Lãi suất cuối năm 2023

Sau thông tin tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ [Fed] và trước đó nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng thông báo điều chỉnh tăng với lãi suất trong nước, Ngân hàng Nhà nước [NHNN] đã ngay lập tức đưa ra con số mới với lãi suất điều hành.

Theo đó, lãi suất điều hành tăng 100 điểm cơ bản, đánh dấu về lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011. Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu được nâng lên lần lượt là 5% và 3,5%; trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%.

Dẫu biết động thái trên sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ở nhiều khía cạnh, tuy nhiên đây là việc "chẳng đặng đừng" trước sức ép mất giá của tiền đồng khi Fed tăng lãi suất, sự đe dọa của lạm phát và nhiều biến số vĩ mô khác, những mục tiêu quan trọng của nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Từ nay đến cuối năm, các quan chức của Fed đã đưa ra quan điểm có phần “diều hâu” hơn về việc thắt chắt chính sách tiền tệ, khi dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm nay và 4,5-4,75% vào cuối năm 2023. Trong bối cảnh này, trong nước, áp lực với tỷ giá vẫn là câu chuyện chính và việc lãi suất điều hành có thể đứng im sẽ là điều không dễ.

Trong báo cáo mới nhất, VNDirect cho rằng, "chúng tôi kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ không tăng thêm trong năm 2022 vì mức tăng 100 điểm lần này đã chuẩn bị cho việc Fed tăng lãi suất điều hành thêm 125-150 điểm vào cuối năm 2022". Và theo các chuyên gia dự đoán, thay vì cuối năm nay thì NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong 2 quý đầu của năm 2023 để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tỷ giá.

Ngược lại với ý kiến trên, SSI Research lại chỉ rõ, cuối năm nay, "không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá".

Theo giải thích của SSI Research, chỉ trong vòng một tháng qua, NHNN đã nâng tỷ giá bán đô la Mỹ lên 2 lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng mỗi đô la. Hiện tại cung - cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện.

Trong khi đó, "khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF", do đó, đến cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao, có thể là nguyên nhân của một đợt tăng lãi suất điều hành mới.

Theo đại diện của NHNN trả lời trong cuộc họp báo gần đây, việc tăng lãi suất điều hành giống như "cuộc chiến tiền tệ" trước sự phá giá của các đồng tiền trên thế giới. Thực tế, từ nay đến cuối năm, vĩ mô thế giới sẽ còn tiềm ẩn nhiều biến động. "Cuộc chiến tiền tệ" có lẽ sẽ còn tiếp diễn khi mà rất khó tìm được một lý do chính đáng để neo giữ sự bình ổn.

Tăng lãi suất, doanh nghiệp gặp khó

Nhìn lại đợt tăng lãi suất điều hành vừa qua, dù muốn hay không, vẫn đang châm ngòi cho một cuộc đua lãi suất huy động giữa các nhà băng. Tuần qua, hầu hết các ngân hàng đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 30-100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn. 

Khả năng các nhà ngân hàng sẽ phải giảm NIM trong năm nay và điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngành ngân hàng. 

Tuy nhiên, gánh nặng của ngân hàng lại được san sẻ cho doanh nghiệp và chính doanh nghiệp mới là đối tượng gánh chịu "thiệt đơn thiệt kép" nhiều nhất. Một mặt, lãi suất tăng khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí vốn, là đội chi phí đầu vào sản phẩm, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh ảnh hưởng khi khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.

So sánh mức thay đổi lãi suất điều hành của Việt Nam với một số nước trong khu vực. Nguồn: VNDirect

Mặt khác, các doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá bán hàng hóa và điều này lại ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng người dân, từ đó gây khó khăn cho họ trong việc mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, giảm nhu cầu tuyển dụng lao động...

Lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ không được như kỳ vọng và chắc chắn mức định giá cổ phiếu doanh nghiệp bị giảm. 

Tuy nhiên theo Tien Phong Securities [TPS], có thể khó khăn này chỉ là trước mắt, bởi tăng lãi suất, ổn định lạm phát và các biến số vĩ mô lại được xem là mục tiêu quan trọng qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho chính các doanh nghiệp. Đó cũng là tiền đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường tài chính trong dài hạn, TPS nhận định.

Giới chuyên gia kỳ vọng, việc tăng lãi suất huy động ở thời điểm này sẽ thu hút được lượng lớn tiền gửi nhàn rỗi từ người dân và các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng mặt khác, cũng dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ biến động tăng theo.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng trái với mức tăng cao của tín dụng, tăng trưởng huy động toàn hệ thống mới chỉ đạt 4,17% so với cuối năm 2021, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động. Vì vậy, trong bối cảnh các nhà băng “khát” tiền gửi, việc tăng lãi suất huy động một mặt giúp giảm căng thẳng về thanh khoản; nhưng mặt khác, khi chi phí đầu vào tăng thì lãi suất cho vay cũng khó tránh biến động.

Đua tăng lãi suất tiền gửi

Ngay sau khi các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đồng loạt tăng lãi suất huy động, các ngân hàng thuộc nhóm “big 4” gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam [Agribank], Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam [Vietcombank], Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam [VietinBank] và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam [BIDV] cũng tăng theo. Cụ thể, theo biểu niêm yết Vietcombank cập nhật ngày 29/9, lãi suất tiết kiệm tăng mạnh từ 0,8-1,3%/năm ở các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank tăng 1% lên 4,1 - 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8% lên 6,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng cũng tăng 1% lên 6,4%/năm. VietinBank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng-dưới 3 tháng thêm 1% lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8% lên 6,4%/năm. Agribank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 4,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 6,4%/năm. Trong khi đó, BIDV điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng kịch trần 1% lên 4,1%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng lên mức 4,4%/năm. Riêng mức lãi suất các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại BIDV đã có sự chênh lệch, thay vì bằng nhau như trước đó, cụ thể kỳ hạn 6 tháng tăng 0,7% lên 4,7%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,8% lên 4,8%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 12-36 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,8% lên mức 6,4%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm cũng tăng mạnh lên trên 5%/năm. Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Bộ phận phân tích chứng khoán SSI [SSI Research], trong tuần từ 19/9 đến 23/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục sử dụng các công cụ hoạt động thị trường mở nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ và gián tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Cụ thể, cơ quan này đã phát hành 73,8 nghìn tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, tăng 65,5% so với tuần trước. Lãi suất phát hành đạt 4,5% [tăng 50 điểm cơ bản so với tuần trước] trong bốn ngày đầu tuần và tăng lên 5,0% vào phiên giao dịch thứ 6. Nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình hằng ngày đạt 1.000 tỷ đồng và lãi suất cũng được điều chỉnh tăng dần và kết tuần đạt 5,5% [tăng 90 điểm cơ bản].

Như vậy có thể thấy, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng. Và theo dự báo của giới chuyên gia, thời gian tới, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng để các nhà băng có thể huy động lượng tiền nhàn rỗi từ người dân cũng như các tổ chức trong bối cảnh tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay luôn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đưa ra dự báo, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3%-0,5% từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại [bình quân] tăng lên mức 6,1%-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Sang năm 2023, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Vì vậy, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại [bình quân] tăng lên mức 6,6%-6,8%/năm vào cuối năm 2023.

Áp lực với lãi vay

Trên thực tế, lãi suất huy động đã tăng trong một thời gian dài, nên lãi suất cho vay đã bắt đầu “rục rịch” tăng theo. Chị Nguyễn Kim Oanh, một khách hàng đang có khoản vay mua ô-tô tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong [TPB] chia sẻ, hai năm qua do tác động của dịch Covid-19 nên lãi suất cho vay được ngân hàng giữ ổn định tại mức 11,2%/năm.

“Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 20/6, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, áp dụng tại mức 11,4%/năm và ngày 19/9, ngân hàng lại gửi thông báo lãi suất áp dụng cho khoản vay là 11,9%/năm. Với việc các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động từ ngày 23/9, tôi cũng không biết ở kỳ điều chỉnh ba tháng tiếp theo ngân hàng sẽ tăng tiếp lên mức bao nhiêu nữa”, chị Oanh lo lắng.

Chia sẻ với nỗi lo lắng của những khách hàng như chị Oanh, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại sẽ khiến cho lãi suất cho vay khó có thể giữ được ở mức thấp. Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mặt bằng lãi suất huy động đi lên sẽ khó tránh được việc lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1% - 1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2% với hạn mức 40.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân [Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh] cũng cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành thời điểm này là cần thiết, không chỉ kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, mà còn giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng. Thông thường, lãi suất huy động tăng sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên. Tuy nhiên, do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương ổn định lãi suất cho vay, nên các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất cho vay, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, mà phải tiết giảm chi phí hoạt động. Song với một số lĩnh vực không phải ưu tiên, lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng khẳng định, dù tăng lãi suất điều hành nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là để phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện nay. Theo đó, khi lãi suất tiết kiệm tăng sẽ kích thích lượng tiền gửi vào ngân hàng, bảo đảm thanh khoản dồi dào để cho vay khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu ■

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề