Nguyên nhân của tội phạm kinh tế

“Thống kê từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Công an đã khởi tố 7.198 vụ, 10.930 bị can phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ, tập trung chủ yếu ở 04 vấn đề: Vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; Không tuân thủ nguyên tắc thị trường; Vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính” - Đây là những số liệu được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân, điều kiện và đề xuất giải pháp phòng ngừa, tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế” do Học viện Cảnh sát nhân dân [CSND] phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế tổ chức vào ngày 28/7/2020.

Thượng tướng, TS Lê Quý Vương - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội thảo

Dự và chỉ đạo Hội thảo có Thượng tướng, TS Lê Quý Vương - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Đồng chí Hoàng Giang - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đại diện lãnh đạo các học viện, nhà trường trong CAND, lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ thực tiễn tại các các đơn vị, địa phương trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân cùng đại biểu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta xác định các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là thành phần quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Thực tế đã khẳng định, sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, góp phần xây dựng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ an ninh trật tự, chấp hành pháp luật, hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ở nước ta thời gian qua cũng đã nổi lên nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có việc nảy sinh các tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý truy tố trước pháp luật.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Công an đã chủ động phối hợp cùng các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tập trung công tác phòng ngừa và đấu tranh phát triển, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an ninh, an toàn để các doanh nghiệp tin tưởng, an tâm sản xuất, kinh doanh theo tinh thần và quan điểm “an ninh để phát triển, phát triển để đảm bảo an ninh”.

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 theo chủ trương hành động của Đảng, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công an và cá nhân đồng chí Thứ trưởng Lê Quý Vương đã có nhiều chỉ đạo quan trọng, xuyên suốt đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong khối kinh tế. Trong đó, một trong những nội dung được đồng chí Thứ trưởng quan tâm, chỉ đạo, đó là giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phòng ngừa, tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo sức mạnh nội lực cho khối doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững.

Nhằm góp phần thực hiện chủ trương quan trọng nêu trên của Đảng và Chính phủ, Học viện CSND đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân, điều kiện và đề xuất giải pháp phòng ngừa, tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế” với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật.

“Hội thảo khoa học này là dịp để các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn cũng như các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nghiên cứu, đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong môi trường sản xuất, đầu tư, kinh doanh thời gian qua, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, trao đổi các biện pháp để giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác tự phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật tại doanh nghiệp của mình, đóng góp tích cực hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.” - Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh tại Hội thảo.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Thứ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo của Học viện CSND và Cục Cảnh sát kinh tế từ ý tưởng khoa học, cách thức tổ chức đến tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Các đại biểu tiến hành tham luận

Với tinh thần phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, trao đổi, trong 02 phiên làm việc tại Hội thảo do Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND và Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế điều hành, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, trao đổi, làm rõ các quy định của pháp luật về hoạt động phòng ngừa, tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế;

Hai là, phân tích thực trạng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế và quá trình tổ chức các hoạt động, biện pháp phòng ngừa, tự phòng ngừa của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và công tác quản lý của lực lượng chức năng, trong đó tập trung vào lực lượng Cảnh sát kinh tế;

Ba là, đưa ra những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các cơ quan quản lý nhà nước, Công an các đơn vị, địa phương trong công tác phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong tiến hành hoạt động phòng ngừa, tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật;

Bốn là, xây dựng hệ thống giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong thời gian tới nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp trong bảo đảm an ninh trật tự, góp phần tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, an toàn cho doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, Hội thảo cũng ghi nhận một số phản ánh thực tiễn như: Thực trạng còn xuất hiện “khoảng trống” trong mối quan hệ giữa lực lượng CAND với các tổ chức doanh nghiệp; tình trạng các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo và chậm được khắc phục. Trong đó, khách quan là do kinh tế - xã hội biến động nhanh, khó dự báo nên việc sửa đổi, bổ sung các loại văn bản bị kéo dài, chậm ban hành, dẫn tới rủi ro cho cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước khi thực hiện hoạt động quản lý...

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND kết luận tại Hội thảo khoa học

Phát biểu bế mạc Hội thảo khoa học, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND đánh giá cao những tham luận được đưa ra tại buổi làm việc. Nội dung các báo cáo tham luận thể hiện sự phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều vấn đề dưới những góc độ, khía cạnh, lĩnh vực khác nhau theo chủ đề của Hội thảo khoa học. Nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp được đưa ra mang tính toàn diện, đồng bộ, sát với thực tiễn, giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có thể chủ động hơn, tích cực hơn trong triển khai thực hiện công tác tự phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

Trên cơ sở đó, đồng chí Giám đốc Học viện đề nghị các đơn vị chức năng liên quan và Ban Thư ký Hội thảo nhanh chóng tổng hợp các ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, Công an các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế để kịp thời tham mưu Bộ Công an các giải pháp, biện pháp đồng bộ, thiết thực để góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.

Đồng chí Thứ trưởng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

  PV

Chủ Đề