Mức khấu hao là gì

Khấu hao là khái niệm rất quen thuộc trong kinh tế nói chung và ngành kế toán nói riêng, tuy nhiên bản chất về khấu hao cũng như phương pháp tính khấu hao thì không phải ai cũng hiểu. Vậy khấu hao là gì? Có những phương pháp tính khấu hao nào?

Khấu hao [tiếng Anh là Depreciation] là việc định giá, tính toán và phân bổ một cách có hệ thống các giá trị của tài sản do sự hao mòn tài sản sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định. 

Hiểu một cách đơn giản, khấu hao chính là giá trị quy đổi thành tiền tệ của một tài sản. Giá trị đó được tính trên sự hao mòn của tài sản sau một thời gian sử dụng. 

Trong hoạt động doanh nghiệp, khấu hao tài sản cố định sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong một khoảng thời gian sử dụng tài sản cố định. 

Khấu hao tài sản cố định sẽ liên quan đến việc hao mòn tài sản, đó chính là sự giảm dần về giá trị và giá trị sử dụng do tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, có thể do hao mòn tự nhiên hoặc do tiến bộ khoa học công nghệ. Theo đó, một số tài sản cố định thường được tính vào khấu hao là máy móc, đồ nội thất, thiết bị văn phòng…

Máy móc, đồ nội thất, thiết bị văn phòng… là những tài sản cố định thường được tính vào khấu hao

Các phương pháp tính khấu hao 

Để tính toán khấu hao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, theo nghiệp vụ kế toán, sẽ có 3 phương pháp tính khấu hao được áp dụng hiện nay. 

Phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng

Phương pháp khấu hao theo đường thẳng hay còn gọi là khấu hao tuyến tính, là phương pháp tính khấu hao trong đó định mức khấu hao tài sản cố định là như nhau trong suốt thời gian sử dụng. 

Phương pháp tính khấu hao này là phương pháp đơn giản và thường được sử dụng nhất. Công thức tính như sau: 

Chi phí khấu hao hàng năm = Nguyên giá tài sản cố định/thời gian khấu hao 

Trong đó: Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng bằng số khấu hao phải trích cả năm chia cho 12 tháng.

Ví dụ: Ngày 24/12/2019 Công ty A mua mới một tài sản cố định với giá ghi trên hoá đơn là 119 triệu đồng, chiết khấu mua hàng là 5 triệu đồng, chi phí vận chuyển 3 triệu đồng, chi phí lắp đặt, chạy thử là 3 triệu đồng. 

Tài sản cố định này có tuổi thọ kỹ thuật là 12 năm, thời gian trích khấu hao của TSCĐ doanh nghiệp dự kiến là 10 năm. Tài sản được bàn giao và đưa vào sử dụng vào ngày 1/1/2020. Với các thông tin trên, ta dễ dàng tính được:

  • Nguyên giá TSCĐ = 119 triệu - 5 triệu + 3 triệu + 3 triệu = 120 triệu đồng
  • Mức trích khấu hao trung bình hàng năm = 120 triệu : 10 năm =12 triệu đồng/năm.
  • Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng = 12 triệu đồng: 12 tháng = 1 triệu đồng/tháng.

Phương pháp tính khấu hao theo khối lượng sản phẩm

Theo phương pháp này, tuổi thọ hữu ích của tài sản được biểu thị bằng tổng số đơn vị dự kiến sẽ được sản xuất. Công thức tính như sau:

Mức trích khấu hao trong tháng của tài sản cố định = Số lượng sản phẩm được sản xuất trong tháng x Mức trích khấu hao bình quân cho một đơn vị sản phẩm

Trong đó:

Mức trích khấu hao bình quân tính cho một đơn vị sản phẩm = Nguyên giá tài sản cố định / sản lượng theo công suất thiết kế.

Ví dụ: Công ty B mua tài sản cố định là máy ủi đất [mua mới 100%] với nguyên giá 450 triệu đồng. Máy có các thông số:

  • Công suất thiết kế là 30m3/giờ.
  • Sản lượng theo công suất thiết kế của máy là 2.400.000 m3.
  • Khối lượng sản phẩm đạt được trong năm thứ nhất của máy ủi này là:
Tháng Khối lượng sản phẩm hoàn thành [m3]
1 14.000
2 15.000
3 18.000
4 16.000
5 15.000
6 14.000
7 15.000
8 14.000
9 16.000
10 16.000
11 18.000
12 18.000

Từ các thông tin trên, bạn sẽ tính được mức trích khấu hao theo phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm của tài sản cố định là máy ủi đất như sau:

  • Mức trích khấu hao bình quân tính cho 1m3 đất ủi = 450 triệu đồng : 2.400.000 m3 = 187,5 đồng/m3
  • Mức trích khấu hao của máy ủi được tính theo bảng sau:
Tháng Sản lượng thực tế tháng
[m3]
Mức trích khấu hao tháng
[đồng]
1 14.000 14.000 x 187,5 = 2.625.000
2 15.000 15.000 x 187,5 = 2.812.500
3 18.000 18.000 x 187,5 = 3.375.000
4 16.000 16.000 x 187,5 = 3.000.000
5 15.000 15.000 x 187,5 = 2.812.500
6 14.000 14.000 x 187,5 = 2.625.000
7 15.000 15.000 x 187,5 = 2.812.500
8 14.000 14.000 x 187,5 = 2.625.000
9 16.000 16.000 x 187,5 = 3.000.000
10 16.000 16.000 x 187,5 = 3.000.000
11 18.000 18.000 x 187,5 = 3.375.000
12 18.000 18.000 x 187,5 = 3.375.000
  Tổng cả năm 35.437.500

Phương pháp tính khấu hao theo số dư giảm dần

Khấu hao theo số dư giảm dần sẽ được tính theo công thức:

Giá trị khấu hao hàng năm = Nguyên giá của tài sản tại năm tính khấu hao nhân với tỷ lệ khấu hao nhanh

Trong đó:

  • Tỷ lệ khấu hao nhanh [%] = Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định theo đường thẳng nhân với hệ số điều chỉnh.
  • Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định theo đường thẳng [%] = [1/ thời gian trích khấu hao của tài sản cố định] x 100.

Bên cạnh đó, sẽ có một số yếu tố khác để tính khấu hao được quy định cụ thể trong luật tài chính doanh nghiệp và những quy chế riêng của công ty. 

Ví dụ: Công ty C mua mới một thiết bị sản xuất linh kiện điện tử với nguyên giá là 50 triệu đồng. Thời gian trích khấu hao của tài sản cố định là 5 năm. Lúc này mức khấu hao hàng năm sẽ được xác định như sau:

- Tỷ lệ khấu hao hàng năm của TSCĐ theo phương pháp khấu hao đường thẳng là 20%.
= [1/5 năm] x 100 = 20%

- Tỷ lệ khấu hao nhanh theo phương pháp số dư giảm dần = 20% x 2 = 40% [hệ số điều chỉnh là 2, vì thời gian trích khấu hao t > 4 năm].

- Mức trích khấu hao hàng năm của TSCĐ trên được xác định cụ thể dưới đây:

Năm Giá trị còn lại của TSCĐ Cách tính số khấu hao TSCĐ hàng năm Mức khấu hao hàng năm Mức khấu hao hàng tháng Khấu hao lũy kế cuối năm
1 50.000.000 50.000.000 x 40% 20.000.000 1.666.666 20.000.000
2 30.000.000 30.000.000 x 40% 12.000.000 1.000.000 32.000.000
3 18.000.000 18.000.000 x 40% 7.200.000 600.000 39.200.000
4 10.800.000 10.800.000 : 2 5.400.000 450.000 44.600.000
5 10.800.000 10.800.000 : 2 5.400.000 450.000 50.000.000

Nhìn vào bảng trên ta có thể thấy: 

- Mức khấu hao TSCĐ từ năm thứ 1 đến hết năm thứ 3 sẽ được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ nhân [x] với tỷ lệ khấu hao nhanh  là 40%.

- Từ năm thứ 4 trở đi, mức khấu hao hàng năm sẽ bằng giá trị còn lại của TSCĐ chia cho số năm sử dụng còn lại của TSCĐ = 10.800.000 : 2 = 5.400.000.

Tính khấu hao tài sản cố định có thể áp dụng nhiều cách khác nhau

Ý nghĩa của việc tính khấu hao

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tính toán khấu hao có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn tài chính. Theo đó: 

Về mặt kinh tế

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi tài sản cố định hao mòn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc theo dõi và quản lý tài sản. Cho nên doanh nghiệp sẽ thông qua phương pháp trích khấu hao để phản ánh giá trị thực của tài sản cố định. Ngoài ra, khấu hao tài sản được tính vào chi phí kinh doanh. Cho nên việc này sẽ làm giảm lợi tức ròng của doanh nghiệp.

Về mặt tài chính

Xét về bản chất, khấu hao là biểu hiện bằng tiền của phần giá trị tài sản cố định đã bị hao mòn trong một thời gian nhất định. Tiền khấu hao được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Cho nên nó cũng là một bộ phận của giá thành sản phẩm. Khi sản phẩm được tiêu thụ ra thị trường, tiền khấu hao này sẽ được giữ lại. Từ đó hình thành nên quỹ khấu hao của doanh nghiệp.

=>>> Tóm lại, việc tính toán khấu hao tài sản cố định có ý nghĩa rất lớn, trong đó hội tụ cơ bản ở 2 ý nghĩa nhất định:

  • Khấu hao hợp lý tài sản cố định sẽ là nhân tố quan trọng để xác định đúng giá thành sản phẩm đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Khấu hao hợp lý tài sản cố định sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tập trung được vốn từ tiền khấu hao để thực hiện kịp thời việc đổi mới máy móc thiết bị và công nghệ.

Giải đáp các câu hỏi liên quan đến khấu hao

Khấu hao tài sản cố định là gì?

Khấu hao tài sản cố định là giá trị tiền tệ được tính vào giá thành sản phẩm một lượng giá trị tương đương với giá trị hao mòn của tài sản cố định. Nhằm tạo ra nguồn vốn để sửa chữa hoặc mua sắm tài sản cố định mới.

Về thời gian khấu hao tài sản cố định, phải căn cứ vào khung thời gian đã được quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC. 

Mục đích của khấu hao tài sản cố định chính là nhằm thu hồi vốn cố định. Khi khấu hao tài sản cố định cần đảm bảo nguyên tắc: Mức khấu hao phù hợp với mức độ hao mòn của TSCĐ.

Khấu hao tài sản cố định có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó:

  • Khấu hao tài sản cố định chính là biện pháp giúp doanh nghiệp thực hiện bảo toàn vốn cố định của mình.
  • Giúp doanh nghiệp thu hồi được đầy đủ vốn cố định khi tài sản cố định đó hết thời gian sử dụng.
  • Khấu hao tài sản cố định là nhân tố quan trọng để xác định giá thành sản phẩm cũng như đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh.
  • Việc tính khấu hao tài sản cố định chính xác cũng là cơ sở để tính toán việc tái đầu tư và tái sản xuất.

Tính khấu hao tài sản cố định là cơ sở để tính toán việc tái đầu tư và tái sản xuất

Khấu hao theo số dư giảm dần là gì?

Khấu hao theo số dư giảm dần [hay khấu hao nhanh] là phương pháp tính khấu hao mà tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao phải thoả mãn đồng thời các điều kiện:

  • Là tài sản cố định đầu tư mới [chưa qua sử dụng]
  • Là các loại máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm.

Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần thường áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có công nghệ đòi hỏi phải thay đổi, phát triển nhanh và hoạt động có hiệu quả kinh tế cao. Khi trích khấu hao nhanh phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Mức trích khấu hao tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ.
  • Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi.
  • Nếu trích khấu hao nhanh vượt 2 lần mức quy định tại khung thời gian sử dụng tài sản cố định nêu tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 45/2013/TT-BTC thì phần trích vượt mức khấu hao nhanh [quá 2 lần] không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.

Thời gian trích khấu hao là gì?

Thời gian trích khấu hao là thời gian cần thiết mà doanh nghiệp thực hiện việc trích khấu hao tài sản cố định để thu hồi vốn đầu tư tài sản cố định.

Khấu hao lũy kế là gì?

Khấu hao lũy kế [tiếng Anh là Accumulated depreciation] là sự tích lũy khấu hao của tài sản cho đến một thời điểm nằm trong vòng đời sử dụng. Hay khấu hao lũy kế là tổng giá trị đã khấu hao của một tài sản tại một thời điểm.

Khấu hao đều là gì?

Khấu hao đều chính là phương pháp khấu hao theo đường thẳng, trong đó định mức khấu hao tài sản cố định là như nhau trong suốt thời gian sử dụng. 

Quỹ khấu hao tài sản cố định là gì?

Quỹ khấu hao tài sản cố định là một nguồn tài chính quan trọng để tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng tài sản cố định trong các doanh nghiệp. Thực tế, khi chưa có nhu cầu đầu tư mua sắm tài sản cố định các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng linh hoạt quỹ này để đáp ứng các nhu cầu vốn kinh doanh của mình.

Khấu hao hay khấu hao tài sản cố định trong hoạt động doanh nghiệp là một trong những nghiệp vụ quan trọng của người làm kế hoạch. Việc tiến hành khấu hao tài sản sẽ có liên quan đến việc lập báo cáo tài chính cũng như đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nếu tính khấu hao tài sản cố định một cách hợp lý thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hy vọng với những thông tin trên đây bạn đã hiểu khấu hao là gì? Các phương pháp tính khấu hao cũng như ý nghĩa của nó.

Video liên quan

Chủ Đề