Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào

Điều kiện để dữ liệu điện tử được xem là chứng cứ khi phát sinh tranh chấp trong doanh nghiệp. Theo sự phát triển của xã hội hiện đại, giao tiếp điện tử đã trở thành phương tiện thích hợp, phổ biến để kinh doanh trong và ngoài nước. Là nơi mọi người có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, không biên giới. Và chính điều này đã ít nhiều thay đổi trong việc đánh giá chứng cứ tại Tòa án khi truyền thông điện tử đang là xu hướng tất yếu. Để tìm hiểu pháp luật Việt Nam có hay không thừa nhận giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử Chuyên tư vấn luật xin gửi đến bạn đọc bài viết sau:

Dữ liệu điện tử, có hay không là chứng cứ?

Dữ liệu điện tử có được xem là chứng cứ trong tố tụng hay không?

Chứng cứ điện tử được Bộ luật Tố tụng Dân sự [BLTTDS] năm 2015 ghi nhận là một nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, tuy nhiên, BLTTDS lại chưa đưa ra khái niệm rõ ràng về chứng cứ điện tử.

Căn cứ vào Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2005, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được giải thích như sau:

  • Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
  • Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Theo đó, nếu dựa vào pháp luật Tố tụng dân sự thì nếu chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax do các chủ thể tham gia quan hệ thương mại điện tử lưu giữ, thu thập cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án, cơ quan có thẩm quyền thu thập nhằm chứng minh cho các yêu cầu của các chủ thể này khi giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại bằng các phương thức khác nhau trong đó có phương thức giải quyết bằng các thủ tục tố tụng thì được xem là chứng cứ.

>>>Xem thêm: Thỏa thuận mua bán hàng hóa qua email có hiệu lực pháp luật không?

Các điều kiện để dữ liệu điện tử trở thành chứng cứ

Để trở thành nguồn chứng cứ, dữ liệu điện tử phải đáp ứng được ba thuộc tính của chứng cứ:

  • Tính khách quan: dữ liệu này có thật, tồn tại khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, không bị làm cho sai lệch, biến dạng; đã được tìm thấy và đang lưu trên máy tính, điện thoại di động, email, USB, tài khoản trên mạng,…
  • Tính hợp pháp: chứng cứ phải được thu đúng quy định của pháp luật, sử dụng công nghệ được pháp luật công nhận, trong cả quá trình khởi tạo, sao lưu dữ liệu, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu. Từng thiết bị điện tử như máy tính, máy điện thoại, máy chủ, máy tính bảng, USB, đĩa CD/DVD… phải được ghi cụ thể vào biên bản, niêm phong theo đúng quy định, để dữ liệu không thể bị can thiệp, tác động làm thay đổi kể từ khi thu giữ hợp pháp. Bản gốc phải được bảo quản theo đúng quy định.

>>>Xem thêm: Nguyên tắc xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự

  • Tính liên quan của chứng cứ: dữ liệu thu được có liên quan đến quan hệ pháp luật tranh chấp, đối tượng tranh chấp, hậu quả…, được sử dụng để xác định các tình tiết của vụ án tranh chấp. Tính liên quan thể hiện ở nguyên lý, công nghệ hình thành dấu vết điện tử, thông tin về không gian, thời gian hình thành dữ liệu [logfile, IP, siêu dữ liệu, hàm hash], địa chỉ lưu trữ, nội dung thông tin [nguồn gốc và nội dung thư điện tử, chat, tin nhắn, công nghệ tấn công, nạn nhân, thiệt hại…],…

Điều kiện để dữ liệu điện tử là chứng cứ

Doanh nghiệp cần lưu ý những gì khi sử dụng dữ liệu điện tử nhằm đảm bảo lợi ích pháp lý?

Trong thực tế, Tòa án đã xét xử một số vụ án kinh doanh thương mại mà một phần quá trình chào hàng, đề nghị giao kết hợp đồng và các thỏa thuận phát sinh được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp đã cho thấy một số vấn đề phát sinh trong việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại như:

Thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án

Thông thường, Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ căn cứ vào BLTTDS xác định Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn hoặc bị đơn để giải quyết. Theo đó, nếu tranh chấp được xác định là tranh chấp hợp đồng giữa hai pháp nhân [quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp viết tắt là B2B] thì rất dễ để xác định Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu các quan hệ thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với người tiêu dùng [viết tắt là B2C], hay người tiêu dùng với doanh nghiệp [viết tắt là C2B] thì việc xác định thẩm quyền như trong các quy định của BLTTDS sẽ gặp nhiều khó khăn khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, đặc biệt là thẩm quyền trong việc đưa ra yêu cầu ủy thác tư pháp [chỉ TAND cấp tỉnh mới có thẩm quyền giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài], thực tiễn cho thấy việc sử dụng các phương tiện điện tử có thể được thực hiện không giới hạn về không gian, hay nói chính xác là thực hiện ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới, đây cũng là một thực tiễn sinh động khi xác định thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp liên quan.

Thủ tục, điều kiện để thụ lý vụ án

Ngoại trừ các điều kiện về chủ thể hay giấy tờ chứng minh về nhân thân hay tư cách của pháp nhân khởi kiện. Trên thực tế, có rất ít các vụ án được Tòa án thụ lý mà chỉ sử dụng các chứng cứ điện tử, thông thường nó được thể hiện dưới dạng văn bản viết được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án mới thụ lý, sau đó xác minh theo yêu cầu của các đương sự nhằm chứng minh cho yêu cầu của họ. Còn theo các thủ tục tố tụng thì khi chưa thụ lý, Tòa án hay các đương sự không thể tự mình hay theo yêu cầu mà thu thập chứng cứ trên nguyên tắc của BLTTDS đó là: “Nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự”.

Như vậy, nếu chỉ có các chứng cứ điện tử liên quan đến hành vi mua bán hàng hóa dịch vụ bị tranh chấp thì người có giả thiết có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại rất khó để khởi kiện với tư cách nguyên đơn dân sự. Khi vụ án chưa được thụ lý giải quyết thì yêu cầu phản tố của bị đơn hay yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng không được xem xét giải quyết.

Về thu thập và đánh giá chứng cứ

Xác định, đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử

Hiện tại, pháp luật chưa có các quy định cụ thể về hình thức vật chất chứa đựng chứng cứ điện tử, trình tự thu thập, xác minh chứng cứ cũng như hướng dẫn các trình tự thủ tục tố tụng chuyên biệt để thụ lý giải quyết các tranh chấp thương mại có các chứng cứ điện tử.

Thông thường, để thu thập một chứng cứ quan trọng trên máy tính, người tiêu dùng phải sử dụng dịch vụ Thừa phát lại để lập Vi bằng xác nhận tính xác thực của các nội dung hợp đồng điện tử đã giao kết. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án thương mại có những chứng cứ điện tử thì đường lối xét xử vẫn ưu tiên các chứng cứ vật chất dễ chứng minh như: Văn bản, hợp đồng có chứng thực, công chứng… Còn các chứng cứ điện tử khác chỉ được xem xét mang tính hỗ trợ cho các chứng cứ nếu phù hợp nên rất hiếm khi được sử dụng độc lập.

>>>Xem thêm: Tin nhắn chụp màn hình có được xem là chứng cứ?

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến điều kiện để dữ liệu điện tử được xem là chứng cứ khi phát sinh tranh chấp trong doanh nghiệp. Nếu như bạn đọc có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: .

#Lsvomongthu – Thạc sĩ luật sư đang cộng tác tại Chuyên Tư Vấn Luật, có 10 năm kinh nghiêm tư vấn pháp luật lao động; trực tiếp tham gia xây dựng nội quy, biểu mẫu hành chính nhân sự đúng luật, kinh nghiệm trong tư vấn thành lập doanh nghiệp; tố tụng trong giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp lao động.

Video liên quan

Chủ Đề