Hạt đậu lào mua ở đâu Thành Đô, Tứ Xuyên

Cánh cổng lịch sử

QĐND - Ai cũng biết mấy chục năm qua Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, Tứ Xuyên cũng có những bước phát triển toàn diện, đây có thể coi là một Trung Quốc thu nhỏ. Tỉnh có hơn 90 triệu dân ấy thu nhập bình quân đầu người hiện tại khoảng 5.700USD. Tốc độ phát triển thật ngoạn mục: Tổng GDP của tỉnh từ 100 tỷ đến 1.000 tỷ nhân dân tệ trong thời gian 16 năm; nhưng từ 1.000 lên 2.000 tỷ nhân dân tệ chỉ mất có 4 năm.

Nhưng mấy ngày ở Tứ Xuyên, tôi không để ý nhiều lắm đến những khu nhà cao tầng mà tôi thấy nhiều điều từ những công trình văn hóa-lịch sử, yếu tố văn hóa, tư duy văn hóa của bạn.

Chuyện đầu tiên phải nói đến là khu công nghệ cao Thiên Phủ, tại Thành Đô. Đây là khu công nghệ cao cóhơn 500 công ty hàng đầu thế giới đầu tư. Những sản phẩm của Inter, Microsoft, Lenovo từ đây có mặt và chiếm lĩnh thị trường nhiều nơi trên thế giới. Dĩ nhiên là chúng tôi không đi hết khu công nghệ cao mênh mông ấy mà chỉ tham quan nhà triển lãm. Muốn bước chân vào khu nhà triển lãm những sản phẩm hàng đầu thế giới văn minh ấy phải đi qua một cái cổng truyền thống. Hai cánh cổng to, dày và nặng nề chẳng giống ở đâu lại chính là điều gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Bởi khi cánh cổng mở ra thì rộng thênh thang, nhưng khi đóng vào thì kín như bưng, toàn bộ bề mặt của hai cánh cổng được chạm khắc bản đồ nước Thục thời Tam Quốc. Hai núm tay cầm được bố trí đúng vị trí trung tâm của Thành Đô xưa-nơi Lưu Bị, Khổng Minh cùng các hổ tướng đã nuôi tham vọng lớn và họ đã có những ngày vui tưởng như bất tận. Người hướng dẫn của khu nhà triển lãm còn trẻ lắm. Anh cũng nói rõ ý đồ của người thiết kế cánh cổng muốn nói rằng: Lịch sử là nền móng. Những kẻ quên lịch sử dân tộc mình, quê hương mình mà chỉ mải mê học đòi thiên hạ thì sẽ không bao giờ có kết quả bền lâu. Nước Thục Hán ra đời từ năm 221 và chỉ tồn tại hơn 40 năm nhưng đã là điểm tựa tinh thần cho hơn 90 triệu dân Tứ Xuyên, để họ cùng hơn 1 tỷ 350 triệu người thực hiện giấc mơ Trung Hoa. Muốn bước tới thế giới văn minh phải bước cùng lịch sử. Lịch sử là sức mạnh của cả một dân tộc nếu nó được nâng niu, trân trọng. Tinh thần ấy thấm nhuần ở tất cả những người Trung Quốc chúng tôi gặp, thể hiện rõ trong những việc họ làm. Ngay ở Đài Truyền hình Tứ Xuyên-đài rất hiện đại, thời lượng phát sóng 24/24 giờ mỗi ngày thì gần đây bạn cũng không chiếu phim nước ngoài. Những chương trình vui chơi giải trí phát sóng do đài sản xuất mang đặc sắc Trung Quốc. Ngay ở tờ báo in Thành Đô nhật báo, số lượng phát hành 25 vạn bản mỗi ngày nhưng không có báo điện tử. Các sản phẩm của báo in được hướng đến đầu ra là các thiết bị cầm tay. Như vậy vừa tiết kiệm, hiệu quả, lại dễ quản lý. Đúng là các bạn mở cửa, giao lưu hội nhập sâu rộng và có chọn lọc kỹ càng, mạnh mẽ. Tôi nghĩ, đất nước Trung Quốc phát triển thần kỳ cũng một phần do đã xác định đúng vị trí, vai trò của yếu tố văn hóa.

Mô phỏng nhà Đỗ Phủ trong Đỗ Phủ thảo đường.

Cũng là câu chuyện văn hóa để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng khi đến thăm khu Đỗ Phủ thảo đường tại Thành Đô.

Đỗ Phủ [712-770] là một nhà thơ nổi bật thời nhà Đường của Trung Quốc. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc. Tham vọng lớn nhất của ông là có được một chức quan để giúp đất nước, nhưng ông đã không thể thực hiện được điều này một cách trọn vẹn. Cuộc đời ông, giống như cả đất nước, điêu linh vì loạn An Lộc Sơn năm 755, và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian không ngừng biến động. Với tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng của Đỗ Phủ nên ông từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là “Thi sử” hay “Thi thánh”. Đối với độc giả phương Tây, tầm vóc các tác phẩm của ông sánh ngang với Uy-li-am Sếch-xpia hay Vích-to Huy-gô.

Ao sen tàn trong khu đền thờ Gia Cát Lượng.

Năm 760 ông tới Thành Đô. Nhiều bài thơ sáng tác trong thời kỳ này miêu tả lại cuộc sống thanh bình trong thảo đường ở đó. Năm 762, ông rời thành phố này để tránh một cuộc bạo loạn, rồi quay lại vào mùa hè năm 764 và được chỉ định làm Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang, tham gia vào chiến dịch chống lại người Tạng.

Nhiều nhà thơ Trung Quốc bị ảnh hưởng từ ông. Song, không bao giờ có một Đỗ Phủ thứ hai, bởi ông lớn lao và bao trùm, các nhà thơ sau này tiếp nối truyền thống trong từng khía cạnh cụ thể của thơ ông. Mối quan tâm của Bạch Cư Dị tới dân nghèo; lòng yêu nước của Lục Du; các phản ánh cuộc sống hằng ngày của Mai Nghiêu Thần, là những ví dụ.

Ông ở Thành Đô một thời gian ngắn, nhưng ngày nay tại Thành Đô người ta đã làm khu Đỗ Phủ thảo đường rộng mênh mông để tưởng niệm ông. Hôm chúng tôi đến đó, trời mưa nặng hạt. Cây cối đứng lặng yên cho mưa tắm gội, chim muông ướt cánh không bay, chẳng giống như ngày đẹp trời của 1.255 năm trước Đỗ Phủ họa lại nơi này:

Đôi oanh vàng hót xanh cành liễu,

Một đàn cò vạch trắng trời xanh.

Tuyết phủ non Tây lồng cửa sổ,

Thuyền xuống Đông Ngô đậu cổng nhà.

Thảo đường nín lặng nghe tiếng mưa bay xen lẫn tiếng đàn tranh “pẳng...pằng... păng...pẳng...pằng...păng...pẳng...pằng... păng..." như xa như gần. Chỉ riêng cái tiếng đàn tranh ấy cũng đã là một chi tiết kỳ công của hậu thế. Bước vào cổng đã nghe tiếng đàn tranh. Đi bất cứ ngóc ngách nào trong khu thảo đường cũng tiếng đàn tranh ấy, đến lúc ra về ở một cửa khác cũng vẫn là tiếng đàn tranh ấy. Tiếng đàn khoan thai, dìu dặt, thư thả và day dứt ấy luồn lách đến từng vòm lá với một cường độ không thay đổi làm cho con người như được sống chậm lại, như được trở về quá khứ xa xăm cùng hầu chuyện người xưa.

Xa xa phía sau nhà cỏ của Thánh thi, người ta dành ra một khoảng đất lớn để khảo cổ. Đào xuống tầng sâu văn hóa đời Đường xem thời đó người dân sống ra sao, rồi từ cơ sở đó phục dựng thảo đường cho gần với nguyên bản. May sao, trong khu khảo cổ ấy đã phát hiện dưới tầng sâu mấy mét đất phát lộ nền móng, đường đi lối lại, giếng nước... của một gia đình đời Đường. Thế là cứ liệu để dựng lại Đỗ Phủ thảo đường càng được củng cố, qua bàn tay tài hoa của các nhà thiết kế, thảo đường vừa đơn sơ mộc mạc, vừa tao nhã phóng khoáng, khiến mỗi khi bước chân đến đây du khách như chìm đắm vào một không gian xưa cũ, tách biệt với thế giới bên ngoài; lắng nghe trong từng nhành hoa ngọn cỏ, trong từng phiến đá, viên gạch, pho tượng... lời thủ thỉ của tiền nhân về đạo làm người, về tình đồng loại. Đỗ Phủ còn nhắc nhở chúng ta phải tiết dục, nhân hậu và ức chế lòng tham, nhất là không được phép tham lam những cái gì không phải của mình.

Trong khu Đỗ Phủ thảo đường có nhiều hạng mục công trình kiến trúc, nhiều chỗ trưng bày thơ ông, lại có cả một không gian dựng lại chân dung của các nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc, từ cổ đại. Mỗi chân dung mỗi vẻ: Khổ đau, siêu thoát, nhởn nhơ, bi hoạn... đều có cả. Đến chân tượng Khuất Nguyên, tôi hỏi bạn trẻ hướng dẫn viên cho đoàn rằng bạn có thuộc bài thơ nào của Khuất Nguyên không? Bạn bảo không. Vậy, bạn có thuộc bài nào của Đỗ Phủ không? Chỉ biết từng câu, từng ý, bạn trả lời. Và suốt hành trình tham quan, đi qua nhiều chỗ trưng bày thơ Đỗ Phủ, nhưng bạn cũng không dừng lại phân tích cho chúng tôi câu thơ nào, thơ hay ở chỗ nào, tầm vóc của Thánh thi kỳ vĩ ra sao. Trong không gian trưng bày tượng các thi nhân Trung Quốc, tôi hỏi bạn hướng dẫn viên: "Bạn không thuộc bài thơ nào của ai ở đây, vậy, tôi xin phép đọc tặng bạn một bài thơ của Khuất Nguyên được không?". Bạn cười băn khoăn. Chị Hy Tuệ, Tham tán Công sứ tiến lại bảo: "Mời đồng chí Bộ đọc!". Vậy là ở chi tiết này, bạn trẻ hướng dẫn viên ở Đỗ Phủ thảo đường cũng mắccái lỗi giống một số bạn trẻ hướng dẫn viên của Việt Nam trong một số khu du lịch văn hóa-lịch sử, có thể nói vanh vách về chiều cao, cân nặng, chất liệu của bức tượng, nhưng sâu thêm một tí, bức tượng đó gửi đến ta thông điệp gì, thì... lắc đầu!

Tiếc rằng thời gian gấp gáp quá, chúng tôi chỉ lướt qua Đỗ Phủ thảo đường. Đến nơi đây mà chưa đi hết, chưa hiểu sâu sắc về Thánh thi e có lỗi lắm. Nhưng chúng tôi còn phải đi tiếp, đến một địa điểm khác mà chỉ nghe đến tên thôi cũng đã giục giã trong lòng, đó là đền thờ Gia Cát Vũ Hầu.

Có điều thú vị là, đền thờ Gia Cát Lượng nhưng phía trước đặt thờ Lưu Bị và bên phải Lưu Bị là Trương Phi, bên trái Lưu Bị là Vân Trường. Phía sau cùng, ở một tòa nhà khác mới là nơi thờ Gia Cát Lượng. Có lẽ hậu thế cũng muốn thuận lòng tiền nhân, khắc họa sâu sắc thêm phẩm hạnh của Gia Cát Vũ Hầu một đời trung nghĩa phụng sự Lưu Bị với ước mong khôi phục Hán thất. Lưu Bị lại là người nặng tình kết nghĩa vườn đào, nên không thể tách rời hai em, sống cũng như chết, đều phải như vậy.

Ở đây viếng Đền không thắp hương. Tôi thành tâm chiêm bái những anh hùng Tam Quốc trong lòng. Tượng bán thân Khổng Minh đặt trong tủ kính ở trên cao, đôi mắt nheo cười ung dung tự tại. Biết bao mưu kế, sự đời, công danh, được và mất... thu về trong đôi mắt ấy.

Thành Đô đương độ sen tàn.

Nhìn ao sen trong đền thờ Khổng Minh tàn tạ, lá xanh đã chuyển màu nâu nhạt và gục xuống, chỉ còn trơ những cái cuống to và dài chọc thẳng lên trời như một rừng gươm giáo. Nghĩ đến chuyện nước Thục suy tàn, cũng đồng nghĩa chí lớn của Lưu Bị, Gia Cát lượng không thành, lòng tôi bâng khuâng, man mác. Khi Lưu Bị đã vị tình riêng, đặt tình riêng lên trên quốc sự; khi người nối nghiệp ông bất tài vô dụng, ham ăn ham chơi, gối đầu lên thành quả của tiền nhân, ăn mày dĩ vãng, thì cho dù có binh hùng tướng mạnh, cho dù có một rừng gươm giáo kia hay nhiều gấp bội lần như thế cũng trở thành vô nghĩa!

Sen tàn rồi sen lại mọc. Nước Thục tàn cuốn theo mộng lớn và sự tích anh hùng vào lòng đất.

Mộ Lưu Bị cũng đặt tại đền thờ này. Theo chị thuyết minhcủa đoàn chúng tôi, bởi Lưu Bị được lòng dân, sống nhân đức nên trải nhiều đời, mỗi người đi qua mộ ông đắp thêm một nắm đất mà thành ra ngôi mộ to như một quả đồi nhỏ. Người thuyết minh cũng khẳng định đây là ngôi mộ thật và chưa bị khai quật lần nào, bởi ông luôn được nhân dân Thành Đô bảo vệ suốt hơn 1.750 năm qua.

Tôi có hỏi chị thuyết minh: Lưu Bị vị tình riêng; triều đại của ông rất ngắn; nhiều tướng tài chết thảm dưới tay ông; việc lớn không mãn nguyện, tại sao người Thành Đô, người Trung Quốc lại tôn quý ông đến vậy? Chị thấy thú vị bởi câu hỏi đó và cố gắng giải thích cho tôi hiểu, bởi Lưu Bị nhân đức, Lưu Bị thương dân, Lưu Bị chính danh, Lưu Bị giữ lời... nhưng chúng tôi vẫn chưa thỏa lòng thì thời gian đã hết. Bên mộ Lưu Bị, tôi rất muốn được tranh luận với chị vì sao một con người nhiều sai lầm như thế, hay khóc lóc kể lể như thế, trị quốc kém cỏi như thế mà các bạn cứ phải tôn sùng? Phẩm chất nào của Lưu Bị để các bạn vận dụng, nhân lên trong thời đại mới hôm nay để thực hiện giấc mơ Trung Hoa? Việc tôn sùng Lưu Bị có giá trị hiện thực, hay chỉ là giá trị văn chương?... nhưng phố đã lên đèn, chúng tôi chia tay nhau lưu luyến trong màn mưa giăng giăng mờ ảo.

Bằng một cái tai nghe và một thiết bị nhỏ như bao diêm đeo trước ngực, Vương Hân Nhiên nói khe khẽ: “Đến giờ về rồi, mời các anh các chị đến trước mộ Lưu Bị để quay ra xe”. Mấy phút sau tất cả đoàn có mặt đông đủ. Mấy bạn Việt Nam trầm trồ: Sao mà hay thế. Thiết bị đơn giản, gọn nhẹ mà tiện lợi cho các đoàn tham quan đông người không bị lạc nhau, hướng dẫn viên chỉ cần nói nhỏ, mọi người trong đoàn cắm tai nghe là thấy rõ hết, không phải bắc loa tayoang oang làm ảnh hưởng đến đoàn khác, náo loạn cả chốn linh thiêng. Chi tiết nhỏ ấy, các điểm tham quan ở Việt Nam mình, nếu muốn, thừa khả năng có được...

Trong chuyến tham quan Tứ Xuyên lần này, đoàn nhà báo Việt Nam chúng tôi còn được tham quan Nhà triển lãm trung tâm Thành Đô, làng nông thôn mới Cửu Long, công trình thủy lợi Đô Giang Yển [ra đời từ năm 256 trước Công nguyên, đến nay vẫn phát huy tác dụng], sở gấu trúc và dự đêm biểu diễn kịch đổi mặt. Mỗi nơi đến đều để lại trong tôi những suy nghĩ, chiêm nghiệm về lòng yêu chuộng hòa bình, tình nghĩa chung thủy son sắt của nhân dân Trung Quốc, về sức mạnh đội đá vá trời của đất nước đông dân nhất thế giới. Ở những địa danh nổi tiếng ấy, bài học về làm du lịch chuyên nghiệp với một tầm nhìn xa của bạn là điều khiến đoàn chúng tôi dễ nhận ra.

Ai cũng biết, Trung Quốc nói chung, Thành Đô nói riêng có lịch sử lâu đời, rực rỡ. Trên cái nền xưa rực rỡ ấy, ngày hôm nay các bạn đã dày công vun đắp, tô điểm để mỗi địa chỉ tham quan du khách đều thu nhận được điều gì đó có ích. Giá trị kinh tế từ việc bán vé tham quan có lẽ rất khiêm nhường so với giá trị vô hình thu được khi thế hệ trẻ Trung Quốc hôm nay và mai sau hiểu và yêu lịch sử dân tộc mình.


Bài và ảnh: XUÂN BẰNG

Chuyện ghi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc [Kỳ 1]

Chuyện ghi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc [Kỳ2]

Video liên quan

Chủ Đề