Nghị quyết hướng dẫn tổng hợp hình phạt

[LSVN] - Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án [trong đó có quy định về tổng hợp hình phạt tù] được quy định tại Điều 56, Bộ luật Hình sự 2015. Đây là trường hợp một người bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa chấp hành hoặc đang chấp hành thì lại bị xét xử về một vụ án khác. Do đó, khi quyết định hình phạt về tội đang bị xét xử, Tòa án phải tổng hợp với hình phạt của bản án trước chưa chấp hành xong, sau đó buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt chung cho các bản án. Trong thực tiễn xét xử, đây là trường hợp dễ nảy sinh các vướng mắc và sai sót khi tổng hợp hình phạt đối với người phạm tội.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 56, Bộ luật Hình sự 2015, trong trường hợp một người đang chấp hành bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung [trên cơ sở hình phạt của hai bản án], theo quy định tại Điều 55, Bộ luật Hình sự. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Như vậy, hình phạt chung còn phải chấp hành [chứ không phải hình phạt chung được tuyên trong bản án sau] được tổng hợp theo phương pháp: Hình phạt của bản án trước được tổng hợp với hình phạt của bản án sau, rồi trừ đi thời gian đã chấp hành của bán án trước. Ví dụ: Phạm Quang K. bị xử phạt 10 năm tù về tội "Nhận hối lộ", thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ 01/8/2014. Trong thời gian chấp hành hình phạt tù của bản án này, K. lại bị xét xử về tội "Cưỡng dâm" đã thực hiện trước khi có hành vi nhận hối lộ. Tòa án đã xét xử và tuyên phạt Phạm Quang K. 05 năm tù về tội "Cưỡng dâm". Tổng hợp hình phạt chung trong trường hợp này đối với K là 15 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt được tính từ ngày 01/8/2014.

Tại khoản 2, Điều 56, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Trong trường hợp một người đang chấp hành hình phạt của một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó quyết định hình phạt chung [trên cơ sở hình phạt của bản án sau và phần còn lại chưa chấp hành của bản án trước] theo Điều 55, Bộ luật Hình sự. Như vậy, hình phạt chung được tổng hợp theo phương pháp: Phần còn lại chưa chấp hành của bản án trước được tổng hợp với hình phạt của bản án sau. Ví dụ: Quách Xuân Kh. đang chấp hành hình phạt theo Bản án số 30/HSST ngày 11/10/1991 của Tòa án Quân sự [TAQS] Khu vực Quân khu 2 về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", đang trong quá trình chấp hành hình phạt thì lại có hành vi trốn khỏi nơi giam. Ngày 24/8/2017, TAQS Khu vực 1 - Quân khu 2 đã đưa ra xét xử về tội "Trốn khỏi nơi giam" và tuyên phạt 01 năm tù, tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước 02 năm 02 tháng 03 ngày tù, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 03 năm 02 tháng 03 ngày tù.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 56, Bộ luật Hình sự 2015: Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án trước chưa được tổng hợp thành hình phạt chung, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án trước theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 56, Bộ luật Hình sự. Ví dụ: Ngày 25/5/2017, La Tài M. bị Tòa án A. xét xử và tuyên phạt 04 tháng tù về tội "Đánh bạc". Đang trong quá trình chờ thi hành án phạt tù thì ngày 10/6/2017 M. lại bị Tòa án B. đưa ra xét xử về hành vi gá bạc đã thực hiện trước khi thực hiện hành vi đánh bạc, Tòa án B. đã xử phạt M. 06 tháng tù. Trong trường hợp này, vì bản án ngày 25/5/2017 đối với La Tài M. chưa có hiệu lực pháp luật, nên lần xét xử thứ 2 Tòa án B. không có cơ sở để tổng hợp hình phạt đối với M. Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 51, Bộ luật Hình sự 1999 [tương ứng với khoản 3, Điều 55, Bộ luật Hình sự 2015], khi bản án xét xử sau có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án có thẩm quyền sẽ ra quyết định tổng hợp với hình phạt 04 tháng tù của bản án trước.

Ở đây có 02 vấn đề đặt ra:

Thứ nhất, trong trường hợp tổng hợp hình phạt Chánh án Tòa án có thẩm quyền quyết định tổng hợp hình phạt chung thì hình thức của quyết định đó là gì? Ra quyết định tổng hợp hình phạt độc lập hay ra quyết định thi hành án phạt tù và tổng hợp hình phạt trong quyết định thi hành án. Theo tác giả, hệ thống biểu mẫu không có quyết định tổng hợp hình phạt độc lập, mặc dù luật quy định là “…Chánh án tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án….”, nhưng cũng không vì thế mà cho rằng phải ra Quyết định tổng hợp hình phạt. Trong trường hợp này, theo quan điểm của chúng tôi chỉ cần ra quyết định thi hành án phạt tù, trong quyết định này đề cập tới nội dung tổng hợp các hình phạt của các bản án.

Thứ hai, trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật chưa được tổng hợp do nhiều cấp Tòa xét xử, vậy Chánh án Tòa án nào ra quyết định tổng hợp hình phạt? Quá trình thi hành Bộ luật Hình sự 1999 cũng như Bộ luật Hình sự 2015 cho đến nay chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Tuy vậy, tham khảo Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/12/1991 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao [49] có hướng dẫn như sau:

- Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một Tòa án, thì Chánh án Tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt;

- Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp [cùng cấp huyện trong cùng 01 tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu], thì Chánh án Tòa án ra bản án sau cùng [về mặt thời gian] ra quyết định tổng hợp hình phạt. Cụ thể là: Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án cấp huyện khác nhau [trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh], thì Chánh án Tòa án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án quân sự khu vực khác nhau [trong cùng một quân khu hay khác quân khu], thì Chánh án Tòa án quân sự khu vực ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là bản án của các Tòa án cấp tỉnh [hoặc đều là của các Tòa án quân sự cấp quân khu], thì chánh án Tòa án cấp tỉnh hoặc Tòa án cấp quân khu ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt;

- Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp thì Chánh án tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau;

- Trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án của TAND, có bản án của TAQS, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp và trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp;

- Trường hợp trong số bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là bản án của Tòa án nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận, có bản án là của Tòa án Việt Nam, thì Chánh án TAND Tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt.

Hướng dẫn trên đây đối với trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp quy định tại khoản 3, Điều 51, Bộ luật Hình sự 1999. Tuy vậy, chúng tôi thấy rằng, về mặt khoa học, việc sử dụng văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự không còn hiệu lực để áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 sẽ không đảm bảo tính khoa học, vì thế cơ quan có thẩm quyền cần phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 về việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 55, Bộ luật Hình sự.

Theo quan điểm của tác giả, trong tất cả các trường hợp trên, nếu tại cùng thời điểm phải ra quyết định thi hành án theo luật định [không quá 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật - Điều 364, Bộ luật Tố tụng Hình sự], các bản án đều có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được tổng hợp với nhau, thì Chánh án ở cấp tòa có thẩm quyền xét xử sau ra quyết định thi hành án. Trường hợp, các bản án không có hiệu lực trong cùng thời điểm, thì bản án nào có hiệu lực trước thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm cần ra quyết định thi hành trước, sau đó, Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm sau [hoặc Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án xét xử sau] sẽ tiến hành tổng hợp hình phạt theo hướng dẫn nêu trên, như vậy mới không vi phạm thời hạn ra quyết định thi hành án của Tòa án. Bên cạnh đó, đối với hướng dẫn tại TTLN số 02/TTLN nêu trên, cần phải hiểu đúng đắn rằng, Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra bản án có hiệu lực sau cùng sẽ ra quyết định tổng hợp hình phạt, chứ không phải Chánh án Tòa án ra bản án sau cùng [về mặt thời gian] ra quyết định tổng hợp hình phạt. Bởi thực tế, có thể có trường hợp bản án tuyên trước có hiệu lực sau [do có kháng cáo, kháng nghị], bản án tuyên sau có hiệu lực trước.

Chủ Đề