So sánh trưng cầu ý dân

– Trưng cầu ý dân hay còn gọi là trưng cầu dân ý về cơ bản là một cuộc bỏ phiếu trực tiếp mà trong đó những người ở độ tuổi bỏ phiếu thể hiện sự đồng ý hoặc không đồng ý khi được hỏi ý kiến về một vấn đề cụ thể. Đó có thể là việc thông qua một bản Hiến pháp mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành hoặc một chính sách cụ thể của nhà nước. Bản chất của một cuộc trưng cầu ý dân là nhà nước hỏi ý kiến nhân dân về một vấn đề quan trọng của đất nước và nhân dân thể hiện chính kiến của mình thông qua việc bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý.

– Trưng cầu ý dân được xem là một hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp điển hình, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua lá phiếu một cách trực tiếp và trong đa số trường hợp nhà nước có nghĩa vụ phải thực hiện theo ý chí của nhân dân.

– Trưng cầu ý dân có thể được tổ chức ở cấp độ toàn quốc nhưng cũng có thể được tổ chức ở một khu vực [vùng, miền, bang]. Trưng cầu ý dân được nhiều nước Châu Âu [Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu…] Canada, Mỹ, Úc… tổ chức ở các cấp độ khác nhau nhưng cũng có nước chưa từng tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở Châu Âu, Thụy Sỹ là quốc gia thường xuyên tổ chức trưng cầu ý dân. Ngày 23 tháng 6 năm 2016, nước Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay ra khỏi Liên minh Châu Âu, kết quả có 17.410.742 người chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu, chiếm 51,9% số cử tri đi bỏ phiếu và 16.141.241 người chọn tiếp tục ở lại, chiếm 48,1% số cử tri đi bỏ phiếu.

Lịch sử quy định và thực hiện trưng cầu ý dân ở Việt Nam

– Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” [Điều 21]; “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý” [Điều 32] và “Những điều thay đổi [Hiến pháp] khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” [Điều 70].

– Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định “Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quyền hạn quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân” [Điều 53].

– Hiến pháp năm 1980 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Hội đồng Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân” [Điều 100].

– Hiến pháp năm 1992 quy định công dân có quyền “biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” [Điều 53], Quốc hội là cơ quan quyết định trưng cầu ý dân [Điều 84] và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội [Điều 91].

– Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” [Điều 29], Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân [Điều 70] và Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội [Điều 74].

– Như vậy có thể thấy rằng cả năm [05] bản Hiến pháp đều quy định về trưng cầu ý dân nhưng chỉ có Hiến pháp năm 1946 quy định nội dung trưng cầu còn bốn [04] Hiến pháp còn lại không quy định vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân. Đặc biệt Hiến pháp 1946 quy định nhân dân có quyền “phúc quyết” ngay cả khi “những điều thay đổi [Hiến pháp] đã được Nghị viện ưng chuẩn”.

– Mặc dù chế định trưng cầu ý dân được quy định trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta và được quy định xuyên suốt trong các Hiến pháp sau này nhưng cho đến nay, Nhà nước chưa tiến hành cuộc trưng cầu ý dân nào, những quy định của Hiến pháp chưa từng được thực hiện trong thực tế. Trong thực tiễn, Nhà nước có tổ chức một số cuộc lấy ý kiến nhân dân như lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp 2013 nhưng đó không phải là một cuộc trưng cầu ý dân.

– Ở miền Nam Việt Nam, ngày 23 tháng 10 năm 1955, đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lựa chọn vị nguyên thủ của Quốc gia Việt Nam với kết quả có 98% [5.721.735 phiếu] ủng hộ ông Ngô Đình Diệm lên thay cựu hoàng Bảo Đại [63.017 phiếu] làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý này bị cho là có gian lận phiếu bầu.

Trưng cầu ý dân theo pháp luật hiện hành

– Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, ngày 25 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

– Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước gồm:

+ Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;

+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;

+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;

+ Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân

– Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố;

– Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

Hiệu lực, phạm vi tổ chức, đề nghị và bỏ phiếu

– Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân: Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

– Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân: Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước.

– Đề nghị trưng cầu ý dân: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

– Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Sự khác nhau giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân

Giữa trưng cầu dân ý và lấy ý kiến nhân dân có sự khác nhau về nội dung, hình thức và giá trị pháp lý.

– Về nội dung: Trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng của đất nước trên phạm vi cả nước, do Quốc hội quyết định, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện. Trong khi đó việc lấy ý kiến nhân dân là các vấn đề ở các mức độ khác nhau, thường có liên quan cụ thể, trực tiếp đến người dân ở một phạm vi hẹp hơn do nhiều cơ quan quyết định, thực hiện. Ví dụ: Từ ngày 01 tháng 6 năm 2016, hai mươi [20] phương án thiết kế xây dựng cầu đường bộ vượt sông Hương [thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế] được trưng bày để người dân góp ý, lựa chọn.

– Về hình thức: Trong trưng cầu ý dân, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua việc bỏ phiếu kín; trong việc lấy ý kiến nhân dân, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, bỏ phiếu, ghi ý kiến vào văn bản, phát biểu trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến…. Ví dụ: Việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện thông qua việc góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gởi đến Sở Tư pháp hoặc thông qua trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh.

– Về giá trị pháp lý: Trưng cầu ý dân có giá trị pháp lý bắt buộc và phải thi hành; kết quả lấy ý kiến nhân dân có giá trị tham khảo để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chủ Đề