Giọng điệu trong tác phẩm văn học là gì năm 2024

Như mọi yếu tố khác, hiện tượng giọng điệu đã được nhận ra từ lâu, nhưng việc nghiên cứu nó lại tiến triển khá chậm chạp. Có người quy giọng điệu vào một vài biểu hiện của ngữ điệu. Có khi giọng điệu được xem giản đơn là dấu hiệu cá thể hay dấu hiệu địa phương, ví như giọng Huế ở nhà thơ này, giọng Nam Bộ ở nhà văn nọ. Thực ra tuy giọng cá nhân và giọng địa phương có góp phần tạo nên sắc thái, song giọng điệu trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật toát ra từ bản thân tác phẩm và mang một nội hàm tư tưởng thẩm mĩ[1]. Ngữ điệu là hiện tượng của câu [trần thuật, cảm thán, mệnh lệnh…]. Ngữ điệu có chức năng biểu cảm: trang trọng, thân mật, hài hước, buồn rầu… Đó là chức năng biểu đạt gắn với phạm vi chuẩn ngôn ngữ. Giọng điệu văn học là hiện tượng "siêu ngôn ngữ học", phụ thuộc vào cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và của thời đại.

Giọng điệu là biểu hiện của thái độ, cảm xúc của chủ thể đối với đời sống. Tại sao lời của các vị tư tế, các nhà tiên tri, các giáo chủ, cha cố, các quan toà và các lãnh tụ thường nghiêm trang? Đó là bởi vì chủ thể lời nói đang nói tới những chân lí linh thiêng, tuyệt đối, có ý nghĩa trọng đại. Đối với các sự vật, hiện tượng thấp kém, tầm thường người ta thường có giọng mỉa mai, cười cợt; đối với các sự việc đáng tiếc, mất mát, thương tổn, người ta có giọng buồn thương, ngậm ngùi. Như vậy, giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo, và các dạng cảm hứng như anh hùng, bi kịch, hài kịch, lãng mạn, cảm thương… theo quan niệm của G.N. Poxpêlốp, có vai trò chi phối giọng điệu tác phẩm[2]. Giọng điệu thể hiện ở tiếng nói và điểm nhìn của chủ thể, ở quan hệ của chủ thể tác giả đối với cái được miêu tả. Suy nghĩ về giọng điệu, M.Bakhtin lưu ý tới vai trò thể hiện giọng điệu của các môtip và hình tượng[3]. Chẳng hạn, các môtip nước mắt, nỗi đau, mối sầu là cơ sở của giọng điệu cảm thương của chủ nghĩa tình cảm. ở đó có sự sùng bái những cái yếu đuối, những kẻ thật thà, dại dột, không có khả năng tự bảo vệ, như đoá hoa, phụ nữ, trẻ em… dễ dàng bị dày xéo thô bạo. Các môtip ấy gây nên niềm xót thương, mủi lòng, sự tuôn trào cảm xúc nâng niu, thương xót. Trái lại Nitsơ đấu tranh chống lại lòng thương xót, bởi theo ông, lòng thương xót đã hạ thấp con người, giết chết con người. Chính Chúa cũng đã chết bởi lòng xót thương! Ông sùng bái sức mạnh, trí tuệ, lòng dũng cảm. Do đó lời văn ông có giọng kiêu bạc, sắc lạnh, tàn nhẫn. Cách hiểu trên đã mở rộng biên độ khái niệm giọng điệu. Giọng điệu thể hiện trong lời văn, nhưng không bao giờ là tổng cộng giản đơn của các phương tiện ngôn ngữ.

Gắn giọng điệu với cảm hứng chủ đạo và với kiểu sáng tác M.Bakhtin nêu lên vấn đề loại hình hoá giọng điệu [Typologia tona v literature]. Bakhtin đặt giọng điệu trong bối cảnh văn hoá. Theo ông, văn hoá luôn luôn đòi hỏi đa giọng điệu. Giọng điệu nghiêm túc cũng có các phạm vi khác nhau. Mỉa mai hay tiếng cười là phương tiện khắc phục tình thế và vượt lên tình thế. Văn hoá giáo điều, quyền uy tạo nên giọng điệu nghiêm túc một chiều. Văn hoá phải có tiếng cười. Mọi giọng điệu đều nên có yếu tố tiếng cười, nếu không thì mọi sự sẽ trở nên khủng khiếp hoặc lên gân.

Trong văn học M. Bakhtin chú ý tới giọng điệu cảm thương có bắt đầu từ Sếchxpia. Ông đề nghị phân biệt giọng cảm thương lãng mạn với giọng cảm thương hiện thực, giọng cảm thương mục ca, giọng cảm thương đời thường… Tuy chưa tiến hành nghiên cứu cụ thể, song các gợi ý nêu trên của Bakhtin đều có ý nghĩa to lớn để mở rộng phạm vi nghiên cứu giọng điệu, một hiện tượng có tầm văn hoá và có ý nghĩa đối với thời đại văn học.

Giọng điệu Truyện Kiều đã được nhận ra từ lâu như một "tiếng kêu thương" [Hoài Thanh], "tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" [Tố Hữu]. Nhưng đó là nhận xét chủ yếu trên phương diện tư tưởng, gắn liền với "cảm hứng nhân đạo và hiện thực", còn giọng điệu cảm thương như một hiện tượng nghệ thuật thì chưa được xem xét cụ thể.

Truyện Kiềuđúng là một tiếng kêu thương đau đớn, da diết. Đọc Truyện Kiều không ai quên được những lời kêu than thống thiết tràn ngập khắp nơi dưới nhiều hình thức trong tác phẩm:

- Đau đớn thay, phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!

- Thương thay thân phận lạc loài.

- Thương ôi, tài sắc bực này.

- Thương ôi, không hợp mà tan.

- Xót thay đào lí một cành…

- Xiết bao kể nỗi thảm sầu

- Thân sao thân đến thế này…

- Trăng già độc địa làm sao

Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên

Hơn thế nữa, tác giả xây dựng một môi trường tình thương trong tác phẩm. Hầu như các nhân vật chính diện hoặc có chút lòng tốt ít nhiều đều thể hiện tình thương. Kiều là người có tình thương mạnh mẽ nhất, thương người và thương mình:

- Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa.

- Khi tỉnh dậy lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Thúc Ông vốn phản đối Thúc Sinh lấy vợ lẽ đến thế, mà cũng có lúc:

- Thương vì hạnh, trọng vì tài…

- Quá thương chút nghĩa đèo bòng…

Hoạn Thư ghen với Kiều đến mức tàn nhẫn, nhưng cũng có lúc động lòng trắc ẩn:

- Thoắt xem, dường có ngẩn ngơ chút tình.

Và nói:- Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương.

Ông quan họ Chung cũng ái ngại:

- Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay.

Một cô Mã Kiều trong lầu xanh cũng:

- Xót nàng ra mới đánh liều chịu đoan.

Tình thương của những người trong gia đình, các người tình như Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải thiết nghĩ không cần phải dẫn chứng đến nữa. Sở Khanh tuy giả vờ thương, nhưng chỉ có giả vờ như vậy hắn mới trà trộn vào môi trường tình thương của tác phẩm được:

Than ôi, sắc nước hương trời,

Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây!

Tương ứng với tiếng kêu thương Truyện Kiều là một tác phẩm đẫm nước mắt. Có thể nói Truyện Kiều là tác phẩm nhiều nước mắt bậc nhất trong các truyện Nôm. Kiều xuất hiện với khúc đàn Bạc mệnh oán khiến ai nghe cũng "nhăn mày rơi châu". Nghe em trai kể chuyện Đạm Tiên chết trẻ Kiều liền "đầm đầm châu sa", tối về nhà nằm mộng nàng lại "nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn", khi cha mẹ nghe tiếng Kiều rền rĩ, dậy xem thì đã thấy "Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa", rồi khi ngồi một mình nàng lại: "Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương", Khi tiễn Kim Trọng về hộ tang chú thì "Một lời trân trọng châu sa mấy hàng". Khi ra bán mình cho Mã: "Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng". Khi trằn trọc nghĩ đến Kim Trọng: "Áo dầm giọt lệ, tóc se mái sầu", "Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn". Khi đã bị Mã Giám Sinh bẻ hoa Kiều đau đớn: "Giọt riêng tầm tã tuôn mưa". Khi nói điều phát hiện về Mã Giám Sinh với bố mẹ: "Nhìn càng lã chã giọt hồng". Khi bị bắt về làm thị tì: "Nàng càng giọt ngọc như chan". Khi gặp lại Thúc Sinh tại nhà Hoạn Thư:"Giọt châu lã chã khôn cầm". Sau khi bị trận đánh ghen làm cho ê chề nhục nhã nàng khóc suốt đêm: "Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh". Khi Thúc Sinh gặp Kiều ở Quan Âm các thì: "Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh". Khi Kiều khóc Từ Hải chết: "Dòng thu như xối cơn sầu". Kim Trọng khóc Kiều càng dữ dội: "Vật mình vẫy gió tuôn mưa, Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai… Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi, Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê".

Không chỉ con người khóc, mà tiếng đàn cũng khóc:

- Bốn dây như khóc như than

- Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.

- Một cung gió thảm mưa sầu,

- Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

Nước mắt đầm đìa đã làm cho tiếng kêu than trong truyện thêm đau đớn, thống thiết.

Ứng với lòng thương cảm, Nguyễn Du cực tả những người tài hoa, cao cả nhưng yếu đuối, nhỏ bé, thật thà, dại dột, họ là đối tượng cho các hành động vu oan giá hoạ, lừa lọc, vùi dập, đánh đập. Kiều tuy có tài chủ động thu xếp công việc gia đình, nhưng chính nàng là người bị lừa dối phũ phàng nhất: Mã Giám Sinh lừa, Sở Khanh lừa, Bạc bà, Bạc Hạnh lừa, Hồ Tôn Hiến lừa. Thúc Sinh thiệt thà dại gái bị lừa, Từ Hải "nghiêng trời uy linh" cũng bị lừa. Do vậy mọi người đều thể hiện cho cái nhỏ bé, cái yếu đuối, cái đáng thương. Chúng tôi đã có dịp nhận xét về ý nghĩa của chữ chút trong Truyện Kiều [chút nghĩa đèo bòng, chút phận thuyền quyên, chút nghĩa cũ càng…] nhằm thể hiện cảm thức về kiếp người nhỏ bé, mong manh, dễ hư nát để đòi hỏi được nâng niu, thông cảm, thương xót. Chúng tôi cũng nhận xét về nét tính cách sợ hãi, yếu đuối của Kiều được miêu tả không như một phẩm chất tầm thường, thấp kém, mà như một phẩm chất phổ biến, thường tình của con người đáng được đồng cảm[4].

Gắn với kiếp người nhỏ bé, yếu đuối là những trận đánh đập về thể xác, những cuộc hành hạ về tinh thần. Trận đòn tra khảo của bọn nha lại, trận đòn ép uổng của mụ Tú bà, "Uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa"; trận đòn của ông quan muốn xử thắng cho Thúc ông "Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày"; trận đòn ra uy của nhà Hoạn Thư "Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh". Rồi những cuộc mua bán. Những cuộc sinh li, tử biệt. Cuộc đánh ghen lạ đời. Cuộc chiêu an bi kịch. Cuộc tái hợp cũng là một sự hành hạ về tinh thần! Truyện Kiều được dệt bằng chuỗi các sự kiện éo le, oan khổ, đau lòng. Những niềm vui được tạo ra để mà từ bỏ hoặc để cho người đời chà đạp.

Nguyễn Du còn khai thác mọi yếu tố gây sự thương tâm, mủi lòng. Chẳng hạn khía cạnh thiệt thòi, thiệt đơn, thiệt kép mà nhân vật phải chịu:

- Thương ôi, không hợp mà tan,

Cả nhà vinh hiển riêng oan một nàng.

- Thương lòng con trẻ thơ ngây,

Gặp cơn vạ gió tai bay bất kì.

- Đau lòng tử biệt sinh li,

Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên….

hoặc sự đọa đày luân lạc mãi mãi cả khi sống lẫn khi chết:

Thôi con còn nói chi con

Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.

Trong Truyện Kiều nhân vật này gợi cảm thương cho nhân vật khác. Kết thúc đoạn kể về Đạm Tiên, chẳng biết vô tình hay hữu ý, Vương Quan đã khơi mối đau lòng cho Kiều:

- Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!

Thế là Kiều:

- Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa….

Khi Kiều than:

- Thôi con còn nói chi con

Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.

thì đó là lời kích động cho bà mẹ:

Vương Bà nghe bấy nhiêu lời,

Tiếng oan như muốn vạch trời kêu lên!

Kẻ tung người hứng làm cho Truyện Kiều là một bản hợp xướng của lòng cảm thương!

Nguyễn Du dùng nhiều những hình ảnh, cụm từ chỉ sự tan nát, chia lìa, trôi giạt: "chiếc lá lìa cành", "dẫu lìa ngó ý", "hoa trôi bèo giạt", "trâm gẫy gương tan", "thoắt gãy cành thiên hương", "máu tuôn nước mắt, hồn lìa chiêm bao", "thịt đổ, máu sa", "thịt nát xương tan", "hồng rụng thắm rời", "tan tành thịt xương", "dãi nguyệt dầu hoa", "vùi liễu dập hoa", "Rụng rời khung dệt, tan tành gói may", "Vầng trăng ai xẻ làm đôi", "nước trôi hoa rụng"…

Cùng với những hình ảnh và từ ngữ ấy nhà thơ còn dùng nhiều hình ảnh về sự xa xôi, cách trở, lưu lạc tha hương: chân mây cuối trời, góc bể chân trời, cánh bèo mặt nước… nhằm cực tả các thảm cảnh đối với con người lưu lạc bơ vơ.

Tiếng thương của Truyện Kiều không phải chỉ có một chiều xót thương. Thương người xót thân là một tình cảm lớn có rất nhiều biểu hiện phong phú. Có khi không nói tiếc nữa, mà lại tiếc rất sâu, vì nó gắn với lời than hờn đời, dỗi đời, tuyệt vọng với đời:

- Phận sao đành vậy cũng vầy,

Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh.

- Thân sao thân đến thế này,

Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi.

- Đã không biết sống là vui,

Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương.

- Sá chi thân phận tôi đòi

Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu.

Nhiều khi tiếng thương chuyển thành tiếng chửi, lời mỉa mai, chua chát, đùa cợt:

- Chém cha cái số hoa đào,

Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.

- Ông tơ thực nhé, đa đoan

Xe tơ sao khéo vơ quằng vơ xiên.

- Hồng quân với khách hồng quần

Đã xoay đến thế còn vần chưa tha!

- Tiếc thay trong giá trắng ngần

Đến phong trần cũng phong trần như ai.

Nhiều khi tiếng thương tiếng than biến thành tiếng dỗi:

- Thôi con còn nói chi con

Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.

- Thôi thì thôi có tiếc gì

Nàng rằng thôi thế thì thôi!

Nhưng nhiều hơn là tiếng xuýt xoa:

- "Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa"

- "Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì"

- "Thôi còn chi nữa mà mong"

Qua sự phân tích trên ta có thể nhận thấy giọng điệu tác phẩm là một hiện tượng nghệ thuật được tạo thành từ một hệ thống các yếu tố gắn kết, hô ứng nhau. Giọng điệu tác phẩm văn học được thể hiện qua các biểu hiện ngôn ngữ, nhưng tự nó là một hiện tượng "siêu ngôn ngữ", gắn liền với hệ thống sự kiện, môtíp, hình ảnh đặc thù. Qua các biểu hiện trên có thể thấy giọng điệu cơ bản của Truyện Kiều là giọng điệu cảm thương.

Giọng điệu cảm thương này về cơ bản thống nhất với giọng điệu trong bài văn Chiêu hồn thập loại chúng sinh và giọng điệu trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Nếu dùng cách nói của Chi Nghiễn Trai phê bình Hồng Lâu Mộng thì có thể nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều là để cho mọi người trong thiên hạ đều đến khóc cho số phận một con người. Nếu Hồng Lâu Mộng muốn cho mọi người đến khóc cho một chữ tình [Lời phê hồi thứ tám] thì hàm ý của Nguyễn Du qua Truyện Kiều rộng lớn hơn. Với giọng điệu cảm thương Truyện Kiều cho thấy tính bi kịch của toàn truyện, và có thể nói có một chủ nghĩa cảm thương trong sáng tác của Nguyễn Du. Truyện Kiều như nhiều người nhận xét, có yếu tố hiện thực và yếu tố lãng mạn, song theo chúng tôi, yếu tố cảm thương mới là cảm hứng chủ đạo bao trùm của tác giả và tác phẩm, nó làm cho tác phẩm gần gũi với loại hình sáng tác chủ nghĩa tình cảm trên thế giới, xuất hiện như là một biến thể phương Đông.

Chủ nghĩa cảm thương [ở ta thường dịch là chủ nghĩa tình cảm từ thuật ngữ sentimentalisme, chúng tôi theo cách dịch của người Trung Hoa, hai chữ "cảm thương" nói đúng hơn cái nét tình cảm riêng của chủ nghĩa này] không phải là hiện tượng đơn độc của Nguyễn Du. Nó tiếp nối mạch văn thương thân xót đời từ Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Ai tư vãn… Một số truyện thơ Nôm như Tống Trân Cúc Hoa cũng thể hiện một chủ nghĩa cảm thương đậm đà với gần 40 lần nhân vật khóc than, cả con người, cả sơn thần, hổ báo đều khóc cho số phận Cúc Hoa; nhân vật chính được hình dung rất là bé dại đáng thương: Chồng tôi lên tám, tôi thời mười ba! Khuynh hướng cảm thương chủ nghĩa trong văn học Việt Nam còn tiếp tục cho đến Cảm thu, tiễn thu, Thăm mả cũ bên đường… của Tản Đà, Giọt lệ thu của Tương Phố, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và ít nhiều trong Thơ mới sau này.

Chủ nghĩa cảm thương trong văn học Việt Nam là đề tài sẽ còn được bàn tiếp, song ở đây là kết luận sơ bộ trên cơ sở phân tích đặc trưng giọng điệu nghệ thuật của Truyện Kiều, một giọng điệu có sức rung cảm sâu xa trong lòng người đọc.

Chủ Đề