Nhận xét về chính sách ngụ binh ư nông

Chọn đáp án:D

Giải thích:Chính sách “ngụ binh ư nông” – gửi binh ở nhà nông có tác dụng đảm bảo lực lượng tham gia sản xuất trong thời bình nhưng khi có chiến tranh hay bất cứ khi nào triều đình cần đều có thể đáp ứng ngay.

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

CNQP&KT - Kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng mà Quân đội ta đang thực hiện chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống “Ngụ binh ư nông” [gửi quân vào nông nghiệp] có từ thời Lý - Trần. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang của ông cha ta.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi những dấu son chói lọi trong nghệ thuật giữ nước, trong việc kết hợp giữa xây dựng và bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Đặc biệt, dưới thời Lý, Trần, Lê Sơ [hậu Lê], nước Đại Việt được biết đến như một quốc gia thịnh vượng ở châu Á. Đây là những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam trên mọi phương diện. Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thời kỳ này được coi là Kỷ nguyên văn minh Đại Việt, được khởi đầu bằng sự kiện năm 1010, Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long [nay là Hà Nội]. Đây cũng là thời kỳ đất nước ta trải qua những cuộc chống quân xâm lược oanh liệt nhất. Đó là cuộc chiến tranh chống quân Tống [1075-1077], ba lần đánh tan quân xâm lược Mông - Nguyên [các năm 1258, 1285, 1288], và 10 năm khởi nghĩa chống quân Minh, giải phóng đất nước dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi - Nguyễn Trãi.

Trong điều kiện như vậy, việc xây dựng một nền quốc phòng đủ mạnh, có khả năng chuyển nhanh từ thời bình sang thời chiến để chống giặc ngoại xâm là một vấn đề được các triều đại phong kiến ưu tiên hàng đầu. Vì thế, “Ngụ binh ư nông” là sách lược được cả ba triều đại Lý, Trần, Lê Sơ lựa chọn và đã phát huy hiệu quả.

Tranh minh họa.

Đối với thời nhà Lý, đường lối “Ngụ binh ư nông” đã được xây dựng và đi vào quy chế. Theo đó, việc kết hợp quốc phòng với kinh tế áp dụng trong bản thân tổ chức quân thường trực, được quy định thành phép tắc. Cấm quân là lực lượng thường trực, thường xuyên phải túc trực tại ngũ để canh phòng và luyện tập. Loại quân này được Nhà nước cung cấp, nuôi dưỡng theo chế độ của từng giai đoạn. Họ được phát quân trang và cấp lương bằng tiền, bằng thóc, gạo và kèm theo một số thực phẩm khác. Còn các quân khác, cụ thể là “Sương quân” và quân các lộ [ngoại binh] đều được thực hiện phép “chia phiên” theo chính sách “Ngụ binh ư nông”. Các đơn vị được chia thành nhiều phiên; thay đổi nhau theo định kỳ, một phiên túc trực tại ngũ, luyện tập, canh gác hay phục dịch, các phiên khác trở về gia đình tham gia sản xuất, tự túc lương ăn. Sách “Việt sử tiêu án” viết rằng: “Chế độ binh lính nhà Lý, mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết canh lại về làm ruộng, quân không phải cấp lương”. Có thể nói, chính sách “Ngụ binh ư nông” đã thể hiện rõ vai trò và sức mạnh khi đội quân nhà Lý đi chinh phạt Chiêm Thành. Đoàn quân đi đến đâu, việc tiếp tế binh lương đều được chu tất. Nhờ đó, người dân nước Đại Việt được hưởng thái bình, đời sống xã hội phát triển hưng thịnh. Binh lính cùng người dân mở mang các tuyến giao thương từ miền xuôi đến miền ngược, từ thị thành tới nông thôn, cả trên đường bộ và đường thủy.

Tranh minh họa.

Sang đến thời nhà Trần rồi tiếp đến nhà hậu Lê, chính sách “Ngụ binh ư nông” ngày càng hoàn chỉnh và đi vào nền nếp. Thời bình dân đinh thay nhau vào lính, binh lính luân phiên về làm ruộng. Triều đình có quân “cấm vệ”, “túc vệ” là lực lượng thường trực cơ động với số lượng ít, được tuyển lựa và rèn luyện thành tinh binh. Ở địa phương có “ngoại binh”, “binh các đạo” luân phiên về sản xuất, tự túc lương ăn. Ngoài ra còn có các dân binh ở làng, xã, hoàn toàn không thoát ly sản xuất. Chính vì vậy, triều đình giảm được nhiều chi phí nuôi quân mà vẫn xây dựng và tổ chức được các đạo binh hùng mạnh, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp giữ nước, đánh thắng các đội quân xâm lược có số lượng đông hơn ta nhiều lần trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ. Cách tổ chức lực lượng như trên đã tạo ra một thế trận quốc phòng rộng khắp và thuận lợi. Ở đâu có dân là ở đó có quân, tức là những trai tráng từng được tập trung luyện tập quân sự, có tên trong sổ, thời bình ở nhà sản xuất, có biến được huy động vào quân ngũ. Với chính sách đó, khi quân giặc xâm lấn bờ cõi, có thể huy động lực lượng vũ trang ngay tại địa bàn để tổ chức chặn đánh kịp thời. Nhất là khi đất nước phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, triều đình có thể nhanh chóng huy động được nguồn binh lực lớn và có nguồn bổ sung dồi dào trong quá trình kháng chiến. Khi đất nước yên bình, một lượng lớn quân lính lại trở về với cuộc sống thường ngày.

Thời kỳ nhà Trần và hậu Lê, nhờ có sự kết hợp giữa quân và dân, nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, thóc gạo dự trữ dồi dào. Hơn thế, hệ thống thủy lợi được chú ý phát triển, không những phục vụ giao lưu kinh tế mà còn phục vụ đắc lực cho nhu cầu quân sự khi chiến tranh xảy ra [đê sông Hồng được đắp vào thời kỳ này], các làng nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, nhất là các nghề có liên quan đến quốc phòng của đất nước.

Thành công và là nét sáng tạo đặc sắc của chính sách “Ngụ binh ư nông” các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ chính là đã xây dựng được một quân đội có số lượng ít nhưng tinh nhuệ, với một lực lượng dự bị đông đảo, được huấn luyện kỹ càng, sẵn sàng trở thành quân chủ lực để đối phó với sự xâm lược của ngoại bang.

LÊ BÁ DƯƠNG

                                                                                                        [Theo sách “Quân đội trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế”. Nxb QĐND, năm 2016].

“Ngụ binh ư nông là chính sách thời phong kiến ở nước ta [thời Lý, Trần, Lê] cho một số binh lính luân phiên nhau về làm ruộng ở làng xã lúc bình thường, nếu có chiến tranh sẽ huy động tất cả đi chiến đấu” [Thuật ngữ và khái niệm lịch sử, tr 109, NXB ĐHQG, Hà Nội, 1996]. Chính sách “ngụ binh ư nông” với nội dung kết hợp chặt chẽ “binh” với “nông” như trên là một chính sách rất hay của tổ tiên ta các thời Lý, Trần, Lê. “Đời Lý, ngoại binh thì không cứ luân đến canh, hết phiên canh cho về nhà cày cấy, trồng trọt để tự cấp. Nhà Trần theo phép nhà Lý, binh các đạo đều chia nhau về làm ruộng cho đỡ tốn lương. Phép nuôi binh đời Lê đại để theo phép “ngụ binh ư nông” của thời Lý, Trần, không phải cấp lương bổng. Thời Hồng Đức trở về sau cứ theo phép ấy không đổi. Đó cũng là phép hay của đời vạn cổ” [Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4, tr 3, 5, 6, 8, 20, NXB Sử học, Hà Nội, 1961].

Quân đội nhà nước có quân triều đình thường gọi là quân trong kinh hoặc cấm quân và các quân địa phương, quân các lộ [hoặc còn gọi là ngoại binh], quân các đạo, quân các châu. Ngoài ra, còn có các lực lượng dân binh [hương binh ở vùng đồng bằng và thổ binh ở vùng núi]. Đây là lực lượng dân chúng vũ trang đông đảo được động viên chủ yếu trong thời chiến, để chiến đấu ngay tại địa phương, nhưng cũng có khi tác chiến cơ động theo sự điều động của triều đình. Thổ binh thời chiến được huy động nhiều, còn thời bình số lượng rất ít vì đó là quân bản bộ canh phòng của các tù trưởng. Trong các thời Lý, Trần, Lê đều duy trì như vậy. Và Tuyên Quang cũng duy trì lực lượng quân sự bao gồm ngoại binh và thổ binh.

Thời nhà Lý, Tuyên Quang được biết đến là châu Vị Long với dòng họ Hà có tới 15 đời làm châu mục. Trước nguy cơ xâm lăng của nhà Tống, Lý Thường Kiệt với phương châm “tiên phát chế nhân”, thống lĩnh 10 vạn quân chia làm hai đạo thủy bộ đánh chiếm Ung châu, Khâm châu trên đất Tống. 

Dưới thời Lý, Trần, Lê, chính sách "ngự binh ư nông" tạo nên sức mạnh để giữ nước. 
Trong ảnh: Cánh đồng thôn Cao Đường, xã Yên Thuận [Hàm Yên]. 

Thân phụ Hà Hưng Tông cùng binh mã châu Vị Long [ngoại binh và thổ binh] giữ vai trò quan trọng, góp công vào chiến thắng này. Văn bia Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc [hiện ở tại Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa] đã ghi rõ: “Ngày qua tháng lại, năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh 1074, thân phụ Thái phó [cha của Hà Hưng Tông] chỉnh đốn vương sư, đánh sang ải bắc, vây thành Ung cho bõ giận; bắt tướng võ dâng tù binh. Do đó, thân phụ Thái phó được nhà vua ban chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ” [Thơ văn Lý - Trần, tập 1, tr 329, NXBKHXH, Hà Nội, 1977].

Thời nhà Trần nổi tiếng với ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, trong khi đại quân theo vua và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn rút khỏi kinh đô Thăng Long thì Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng lực lượng ngoại binh và thổ binh ở Tuyên Quang đã chiến đấu với cánh quân Nguyên từ Vân Nam xuống [để phối hợp với cánh quân của Thoát Hoan], trước đó Nhật Duật được lệnh trấn thủ Tuyên Quang “Cuối niên hiệu Thiệu Bảo, ông [Trần Nhật Duật] giữ trại Thu Vật ở Tuyên Quang” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr 150, NXBKHXH, 2009]. Sau khi giao chiến với giặc, Trần Nhật Duật đã rút lui để bảo toàn lực lượng và hội với đại quân của nhà Trần.

Thế kỷ XVI đầy biến động với sự kiện Mạc Đăng Dung thoán ngôi nhà Lê, lập nên nhà Mạc tồn tại hơn 60 năm [từ 1527-1592]. Dưới thời vua Lê Chiêu Tông [1516 - 1522], Vũ Văn Mật được trao cho giữ chức Tổng binh ở Tuyên Quang. Hồi đầu niên hiệu Nguyên Hòa, Vũ Văn Mật giữ trọn được cảnh thổ, ra sức chống cự với nhà Mạc, tự đóng quân ở Đại Đồng, chia làm 11 doanh: huyện Phú Yên có doanh Phú Yên, châu Thu Vật có doanh Yên Thắng, châu Lục Yên có doanh Yên Bắc, châu Vị Xuyên có các doanh Bình Di, Bình Man, Trấn Uy, Yên Biên và Nam Dương, châu Đại Man có doanh Nghi, châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang [Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Kiến văn tiểu lục, tr 354, NXBKHXH, Hà Nội, 1977]. Như vậy, anh em con cháu họ Vũ 5 đời chiếm giữ vùng đất Tuyên Quang dốc sức xây dựng lực lượng ngoại binh và thổ binh tương đối mạnh để chống lại nhà Mạc. Nhà Mạc đã bốn lần đánh họ Vũ ở Tuyên Quang vào các năm 1537, 1538, 1578 và 1560 nhưng đều bị họ Vũ đánh bại, vì vậy, nhà Mạc không chiếm được Tuyên Quang.

Năm 1789, các thủ lĩnh họ Ma tập hợp thổ binh ở châu Đại Man [Chiêm Hóa] chặn đánh một cánh quân của nhà Thanh trên đường rút chạy qua Đại Man, Bảo Lạc về nước, tiêu diệt nhiều tên địch.

Việc xây dựng lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước nằm trong nhân dân gắn liền với sản xuất trong chính sách “ngụ binh ư nông” dưới thời Lý, Trần, Lê là bài học kinh nghiệm quý báu của việc tiến hành chiến tranh giữ nước mang tính chất nhân dân rộng rãi, kết hợp quân sự với kinh tế trong sự nghiệp đấu tranh và giữ nước của dân tộc ta trước đây, là vấn đề có tính quy luật của việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Video liên quan

Chủ Đề