Làm cách nào để đưa ra phản hồi cho học sinh khi các em nói chưa đúng?

Làm thế nào để cung cấp phản hồi hiệu quả cho học sinh?

On Th22 11, 2020

Phản hồi là một công cụ quan trọng giúp học sinh học tập hiệu quả. Mục đích chính của phản hồi nhằm cho người học biết mức độ làm chủ kiến thức, kĩ năng và cách để có thể cải thiện. Phản hồi đi kèm với hướng dẫn rõ ràng sẽ là một công cụ quan trọng đối với quá trình học tập.

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi muốn đưa ra một số cách để đưa phản hồi hiệu quả đến người học.

  1. Cung cấp phản hồi và sự quan tâm

Cung cấp phản hồi là một chiến thuật hiệu quả cải thiện việc học của học sinh. Nó dựa trên việc đối chiếu kết quả học tập với các mục tiêu và chỉ ra những cách để học sinh có thể cải thiện. Khi giáo viên đưa phản hồi đến người học đó cũng là cách để thể hiện sự quan tâm đến học sinh. Đồng thời với đó, sự quan tâm cũng sẽ làm cho các phản hồi của giáo viên trở nên hiệu quả hơn, người học cũng dễ dàng tiếp thu và điều chỉnh quá trình học tập của bản thân.

  1. Lựa chọn thời điểm

Mọi yếu tố xảy ra trong cuộc sống đều có những thời điểm nhất định. Do đó, phản hồi cũng phải đến đúng thời điểm để học sinh thực hiện các điều chỉnh liên quan đến mục tiêu đã xác định trước. Khi học sinh được đưa ra phản hồi vào một thời điểm thích hợp, nó sẽ thúc đẩy học sinh suy ngẫm về các kết luận của giáo viên.

Các phản hồi có thể diễn ra trong quá trình học sinh thực hiện hoạt động, khi giáo viên phát hiện ra những sai sót/vấn đề có thể điều chỉnh luôn để giúp học sinh tránh được những sai lầm không cần thiết. Phản hồi cũng có thể được đưa ra sau khi hoạt động đã kết thúc, giáo viên có thể sử dụng kết quả/sản phẩm học tập của học sinh làm cơ sở thúc đẩy học sinh suy ngẫm và sau đó đưa ra những nhận xét cần thiết để học sinh có thể phát huy những điểm tốt và cải thiện những điểm còn thiếu sót.

  1. Cung cấp giải pháp cho các câu hỏi “Ở đâu” và “Cái gì”

Mục đích chính của phản hồi là sửa chữa các vấn đề lớn liên quan đến học tập hoặc hành vi. Phản hồi của giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh đi đúng đường bằng cách trả lời các câu hỏi “Tôi đã sai ở đâu? ” và “Tôi có thể làm gì để sửa chữa/khắc phục?” Đây là những câu hỏi thường nảy sinh trong đầu của học sinh khi nhận được các đánh giá về kết quả học tập.

Những phản hồi chung chung như “làm tốt” “cần cố gắng” “cần phát huy” sẽ là những phản hồi không hiệu quả, nó không giúp học sinh nhận ra những gì mình làm tốt và chưa tốt và đương nhiên sẽ không thể khắc phục được nó.

  1. Phản hồi nên đưa ra cả điểm mạnh và điểm yếu

Phản hồi mang tính xây dựng sẽ tạo động lực và thúc đẩy học sinh cải thiện bản thân. Giáo viên nên chú ý đến điều này khi cung cấp phản hồi cho học sinh. Trong các phản hồi, giáo viên không phải chỉ tập trung vào những điểm yếu của học sinh mà còn phải giúp học sinh nhận ra điểm mạnh của bản thân. Hãy nhớ đến trải nghiệm khi chúng ta còn là học sinh, khi nhận được lời khen ngợi về những mặt tích cực của bản thân, tất cả chúng ta đều cảm thấy sung sường, tự hào và có thêm nguồn cảm hứng để tiếp tục nỗ lực, cố gắng.

Việc đưa ra cả điểm mạnh và điểm yếu trong các phản hồi còn khiến cho học sinh cảm nhận được sự quan tâm và công bằng của giáo viên. Nó tránh cho học sinh cảm giác bị “phê bình” quá nhiều, nó cũng giúp giáo viên tránh được cảm giác rằng họ đang soi mói lỗi sai của người học.

  1. Đa dạng phương thức phản hồi

Chúng ta thường phản hồi cho học sinh bằng cách nào? Đương nhiên rồi, chúng ta sẽ đưa ra những nhận xét trực tiếp trên lớp. Nhưng liệu rằng còn cách phản hồi nào hiệu quả hơn không? Có chứ, bạn có thể đưa ra phản hồi bằng văn bản, hoặc cho học sinh nhận xét, phản hồi lẫn nhau. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, bạn có thể sử dụng các công cụ công nghệ để đưa ra phản hồi đúng lúc, đúng chỗ, kịp thời cho học sinh của mình.

Việc đưa ra các phản hồi cũng không nên chỉ dừng lại ở một chiều từ phía giáo viên, bạn có thể phát triển nội dung phản hồi thành các cuộc trao đổi, thảo luận với học sinh, để chính học sinh cũng trở thành người đưa phản hồi về quá trình học tập của bản thân.

  1. Chia thành các giai đoạn để thực hành lại

Các phản hồi có thể cho phép bạn tập trung mọi suy nghĩ và nỗ lực để cải thiện quá trình học tập. Tuy nhiên, nếu các phản hồi quá nhiều và dồn dập, người học sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu, nên cải thiện những gì. Chính vì thế, khi đưa phản hồi, bạn nên chia thành các giai đoạn. Mỗi giai đoạn bạn lại tập trung vào một số lỗi/vấn đề cơ bản. Lời khuyên của các chuyên gia cho rằng, bạn không nên đưa ra quá 5 lỗi sai của học sinh trong một lần nhận xét. Vì nhiều quá đồng nghĩa với việc là không có sự thay đổi.

Ngay khi đưa ra các phản hồi, giáo viên cần vạch ra lộ trình và các cơ hội để học sinh thực hành, làm lại, sửa sai. Bởi lẽ, những lỗi sai sẽ vẫn chỉ là những lỗi sai và học sinh sẽ vẫn lặp lại nó nếu không có cơ hội thực hành, sửa sai và làm lại.

  1. Thúc đẩy sự tự tin của học sinh

Học tập là một nhiệm vụ của học sinh và không phải môn học nào cũng hấp dẫn. Học sinh này có thể thấy môn khoa học thú vị nhưng học sinh khác lại thấy rất khó. Chính vì vậy, khi đưa ra các phản hồi, giáo viên cần lưu ý để học sinh cảm thấy có được sự tự tin, tôn trọng sự khác biệt và không làm cho học sinh cảm thấy ngại hay xấu hổ.

Bên cạnh đó các phản hồi thường xuyên nên tập trung vào phát triển sự tự tin và năng lực của bản thân từ đó tích cực, chủ động và tự giác hơn trong quá trình học tập.

  1. Đối tượng cụ thể

Lớp học có bao nhiêu học sinh thì có bấy nhiêu năng lực, sở thích, tính cách, nhu cầu… Điều đó có nghĩa là giáo viên phải cá nhân hóa các phản hồi với từng nhóm đối tượng học sinh cụ thể. Có những học sinh thích nhận phản hồi trực tiếp nhưng cũng có những học sinh mong muốn nhận được phản hồi qua hình thức văn bản.

Bên cạnh đó, cùng một nhiệm vụ học tập nhưng mỗi học sinh lại có mức độ hoàn thành cũng như gặp phải các vấn đề khác nhau. Vai trò của người giáo viên là có thể nhận ra và có phản hồi chính xác về từng vấn đề mà cá nhân học sinh gặp phải cũng như cách để khắc phục chúng.

  1. Thúc đẩy quá trình suy ngẫm của học sinh

Phản hồi là một công cụ hiệu quả cho phép học sinh nhìn lại những gì chúng đã làm những lỗi mà chúng đã mắc. Nó cho phép học sinh quay lại các hành động trong quá khứ, thông qua phản hồi học sinh sẽ nhận ra những vấn đề của bản thân và biết cách cải thiện.

Trọng tâm của việc phản hồi đôi khi không phải là chỉ ra những lỗi sai hay khuyến khích những điều đã làm đúng, mục đích quan trọng nhất của phản hồi là thúc đẩy quá trình suy ngẫm của học sinh. Phản hồi phải biến việc suy ngẫm trở thành một thói quen của học sinh trong quá trình học tập. Nó cũng mang đến những kĩ thuật, chiến lược cụ thể để học sinh có thể sử dụng trong quá trình suy ngẫm/

  1. Phản hồi mang tính xây dựng

Các phản hồi không bao giờ được mang tính phê phán hay chỉ trích cá nhân học sinh. Các phản hồi phải rõ ràng, minh bạch, có bằng chứng cụ thể và không được mang cảm xúc cá cá nhân. Chính vì thế trong quá trình đưa phản hồi, giáo viên cần chú ý đến ngôn ngữ, giọng điệu và phong cách giao tiếp. Bằng cách đó giáo viên sẽ tối đa hóa được ảnh hưởng của các phản hồi làm cho nó trở nên tích cực và mang tính xây dựng đối với học sinh.

Có thể thấy, kết quả học tập của học sinh có mối liên hệ mật thiết với các phản hồi thường xuyên mà giáo viên đưa ra. Để phản hồi mang lại lợi ích cho học sinh, điều quan trọng là bạn phải có quan điểm khách quan và mang tính xây dựng. Khi đó, các phản hồi không chỉ giúp học sinh cải thiện quá trình học tập mà còn giúp bạn trở thành một người giáo viên hiệu quả.

Các thầy cô có thể tham khảo các ý tưởng tổ chức hoạt động dạy học trong bộ tài liệu: HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC – Ý TƯỞNG VÀ CÔNG CỤ

Táo Giáo Dục

Viết lời phê hay nghệ thuật phản hồi trong lớp

  • Nguyễn Hưng Quốc

Xem bình luận

Trong bài “Nghĩ về một bài luận văn bị điểm 0” vừa rồi, tôi có nhận xét về lời phê của giáo viên đối với bài luận văn bị xem là tục tĩu của một em học sinh lớp 12 trong nước: “Em cần xem lại đạo đức bản thân”. Tôi cho phê như vậy không những sai trong cách đánh giá mà còn sai cả về nguyên tắc sư phạm.

Nhưng nguyên tắc sư phạm trong việc viết lời phê như thế nào?

Dưới đây, tôi chỉ xin tập trung vào việc nhận xét và đánh giá của các thầy cô giáo trong các lớp ngôn ngữ. Một số nguyên tắc chung, tôi nghĩ, có thể ứng dụng cho việc dạy các môn khác.

Tôi gọi chung tất cả các nhận xét và đánh giá của thầy cô giáo, bao gồm cả các lời phê trên các bài làm của học sinh, là “phản hồi” [feedback].

1. Định nghĩa:

Phản hồi [feedback] bao gồm những nhận xét và đánh giá của giáo viên đối với các bài làm và bài tập của học sinh. Đó là một phần quan trọng trong nội dung giáo dục và là một trong những nhiệm vụ chính của giáo viên. Phản hồi có thể được chia thành hai loại chính:

Một, phản hồi tích cực nhằm khẳng định những cái đúng và sự tiến bộ của học sinh để biểu dương hoặc khuyến khích. Hai, phản hồi tiêu cực [negative feedback] hoặc còn gọi là sửa lỗi [error corrective feedback] nhằm chỉ ra những lỗi sai và sửa các lỗi sai ấy. Hai loại phản hồi ấy có thể được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau. Một, một cách nhẹ nhàng, bằng cách gật đầu hay cười khi học sinh nói đúng hoặc nói hay; lắc đầu nhẹ khi họ sai hoặc làm điều gì không phải; nhắc lại chữ mà học sinh phát âm sai nhưng không cần giải thích [recast]. Hai, một cách chi tiết hoặc bằng lời nói [khi khen hay sửa lỗi của học sinh] hoặc bằng văn viết [sau mỗi bài làm, bài tập hay luận văn của học sinh].

2. Chức năng:

Dù dưới hình thức hay mức độ nào thì phản hồi, nói chung, cũng có năm chức năng chính là giúp học sinh:
  1. Nhận ra lỗi sai để sửa
  2. Nhận ra mặt yếu của họ để cố gắng khắc phục
  3. Nhận ra mặt mạnh của họ để tiếp tục phát huy
  4. Biết được họ đang ở đâu so với những mục tiêu được đề ra cho khoá học
  5. Nhận thức về những tiến bộ mà họ đã đạt được
Ý nghĩa của việc phản hồi trong các lớp ngôn ngữ khác hẳn các ngành học khác.

Thứ nhất, các lỗi của học sinh đều có tính chất cá nhân và do đó, chỉ có thể sửa hay khắc phục thông qua cá nhân. Ví dụ, trong giờ học toán, sau mỗi bài tập, giáo viên chỉ cần đưa ra bài đáp mẫu, từ đó, học sinh có thể hiểu ngay tức khắc là mình đúng hay sai; nếu sai, sai chỗ nào. Trong giờ ngôn ngữ, ngược lại, mỗi bài làm của học sinh, dù về một đề tài chung, vẫn có những chỗ sai khác nhau. Do đó, một đáp án mẫu do giáo viên đưa ra sẽ không có ý nghĩa gì nhiều. Giáo viên cần phải nhận xét từng bài. Mà không phải chỉ nhận xét suông.

Sau khi chỉ ra chỗ sai, giáo viên cần chỉ cả cách sửa các lỗi sai ấy.

Thứ hai, các lỗi sai của học sinh học ngôn ngữ thứ hai thường nhiều và để sửa hay khắc phục, cần rất nhiều thời gian. Do đó, giáo viên cần phải có cả một chiến lược phản hồi trong dài hạn. Ví dụ, trong một, hai học kỳ đầu tiên của lớp tiếng Việt dành cho người ngoại quốc, đừng quan tâm quá nhiều đến việc sửa cách phát âm các thanh điệu. Quan tâm, đã đành; nhưng đừng quan tâm quá mức. Phải xem các sai sót của họ là điều có thể chấp nhận được và sẽ giải quyết dần dần. Với học sinh Việt Nam ở hải ngoại cũng vậy, ở giai đoạn đầu, nên có thái độ khoan dung với việc bỏ dấu thanh điệu: Đó là một công việc cần nhiều thời gian, không thể giải quyết ngay tức khắc.

3. Phân loại:

Phản hồi có thể được chia thành hai loại chính:
  1. Phản hồi tích cực [positive feedback]: Ghi nhận những thành quả mà học sinh đạt được, từ những thành quả nhỏ nhất như dùng một từ đúng đến những thành quả lớn như viết được một bài văn xuất sắc.
  2. Phản hồi tiêu cực hay còn gọi là sửa lỗi [corrective / negative feedback]: Nhắc học sinh những lỗi họ mắc phải, từ những lỗi nhỏ nhất như cách phát âm, chính tả, cách dùng từ đến kiến thức và cách hành xử trong lớp.
Hai loại phản hồi trên có thể xuất hiện dưới hai hình thức chính: nói và viết.
  1. Phản hồi nói: Khi học sinh đang thực tập nói hoặc thảo luận trong lớp.
  2. Phản hồi viết: Khi chấm bài tập hoặc bài làm của học sinh.
4. Chiến lược phản hồi nói: Cũng bao gồm hai loại phản hồi chính nêu trên, tích cực và tiêu cực.
  1. Phản hồi tích cực. Khi học sinh nói đúng, giáo viên nên có phản hồi ngay tức khắc để, thứ nhất, học sinh ấy biết là mình đúng; thứ hai, các học sinh khác cũng biết như vậy là đúng; và thứ ba, để học sinh ấy thêm tự tin. Phản hồi tích cực có thể được tiến hành bằng ba cách chính, từ thấp đến cao:
    • Xác nhận: Gật đầu và cười khi học sinh nói đúng.
    • Khuyến khích: Ghi nhận sự tiến bộ hay cố gắng của học sinh. Ví dụ: “Em phát âm phụ âm ng được rồi đó! Em thử lại lần nữa xem sao? Đúng rồi, em phát âm chữ ‘nghi ngờ’ rất đúng. Chữ ‘nguyễn’ khó hơn một chút, em thử phát âm lại xem sao.”
    • Khen ngợi: “Em nói rất chính xác”; “Không ngờ em biết nhiều về Việt Nam đến vậy!”
  2. Phản hồi tiêu cực. Khi học sinh nói sai, tuỳ trường hợp, giáo viên nên sửa ngay hoặc chờ em nói xong.

    Có hai cách sửa chính:
    • Đưa ra câu trả lời đúng ngay [giving-answer strategies], bao gồm các hình thức:
    • Lặp lại chữ hay câu nói sai của học sinh để lưu ý là em sai. Ví dụ, học sinh: “Hôm qua, em đọc thư viện.” Giáo viên: “Em đọc thư viện?” Học sinh: “Xin lỗi. Hôm qua, em đọc sách ở thư viện.” Giáo viên [gật đầu]: “Vâng, đọc sách ở thư viện.”
    • Sửa ngay những chữ các em nói sai. Ví dụ, học sinh: “Hôm qua, em đến nhà lúc 12 giờ khuya.” Giáo viên: “Về nhà.”
    • Giúp học sinh trả lời khi các em không biết hoặc biết nhưng không chắc chắn. Ví dụ, học sinh: “Tiếng Việt có nhiều phương ngữ: phương ngữ miền Bắc, phương ngữ....” Giáo viên: “miền Trung và miền Nam.”
    • Gợi ý cho học sinh tự tìm câu trả lời đúng [prompting-answer strategies]: Giáo viên không đưa ra câu trả lời đúng ngay mà chỉ gợi ý để học sinh tự suy nghĩ và tìm kiếm. Cách này bao gồm hai hình thức chính:
    • Nêu lên đầu mối siêu ngôn ngữ [meta-linguistic cues]: Giáo viên đưa ra một số thông tin chung quanh vấn đề hoặc một số nguyên tắc ngữ pháp để học sinh tự tìm câu trả lời. Ví dụ, học sinh: “Nhà em có một chó và hai mèo.” Giáo viên: “Sau số từ, cần có loại từ.” Học sinh: “Nhà em có một con chó và hai con mèo.”
    • Làm sáng tỏ câu hỏi: Khi học sinh đáp sai vì hiểu nhầm câu hỏi, giáo viên cần nhắc lại hoặc nói rõ hơn về câu hỏi. Giáo viên: “Hôm nay ngày mấy?” Học sinh: “Hôm nay Thứ hai.” Giáo viên: “Thầy/cô hỏi ngày chứ không phải thứ.” “Học sinh: “Hôm nay ngày 29.”
5. Chiến lược phản hồi viết: Khi chấm bài viết của học sinh, giáo viên cần làm ba điều:
  1. Phát hiện những điểm hay [ví dụ, một cách dùng từ xuất sắc, một cách cấu trúc câu độc đáo hoặc một cách nhập đề hay kết luận ấn tượng] và những điểm sai [trong chính tả, từ vựng, cú pháp hay kiến thức và lập luận].
  2. Giải thích và sửa những lỗi sai ấy.
  3. Đánh giá tổng quát về những mặt mạnh và mặt yếu của bài viết.
6. Nguyên tắc phản hồi
  1. Phản hồi càng sớm càng tốt. Nếu học sinh đang nói, nên sửa ngay lúc em đang nói hoặc khi em vừa nói xong. Nếu là bài viết thì nên chấm và trả lại bài viết với các phản hồi vào buổi học kế tiếp.
  2. Mọi phản hồi đều căn cứ trên những gì học sinh nói hoặc viết. Tuyệt đối không nhắm vào tính cách của học sinh. Ví dụ, viết “Nhận xét này rất tinh tế” thay vì “em là người rất tinh tế”, hoặc “em nên cố gắng viết chữ rõ và trình bày sạch sẽ hơn” thay vì “em cẩu thả lắm”; hoặc “tiếng Việt có sáu thanh chứ không phải năm thanh. Không dấu cũng là thanh - thường gọi là thanh ngang” thay vì “sao chuyện đơn giản vậy mà em cũng không biết?” v.v.
  3. Ý kiến phản hồi nên mang tính miêu tả một cách cụ thể. Nếu học sinh sai, sai như thế nào? Nếu hay, hay ra sao? Tránh viết quá chung chung.
  4. Luôn luôn bám sát vào những mục tiêu đã được đề ra để đánh giá và từ đó, phản hồi. Không đòi hỏi học sinh những gì nằm ngoài mục tiêu của bài làm hay bài học. Và cũng không cần vội sửa những lỗi sai quá phổ biến và gần như không thể tránh được ở những người mới học tiếng Việt [ví dụ phát âm chưa đúng các thanh điệu].
  5. Cần quân bình giữa phản hồi tích cực và tiêu cực. Không nên chỉ chê và sửa sai. Cần nêu lên những ưu điểm để tránh làm học sinh mất tự tin. Lời phản hồi tích cực nên đi trước lời phản hồi tiêu cực.
  6. Nhiều nhà giáo dục còn khuyên: không nên dùng bút đỏ để phê bài học sinh. Nó gợi cảm giác đe doạ. [Một số trường còn biến lời khuyên này thành một mệnh lệnh: Cấm dùng!]
  7. Cần khen ngợi học sinh. Nhưng nên vừa phải và thành thực. Tuyệt đối tránh ấn tượng là sáo rỗng hoặc giả dối.
  8. Mọi phản hồi đều có tính chất riêng tư, chỉ dành cho học sinh được nhận. Cho người khác xem hay không là quyền của học sinh ấy. Giáo viên không nên để học sinh đọc phần phản hồi về một học sinh khác, nhất là đối với các phản hồi có tính tiêu cực.
  9. Điều quan trọng nhất cần nhớ: Mục tiêu chính của phản hồi là giúp học sinh tiến bộ và duy trì động cơ học tập chứ không phải để họ chán nản, tuyệt vọng và mất tự tin.

    * Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Toplist mới

Bài mới nhất

Chủ Đề