Sách Galati

BÀI MỘT

Kinh Thánh: Ga. 1:1-7; 3:1, 3; 4:17, 21; 5:2, 4; 6:12, 15

Sách Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp và Cô-lô-se hình thành một nhóm Thư tín tạo nên phần chủ yếu của khải thị thần thượng trong Tân Ước. Vì vậy, các sách này rất quan trọng. Ê-phê-sô bàn về Hội thánh là Thân thể Đấng Christ, trong khi Cô-lô-se đề cập đến Đấng Christ là Đầu của Thân thể. Ga-la-ti nói về Đấng Christ, và Phi-líp nói về kinh nghiệm Đấng Christ. Trong Cô-lô-se và Ê-phê-sô, chúng ta thấy rõ Đầu và Thân thể. Trong Ga-la-ti và Phi-líp, chúng ta thấy Đấng Christ và kinh nghiệm về Đấng Christ.

Như một năm có bốn mùa, thì trong kinh nghiệm Cơ Đốc của chúng ta cũng có các mùa. Điều này có nghĩa là trong kinh nghiệm của mình với Chúa, có giai đoạn chúng ta trải qua mùa đông cũng như có giai đoạn chúng ta trải qua mùa hè. Những kinh nghiệm mùa đông là ích lợi, vì chúng chuẩn bị chúng ta cho bước khởi đầu mới vào mùa xuân. Vào mùa đông, nhiều loại sự sống khác nhau bị giảm hạ. Qua sự giảm hạ xảy ra vào mùa đông, sự sống chuẩn bị phát triển trở lại. Vì trong kinh nghiệm thuộc linh, chúng ta cần được giảm hạ, nên vào thời điểm nhất định, chúng ta phải sẵn sàng cho mùa đông. Chúng ta có thể nói Ga-la-ti là một sách mùa đông, sách làm chúng ta giảm hạ và loại bỏ mọi điều không lâu bền. Tuy nhiên, sự giảm hạ này phục vụ cho một mục đích rất tích cực: chuẩn bị để chúng ta lớn lên nhiều hơn trong sự sống.

Tất cả chúng ta đều cần giảm hạ. Chúng ta cần được làm cho giảm hạ không những trong những điều thiên nhiên hay thế gian, mà ngay cả trong những phương diện khác nhau của kinh nghiệm thuộc linh. Để lớn lên hơn trong Chúa, chúng ta cần được giảm hạ. Một số điều trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta có thể rất tốt, phù hợp với Kinh Thánh và thuộc linh. Nhưng hễ những điều này không phải là chính Đấng Christ cách trực tiếp, thì không nên chiếm chỗ quá lâu trong chúng ta. Chỉ chính Đấng Christ mới được có một chỗ lâu bền trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta. Tất cả những điều khác, thậm chí là những kinh nghiệm thuộc linh nhất, đều phải bị giảm hạ. Đức Chúa Trời dùng mùa đông để giảm hạ. Chúng ta đừng bao giờ mong có mùa hè bất tận trong đời sống Cơ Đốc. Trái lại, chúng ta nên mong đợi chu kỳ luân chuyển xuân, hạ, thu, đông. Bất cứ khi nào mùa đông đến trong kinh nghiệm với Chúa, chúng ta nên vững lòng vì mùa xuân và mùa hạ sẽ đến vào thời điểm thích hợp. Vì vậy, chúng ta nên vững lòng khi bị giảm hạ để có một bước khởi đầu mới. Tôi hi vọng những bài nói về sách Ga-la-ti này sẽ thỏa mãn được mục đích ấy.

I. BỐI CẢNH

Để nghiên cứu sách Ga-la-ti cách đúng đắn, biết bối cảnh và chủ đề của sách này là điều quan trọng. Sách nào trong Tân Ước cũng có một bối cảnh nhất định. Chúng ta cảm tạ Chúa về những bối cảnh này, mặc dầu phần lớn chúng không tích cực lắm. Chúa dùng bối cảnh tiêu cực làm cơ sở để bày tỏ khải thị của Ngài. Bối cảnh càng tiêu cực, cơ hội để Chúa bày tỏ khải thị của Ngài càng lớn. Bối cảnh càng xấu, khải thị của Đức Chúa Trời càng cần thiết.Nếu thấy được điều này, chúng ta sẽ cảm tạ Chúa về mọi bối cảnh tiêu cực khiến cho việc trước tác các sách trong Tân Ước trở nên cần thiết.

Phúc Âm Giăng là một ví dụ tốt về một sách Tân Ước được viết trong bối cảnh tiêu cực. Phúc Âm ấy được viết trong thập niên cuối cùng của thế kỷ đầu tiên. Lúc ấy, thậm chí giữa vòng Cơ Đốc nhân, có khuynh hướng phủ nhận thần tính của Đấng Christ. Một số nghi ngờ thần tính của Ngài, và người khác thậm chí phủ nhận lẽ thật này. Với bối cảnh như vậy, sứ đồ Giăng đã viết Phúc Âm ấy. Không có Phúc Âm Giăng, chúng ta không thể hiểu đầy đủ về thần tính và tính hằng hữu của Đấng Christ. Chúng ta cũng không thể nhận biết làm thế nào Đấng Christ có thể trở nên sự sống của mình. Nhưng qua Phúc Âm Giăng, chúng ta thấy rõ thần tính của Đấng Christ là đời đời và tuyệt đối. Trong Phúc Âm ấy, chúng ta cũng có cái nhìn rõ ràng về sự sống đời đời và thấy rõ Đấng Christ có thể làm sự sống cho mình là như thế nào. Nếu không có một bối cảnh tăm tối như vậy vào cuối thế kỷ đầu tiên, Phúc Âm kỳ diệu này hẳn đã không được viết ra.

Các Thư tín của Phao-lô cũng được viết ra do những bối cảnh nào đó. Chẳng hạn như Thư Cô-rin-tô thứ nhất được viết vì có sự rối loạn và chia rẽ trong Hội thánh tại Cô-rin-tô. Nếu không có Thư Cô-rin-tô thứ nhất, chúng ta không biết làm thế nào Đấng Christ có thể là sự vui hưởng của mình trong mọi loại tình huống. Sách này mô tả sự vui hưởng Đấng Christ theo cách không tìm thấy ở đâu khác trong Tân Ước. Chúng ta nên cảm tạ Chúa về tình trạng rối loạn tại Cô-rin-tô vì nhờ đó Thư tín này được viết ra.

Sách Cô-lô-se cũng được viết ra do một bối cảnh đặc biệt là văn hóa xâm nhập vào Hội thánh tại Cô-lô-se. Với bối cảnh là văn hóa xâm nhập vào Hội thánh, sách Cô-lô-se kỳ diệu đã được viết ra. Không có bối cảnh ấy, ngày nay chúng ta không có sách này.

Cũng theo nguyên tắc đó, việc khôi phục sự xưng công chính bởi đức tin vào thời Cải Chánh đã nảy sinh từ một tình huống tiêu cực và một bối cảnh tăm tối. Không có tình huống và bối cảnh ấy, lẽ thật về sự xưng công chính bởi đức tin hẳn đã không được rõ ràng như ngày nay. Lẽ thật này không bao giờ còn mù mờ nữa vì bối cảnh tăm tối ấy làm cho lẽ thật này nổi bật cách rõ nét.

Bây giờ chúng ta xét đến bối cảnh của sách Ga-la-ti. Được viết trước năm 60 sau Chúa, sách Ga-la-ti được viết trước sách Ê-phê-sô và Cô-lô-se. Sách Ga-la-ti được viết vào những ngày đầu Phao-lô thì hành chức vụ, trước khi ông bị cầm tù.

Để có kinh nghiệm đúng đắn về Hội thánh là Thân thể của Đấng Christ, chúng ta cần sách Ga-la-ti. Chúng ta cần kinh nghiệm và hiểu biết đầy đủ tất cả những gì được truyền đạt cho mình qua Thư tín này. Nếu có ý định thực hành nếp sống Hội thánh ngày nay, chúng ta cần biết Đấng Christ được khải thị trong sách Ga-la-ti.

Ga-la-ti bày tỏ rằng Đấng Christ đối kháng với tôn giáo và luật pháp của tôn giáo. Luật pháp Đức Chúa Trời ban bố qua Môi-se là nền tảng của Do Thái giáo. Do Thái giáo được xây dựng trên luật pháp. Sách Ga-la-ti bày tỏ rằng chính Đấng Christ mà chúng ta cần cho nếp sống Hội thánh thì đối kháng với luật pháp và tôn giáo.

A. Các Hội Thánh Tại Ga-la-ti Bị Những Người Thuộc Do Thái Giáo Mê Hoặc

Trong câu 2, Phao-lô nói về các Hội thánh tại Ga-la-ti, một tỉnh xưa kia thuộc Đế Quốc La Mã. Qua chức vụ rao giảng của Phao-lô, các Hội thánh đã được thành lập tại nhiều thành phố ở tỉnh này. Vì vậy các Hội thánh [số nhiều], chứ không phải Hội thánh [số ít], được dùng khi vị sứ đồ đề cập đến họ.

Các Hội thánh tại Ga-la-ti đã bị những người theo Do Thái giáo mê hoặc [3:1]. Họ bị xao lãng khỏi Đấng Christ mà hướng về Do Thái giáo. Có khá nhiều tín đồ Tân Ước trong các Hội thánh tại Ga-la-ti quay về với tôn giáo Do Thái cũ kỹ, và cố gắng giữ luật pháp với qui định cắt bì. Đó là bối cảnh tạo cơ hội cho Phao-lô viết sách kỳ diệu này.

Khi viết cho người Ga-la-ti, Phao-lô rất thành thật và thẳng thắn; ông không chính trị chút nào. Chẳng hạn, ông gọi những người thuộc Do Thái giáo đang gây rối cho người Ga-la-ti là anh em giả [2:4]. Tín đồ Ga-la-ti đã bị những anh em giả này mê hoặc.

B. Các Hội Thánh Tại Ga-la-ti Xao Lãng Khỏi Đấng Christ Mà Hướng Về Luật Pháp

Trong Ga-la-ti 1:6 và 7, Phao-lô nói: Tôi rất ngạc nhiên sao anh em lại quá vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em trong ân điển của Đấng Christ mà theo một phúc âm khác, ấy không phải một phúc âm khác đâu, đó chỉ là có mấy người quấy nhiễu anh em và muốn xuyên tạc phúc âm của Đấng Christ [RcV].Ở đây Phao-lô đề cập đến chủ đề của mình. Vì các Hội thánh tại Ga-la-ti lìa bỏ ân điển của Đấng Christ và thối lui, [quay lại] giữ luật pháp, nên Phao-lô có gánh nặng viết Thư tín này. Phúc âm khác được đề cập trong câu 6 ngụ ý việc giữ luật pháp của Do Thái giáo. Ân điển của Đấng Christ đối kháng với luật pháp Môi-se [Gi. 1:17]. Những người theo Do Thái giáo quấy rối các Hội thánh bằng cách xuyên tạc phúc âm của Đấng Christ, hay bóp méo phúc âm ấy, do đó dẫn tín đồ đi lạc, đem họ trở về với luật pháp Môi-se. Tuy nhiên, việc giữ luật pháp không bao giờ là phúc âm giải thoát tội nhân khỏi ách nô lệ và đem họ vào sự vui hưởng Đức Chúa Trời, nhưng chỉ có thể giữ họ làm nô lệ dưới ách của luật pháp mà thôi.

1. Bị Dứt Khỏi Đấng Christ

Vì bị xao lãng khỏi Đấng Christ mà hướng về luật pháp, nên người Ga-la-ti bị dứt khỏi Đấng Christ [5:4]. Bị dứt khỏi là bị mất sạch. Trong sự cứu rỗi của Ngài, Đức Chúa Trời đã đem chúng ta vào trong Đấng Christ và đã làm cho Đấng Christ trở nên ích lợi cho chúng ta trong mọi mặt. Trong sự cứu chuộc của Ngài, Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta vào trong Con Ngài, tức Đấng hiện nay là mọi sự đối với chúng ta. Nhưng những người Do Thái giáo đã làm cho tín đồ Ga-la-ti xao lãng khỏi Đấng Christ mà hướng về luật pháp. Do xoay khỏi Đấng Christ mà hướng về luật pháp, nên người Ga-la-ti bị dứt khỏi Đấng Christ. Theo Bản Kinh Thánh King James, Phao-lô nói với người Ga-la-ti rằng: Đấng Christ trở nên vô hiệu đối với anh em. Người Ga-la-ti ở trong tình trạng Đấng Christ ích lợi trở nên vô hiệu đối với họ. Họ bị tước đoạt mất mọi lợi ích trong Đấng Christ, và hậu quả là bị phân rẽ khỏi Ngài. Như Bản Kinh Thánh American Standard nói, họ bị cắt lìa khỏi Đấng Christ.

2. Xa Cách Ân Điển

Trong Ga-la-ti 5:4, Phao-lô cũng nói với người Ga-la-ti rằng họ xa cách ân điển [RcV]. Bị dứt khỏi Đấng Christ là xa cách ân điển. Điều này ngụ ý Đấng Christ chính là ân điển, và tín đồ chúng ta ở trong Ngài là ân điển. Đấng Christ ích lợi là ân điển đối với chúng ta. Bị cắt đứt khỏi Ngài là xa cách ânđiển.

3. Được Xưng Công Chính Bởi Luật Pháp

Trong Ga-la-ti 5:4, Phao-lô cũng nêu lên rằng người Ga-la-ti tìm cách được xưng công chính bởi luật pháp. Mặc dầu đã được xưng công chính trong Đấng Christ, nhưng họ đã quay lại giữ luật pháp và cố gắng được xưng công chính bởi việc làm theo luật pháp. Thật là một sự quỉ quyệt gian ác! Loài ngườisa ngã không thể nào được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời bằng cách giữ luật pháp. Cách duy nhất để được xưng công chính là bởi đức tin nơi Đấng Christ, bởi tin vào Chúa Jesus. Tuy nhiên tín đồ Ga-la-ti đã bị mê hoặc, và do đó tìm cách giữ luật pháp. Họ cố gắng được xưng công chính và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng việc làm của mình.

4. Thực Hành Sự Cắt Bì

Những người theo Do Thái giáo cũng ép buộc người Ga-la-ti phải chịu cắt bì [6:12, 15]. Trong Sáng Thế Ký chương 17, Đức Chúa Trời ra lệnh cho Áp-ra-ham và con trai cháu trai của ông phải chịu cắt bì. Bất cứ người nam nào không chịu cắt bì đều bị dứt khỏi dân của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự cắt bì chỉ là biểu tượng về sự đóng đinh của Đấng Christ. Sự cắt bì thật là cắt bỏ xác thịt không phải là sự cắt bì được thực hành trong Cựu Ước, mà là sự đóng đinh của Đấng Christ. Xác thịt của chúng ta chỉ có thể được xử lý bởi thập tự giá của Đấng Christ. Sự đóng đinh của Đấng Christ là sự ứng nghiệm của biểu tượng sự cắt bì. Vì chúng ta có thực tại của sự cắt bì, nên không còn cần hình bóng nữa. Tuy nhiên, những người thuộc Do Thái giáo đã đem tín đồ Ga-la-ti từ thực tại trở về với hình bóng. Thật là khờ dại!

5. Được Hoàn Hảo Bởi Xác Thịt

Hơn nữa, người Ga-la-ti cố gắng được hoàn hảo bởi xác thịt [3:3]. Điều này có nghĩa là người Ga-la-ti cố gắng tự hoàn thiện bằng nỗ lực riêng, bởi công việc của xác thịt mà trong đó không có điều gì tốt lành. Người Ga-la-ti thật là dại dột!

II. CHỦ ĐỀ

A. Giải Cứu Tín Đồ Bị Xao Lãng Ra Khỏi Thời Đại Tôn Giáo Gian Ác

Chủ đề của sách Ga-la-ti liên quan đến bối cảnh của sách này. Chủ đề là giải cứu tín đồ bị xao lãng ra khỏi thời đại tôn giáo gian ác. Trong Ga-la-ti 1:4, Phao-lô nói Đấng Christ đã phó chính mình vì những tội lỗi của chúng ta để giải cứu chúng ta ra khỏi thời đại gian ác hiện nay theo ý chỉ của Đức Chúa Trời chúng ta và Cha [RcV]. Một thời đại chính là một phần của thế gian là hệ thống của Sa-tan. Một thời đại chỉ về một phần, một phương diện, vẻ bên ngoài hiện nay hay hiện đại, của hệ thống Sa-tan, được hắn sử dụng để chiếm đoạt và chiếm hữu người ta, khiến họ cách xa Đức Chúa Trời và mục đích của Ngài. Chúng ta có thể xem mỗi thập niên như một thời đại riêng biệt hay một phần hệ thống thế gian của Sa-tan.

Những thời đại khác nhau của hệ thống Sa-tan được bày tỏ qua những kiểu y phục thịnh hành trong một giai đoạn nào đó. Chẳng hạn, trong thập niên 1950, cà-vạt của đàn ông hẹp bản, nhưng vào cuối thập niên 1960 và gần trọn thập niên 1970, cà-vạt lại rộng bản. Bây giờ, theo sự thay đổi thời trang mới nhất, chúng lại trở nên tương đối hẹp trở lại.

Khi còn trẻ, tôi làm việc trong một nhà máy chế tạo lưới bọc tóc để xuất khẩu sang Tây Phương. Ban đầu, lưới bọc tóc rất rộng, theo kiểu bọc vừa quanh đầu tóc hình ngọn tháp. Sau đó, trước sự ngạc nhiên của tôi, người ta bắt đầu đặt mua lưới bọc tóc nhỏ. Lý do có sự thay đổi này là vì phụ nữ Tây Phương bấy giờ để tóc rất ngắn, do đó họ cần lưới bọc tóc nhỏ. Qua những sự minh họa về cà-vạt và lưới bọc tóc trên, chúng ta có thể thấy hệ thống thế gian của Sa-tan có những thời đại khác nhau, những phần khác nhau.

Theo văn mạch của sách này, thời đại gian ác hiện nay trong 1:4 chỉ về thế giới tôn giáo, trào lưu tôn giáo của thế gian, là Do Thái giáo. Điều này được chứng thực qua 6:14-15, là câu Kinh Thánh kể sự cắt bì như một phần của thế gian tức thế giới tôn giáo, mà đối với sứ đồ Phao-lô, nó đã bị đóng đinh. Ở đây, vị sứ đồ nhấn mạnh rằng mục đích Đấng Christ phó chính Ngài vì tội lỗi chúng ta là để giải cứu chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi Do Thái giáo, khỏi thời đại gian ác hiện nay. Đó là phóng thích tuyển dân của Đức Chúa Trời khỏi sự canh giữ của luật pháp [3:23], đem họ ra khỏi chuồng chiên [Gi. 10:1, 3],theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Do đó, trong lời mở đầu, Phao-lô cho thấy những gì ông sắp đề cập. Ông ước ao giải cứu các Hội thánh bị Do Thái giáo với luật pháp của tôn giáo này làm xao lãng, và đem họ trở về với ân điển của phúc âm.

Suốt nhiều năm, tôi rất thích Ga-la-ti 1:4 và dùng câu Kinh Thánh này trong các bài giảng. Tuy nhiên, tôi không nhận biết thời đại gian ác hiện nay trong câu này chỉ về Do Thái giáo. Vào thời Phao-lô, Do Thái giáo rất thịnh hành. Ý định của ông khi viết cho người Ga-la-ti là để giải cứu những tín đồ bị xao lãng ra khỏi sự áp chế của thời đại tôn giáo gian ác hiện tại.

Trong Ga-la-ti 1:4, Phao-lô nêu lên rằng để giải cứu chúng ta ra khỏi thời đại tôn giáo gian ác hiện tại, Đấng Christ đã phó chính Ngài vì tội lỗi chúng ta.Điều này cho thấy Đấng Christ chết để giải cứu chúng ta khỏi Do Thái giáo. Trong Giăng chương 10, chúng ta thấy Đấng Christ là Người Chăn tốt lành vào trong chuồng để đem chiên Ngài ra khỏi chuồng, vào đồng cỏ. Chuồng trong Giăng chương 10 tượng trưng cho luật pháp hay Do Thái giáo là tôn giáo của luật pháp, trong đó tuyển dân của Đức Chúa Trời bị canh giữ cho đến khi Đấng Christ đến. Trước khi Đấng Christ đến, Đức Chúa Trời dùng Do Thái giáo như cái chuồng giữ chiên Ngài. Nhưng Đấng Christ đã đến như Người Chăn để đem chiên ra khỏi chuồng ấy đến đồng cỏ là nơi họ được nuôi dưỡng bằng sự phong phú của Ngài. Mặc dầu Đấng Christ đến để phóng thích chiên khỏi chuồng, nhưng những người thuộc Do Thái giáo đóng đinh Người Chăn tốt này. Ngài chết trên thập tự giá không những vì tội lỗi của chiên, mà còn để đem họ ra khỏi chuồng.

Theo Tân Ước, sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá hoàn thành nhiều điều. Trong Ê-phê-sô chương 2, chúng ta thấy Ngài phó chính Ngài để xóa bỏ những qui định nhằm tạo nên một con người mới. Trong Ga-la-ti chương 1, chúng ta thấy Đấng Christ phó chính Ngài vì tội lỗi chúng ta nhằm mục đích giải cứu chúng ta ra khỏi tôn giáo, ra khỏi thời đại gian ác hiện nay.

Chúng ta cũng cần phải áp dụng Ga-la-ti 1:4 không những cho tín đồ Ga-la-ti, mà cũng cho các tín đồ trong Đấng Christ ngày nay. Hầu hết Cơ Đốc nhân đều bị giữ trong một loại chuồng tôn giáo nào đó. Mặc dầu trong Tân Ước từ chuồng không phải là tích cực [theo tiếng Hi Lạp, trong bảng Kinh Thánh King James từ chuồng thứ hai trong Giăng 10:16 nên dịch là bầy], một số thánh ca nói về việc đem trở về chuồng với ý nghĩa tích cực. Chúng tôi đã nêu rằng trong Giăng chương 10, chuồng chỉ về Do Thái giáo. Trên nguyên tắc, Công giáo và tất cả các giáo phái đều là chuồng. Chỉ có Hội thánh là bầy của Đức Chúa Trời. Đấng Christ đã đem chúng ta trở lại với bầy, không phải với chuồng. Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng mình đã được giải cứu khỏi chuồng và đem trở về bầy của Đức Chúa Trời.

Vào thời điểm của Giăng chương 10, dân của Đức Chúa Trời là chiên của Ngài ở trong chuồng Do Thái giáo. Nhưng như chương này nêu rõ, Đấng Christ đến để đem chiên Ngài ra khỏi chuồng và tập họp họ với tín đồ Ngoại Bang thành ra một bầy là Hội thánh [10:16]. Do đó, chuồng là tôn giáo, trong khi bầy là Hội thánh. Ngày nay, Công giáo và tất cả các giáo phái là chuồng giữ chiên của Đấng Christ. Nhưng Đấng Christ đang tìm cách giải cứu chiên Ngài ra khỏi những chuồng tôn giáo khác nhau và đem họ lại với nhau thành một bầy.

Sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá để giải cứu chúng ta khỏi thời đại gian ác hiện nay là theo ý muốn của Đức Chúa Trời là Cha. Do đó, giải cứu chiên khỏi chuồng là theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì Công giáo và các giáo phái làm tổn hại bầy của Đức Chúa Trời, nên họ chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Họ làm hỏng nếp sống Hội thánh bằng cách xây dựng chuồng của mình.

Ngày nay, Chúa vẫn đang cố gắng đem chiên Ngài ra khỏi chuồng. Vì lý do đó, một cuộc chiến đang diễn ra giữa tôn giáo và sự khôi phục của Chúa. Chúa Jesus không đến để ăn cắp chiên, nhưng để dẫn chiên ra khỏi chuồng. Tuy nhiên, những người thuộc Do Thái giáo cho Ngài là người ăn cắp chiên. Cũng vậy, trong sự khôi phục của Chúa, chúng ta cũng bị buộc tội thu phục chiên, ăn cắp chiên. Mặc dầu chúng ta không thu phục ai, nhưng chúng ta mong muốn chiên của Chúa được dẫn ra khỏi chuồng và đem vào trong bầy.

Chúa Jesus vào trong chuồng, mở cửa, và dẫn chiên ra khỏi chuồng. Những người thuộc Do Thái giáo đã đóng đinh Ngài. Nhưng qua sự chết của Ngài trên thập tự giá, Chúa phó chính Ngài vì tội lỗi của chúng ta để giải cứu chúng ta ra khỏi chuồng tôn giáo. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho những tín đồ thời Phao-lô cũng như cho chúng ta ngày nay.

B. Phao-lô Trở Nên Một Sứ Đồ

Trong Ga-la-ti 1:1, Phao-lô đề cập đến chức vụ sứ đồ của mình: Phao-lô, sứ đồ chẳng phải từ loài người, cũng chẳng phải bởi người nào, bèn là doJesus Christ và Đức Chúa Trời là Cha, tức Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại. Chức vụ sứ đồ của Phao-lô liên quan nhiều đến phúc âm mà ông rao giảng. Mục đích của sách Ga-la-ti là bày tỏ cho những ai tiếp nhận sách này biết rằng phúc âm mà sứ đồ Phao-lô rao giảng không phải là sự dạy dỗ của loài người [1:11], mà là từ sự khải thị của Đức Chúa Trời. Do đó, ngay từ đầu sách này, Phao-lô nhấn mạnh đến sự kiện ông đã trở nên sứ đồ không phải từ loài người hay bởi người nào, mà bởi Đấng Christ và Đức Chúa Trời.

Trong câu 1, cũng như trong cả Sách, Phao-lô cẩn thận trong cách dùng từ. Trước hết, ông nói ông không trở nên sứ đồ từ con người; ông nói tiếp rằng chức vụ sứ đồ của mình không phải bởi người nào. Ông đã được trực tiếp lập làm sứ đồ bởi Jesus Christ và Đức Chúa Cha, là Đấng đã khiến Đấng Christ từ người chết sống lại. Luật pháp đối xử với con người như sáng tạo cũ, trong khi phúc âm làm cho con người trở thành sáng tạo mới trong sự phục sinh. Đức Chúa Trời lập Phao-lô làm sứ đồ không phải theo con người thiên nhiên của ông trong sáng tạo cũ bởi luật pháp, nhưng theo con người đã được tái sinh trong cõi sáng tạo mới nhờ sự phục sinh của Đấng Christ. Vì vậy, ở đây Phao-lô không nói: Đức Chúa Trời là Cha, tức Đấng ban luật pháp qua Môi-se; ông nói: Đức Chúa Trời là Cha, tức Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại. Gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời không ở nơi con người trong sáng tạo cũ, nhưng ở nơi con người trong sáng tạo mới nhờ sự phục sinh của Đấng Christ. Chức vụ sứ đồ của Phao-lô hoàn toàn thuộc về sáng tạo mới, là điều xảy ra trong linh chúng ta nhờ sự tái sinh bởi Linh của Đức Chúa Trời.

Trong câu 2, Phao-lô kế đến nói về tất cả những anh em ở với ông. Điều này cho thấy ông xem những anh em ở với mình là người cùng viết với ông để làm chứng và xác nhận những gì ông viết trong Thư tín này.

C. Ân Điển Và Sự Bình An Từ Đức Chúa Cha Và Chúa Jesus Christ Đến Với Các Hội Thánh

Trong câu 3, Phao-lô nói: Nguyện anh em được ân điển, bình an từ Đức Chúa Trời là Cha, và từ Chúa chúng ta là Jesus Christ. Ân điển là Đức Chúa Trời như sự vui hưởng của chúng ta [Gi. 1:17; 1 Cô. 15:10], và bình an là tình trạng, là kết quả ra từ ân điển. Bình an là kết quả của sự vui hưởng Đức Chúa Trời là Cha chúng ta. Thật tốt biết bao vì ân điển và bình an đến với các Hội thánh từ Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và từ Chúa Jesus Christ của chúng ta!

Video liên quan

Chủ Đề