Mổ u xơ tuyến vú hết bao nhiêu tiền năm 2024

Sinh thiết vú hay sinh thiết tuyến vú là một trong những kỹ thuật quan trọng để bác sĩ lâm sàng biết được khối u ở ngực người bệnh là u lành tính hay ác tính. Có nhiều phương pháp để chẩn đoán khối u vú như chọc hút bằng kim nhỏ, sinh thiết lõi kim, sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không…

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Khi được chỉ định sinh thiết vú, người bệnh thường lo lắng do không biết chính xác sinh thiết vú là gì, sinh thiết vú để làm gì, sinh thiết vú có đau không, sinh thiết vú bao lâu có kết quả,… Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về kỹ thuật sinh thiết vú thường gặp trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú của phụ nữ.

Sinh thiết vú là gì?

Sinh thiết vú là một kỹ thuật lấy mẫu mô từ tuyến vú để quan sát trên kính hiển vi nhằm tìm tế bào ung thư. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thủ thuật này khi người bệnh có một khối u, cộm ở ngực, có thể cảm nhận bằng tay hoặc phát hiện tình cờ qua kiểm tra tuyến vú tại cơ sở y tế. Có nhiều cách để lấy một phần mô tuyến vú, bao gồm:

  • * Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ [FNA]: Thủ thuật đơn giản với kim đầu nhỏ [tương đương kích thước kim lấy máu] cho phép bác sĩ lấy các tế bào của khối cộm trong mô vú đi làm xét nghiệm.
  • * Sinh thiết vú bằng kim lớn [CNB] hay sinh thiết lõi: Kỹ thuật này sử dụng một loại kim dài hơn, kích thước để lại trên da cỡ bằng hạt mụn nhỏ. Sau kỹ thuật bác sĩ sẽ lấy ra một mảnh mô cỡ bằng hạt gạo.
  • * Sinh thiết tuyến vú bằng thiết bị hút chân không [VAB]: Kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không có sự tương đồng với kỹ thuật sinh thiết bằng kim lớn. Tuy nhiên với sự hỗ trợ nhẹ nhàng của một máy hút chân không, mô vú được hút vào đầu kim khá nhiều, nhưng kim chỉ cần đưa qua da một lần khiến cho tổn thương để lại trên da rất nhỏ, gần như khó thấy.
  • * Sinh thiết qua phẫu thuật, còn gọi sinh thiết qua mổ hở: Khi sang thương của người bệnh quá lớn hay quá nghi ngờ ác tính, bác sĩ sẽ dùng dao để tạo một đường rạch trên da vú để lấy sinh thiết hoặc loại bỏ khối u đó một cách triệt để. Sau đó sẽ làm xét nghiệm mô học để đánh giá mức độ lành hay ác của khối này. Tất nhiên kỹ thuật này sẽ được làm trong phòng mổ và có gây mê.

Sinh thiết vú là một kỹ thuật cần độ chính xác cao. Do đó, hầu như các trường hợp lấy mẫu mô đều được bác sĩ thực hiện với sự định hướng của siêu âm vú, nhũ ảnh [chụp Xquang tuyến vú] hoặc trong một vài trường hợp là chụp cộng hưởng từ tuyến vú [MRI].

Tại sao phải thực hiện sinh thiết vú?

Sinh thiết tuyến vú là bước đầu để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, cho phép các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán chính xác khối u ở ngực của người bệnh là lành tính hay ác tính để đưa ra hướng điều trị hay xử trí phù hợp.

Mẫu mô vú của bạn sau thủ thuật sẽ được bảo quản và đưa đến phòng xét nghiệm chuyên biệt. Tại đây, mẫu mô sẽ được quan sát trên kính hiển vi, hoặc được “nhuộm” với những chất chỉ điểm ung thư gọi là xét nghiệm hóa mô miễn dịch. Thành quả sau khi đưa về cho bác sĩ của bạn sẽ là chính xác nhất.[1]

Sinh thiết vú giúp xác định khối u ở vú lành tính hay ác tính

Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Không phải tất cả những ai đến khám vú đều phải thực hiện sinh thiết tuyến vú. Tuy nhiên khi bạn có một số dấu hiệu nghi ngờ sau đây, bác sĩ thường sẽ tư vấn bạn thực hiện thủ thuật sinh thiết:

  • Một khối cộm ở vú mà sau khi khám và chụp nhũ ảnh đều gợi ý không phải khối u lành tính.
  • Một khối u ở vú kèm theo kết quả siêu âm vú có điểm số BIRADS từ 4 trở lên.
  • Một khối ở vú có các biểu hiện: chảy dịch bất thường, gây co lõm da vú, quầng vú, biến dạng đầu vú, hoặc căng đỏ như quả cam… tất cả đều là gợi ý của ung thư vú.
    Người bệnh được chỉ định sinh thiết vú khi có khối u ở vú

Thủ thuật sinh thiết ở vú sẽ không có chống chỉ định cụ thể. Trong một số bối cảnh đặc biệt, thì bác sĩ sẽ cân nhắc việc chỉ định hay không chỉ định cho bạn làm kỹ thuật này, chẳng hạn như:

  • Sang thương ở vú quá khó định hướng để lấy sinh thiết, dù đã thực hiện các loại hình ảnh học đặc biệt.
  • Bạn có bệnh lý gây rối loạn khả năng đông cầm máu nặng, hay đang sử dụng thuốc đông cầm máu để trị bệnh khác [thuốc kháng đông, aspirin,…].
  • Bạn có tiền căn dị ứng với thuốc gây tê hoặc gây mê.
  • Một số đặc điểm khó khăn khách quan khiến bạn không thể thực hiện thủ thuật như mô vú quá dày, cân nặng quá lớn, khiếm khuyết cơ thể,…

Quy trình sinh thiết vú như thế nào?

Tùy theo loại kỹ thuật sinh thiết vú bạn đang được làm mà quy trình có thể khác nhau đôi chút. Thông thường với kỹ thuật sinh thiết bằng kim [kim nhỏ, kim lớn, hay hút chân không] sẽ kéo dài không quá 1 giờ với kỹ thuật gây tê. Với sinh thiết bằng mổ hở, thường sẽ mất tầm nửa ngày [bệnh nhân về trong ngày] vì bạn sẽ được gây mê và nghỉ ngơi đến khỏe hẳn.[4]

Khi sinh thiết vú, bạn cần cởi bỏ phần áo phần thân trên, để bộc lộ mô vú là vùng cần sinh thiết.

  • * Với chọc hút tế bào bằng kim nhỏ và sinh thiết lõi kim: cả hai đều không cần rạch da và thực hiện thủ thuật tại phòng có máy siêu âm hoặc nhũ ảnh. Sau khi được gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ tiến hành đưa kim vào vùng mô đang nghi ngờ theo định hướng của siêu âm vú. Lấy mẫu mô thành công, bác sĩ sẽ rút kim và băng ép lại vị trí đã lấy sinh thiết để cầm máu. Bạn không cần phải may bất cứ mũi nào với các thủ thuật này.
  • * Với sinh thiết tuyến vú bằng thiết bị hút chân không: quy trình tương tự sinh thiết lõi, khác biệt ở điểm, bác sĩ sẽ dùng máy hút áp lực âm để hút được nhiều mô vú sau khi đưa kim vào mô cần sinh thiết. Thiết bị này tạo điều kiện lấy được nhiều mô với một mũi kim rất nhỏ, nên sau khi hoàn tất, bạn sẽ khó nhận ra mũi kim trên da.
  • * Với sinh thiết vú bằng phẫu thuật hay mổ hở: tùy theo khối u trên mô vú của bạn là lớn hay nhỏ, mà bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật gây tê tại chỗ kèm an thần nhẹ hay gây mê toàn thân để thực hiện sinh thiết cho bạn. Kỹ thuật sẽ bắt đầu bằng bước rạch da, tiếp theo bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy đi 1 phần hoặc toàn bộ mô tổn thương. Khi hoàn tất, bác sĩ sẽ may thẩm mỹ mô vú cho bạn bằng chỉ tự tiêu. Bạn thậm chí sẽ không nhận ra vết mổ sau vài tuần khi nhìn trước gương.[3]

Sau khi sinh thiết vú, bạn có thể ra về trong ngày và sinh hoạt như bình thường. Cần hạn chế tạo áp lực lên vùng được sinh thiết, nhất là sau thủ thuật sinh thiết lõi bằng kim lớn.

Người bệnh sau khi thực hiện sinh thiết vú có thể về nhà sinh hoạt như bình thường

Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật sinh thiết tuyến vú

1. Ưu điểm:

  • * Phần lớn các kỹ thuật sinh thiết vú bằng dụng cụ đều tuân theo nguyên tắc xâm lấn tối thiểu, nghĩa là lấy được đủ số lượng mô cần thiết chỉ với một lỗ kim nhỏ. Điểm chung là gần như không để lại sẹo trên da vú của bạn.
  • * Việc lấy các tế bào hoặc mẫu mô dưới sự định hướng của siêu âm vú, nhũ ảnh 3D, cộng hưởng từ tuyến vú, giúp việc lấy các mẫu mô nghi ngờ một cách chính xác. Góp phần tăng độ tin tưởng của kết quả lành hay ác tính của khối u hay hạch ở vú.
  • * Thời gian thực hiện sinh thiết nhanh, chỉ trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, không cần phải gây mê nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến công việc của bạn sau đó.
  • * Đặc biệt với phương pháp sinh thiết bằng phẫu thuật, được xem là kỹ thuật vừa chẩn đoán, vừa giúp can thiệp đặc trị khi khối u của bạn có nhiều đặc điểm “khả năng cao” là một khối mô ung thư. Có rất nhiều trường hợp bệnh ác tính ở vú được điều trị dứt điểm ngay từ giai đoạn sớm với phương pháp này.

2. Nhược điểm:

Không một kỹ thuật nào là hoàn hảo, dưới đây là một số nhược điểm bạn được làm sinh thiết:

  • * Xâm lấn tối thiểu là xu hướng của y học hiện đại, song không phải là phương pháp ưu việt nhất khi so sánh với các phương pháp cổ điển. Đôi khi việc sinh thiết tuyến vú một cách tối thiểu [như chọc hút tế bào bằng kim nhỏ FNA] không đánh giá được chính xác mức độ lan rộng của thương tổn. Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn việc sinh thiết lõi kim hay kim lớn để đánh giá chính xác hơn. Tình huống mà ngay cả kết quả sinh thiết kim lớn cũng không thể trả lời được rõ ràng, thì việc lấy trọn vẹn khối nghi ngờ ung thư đó qua sinh thiết phẫu thuật là điều cần thiết.
  • * Những kết quả không mong muốn thường gặp khi bạn sinh thiết vú đó là có thể để lại một vết bầm, một khối máu tụ nhỏ dưới da. Đây là những biến chứng ít ảnh hưởng đến kết quả và tự khỏi hoàn toàn sau vài ngày nên bạn hoàn toàn yên tâm.
  • * Bất kỳ thủ thuật nào mà có đâm thủng da đều có thể có nguy cơ nhiễm trùng. Do trên da của bạn có những vi khuẩn cộng sinh lẫn vi khuẩn có hại. Tuy nhiên nguy cơ nhiễm trùng cần phải dùng kháng sinh là rất thấp.
  • * Một tỉ lệ tuy rất hiếm nhưng bạn cần biết, đó là trường hợp những khối ở sát thành ngực, ở các chị em có ít mô vú có thể có nguy cơ đầu kim có thể làm chạm đến màng phổi, gây ra biểu hiện tràn khí dưới da, tràn khí quanh phổi hay chảy máu trong khoang này. Tất nhiên, các kỹ thuật chuyên môn chuẩn xác của bác sĩ có thể giúp bạn an tâm về những biến chứng này.

Các thắc mắc liên quan đến sinh thiết tuyến vú

1. Sinh thiết vú có đau không?

Thông thường với thủ thuật sinh thiết vú, người bệnh sẽ được gây tê một lượng vừa đủ để không cảm thấy khó chịu trong quá trình thực hiện sinh thiết. Ngay cả với kỹ thuật sinh thiết tuyến vú bằng mổ hở thì bạn vẫn có thể sinh hoạt lại như mọi ngày mà không cảm thấy quá khó chịu với vết rạch trên da.

2. Sinh thiết bao lâu có kết quả?

Sau khi sinh thiết, mô tuyến vú của người bệnh sẽ được chuyển đến phòng xét nghiệm trong ngày. Các mô này sẽ cần được nhuộm và soi dưới kính hiển vi, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, đánh giá tỉ mỉ và kết quả sẽ trả về trong vòng 1 tuần kể từ lúc thực hiện sinh thiết.

Thời gian trả kết quả sinh thiết vú thường trong 1 tuần từ lúc thực hiện sinh thiết

3. Sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không là gì?

Sinh thiết tuyến vú bằng thiết bị hút chân không là kỹ thuật sử dụng một máy tạo áp lực âm để hỗ trợ cho việc lấy mẫu.

Chiếc máy này được thiết kế gắn liền kim. Bác sĩ thực hiện thủ thuật sẽ đưa một ống kim có kích thước gần tương đương kim dùng trong sinh thiết lõi vào vú của bạn. Bên trong ống kim này chứa thiết bị sinh thiết dài từ 12-20mm. Trong quá trình lấy mẫu, lực hút từ máy sẽ lấy đi mô bướu, đồng thời sẽ đưa lượng thuốc tê vào ngay vị trí vừa hút, khiến bạn không cảm nhận được sự khó chịu.

4. Sinh thiết vú có nguy hiểm không?

Sinh thiết ở vú là một kỹ thuật mang tính an toàn, được thực hiện bởi bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn. Không những không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh, mà còn mang lại kết quả xét nghiệm chính xác cho các vấn đề đáng lo ngại ở vú.[2]

Tuy nhiên, người bệnh cũng nên thực hiện sinh thiết tuyến vú tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện sinh thiết.

5. Phần nào của ngực khó thực hiện sinh thiết?

Các vị trí tại ngực đều có kỹ thuật sinh thiết với độ khó như nhau. Độ khó trong kỹ thuật sinh thiết vú sẽ đánh giá dựa trên hình ảnh của khối u trong các xét nghiệm hình ảnh học như siêu âm hay nhũ ảnh. Một số trường hợp khó đòi hỏi phải dùng đến chụp nhũ ảnh tạo hình 3D hoặc cộng hưởng từ [MRI] tuyến vú.

6. Bệnh nhân có bị bầm, đau hay thay đổi màu da sau khi thực hiện sinh thiết vú không?

Một số thay đổi nhỏ thường thấy sau khi sinh thiết tuyến vú đó là mảng bầm máu nhỏ ngay tại lỗ kim. Đây hoàn toàn là biểu hiện bình thường của cơ thể tương tự như khi có một vết trầy trên da. Chúng sẽ trở lại bình thường sau 2-3 ngày nên người bệnh cũng không cần phải quá lo lắng về vấn đề này.

Trong một số trường hợp, người bệnh sau thủ thuật có thể có một chút khó chịu tại vị trí sinh thiết. Lúc này, có thể sử dụng loại thuốc giảm đau không kê đơn acetaminophen [paracetamol] để giảm cảm giác khó chịu.

7. Tỷ lệ sinh thiết vú cho kết quả dương tính với ung thư là bao nhiêu?

Sinh thiết tuyến vú là bước đầu để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán ung thư vú. Tùy vào kết quả mô bệnh học tại phòng xét nghiệm rằng mẫu mô từ tuyến vú của bạn có hay không có các tế bào ác tính, mà bác sĩ sẽ tham vấn cho bạn về chẩn đoán cũng như quá trình điều trị tiếp theo.

8. Làm thế nào để bác sĩ xác định sinh thiết nào là tốt nhất cho một bệnh nhân cụ thể?

Sau khi thăm khám và thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cần thiết, bác sĩ sẽ lựa chọn cho bạn về phương pháp thực hiện sinh thiết. Sự lựa chọn này sẽ tùy thuộc vào vị trí, số lượng mô cần lấy, và tính chất gợi ý ác tính mà bác sĩ có được thông qua việc khám và hình ảnh nêu trên.

9. Những rủi ro tiềm ẩn của sinh thiết vú là gì?

Sinh thiết vú là kỹ thuật an toàn, song một số rủi ro có thể gặp như bầm da, cảm giác đau nhẹ, chảy máu hay nhiễm trùng da quanh vị trí sinh thiết. Những biểu hiện này sẽ thuyên giảm trong vòng vài ngày sau thủ thuật mà không cần can thiệp gì khác.

Kỹ thuật sinh thiết vú có độ an toàn cao, ít rủi ro

Sinh thiết vú bao nhiêu tiền?

Tùy theo cơ sở y tế, bệnh viện và các yếu tố khác mà chi phí thực hiện sinh thiết vú thường có sự chênh lệch. Cụ thể, tại các bệnh viện có đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại và có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thì thường chi phí sẽ cao hơn.

Ngoài ra, làm sinh thiết vú bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào dịch vụ mà bạn thực hiện là gì. Dưới đây là bảng giá một số hạng mục sinh thiết vú tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh mà bạn có thể tham khảo:

Hạng mục

Chi phí [VNĐ]

Sinh thiết lõi tuyến vú dưới hướng dẫn siêu âm [1 sang thương]

2.000.000

Sinh thiết lõi tuyến vú dưới hướng dẫn siêu âm [2 sang thương trở lên]

3.200.000

Sinh thiết vú có hút chân không hỗ trợ [1 sang thương]

21.000.000

Sinh thiết vú bằng kim nhỏ có hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn SA

27.500.000

*Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.

Sinh thiết vú ở đâu?

Người bệnh nên thực hiện sinh thiết vú tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để đảm bảo hiệu quả cao.

Hiện nay, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với 2 cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là nơi được người bệnh tin tưởng đến thăm khám, thực hiện các xét nghiệm để tầm soát, chẩn đoán bệnh lý. Bệnh viện được trang bị các thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất, giúp hỗ trợ cho kết quả sinh thiết chuẩn xác nhất.

Bên cạnh đó, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong các lĩnh vực, giúp hỗ trợ bệnh nhân “bắt bệnh” chính xác và có phương hướng điều trị phù hợp, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị bệnh.

Để đặt lịch thực hiện sinh thiết vú hay khám, kiểm tra, tư vấn các bệnh lý khác tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Nhìn chung, sinh thiết vú là kỹ thuật an toàn. Do đó, hãy cứ thoải mái, thả lỏng khi thực hiện sinh thiết. Không nên căng thẳng hay lo lắng quá mức bạn nhé!

Chủ Đề