Sự cần thiết của laptop đối với sinh viên

Việc chọn một cái laptop để sinh viên đi học đại học không quá phức tạp đâu. Hãy đọc bài này để hiểu những yếu tố quan trọng bạn cần quan tâm trước khi sắm một chiếc máy tính, và có nhiều thứ bạn cần quan tâm hơn là cấu hình đấy.

1. Bạn cần laptop để làm gì?


Câu hỏi này bạn phải nghiên cứu một chút về ngành học của mình. Mình tạm chia làm 3 nhóm như sau:
  • Nhóm học về kinh tế, tài chính, marketing, sales, vận hành...: Nhóm này bạn không cần xài những phần mềm đặc thù nào cả, và đa số cũng đã có phiên bản nền web không đòi hỏi nhiều từ cái máy tính cá nhân nên cơ bản là phần cứng máy tính nào trên 10 triệu cũng đáp ứng được
  • Nhóm học về lập trình, công nghệ, kĩ thuật: Nhóm này cần một số phần mềm đặc thù, nhưng đa số các bài học trong trường cũng không đòi hỏi phần cứng quá mạnh, chỉ cần một cái máy vừa vừa là đã có thể làm tốt bài học, bài thi
  • Nhóm học về đồ họa, thiết kế, phim ảnh...: Nhóm này sẽ cần phần cứng mạnh vì các bạn phải xử lý nhiều về đồ họa, thậm chí bạn cần có GPU [bộ xử lý đồ họa] rời thì mới làm nhanh được bài của mình. Một số trường có trang bị máy bàn mạnh cho các bạn làm bài, nhưng một số trường thì không.

Một cách hay để tìm hiểu về các công cụ, phần mềm mà bạn sẽ cần dùng tới đó là tham khảo những anh chị đi trước. Bạn có thể gia nhập các group Facebook hay các diễn đàn sinh viên để hỏi thăm trước và nắm được mình sẽ cần xài tới cái gì, từ đó lựa chọn cấu hình cho mình.

Nhưng các bạn chuẩn bị nhập học cũng cần lưu ý rằng các trường rất hiểu cho sinh viên, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện mua máy đắt tiền cấu hình cao nên các đồ án, bài tập giao cho các bạn thường không bao giờ đòi hỏi quá nhiều về phần cứng máy tính cả. Nếu bạn không quá dư dả về tài chính, không cần cố gắng mua một cái máy quá mắc tiền làm gì nhé!

Quảng cáo


Một cấu hình cơ bản đủ cho sinh viên xài sẽ là:
  • CPU Core i3, i5 hoặc i7, nên là i5 hoặc i7 cho mạnh mẽ và dùng ổn trong thời gian dài
  • RAM 6GB đến 8GB, được 16GB thì tốt
  • Ổ cứng HDD hoặc SSD tầm 256GB trở lên để lưu trữ cho thoải mái, có thể dùng kết hợp với các cloud để an toàn và tiết kiệm hơn
  • GPU rời nếu ngành của bạn cần xử lý đồ họa
  • Màn hình 13-14" sẽ phù hợp cho tất cả mọi người, còn nếu bạn thích không gian làm việc rộng rãi thì 15", mấy con 17" thì hơi to, không phải ai cũng thích
  • Thời lượng pin nên từ 8 tiếng trở lên
  • Trọng lượng nên dưới 2kg để mang vác cho nhẹ nhàng
  • Máy nên đẹp đương nhiên, đẹp thì ai chả thích, nó còn tạm được cảm hứng cho bạn nữa

2. Ngân sách của bạn bao nhiêu?


Trước khi đi mua, bạn cần suy nghĩ xem bạn có thể chi được bao nhiêu tiền cho chiếc laptop của mình? 10 triệu, 15 triệu, 20 triệu, 40 triệu, 50 triệu? Cứ chọn một con số hợp với tài chính của bạn, rồi cứ thế mà bám theo thì bạn sẽ tìm được cái máy hài lòng nhất với mình. Nếu bạn sẵn sàng chi được 50 triệu mà bạn lại mua một cái 20 triệu thì có khi nó không phải cái bạn cần, có thể về cấu hình thì hợp đấy nhưng lại không đẹp, không chắc chắn bằng thì bạn sẽ mãi thấy tiếc, không đáng.

Một số khoảng ngân sách mà mình có thể gợi ý với bạn như sau:

1. Với nhu cầu cơ bản, tiêu chuẩn, là nhóm kinh tế, tài chính, marketing... mà mình nói tới ở trên: bạn có thể chi từ 10 triệu đến 20 triệu là ổn, nếu mua được máy đắt hơn đẹp hơn xịn hơn thì càng tốt hơn nữa.

2. Với nhu cầu của nhóm kĩ thuật, lập trình, công nghệ: máy từ 15 đến 30 triệu sẽ đảm bảo chiếc laptop của bạn vẫn sẽ chạy ngon trong 1-4 năm tới, đủ để bạn kết thúc cuộc sống đại học của mình. Thực ra những chiếc laptop trên 25 triệu là đã có thể giải quyết nhu cầu của gần như mọi sinh viên rồi, anh em không cần phải xoắn đâu :D

3. Với nhu cầu của nhóm đồ họa, thiết kế, phim ảnh: tầm 20 đến 30 triệu, do các máy có bộ xử lý đồ họa [GPU] rời thường đắt tiền hơn. Mình thấy nhóm này cũng hay dùng Mac vì màu sắc đẹp, chính xác mà máy Mac thì thường đắt tiền hơn Windows cùng cấu hình nên bạn cũng cần lưu ý vụ này.


3. Thời lượng pin


Pin chắc chắn là thứ bạn cần quan tâm vì bạn sẽ phải lăn lộn cả ngày ở trường, vậy nên pin nên từ 8 tiếng trở lên thì mới đủ dùng. Hiện tại đa số laptop không phải máy chơi game đều có thể trụ được trên 8 tiếng nên bạn cũng không cần quá lo lắng, tuy nhiên nhớ chú ý tới thông số này khi đi mua laptop nhé.

Quảng cáo


Một số dòng Ultrabook hiện tại cũng có thời lượng dùng pin khá tốt mà lại nhẹ nhàng sexy, bạn nên mua mấy con này được lắm. Dell XPS 13, Asus ZenBook, HP Envy, MacBook Pro hoặc MacBook Air... là những cái tên bạn có thể nghĩ tới.

Về mặt thời lượng pin, những con máy chơi game cấu hình khủng có thể không đủ để xài cả ngày ở trường đâu do tụi nó mạnh quá nên ăn điện nhiều. Mình không nghĩ mua laptop chơi game để đi học là chuyện nên làm.


4. Trọng lượng


Ngày nào bạn cũng phải vác máy trong ba lô, lại lỉnh kỉnh thêm cả tập sách rồi đồ dùng cá nhân các kiểu nên cần lựa máy nhẹ nhất có thể. Đừng coi thừng con số 500g hay 700g, số này tưởng chừng chả là gì nhưng nó có khác biệt nhiều lắm đấy kể cả khi bạn đeo trên lưng hay cầm trên tay. Lý tưởng nhất là bạn kiếm được con máy nào đó từ 1,5 kg trở xuống với màn hình 12-14" và 2kg trở xuống với màn hình 15".

Ủa mà đeo trên lưng suốt thì cần gì nhẹ? Sai nhé, việc đeo đồ nhẹ sẽ giúp bạn đỡ mệt hơn rất nhiều nhất là khi bạn phải ở trường trong thời gian dài, lên xuống xe buýt hay gỡ ba lô ngồi vào chỗ cũng sẽ dễ dàng hơn.

Mình có một bài chia sẻ về laptop mỏng nhẹ, mời các bạn tham khảo: Cần mua laptop mỏng nhẹ dùng văn phòng, nên lựa máy nào?

Quảng cáo



Bạn nào có câu hỏi gì thì comment vào bài này nhé, mình và các anh em Tinh tế sẽ hỗ trợ các bạn. Nếu bạn có hỏi về 1 model máy cụ thể nào thì nhớ dẫn link tới cái máy đó để bọn mình có thể tư vấn nhanh hơn cho bạn.

Video liên quan

Chủ Đề