Hoài thanh đánh giá thanh tịnh

Thanh Tịnh [1911-1988], tên khai sinh là Trần Văn Ninh, sau được đổi là Trần Thanh Tịnh. Ông là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Việt Nam. Cũng như nhiều trí thức ảnh hưởng của văn hóa Pháp thời bấy giờ, văn chương Thanh Tịnh cũng không nằm ngoài lệ.

Mặc dù vậy, từ nhỏ, Thanh Tịnh đã học chữ Hán. Có lẽ thế, mà sau này, thơ ông vẫn có gì đó cũ xưa, chưa thể thoát lên được điều gì mới như Xuân Diệu. Thơ Thanh Tịnh mang một chút buồn của thơ Đường, một chút buồn như Huy Cận, và còn lại là mộng mơ của Thanh Tịnh.

Ông viết nhiều về truyện ngắn, ở thể loại này, ông cũng gặt hái được một số thành công nhất định. Nhưng không hẳn đã vượt trội so với nhiều cây bút chuyên viết truyện ngắn khác, như Thạch Lam, hay Nam Cao.

Thanh Tịnh, dù sao cũng nên chuyên tâm vào thơ, thì có lẽ, ông sẽ có đóng góp nhiều hơn cho nền văn học Việt Nam. Nhưng Thanh Tịnh đã đi qua rồi, ông cũng đã đi xa chúng ta. Gia tài ông để lại cho đời xứng đáng được tôn vinh là một nhà văn, nhà thơ tài ba của Việt Nam.

Một số tác phẩm của Thanh Tịnh: Hận chiến trường [tập thơ, 1937]; Quê mẹ [truyện ngắn, 1941]; Tôi đi học [truyện ngắn, 1941] - được đưa vào chương trình giảng dạy; Chị và em [truyện ngắn, 1942]; Con so về nhà mẹ [truyện ngắn, 1943]; Ngậm ngải tìm trầm [truyện ngắn, 1943]; Sức mồ hôi [ca dao - 1954] Những giọt nước biển [tập truyện ngắn - 1956]; Đi từ giữa mùa sen [truyện thơ -1973]…Những cống hiến về văn học của Thanh Tịnh sau này được ghi nhận, khi ông đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật [năm 2007].

Trích đoạn Tôi đi học của Thanh Tịnh. Ảnh internet

Thanh Tịnh, một nhà thơ của tình yêu mộng mơ, thời phong trào Thơ Mới, ông đã viết về tình yêu với nỗi buồn cô quạnh, dường như một nửa kia không bao giờ tìm được một nửa còn lại. Nỗi buồn cứ thế dai dẳng. Người mong đợi thì chìm vào trong sương, bao nhiêu ký ức càng khiến con người ta chìm vào đau khổ.

Còn nhớ hôm xưa độ tháng này

Cánh đồng xào xạc gió đùa cây

Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm

Một đoạn tơ trời lững thững bay

Tơ trời theo gió vướng mình ta

Mỗi khắc bên nàng nhẹ bỏ qua

Nghiêng nón nàng cười, đôi má thắm

Ta nhìn vơ vẩn áng mây xa...

Tìm dấu hoa xưa giữa cánh đồng

Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông

Tơ trời lơ lững vươn mình uốn

Đến nối duyên mình với... cõi không!

[Tơ trời với tơ lòng]

Bài thơ Tơ trời với tơ lòng cho thấy kỷ niệm của một chàng trai với cô gái trước đây cùng ngắm tơ trời. Nàng được tả rất đẹp, dịu dàng, đó là nghiêng nón cười, đôi má thắm. Nhưng sau này, thời gian qua đi, mọi thứ đổi khác, chẳng còn cô gái nữa. Trên cánh đồng, chỉ còn mình chàng trai, thiếu nữ không thấy đâu, chỉ thấy lúa đầy bông.

Rõ ràng, tình yêu của chàng trai là một tình yêu đầy những mộng mơ, không thực tế. Thanh Tịnh đã vẽ nên một cuộc tình tan vỡ nhưng đẹp. Có lẽ đây cũng là dòng thơ mà sau phong trào Thơ Mới, người ta bắt chước nhiều theo cách viết như Thanh Tịnh.

Còn khổ gì hơn lúc xế chiều

Em không trông thấy bóng người yêu

Mơ màng em đợi tình quân gọi

Khắc khoải bên đồng tiếng dế kêu

Dế kêu ran tận chân trời

Thương anh, em gọi nhưng lời không đi

Phương em đứng ngóng phương gì?

Mà chiều tháng trước anh đi không về.

[Tiếng gọi của đồng quê]

Hai khổ đầu trong bài Tiếng gọi của đồng quê cũng được Thanh Tịnh viết vào quãng thời gian phong trào Thơ Mới. Ta thấy Thanh Tịnh trong thơ như người luôn yêu đơn phương, và chính vì vậy, mà tình yêu tránh xa những cái cầm tay, tình yêu lúc này lại càng buồn vô hạn hơn.

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Thanh Tịnh được Hoài Thanh – Hoài Chân đánh giá: “Xem thơ Thanh tịnh cái cảm giác trội nhất của tôi là thấy một cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ, cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. ở đây không có bờ, và nước - âu cũng phải gọi là nước - cứ chảy tràn lan. Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường xuyên thay đổi: có khi là một cây liễu rủ, có khi là một lũy tre. Nhưng sắc dầu có khác, bao giờ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi. Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu [Hận chiến trường, Mấy vần thơ máu]; nhưng khi người ta tới nơi nó lại biến mất. Thì ra một ảo cảnh.

Kể chỗ này cũng trống trải. Hình như đằng xa kia có vài ngọn núi. Nhưng đây vẫn là nơi hò hẹn của những ngọn gió bốn phương. Mỗi lần gió đến mặt nước không buồn cưỡng, cứ tự nhiên lướt theo chiều gió. Có khi người ta còn thấy nó vươn mình lên ngang tầm gió, tưởng chừng như nó muốn hóa thân làm gió. Nhưng qua lại thôi và rồi nó cũng được cái mềm mại, cái ẩn ước là bản sắc của nó”.

Mặc dù không quá nổi bật về giọng điệu, lối viết, nhưng Thanh Tịnh đã sánh cùng các nhà thơ phong trào Thơ Mới bằng những rung cảm về tình yêu mộng mơ của mình. Và từ đó, Thanh Tịnh sau này không thể tìm được cái mộng mơ đó nữa.

Đất nước 30 năm chiến tranh, bao con người phải chịu nỗi đau chia cắt, nhưng số phận Thanh Tịnh bi đát vào bậc nhất. Có gia đình vợ con từ sớm nhưng hầu như suốt đời ông chịu cảnh "ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân". Năm 1946 từ Huế, được cử ra Việt Bắc họp Đại hội Văn hoá, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông khoác balô đi theo kháng chiến. Ngay sau năm 1954 khi về làm chủ nhiệm [Tổng biên tập] đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ quân đội cho đến cuối đời, ông vẫn một thân một mình đơn lẻ.

Năm 1975, bao gia đình đón niềm vui sum họp, ông về Huế ít ngày rồi lại lặng lẽ trở về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Việc duy nhất mà Đại tá Thanh Tịnh đã làm trong những ngày ở Huế là viết một lá đơn xin bảo lãnh cho một đại tá ngụy là chồng người vợ cũ của mình. Con gái lớn đã đi ra nước ngoài. Con trai thứ sống ở Nha Trang. Ông đã kể lại câu chuyện riêng của mình với một nụ cười buồn bã.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tên tuổi Thanh Tịnh được gắn liền với những tập truyện ngắn. Nhưng trên con đường nghệ thuật của mình, nơi ông thử sức đầu tiên lại thuộc về lĩnh vực thơ ca. Thanh Tịnh xuất hiện và được "định vị" ngay trên thi đàn vào những năm đầu của phong trào Thơ Mới, năm 1936, bài thơ “Rồi một hôm” của ông đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ do Hà Nội báo tổ chức. Một số bài thơ khác như “Mòn mỏi” in trên báo Tinh hoa, “Tơ trời với tơ lòng” in trên báo Phong Hoá vừa xuất hiện đã gây được tiếng vang trong công chúng.

Những câu thơ lãng mạn, mang phong vị ngậm ngùi buồn man mác đã làm xao xuyến trái tim bao người đọc ngay từ khi mới ra đời. Thơ Thanh Tịnh nhẹ nhàng, êm ái giống như văn ông, và cái đặc sắc của nó nằm ở những lời, những ý đậm đà hương sắc, cảnh vật của làng quê Việt Nam.

Thơ Thanh Tịnh có nhiều câu gần gũi với âm hưởng ca dao. Thế mạnh đó của ông ngày càng được phát huy. Sau này có rất nhiều câu thơ của Thanh Tịnh được lan truyền trong nhân dân với tư cách là những câu ca dao.

Thanh Tịnh làm thơ không nhiều, nếu so với các "chủ tướng" của phong trào Thơ Mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... Nhưng với những bài thơ đã có, ông cũng đã được người đời biết đến với danh hiệu nhà thơ, đã được ghi nhận như là một trong những gương mặt đã góp phần tạo nên "một thời đại mới trong thi ca" - thời kỳ Thơ Mới.

Tên tuổi của nhà thơ Thanh Tịnh được nhiều người biết đến rộng rãi hơn khi tập truyện ngắn “Quê mẹ” của ông ra đời vào năm 1941. Từ khi xuất hiện cho đến nay “Quê mẹ” đã gắn liền với cuộc đời Thanh Tịnh và trở thành một dấu ấn quan trọng trong hành trình nghệ thuật của ông. Bao trùm lên toàn bộ tập truyện là một tình cảm êm dịu nhẹ nhàng của người dân vùng quê xứ Huế. “Quê mẹ” cũng như những tập truyện ngắn sau này phần lớn đều viết về Huế, nơi Thanh Tịnh sinh ra và lớn lên, đầy kỷ niệm.

Nhiều truyện ngắn của ông mang đầy phong vị Huế và tạo riêng cho ông một thi pháp văn xuôi độc đáo. Là một nhà thơ lãng mạn, Thanh Tịnh đã mang vào truyện ngắn chất trữ tình sâu lắng. Tập “Quê mẹ” man mác tình quê hương, tình người, từng trang viết của ông thấm đượm hương vị làng quê, một làng quê miền Trung với những vẻ đẹp thanh bình, êm ả nhưng cũng không hiếm những cảnh đời khổ đau, ngang trái.

Đọc truyện ngắn của Thanh Tịnh, chúng ta cảm nhận rất rõ điều này. Một làng quê nhỏ bé đã là cái nôi tâm hồn nuôi dưỡng những tác phẩm của ông. Ở đó chúng ta gặp gỡ và đồng cảm với tác giả trong mối tình quê rung rinh, lai láng trong khung cảnh sông nước ruộng đồng. Dường như tâm hồn ông gần gũi và ưa thích với những vẻ đẹp nhè nhẹ, những nét buồn lặng lặng...

Truyện ngắn Thanh Tịnh kể về một bến đò hiu hắt, một dòng sông với con đò dọc ẩn hiện những lời trao duyên tình tứ, về nỗi nhớ quê mẹ của một người con gái đi lấy chồng xa, về một nhà ga nho nhỏ giữa cánh đồng với con tàu bỏ lại đằng sau nó những hoài niệm về một tình yêu không bao giờ tới, về nỗi lòng bịn rịn của một cô gái quê khi phải chia tay với người bạn trai sau mùa gặt hái.

Đọc những truyện ngắn của Thanh Tịnh, người ta thường ít chú ý đến cốt truyện mà chỉ nhớ cái không khí, cái dư vị quyến luyến ngọt ngào, có pha chút ngậm ngùi buồn thương. Cảm giác ấy lắng sâu trong tâm hồn người đọc và cùng với cảm giác đó là một âm hưởng buồn buồn thấm thía qua những trang văn. Phong cách truyện ngắn của nhà văn Thanh Tịnh sớm định hình và tương đối nhất quán.

Từ “Quê mẹ”, “Chị và em” rồi đến “Ngậm ngải tìm trầm”, giọng điệu của ông không mấy thay đổi. Cái tôi của tác giả khiêm nhường đứng đằng sau những con người bình thường và nhỏ bé. Cái tôi của những cảm giác, cảm xúc mơ hồ, thoáng qua rất khó nắm bắt. Thanh Tịnh tập trung sự chú ý của mình vào đời sống nội tâm của nhân vật, đặc biệt là những xao động bất chợt, những giây lát gặp gỡ tình cờ mà làm khuấy động cả một nếp sống thường ngày bình lặng.

Tác phẩm của Thanh Tịnh đậm chất trữ tình, trong sáng và gợi cảm. Thạch Lam đã nhận xét rằng ở Thanh Tịnh "truyện ngắn nào hay đều có chất thơ và bài thơ nào hay đều có cốt truyện". Cùng với một số nhà văn như Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Ngọc Giao, Đỗ Tốn, Thanh Châu… các truyện ngắn của Thanh Tịnh đã góp phần làm nên dòng truyện ngắn trữ tình đặc sắc trước năm 1945. Bản thân Thanh Tịnh cũng ý thức về điều này. Khi Hồ Dzếnh mất, ông làm bài thơ viếng: Đời xếp anh, tôi với Thạch Lam/ Ngồi chung một chiếu Hội Văn đàn/ Chao ôi! chiếu đã hai lần lạnh/ Còn lại mình tôi trên thế gian.

Tôi có may mắn được biết nhà thơ Thanh Tịnh từ nhỏ. Ông vốn là bạn và là người đồng hương miền Trung với cha tôi - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Nhưng cho đến năm 1983 khi Viện Văn học tổ chức làm tập sách Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, được cử đến làm việc với ông, tôi mới có dịp hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.

Qua hồi ký “Độc tấu và hành trình theo kháng chiến” của ông, chúng tôi hiểu điều gì đã khiến cho một thi sĩ lãng mạn nổi danh từ thời tiền chiến như Thanh Tịnh đến với Cách mạng, hoà nhập và gắn bó hết lòng với thực tế kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ. Đó chính là tình yêu đối với con người, với quê hương đất nước, là sự nhạy cảm bản năng của người nghệ sĩ.

Cũng trong thời gian này, ông đã khai sinh ra thể loại độc tấu, một thể loại lai tạo giữa thơ và kịch, vừa đi vừa viết vừa diễn, bộ môn nghệ thuật được coi là khinh binh và xung kích..

Lúc sinh thời, Thanh Tịnh thường hay nói đùa vui, tếu táo để che giấu nỗi buồn riêng. Có lần vào thăm ông trong Bệnh viện Quân đội 108, ông nói: Bác đã nói với các anh ở Tạp chí Sông Hương. Khi nào tôi chết cho xin một khung nhỏ nhưng đừng đề là tin buồn hoặc cáo phó mà hãy đề: Tin vui. Nhà thơ Thanh Tịnh đã trở về Quê mẹ". Nhà văn Đỗ Chu đã nói về tuổi già và nỗi cô đơn của ông bằng một câu thơ thật nhói buốt: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân [đường xa gió lạnh thổi dồn vào một người].

Thanh Tịnh sinh năm 1911, ông bảo là mình cùng tuổi với Nhà hát Lớn Hà Nội và mất vào mùa hè năm 1988, nhưng đến ba năm sau ông mới được về cư ngụ bên sườn núi Thiên Thai, phía Tây thành phố Huế. Ngôi mộ ông hình đoá sen tròn nằm trên đồi thông tĩnh lặng và trong trẻo trong lòng Quê mẹ

Chủ Đề