Sử dụng nước súc miệng listerine đúng cách

Nước súc miệng là sản phẩm dung dịch dùng để súc răng, miệng, nướu. Thông thường, nó sẽ chứa chất kháng khuẩn để ngăn vi khuẩn, đặc biệt là ở vùng kẽ răng và trên bề mặt lưỡi. Một số người sử dụng với mục đích để ngăn hôi miệng. Một số khác dùng để phòng ngừa sâu răng.

Tuy nhiên, nước súc miệng không thể thay thế việc đánh răng hay dùng chỉ nha khoa trong chăm sóc răng miệng. Nước súc miệng chỉ hiệu quả khi chúng ta sử dụng đúng. Điều quan trọng chúng ta cần biết là mỗi loại sẽ có thành phần khác nhau và không phải sản phẩm nào cũng giúp răng miệng được khỏe mạnh.

1. Tại sao phải sử dụng?

Giống như chỉ nha khoa, bàn chải kẽ hay tăm nước, nước súc miệng có thể len lỏi giữa các kẽ răng. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ sâu răng, viêm nướu ở những vùng bàn chải không tiếp cận được.

Tác dụng của nó gồm:

  • Ngăn ngừa và kiểm soát sâu răng.
  • Giảm mảng bám [màng vi khuẩn mỏng hình thành trên bề mặt răng].
  • Ngăn ngừa và giảm viêm nướu [giai đoạn sớm của các bệnh nướu].
  • Giảm tốc độ hình thành vôi trên bề mặt răng hoặc sự kết hợp của các yếu tố tạo vôi răng.
  • Đem lại hơi thở thơm mát.
Dùng nước súc miệng mang lại nhiều lợi ích

2. Các loại nước súc miệng hiện nay

Theo hiệu quả tác dụng gồm 2 loại :

  • Loại điều trị: Loại này có chứa các thành phần diệt khuẩn, có khả năng làm giảm mảng bám, viêm nướu, sâu răng và hôi miệng. Thành phần có chứa fluoride giúp ngăn ngừa và làm giảm sâu răng.
  • Loại thông thường: Có chứa các thành phần giúp kiểm soát tạm thời hơi thở và tạo cảm giác dịu nhẹ cho miệng. Loại này không có tác dụng làm giảm nguy cơ sâu răng, viêm nướu.

Một số nước súc miệng điều trị cần được kê đơn, một số có sẵn trên thị trường. Bạn nên trao đổi với nha sĩ trước về việc sử dụng. Nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn sử dụng loại sản phẩm phù hợp với tình trạng răng miệng của mình. Khi lựa chọn các loại nước súc miệng, nên lựa sản phẩm đã được gắn nhãn kiểm định để đạt hiệu quả và an toàn cho chính mình.

Một số điểm cần lưu ý khi lựa chọn các sản phẩm:

  • Có chứa cồn hay không? Cồn là thành phần có trong nhiều loại nước súc miệng, có thể gây hại nếu nuốt phải. Nếu lựa chọn nước súc miệng cho gia đình có trẻ em hay người đang cai rượu, bạn nên lựa những loại sản phẩm không chứa cồn.
  • Có gây nhạy cảm không? Một số người có thể nhạy cảm với các thành phần của nước súc miệng. Ví dụ: người nhạy cảm nướu, người sau điều trị nha khoa… Do đó, bạn nên lựa chọn sản phẩm không chứa cồn hoặc chứa thành phần thiên nhiên có tính chất dịu nhẹ như nha đam, hoa cúc.

3. Cách sử dụng

Hướng dẫn sử dụng cũng thay đổi theo từng hãng và từng loại sản phẩm. Tốt nhất bạn nên đọc kỹ hướng dẫn và tìm hiểu trên các trang web của công ty về sản phẩm đó.

Sau đây là hướng dẫn thông thường cho hầu hết các loại.

3.1. Đầu tiên bạn cần đánh răng trước

Trước khi súc miệng, bạn cần chải răng và làm sạch các vùng kẽ. Nếu bạn đang sử dụng kem đánh răng chứa fluoride thì nên đợi một khoảng thời gian sau khi đánh răng rồi mới sử dụng nước súc miệng. Lý do vì nước súc miệng sẽ rửa trôi lượng fluoride còn trên bề mặt răng. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của fluoride trong kem đáng răng.

Bạn nên làm theo các bước

3.2. Lượng nước cần sử dụng là bao nhiêu?

Đổ nước súc miệng vào một ly nhỏ. Thông thường sẽ có ly đính kèm của hãng sản xuất. Nếu không có, bạn có thể dùng một cốc nhựa hay cốc giấy trong nhà. Lượng nước lấy nên vừa đủ để ngậm trong miệng. Lượng nước thường khoảng bằng 3 – 5 muỗng cà phê.

Chỉ nên pha loãng nếu cần thiết. Các nhãn hiệu khác nhau có nồng độ khác nhau. Một số hãng có thể khuyên bạn nên pha loãng chúng với nước. Hãy nhớ rằng nếu bạn pha loãng không theo hướng dẫn thì có thể làm giảm hiệu quả tác dụng nhiều lần.

3.3. Ngậm và súc

Cho toàn bộ nước trong ly vào miệng. Súc nhẹ nhàng qua lại và không nuốt. Nước súc miệng không thể tiêu hóa được và cũng không có tác dụng nếu bạn uống nó. Bạn nên súc trong vòng 30 giây, có thể tự đếm hoặc dùng đồng hồ tính giờ.

3.4. Nhổ ra

Nhổ nhẹ nhàng vào bồn rửa. Nên nhớ tuyệt đối không nên nuốt.

Để có được hiệu quả cao nhất từ ​​nước súc miệng chứa fluor, bạn nên tránh ăn uống hoặc hút thuốc ít nhất 30 phút sau khi sử dụng.

4. Khi nào nên sử dụng

Một số người sử dụng nước súc miệng hằng ngày như một phần của việc chăm sóc răng miệng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp dùng để “chữa cháy” cho vấn đề hôi miệng. Thật sự là hiện không có hướng dẫn nào về việc sử dụng nước súc miệng tức thời cho hôi miệng. Chúng chỉ thật sự đạt được hiệu quả khi sử dụng đúng cách. Đó là sau khi bạn đã vệ sinh răng miệng sạch bằng bàn chải và chỉ nha khoa.

Kiểm tra mình đã chăm sóc răng miệng khoa học chưa: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?

5. Nên sử dụng bao nhiêu lần/ngày?

Việc sử dụng nước súc miệng chỉ nhằm giúp miệng được sạch và khỏe mạnh hơn. Quan trọng nhất là bạn phải chải răng và vệ sinh các vùng kẽ thật tốt. Do đó, việc lựa chọn sử dụng như thế nào là tùy nhu cầu mỗi người. Thông thường, các hãng sản xuất khuyến cáo mọi người dùng 2 lần mỗi ngày.

Bạn nên dùng nước để súc miệng 2 lần/ngày

Tuy nhiên, đối với các loại dùng để điều trị, có chứa chất kháng khuẩn, việc sử dụng nên tuân theo hướng dẫn của nha sĩ. Các loại nước chứa chất diệt khuẩn dùng lâu dài sẽ làm thay đổi môi trường cân bằng trong miệng.

6. Nước súc miệng hoạt động như thế nào?

Thành phần của các loại nước súc miệng khác nhau có sự thay đổi nhẹ để phù hợp với mục đích của sản phẩm.

Các thành phần chính hiện nay gồm:

  • Cetylpyridinium chloride: giảm hôi miệng.
  • Chlorhexidine: giảm viêm nướu và mảng bám.
  • Tinh dầu: giảm viêm nướu và mảng bám.
  • Fluoride: ngăn ngừa sâu răng.
  • Peroxide: có tác dụng làm trắng răng.

Các nghiên cứu cho thấy tác dụng chủ yếu là ngăn ngừa mảng bám và viêm nướu. Gần đây, công thức nước súc miệng của các hãng cũng dần thay đổi với mục đích giúp chăm sóc răng miệng tốt hơn .

Một nghiên cứu năm 2010 ở Scotland cho thấy: Tỉ lệ người sử dụng nước súc miệng hằng ngày để điều trị triệu chứng của các bệnh nướu, lở miệng hay sưng nướu khá cao.

Nước súc miệng diệt khuẩn thường chứa các thành phần như: alcohol, mentol, eucalyptol… Tác động của nó là len sâu vào các vùng khó chải đến hoặc những vùng dễ quên làm sạch màng vi khuẩn. Đôi khi, bạn cảm thấy hơi cay nồng, châm chích khi dùng.

Các loại nước súc miệng hiện nay có thể chứa fluoride ngăn ngừa sâu răng. Nghiên cứu ở viện Trusted năm 2007 ở các học sinh cho thấy: Nước súc miệng chứa fluoride giúp làm giảm sâu răng đến 50%. Thành phần fluoride được thêm vào tương tự như thuốc chứa fluor điều trị ở nha khoa.

Tuy nhiên, hàm lượng có thể thấp hơn. Các thành phần này phủ lên bề mặt răng và hấp thụ sâu bên trong men răng. Từ đó, chúng giúp kéo dài tác dụng ngăn ngừa mảng bám.

7. Những lưu ý khi sử dụng

Nước súc miệng chứa hàm lượng lớn cồn và fluoride. Cả hai đều là những thành phần không hấp thu được, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu nuốt phải có thể gây ói, ngộ độc. Vì lý do này, các hiệp hội nha khoa đều khuyến cáo không sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. Bố mẹ nên kiểm tra nhãn mác và hướng dẫn, đặc biệt là các lưu ý cũng như khuyến cáo tuổi sử dụng trước khi cho trẻ dùng. Tương tự, người lớn cũng nên tránh nuốt phải nước súc miệng.

Nếu đang có vết thương trong miệng hoặc đau họng và muốn dùng nước súc miệng để diệt khuẩn, nhanh lành thương thì trước hết bạn nên trao đổi với nha sĩ. Các tổn thương trong miệng có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe toàn thân nào đó. Vì vậy, việc điều trị tổn thương với chất diệt khuẩn và fluoride có thể gây hại nhiều hơn.

Có rất nhiều bệnh lý liên quan đến răng miệng nếu không được chăm sóc. Đọc thêm bài viết: 21 vấn đề và bệnh răng miệng thường gặp

8. Giới thiệu một số loại phổ biến trên thị trường

8.1. Nước súc miệng – họng 0,12% Chlorhexidine Kin Gingival

Tác dụng: Giảm mảng bám, giảm viêm nướu hiệu quả cao.

Thành phần:

  • Chlorhexidine Digluconate: 0.12g.
  • Sodium Fluoride: 0.05g.
  • Sodium Saccharine: 0.06g.

Chỉ định: Điều trị các bệnh nhân nhiễm khuẩn ở miệng. Dùng trước và sau thủ thuật.

Cách dùng: Ngày dùng 2 lần, sáng và tối trước khi đi ngủ. Người lớn súc miệng – súc họng với 10ml, trẻ em 5ml, ngậm từ 30 giây đến 1 phút [cố gắng khò xuống vùng hầu họng giúp sát khuẩn được tốt hơn] sau đó nhả ra. Không súc miệng lại với nước sạch. Ăn uống bình thường sau khi súc miệng – súc họng 30 phút. Có thể pha loãng tỉ lệ 1:1 với nước khi dùng cho trẻ em hoặc phòng ngừa.

Tác dụng phụ: Tạo vết dính.

Chai Chlorhexidine Kin Gingival

8.2. Nước súc miệng Givalex

Tác dụng: Giảm mảng bám, viêm nướu; Giảm đau và hôi miệng.

Thành phần:

  • Hexetidine 0.1%.
  • Chlorobutanol 0,1%.
  • Độ cồn 58%.

Chỉ định: Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở miệng. Dùng trước và sau phẫu thuật. Điều trị viêm họng, viêm thanh quản.

Cách dùng: Pha 2 muỗng cà phê với nửa ly nước, súc 2 – 3 lần mỗi ngày, lần 1 phút.

Givalex có thể điều trị các bệnh nhiễm khuẩn

8.3. Nước súc miệng Listerine

Tác dụng: Giảm mảng bám, viêm nướu.

Thành phần: 4 thành phần tinh dầu cần thiết: Thymol, Menthol, Eucalyptol, Methyl Salicylate.

Chỉ định: Điều trị bệnh nhiễm khuẩn ở miệng. Điều trị hôi miệng.

Cách sử dụng: Ngậm 20ml nước không pha. Súc miệng trong 30 giây, ngày 2 lần sau chải răng.

Nước súc miệng Listerine

8.4. Nước súc miệng Oral B

Tác dụng: Giảm mảng bám, viêm nướu. Giảm hôi miệng. Chống sâu răng.

Thành phần:

  • Hợp chất amonium bậc 4.
  • Sodium fluoride.
  • Nước, cồn, hương liệu…

Chỉ định: Điều trị bệnh nhiễm khuẩn ở miệng. Điều trị hôi miệng. Ngăn ngừa sâu răng.

Cách sử dụng: Lấy 1 nắp đầy chứa dung dịch tương ứng 15ml, không pha loãng, súc trong 30 giây sau chải răng. Ngày 3 – 4 lần.

Nước súc miệng Oral B

Nước súc miệng được dùng để ngăn ngừa sâu răng, viêm nướu, hôi miệng. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không thể thay thế được các công việc chăm sóc hằng ngày như: chải răng, dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ… Bạn phải hiểu và sử dụng đúng để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Nếu bạn đang có vấn đề về hôi miệng hoặc nghi ngờ có bệnh lý nướu thì không thể tự ý dùng nước súc miệng để điều trị. Trong những trường hợp này, bạn nên đến khám nha sĩ để được đánh giá và điều trị hợp lý.

Video liên quan

Chủ Đề