, tìm lời giải cho một tình huống thực tế…

Khó khăn của du học sinh khi về nước

Thiếu hiểu biết về môi trường làm việc tại Việt Nam

Học tập tại tại nước ngoài, du học sinh quen với môi trường làm việc quy củ trong nền kinh tế đã phát triển, do đó khi quay trở lại môi trường làm việc ở Việt Nam, nhiều người không khỏi shock và cảm thấy khó khăn để hòa nhập. Điều này đã đẩy nhà tuyển dụng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ e ngại giao những vị trí cấp cao yêu cầu kinh nghiệm cho du học sinh, đồng thời đắn đo khi quyết định nhận du học sinh vào những vị trí thấp bởi lo sợ mức lương không tương xứng sẽ không giữ chân nhân viên lâu dài.

Kì vọng quá cao về công việc khởi điểm

Tấm bằng chuyên ngành, CV rạng ngời và kinh nghiệm thực tập, làm việc tại nước ngoài là những điều khiến du học sinh tự hào. Nhiều du học sinh kỳ vọng cao vào mức lương và vị trí quản lý khi tìm việc trong khi sinh viên tại Việt Nam thực tế hơn và chấp nhận xuất phát điểm thấp.

Bằng cấp quốc tế không phù hợp với công việc

Du học sinh thường nghĩ rằng những kiến thức và kinh nghiệm học được trong sách vở là quan trọng nhất, được sử dụng nhiều nhất trong công việc. Nhưng thực tế không phải vậy.

Thật khó để trả lời câu hỏi nên hay không nên về nước: Thành công có, thất bại có, thuận lợi có, khó khăn cũng không ít. Câu trả lời tùy thuộc vào từng cá nhân. Nhưng có điều chắc chắn: đất nước luôn mong đợi các bạn du học sinh trở về. Bạn là du học sinh? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Câu chuyện của du học sinh và những kỳ vọng về thu nhập, đãi ngộ tại Việt Nam luôn được bàn luận khá nhiều trong thời gian qua. Với khả năng ngoại ngữ cùng bằng cấp tại môi trường giáo dục nước ngoài hiện đại, họ có tâm lý sẽ dễ dàng đạt được mức thu nhập tốt tại Việt Nam. Xong thực tế hiện nay, nhiều du học sinh tỏ ra thất vọng khi trở về nước nhận được mức lương không như kỳ vọng.

Chia sẻ về vấn đề này với Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục [Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội] đã có những quan điểm riêng.

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

Hiện nay, một bộ phận du học sinh ở nước ngoài về nước nhận mức lương tương đương, đôi khi còn kém hơn ứng viên học tập trong nước. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Đến thời điểm hiện tại thì việc học không còn bị giới hạn bởi không gian vật lý. Không phải chỉ đi du học mới được những hưởng chế độ, chương trình học tốt nhất. Nhiều trường ở Việt Nam giờ còn tốt hơn rất nhiều và lọt các top 500, 800, 1000 các trường tốt nhất trên thế giới.

Nhiều trường hợp du học nhưng lại không biết tận dụng cơ hội, chỉ lãng phí thời gian vào những việc ngoài lề, nên năng lực là không có. Mà năng lực không có thì bạn phải nhận mức lương không cao là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, giờ ở Việt Nam, các bạn không cần đi du học cũng vẫn có thể lên mạng tự học thông qua các khóa học online bởi những thầy cô nổi tiếng trên thế giới, đó chính là du học tại chỗ. Và nếu có ý thức tự học, rèn được năng lực làm việc thực tế ở Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm tốt, đáp ứng được nhu cầu tăng thêm thu nhập.

Nhìn ở phương diện khác, những bạn đi du học trở về nước, có một phần mức độ nào đó là do không thích nghi được với cuộc sống ở nước ngoài và nghĩ rằng trong nước sẽ phù hợp hơn. Nhưng ngay cả ở Việt Nam bây giờ môi trường làm việc đã là môi trường làm việc toàn cầu. Và nếu đã không thích ứng được ở nước ngoài, về Việt Nam bạn không dễ dàng hơn bao nhiêu. Các bạn du học sinh nếu không nhận ra được điều này thì việc có thể bị “lép vế” hơn so với những sinh viên chỉ học ở trong nước nhưng có sự nỗ lực, biết cách tự học, cũng là điều dễ hiểu. 

Theo ông, đâu là lý do khiến cho du học sinh khi trở về nước nhận được mức lương không như kỳ vọng?

- Trước tiên, vẫn phải hoan nghênh những bạn đi du học quay trở về nước làm việc, có rất nhiều người đã mang kiến thức “vàng” học được về đóng góp cho quê hương. 

Bạn nghĩ rằng đi du học về sẽ có lợi thế là tiếng Anh hơn, nhưng khi cơ hội học tập ngày càng được mở rộng, ai cũng có thể học ngoại ngữ. Việc đi ra nước ngoài học không phải còn là vấn đề quá to lớn, chưa chắc môi trường nước ngoài đã hơn môi trường học tập trong nước. Vì thực tế cái chúng ta cần là năng lực chuyển đổi, thích ứng một cách linh hoạt, giải quyết các vấn đề phức tạp. Những điều này mới làm nên giá trị của bản thân, để khi vào bất kỳ một môi trường nào, tổ chức nào cũng có thể thích ứng và chứng minh được năng lực của bản thân.

Bên cạnh đó, khả năng tự học của các du học sinh chưa chắc sẽ cao hơn các bạn học tập ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh 4.0 này. Nếu đi du học bằng tiền đầu tư của bố mẹ bỏ ra, nhưng sang bên đó lại không tận dụng khoảng thời gian quý báu để nâng cao năng lực trình độ, mà chỉ suy nghĩ học để lấy bằng thôi, khi về nước, chắc chắn  sẽ không cạnh tranh nổi. 

Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm, không phải cứ đi du học về là “to”. Nếu đi du học mà chỉ học được những lý thuyết “mau chóng”, kỹ năng thực tế không có thì không thể nào có mức thu nhập cao được.

"Cần phải nhìn nhận lại bản thân, hãy chấp nhận mức lương vừa phải khi quay trở về nước, vì mức sống ở Việt Nam khác với nước ngoài. Nên chọn cho mình bước khởi đầu khiêm tốn, chứng minh bản thân qua những đóng góp mà mình mang lại. Sau đó, lấy những minh chứng đó để thuyết phục cấp trên nâng lương cho bạn".

PGS.TS Trần Thành Nam

Tâm lý cứ du học nước ngoài là sẽ có được một mức lương tốt ở Việt Nam có phải là một suy nghĩ “thỏa đáng”, thưa ông?

- Đây là một tâm lý mà chúng ta cần phải thay đổi và mở rộng. Mức lương mà chúng ta được hưởng phụ thuộc vào giá trị và mức độ chúng ta cống hiến. Cái quan trọng nhất là năng lực thật chứ không phải là một tấm giấy thể hiện bằng cấp. 

Thực tế mức lương mà các bạn được hưởng sẽ phải trải qua quá trình phấn đấu dần dần, thể hiện qua năng lực mà bạn chứng minh cho công ty chủ quản. Nếu công việc ngoài tầm hiểu biết và kinh nghiệm, bạn cần phải có cách thức để ứng xử và giải quyết. Đó mới là điều kiện để họ xem xét và công nhận những cống hiến của các bạn. 

Ngay từ đầu, đừng lấy bằng cấp ra để “mặc cả” về mức độ lương. Bởi ở xã hội này không thiếu những người đi học nước ngoài về nhưng năng lực bằng “0”, luôn né tránh sự yếu kém của bản thân, đi phỏng vấn một cách liên tục, không có sự chuẩn bị kỹ càng, đến công ty nào cũng chê môi trường làm việc không có nhiều điều kiện phát triển, mức lương trả không thỏa đáng, không có chế độ đãi ngộ tốt.... 

Một bộ phận du học sinh mới về nước thường có xu hướng đánh giá bản thân cao, mà không hiểu rõ đâu là điều nhà tuyển dụng cần nhất. Vậy theo ông, họ cần phải thay đổi như thế nào về tư duy, nhận thức để khi quay về nước làm việc không phải thất vọng?

- Các bạn cần phải xác định mình đi du học là đang tìm kiếm các cơ hội để phát triển, nhưng thứ quyết định cuối cùng là năng lực thực của bản thân, năng lực mà có thể đóng góp cho cộng đồng.

Cầm bằng “ngoại” trong tay không có nghĩa là cơ hội việc làm sẽ luôn rộng mở. Ảnh minh họa: Wisdom Education

Trước hết, những người đi du học đều đã trang bị cho mình những năng lực cơ bản của công dân toàn cầu: năng lực ngoại ngữ, nhận thức được sự khác biệt... Tuy nhiên, những điều đó không hẳn sẽ đảm bảo cho sự thành công, mà còn phải bổ sung nhiều kỹ năng khác như: năng lực tư duy, sáng tạo, cách thích ứng linh hoạt với môi trường mới, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực chuyển đổi số… Thực tế, nếu các bạn học ở nước ngoài nhưng không học được những phương pháp tự học, tự cập nhật một cách liên tục thì sẽ có một lúc nào đó kiến thức của bạn sẽ bị cũ, trở nên lỗi thời và không thể cạnh tranh được .

Thứ hai, cần xác định trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, học tập là một hệ sinh thái, chúng ta có thể ngồi học và tìm kiếm kiến thức ở bất cứ đâu. Quan trọng nhất là cần thay đổi thái độ với công việc, rằng học để tạo ra những giá trị mới hoặc đóng góp thêm sáng kiến hữu ích cho xã hội bằng tri thức của mình. Điều đó mới quyết định được giá trị bản thân và nhà tuyển dụng sẽ trả lương cho bạn mức nào.

Xin cảm ơn ông!

Video liên quan

Chủ Đề