Giá trị bình thường bạch cầu trung tính năm 2024

bạch cầu trong máu, bác sỹ có thể chỉ định xét nghiệm Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi. Ngoài ra, bác sỹ cũng có thể kiểm tra chỉ số “ANC” nghĩa là tổng số lượng bạch cầu trung tính của người bệnh. Bài viết này sẽ tập trung vào vai trò của bạch cầu trung tính và những tình huống có thể xảy ra nếu số lượng bạch cầu này giảm dưới mức bình thường.

Bạch cầu trung tính là gì?

· Bạch cầu trung tính chiếm số lượng lớn trong tổng số bạch cầu của cơ thể.

· Chúng là những tế bào phản ứng đầu tiên của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.

· Chúng nhanh chóng đi đến vị trí nhiễm trùng, tiếp nhận và tiêu diệt các tác nhân ngoại lai.

· Chúng có thể được tìm thấy trong mủ của vết thương và đóng vai trò trong quá trình viêm cấp tính [đỏ, nóng, sưng, đau].

· Bạch cầu trung tính trưởng thành đôi khi được gọi là bạch cầu hạt vì được đặt tên theo các nhân tế bào bị phân đoạn [phá vỡ]. Bạch cầu trung tính chưa trưởng thành được gọi là “dải” vì nhân của chúng có dạng dải.

· Các tế bào trưởng thành và các dải chưa trưởng thành này cùng nhau tạo nên “số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối” hay còn gọi là “ANC”.

Giảm bạch cầu trung tính là gì?

Hình ảnh bạch cầu trung tính trưởng thành

Số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối bình thường nằm trong khoảng từ 2500 đến 5000.

“Giảm bạch cầu trung tính” được định nghĩa là số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối ít hơn 1500.

Nguyên nhân giảm bạch cầu trung tính

Giảm bạch cầu trung tính có thể do:

· Một số vấn đề sức khoẻ chẳng hạn như ung thư có ảnh hưởng đến tuỷ xương, hoặc hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch.

· Một số thuốc điều trị ung thư như hoá trị và liệu pháp nhắm trúng đích.

· Xạ trị có thể gây phá huỷ tuỷ xương - nơi tạo ra các tế bào máu, dẫn đến giảm bạch cầu trung tính.

· Các loại thuốc khác cũng có thể làm giảm bạch cầu trung tính chẳng hạn như: nhóm thuốc kháng giáp, một số loại thuốc kháng sinh, một số thuốc điều trị huyết áp và những thuốc khác.

Tại sao các liệu pháp điều trị ung thư gây giảm bạch cầu trung tính?

Các liệu pháp điều trị ung thư bao gồm: hoá trị, miễn dịch, và xạ trị có thể gây giảm bạch cầu trung tính. Những liệu pháp này không thể phân biệt được sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào khoẻ mạnh. Hầu hết các phương pháp điều trị hoá trị hoạt động bằng cách tiêu diệt các tế bào có khả năng phân chia nhanh chóng. Tế bào ung thư chia tách nhanh, nhưng các tế bào bình thường như bạch cầu, nang lông và các tế bào lót đường tiêu hoá [vùng miệng, cổ họng, dạ dày, ruột] cũng có tốc độ chia tách nhanh tương tự. Việc gây tổn thương các tế bào bình thường này dẫn đến các tác dụng phụ của hoá trị liệu [giảm bạch cầu, rụng tóc, lở miệng, tiêu chảy]. Xạ trị cũng gây ảnh hưởng đến các tế bào máu bằng cách tác động đến quá trình sản xuất tuỷ xương tại vùng xạ trị.

Giảm bạch cầu trung tính có nguy hiểm không?

Số lượng bạch cầu trung tính thấp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, số lượng bạch cầu trung tính không đủ để chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Mức độ giảm bạch cầu trung tính được chia ra làm nhiều mức độ khác nhau, nhưng số lượng bạch cầu trung tính càng thấp thì nguy cơ bị nhiễm trùng càng cao.

Các mức độ giảm bạch cầu trung tính

· Giảm bạch cầu trung tính mức độ nhẹ: số lượng bạch cầu trung tính nằm trong khoảng từ 1000 – 1500 [nguy cơ nhiễm trùng thấp].

· Giảm bạch cầu trung tính mức độ trung bình: số lượng bạch cầu trung tính nằm trong khoảng từ 500 – 1000 [nguy cơ nhiễm khuẩn trung bình].

· Giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng: số lượng bạch cầu trung tính dưới 500 [nguy cơ nhiễm trùng nặng].

Điểm đáy là gì ?

Điểm đáy là thuật ngữ quý vị có thể nghe từ bác sỹ của mình. Điểm đáy là thời điểm sau khi điều trị ung thư, số lượng tế bào máu của bệnh nhân ở mức thấp nhất. Điều này có thể bao gồm các tế bào bạch cầu, hồng cầu và/ hoặc tiểu cầu, tuỳ thuộc vào loại điều trị của bệnh nhân và các phản ứng của cơ thể bệnh nhân đối với quá trình điều trị. Sự suy giảm số lượng tế bào máu này còn được gọi là “suy tuỷ”.

Điểm đáy thường xảy ra từ 7 – 10 ngày sau điều trị hoá trị. Sau đó, số lượng tế bào máu của bệnh nhân sẽ từ từ tăng trở lại trước khi bắt đầu liệu trình tiếp theo. Nếu số lượng tế bào máu của bệnh nhân không khôi phục đủ, bác sĩ có thể hoãn liệu trình hoá trị kế tiếp. Nếu tiếp tục thực hiện liệu trình hoá trị khi số lượng tế bào máu còn quá thấp, có thể làm cho quá trình phục hồi của cơ thể bệnh nhân trở lên khó khăn.

Bệnh nhân cần làm gì để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng?

Rửa tay, rửa tay, rửa tay! Đây là biện pháp hàng đầu để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Điều này áp dụng cho bệnh nhân và tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu bệnh nhân ở gần trẻ nhỏ, hãy dạy trẻ rửa tay đúng cách. Tránh xa những nơi đông người như trung tâm mua sắm trong những ngày lễ. Tránh tiếp xúc với người bị ốm; bao gồm người bị cảm lạnh, nhiễm vi-rút, hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Nếu họ muốn đến thăm bệnh nhân, hãy nói họ thăm hỏi qua điện thoại. Bệnh nhân cũng nên tránh tiếp xúc với những người sống cùng nhà với người ốm. Ví dụ, chị Lan có 3 đứa con bị ốm, nhưng chị Lan cảm thấy mình khoẻ mạnh và muốn đến thăm bệnh nhân ung thư hạ bạch cầu. Hãy khuyên chị Lan ở nhà, không nên đi thăm bệnh nhân.

Nguồn ảnh: //domf5oio6qrcr.cloudfront.net/medialibrary/7791/957f06cb-d42f-48fe-b846-13a6749ba516.jpg

Dù rửa tay nhiều và kỹ đến đâu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu của nhiễm trùng là điều hết sức quan trọng, bao gồm sốt cao, đỏ tấy, sưng, mưng mủ. Các biểu hiệu này xuất hiện do bệnh nhân thiếu các tế bào bạch cầu trung tính cần thiết. Khi số lượng bạch cầu trung tính và số lượng các tế bào máu khác thấp, thậm chí những dấu hiệu nhỏ nhất cũng đáng quan ngại và bệnh nhân nên lập tức liên hệ với bác sĩ, bất kể ngày hay đêm. Điều quan trọng là nếu bệnh nhân sốt, kể cả chỉ 38oC, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nguy hiểm ở bệnh nhân ung thư đang trong quá trình điều trị. Bệnh nhân cần gọi ngay cho bác sĩ và thông báo về tình trạng sốt hoặc bất kỳ vấn đề gì, không phân biệt vào ban ngày, đêm hay cả cuối tuần.

Các dấu hiệu nhiễm trùng cần theo dõi:

Nguồn ảnh: //cdn.tgdd.vn/Files/2022/09/12/1468099/cac-trieu-chung-benh-bach-cau-giup-ban-kip-thoi-phat-hien-benh-10_800x450.jpg

· Nhiệt độ > 38oC .

· Ớn lạnh, rét run.

· Ho, đau họng.

· Nóng rát khi đi tiểu.

· Đau vùng thắt lưng

· Tiểu ra máu

· Tiêu chảy hoặc đi phân lỏng.

· Phát ban

· Đỏ, đau quanh chân catheter hoặc vùng vết thương.

Cách phòng tránh giảm bạch cầu trung tính?

Thật không may, không có loại vitamin nào bệnh nhân ung thư có thể uống hoặc thức ăn nào bệnh nhân có thể ăn để ngăn ngừa giảm bạch cầu trung tính. Tuy nhiên, một nhóm thuốc được gọi là các yếu tố tăng trưởng, hoặc các yếu tố kích thích tạo máu có thể hỗ trợ trong việc ngăn ngừa giảm bạch cầu trung tính hoặc rút ngắn thời gian bệnh nhân bị hạ bạch cầu trung tính. Bác sĩ có thể kê một trong số những loại thuốc này, bao gồm filgrastim [Neupogen®], pegfilgrastim [Neulasta®], và sargramostim [Leukine®]. Đây là một dạng protein nhân tạo, được sản xuất tự nhiên trong cơ thể, giúp bệnh nhân tạo ra nhiều bạch cầu trung tính hơn.

Những loạn thuốc này được tiêm một mũi ngay dưới da, sau khi hoá trị ít nhất 24 giờ. Trong trường hợp của thuốc filgrastim và sargramostim, các thuốc này được chỉ định tiêm ngày một lần cho đến sau thời gian điểm đáy và số lượng bạch cầu trung tính trở lại mức bình thường. Còn đối với thuốc pegfilgrastim, chỉ cần tiêm một lần, 24 giờ sau hoá trị. Ngoài ra còn một phiên bản của thuốc pegfilgrastim [On-Pro] ở dạng miếng dán, được dùng để dán lên cách tay của bệnh nhân, để thuốc được tự động tiêm vào đúng thời điểm ngày hôm sau.

Tại sao cần phải phòng tránh giảm bạch cầu trung tính ?

Bác sĩ đã lên kế hoạch về liệu trình điều trị ung thư và/ hoặc liều lượng và lịch trình xạ trị cho từng bệnh nhân. Việc giảm bạch cầu trung tính có thể gây ra sự chậm trễ trong điều trị và giảm liều hoá xạ trị [dùng liều thấp hơn], điều này có thể làm cho việc điều trị của bệnh nhân trở lên kém hiệu quả hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, đối với một số loại ung thư, các liệu pháp điều trị ung thư mang lại kết quả điều trị lâu dài tốt nhất khi bệnh nhân nhận đủ liều và đúng thời gian. Ngăn ngừa giảm bạch cầu trung tính có thể giúp bệnh nhân có cơ hội tốt để tuân thủ đúng lịch trình điều trị. Và đó là điều quan trọng trong điều trị ung thư.

Bệnh nhân cần biết thêm điều gì ?

Hãy trở thành bệnh nhân thông thái! Bệnh nhân nên hỏi bác sỹ về kết quả xét nghiệm máu của bản thân và ghi lại vào sổ tay. Bệnh nhân cũng cần tự nhận biết được các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng và biết cần thông báo cho ai khi xuất hiện các dấu hiệu đó. Trong trường hợp được chẩn đoán giảm bạch cầu trung tính, bệnh nhân nên xin tư vấn của bác sỹ về các thuốc kích bạch cầu dùng sau mỗi chu kỳ hoá trị trong tương lai. Bệnh nhân cũng nên hướng dẫn cho những người thân về cách mà họ có thể giúp đỡ mình ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng [gợi ý: rửa tay thường xuyên].

Chủ Đề