Tại sao liên doanh đã có thành công cho tới này

Mặc dù hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc có thể phức tạp, nhưng nhiều công ty phương Tây sẵn sàng đặt cược vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vì tin rằng cơ hội vẫn còn quá tốt không thể bỏ qua.

Mở rộng dấu chân

Theo CNN, các ngân hàng lớn trong những tuần gần đây đã ký kết các thỏa thuận để mở rộng dấu chân của họ ở Trung Quốc - hoặc đang cố gắng kiểm soát nhiều hơn các hoạt động kinh doanh ở đó - sau nhiều năm buộc phải tham gia thị trường thông qua liên doanh.

Cuối tháng trước, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Anh HSBC đã nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý Trung Quốc để kiểm soát hoàn toàn liên doanh bảo hiểm nhân thọ của mình, được thành lập vào năm 2009 thông qua quan hệ đối tác bình đẳng với một công ty Trung Quốc. Ngân hàng cho biết động thái này nhấn mạnh "cam kết mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc".

HSBC không phải là duy nhất. Những công ty hạng A của Phố Wall như BlackRock, JPMorgan và Goldman Sachs đã đi được vài bước trên con đường đó. Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đưa tin tuần trước rằng Ngân hàng Đức Deutsche Bank [DB] muốn thành lập liên doanh quản lý tài sản của riêng mình tại nước này. DB chưa đưa ra bình luận.

HSBC mở rộng hoạt động ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Alex Capri - nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich - cho biết: Quy mô rộng lớn của thị trường trái phiếu và cổ phiếu hầu như chưa được khai thác của Trung Quốc là điều không thể cưỡng lại đối với các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, đặc biệt là khi Bắc Kinh cuối cùng cũng cho phép họ vận hành các quỹ tương hỗ hoàn toàn thuộc sở hữu của mình.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai thế giới về cổ phiếu và trái phiếu, nhưng phần lớn chưa được các nhà đầu tư nước ngoài khai thác. Cổ phiếu quốc tế chỉ chiếm khoảng 5% của thị trường chứng khoán trị giá 14 nghìn tỉ USD và chưa đến 4% của thị trường trái phiếu trong nước trị giá 17 nghìn tỉ USD, theo dữ liệu của sàn giao dịch chứng khoán và ngân hàng trung ương.

Điều đó bắt đầu thay đổi vào năm ngoái, sau khi BlackRock [BLK] - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - vào tháng 6 đã trở thành công ty toàn cầu đầu tiên được chấp thuận cho một quỹ tương hỗ do Trung Quốc sở hữu hoàn toàn. Hai tháng sau, BlackRock ra mắt quỹ tương hỗ đầu tiên trong nước và nhanh chóng huy động được 1 tỉ USD từ hơn 111.000 nhà đầu tư.

Sau đó, vào tháng 8, JP Morgan [JPM] trở thành ngân hàng Mỹ đầu tiên giành được toàn quyền sở hữu đơn vị chứng khoán của mình. Giám đốc điều hành Jamie Dimon khi đó đã nói rằng Trung Quốc là "một trong những cơ hội lớn nhất trên thế giới" đối với công ty.

Vào tháng 10, Goldman Sachs đã được bật đèn xanh để tiếp quản toàn bộ liên doanh chứng khoán. Và Morgan Stanley đã tiếp bước với chiến thắng của riêng mình vào tháng 12, khi đối tác Trung Quốc cho biết ngân hàng Mỹ có kế hoạch tăng cổ phần trong một liên doanh lên 94%.

Ngày càng có thêm nhiều công ty nữa như vậy. Đầu tuần này, cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc cho biết đã chấp nhận đơn từ BNP Paribas để thành lập một công ty chứng khoán, đưa công ty tiến gần hơn đến việc mở rộng sự hiện diện của mình tại quốc gia này.

Brendan Ahern, giám đốc đầu tư của KraneShares - công ty quản lý tài sản tập trung vào cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc - cho biết, Trung Quốc là cơ hội tăng trưởng đáng kể cho các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu. Ông nói thêm: Các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu có tính cạnh tranh cao và trưởng thành, điều này dẫn đến việc giảm dần cơ hội. Trong khi đó, các thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn tương đối non trẻ".

Năm 2021, cảng Thượng Hải đã xử lý hơn 47 triệu container tiêu chuẩn, đứng đầu trong số các cảng trên thế giới 12 năm liên tiếp. Ảnh: VGC

Tăng cường mở rộng bất chấp bất ổn

Sự xâm nhập đáng kể của các ngân hàng phương Tây diễn ra trong khoảng hai thập kỷ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 và hứa sẽ mở cửa lĩnh vực tài chính.

Trong khi tiến độ bị chậm lại trong một thời gian, đến năm 2019 Trung Quốc thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các công ty tài chính vào năm sau đó, ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại.

Sự nhiệt tình từ các ngân hàng toàn cầu và các nhà quản lý tài sản cũng đi kèm với rủi ro xuất phát từ những quy định của Trung Quốc.

Cuối năm 2020, Bắc Kinh đã tung ra một đợt siết chặt quy định chưa từng có đối với doanh nghiệp tư nhân, do lo ngại rằng những công ty như vậy trở nên quá mạnh. Quy định siết chặt này sau đó mở rộng sang các công ty tài chính lớn của Trung Quốc như Ant Group, buộc công ty phải đại tu hoạt động kinh doanh của mình và tuân theo các quy định nghiêm ngặt về quản lý hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, ngay cả khi Bắc Kinh siết chặt quản lý đối với các bộ phận của nền kinh tế, vẫn có những lý do khiến nước này háo hức mở cửa ngành tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc muốn tận dụng chuyên môn toàn cầu khi xây dựng ngành dịch vụ tài chính đa dạng và mạnh mẽ mà họ cần để quản lý cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập. Dân số già nhanh và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp đã làm tăng gánh nặng lên hệ thống lương hưu, đồng thời gây áp lực lớn lên chính phủ trong việc cung cấp đủ nguồn tài chính cho người cao tuổi.

Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh. Ảnh: Hoàn cầu Thời báo

Năm ngoái, ông Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của việc mở cửa ngành dịch vụ tài chính và thu hút vốn và chuyên môn tài chính toàn cầu.

Craig Singleton - thành viên tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ - nói rằng một trong những đặc tính của Trung Quốc là khả năng thích ứng và tính thực dụng. Ông cho biết Trung Quốc hiểu rằng họ cần duy trì khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài, công nghệ và vốn, đòi hỏi phải có quan hệ đối tác liên tục với các công ty phương Tây.

"Nói cách khác, Trung Quốc phải hội nhập để tồn tại, có nghĩa là nước này không thể hoàn toàn tránh xa các chuẩn mực hoặc hệ thống toàn cầu hiện có ngay cả khi cố gắng thay đổi chúng cho phù hợp với nhu cầu của trong nước" - ông Singleton nói.

Video liên quan

Chủ Đề