Tấn công tiền tệ là gì

LTS: Trước những thông tin từ nước ngoài cho rằng đồng Việt Nam [VNĐ] có thể bị phá giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữa tuần qua đã nhấn mạnh: “Việt Nam không có kế hoạch phá giá đồng nội tệ” và đưa ra những lập luận chứng tỏ điều này. Vậy khả năng VNĐ phải chịu một cuộc tấn công từ bên ngoài thì sao?

Phóng to

Lần đầu tiên từ khi Việt Nam tiến hành cải cách, năm nay nền kinh tế phải đối mặt với một nguy cơ khủng hoảng lớn. Các chỉ số kinh tế trong nước liên tục xấu đi và dường như Chính phủ chưa có đủ kinh nghiệm để đương đầu với tình hình này. Nền kinh tế dù có tốc độ tăng trưởng cao trong hơn năm năm gần đây, vẫn còn mang nặng dấu ấn “kế hoạch hóa” và thiếu sự uyển chuyển cần thiết để tự điều chỉnh khi môi trường thay đổi. Một trong những điểm yếu đáng quan tâm của nền kinh tế nước ta là cơ chế về tỷ giá hối đoái.

Khi nào có nguy cơ tấn công tiền tệ?

Với cơ chế tỷ giá danh nghĩa gần như cố định với đồng USD, tỷ giá thực của đồng Việt Nam [VNĐ] sẽ có biến động rất lớn nếu tình hình lạm phát tương đối giữa Việt Nam và Mỹ thay đổi. Khi tỷ giá thực của VNĐ tăng lên, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ giảm xuống nhanh chóng và cán cân thương mại sẽ xấu đi. Khi thâm hụt thương mại quá lớn, các dòng vốn nước ngoài chảy vào sẽ không đủ để bù đắp khoản thiếu hụt ngoại tệ và khi đó Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc bán ngoại tệ dự trữ ra thị trường để duy trì tỷ giá, hoặc phá giá VNĐ.

Thường các nước chọn phương án đầu, đến khi dự trữ ngoại tệ cạn kiệt thì thực hiện phương án thứ hai. Nếu chỉ vì cán cân thương mại bị thâm hụt quá lớn mà phải phá giá thì tình hình không quá tồi tệ. Lý do là hoạt động xuất nhập khẩu thường tương đối ổn định nên các ngân hàng trung ương có thể dự báo được tình hình từ rất sớm để đưa ra cách thức đối phó. Mặt khác, ngay cả khi đồng nội tệ bị phá giá thì ảnh hưởng trực tiếp và tức thời đối với nền kinh tế cũng không quá lớn, thậm chí nếu việc phá giá là hợp lý và đúng thời điểm, nó còn giúp phân bổ lại nguồn lực xã hội hợp lý hơn và có tác động tích cực về lâu dài.

Phá giá nội tệ chỉ trở nên tồi tệ khi đi cùng với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, đôi khi còn được gọi là khủng hoảng tiền tệ. Điều không may là đa số các ngân hàng trung ương phải phá giá nội tệ gần đây, nhất là ở các nước đang phát triển, đều đi kèm với khủng hoảng cán cân thanh toán.

Theo phân loại của giới học giả và Quỹ Tiền tệ quốc tế, khủng hoảng cán cân thanh toán ở các nước đang phát triển có hai loại: khủng hoảng thế hệ I và khủng hoảng thế hệ II [hiện nay đã có mô hình lý thuyết về khủng hoảng thế hệ III]. Khủng hoảng thế hệ I, điển hình như cuộc khủng hoảng ở các nước Mỹ Latin trong thập niên 1980, có nguyên nhân từ nợ nước ngoài quá lớn [nợ nước ngoài khác với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài] do chính phủ đã để ngân sách thâm hụt trong một thời gian quá dài. Khi đồng nội tệ có nguy cơ bị phá giá, các chủ nợ không tiếp tục cho vay nữa, đồng loạt rút tiền, gây ra sự tháo chạy của dòng vốn nước ngoài.

Điều này ảnh hưởng ngay tới các hoạt động kinh tế và hệ thống ngân hàng, hậu quả là gây ra khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng loại II, điển hình như ở Thái Lan năm 1997, vừa có nguyên nhân do tiền đầu tư “nóng” từ nước ngoài chảy vào ồ ạt làm cho cán cân thương mại bị thâm hụt nghiêm trọng, vừa do những cuộc tấn công vào đồng nội tệ của giới đầu cơ tiền tệ quốc tế mà chủ yếu là các quỹ đầu tư quốc tế. Hậu quả cũng là sự tháo chạy của dòng vốn nước ngoài và nền kinh tế bị suy sụp.

Trong tình hình hiện nay của Việt Nam, liệu một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán [khủng hoảng tiền tệ] có xảy ra không? Liệu một cuộc tấn công vào nội tệ có phải là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng này không? Một số nhà phân tích nước ngoài cho rằng khả năng khủng hoảng tiền tệ của Việt Nam là khá cao, nhưng người viết cho rằng và hy vọng rằng Chính phủ sẽ có những biện pháp khéo léo và hợp lý để ngăn chặn điều đó. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là với tình hình như hiện nay, liệu có một cuộc tấn công nào từ phía các nhà đầu cơ vào VNĐ hay không?

Cơ chế của một cuộc tấn công tiền tệ

Về cơ bản, một cuộc tấn công tiền tệ diễn ra như sau. Giới đầu cơ sau khi phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của một nước dự đoán rằng không sớm thì muộn nước này sẽ phải phá giá đồng nội tệ. Để có thể trục lợi từ việc phá giá đồng nội tệ, họ sẽ tiến hành ký những hợp đồng mua USD [bán nội tệ] có thời hạn với các ngân hàng thương mại [NHTM] trong nước. Chênh lệch giữa giá USD vào thời điểm giao dịch so với giá quy định trong hợp đồng mua bán có thời hạn bằng đúng với chênh lệch lãi suất giữa đồng nội tệ và USD vào thời điểm hợp đồng mua bán có thời hạn được ký.

Việc ký hợp đồng như thế tương đương với việc bán khống đồng nội tệ, làm tăng thêm áp lực phá giá đồng nội tệ. Mặc dù hợp đồng mua bán có thời hạn chỉ yêu cầu trao đổi tiền tệ trong tương lai, nhưng một khi lượng đồng nội tệ được bán quá lớn, các NHTM sẽ buộc phải phòng ngừa rủi ro các nghĩa vụ bán USD trong tương lai của mình bằng cách bán đồng nội tệ và mua vào USD. Ngoài việc gây áp lực phá giá lên đồng nội tệ, các quỹ đầu cơ sử dụng hợp đồng mua bán có thời hạn như là công cụ để khuếch đại sức mạnh tài chính của mình, nghĩa là chỉ với vài chục triệu USD tiền vốn, họ có thể làm cầu USD trên thị trường tăng lên vài trăm triệu, thậm chỉ vài tỉ.

Thông thường các quỹ đầu cơ có thể khuếch đại từ 10 đến 100 lần vốn của họ tùy vào từng thị trường. Nếu áp lực phá giá chưa đủ lớn, họ lại tiếp tục mua vào USD, đẩy cầu USD trên thị trường tiền tệ trao ngay cao lên nữa cho đến khi ngân hàng trung ương buộc phải phá giá. Lúc đó, các quỹ đầu cơ chỉ việc thanh lý các hợp đồng còn hiệu lực và kiếm được một khoản lợi nhuận bằng chênh lệch tỷ giá sau khi đồng nội tệ đã bị phá giá với tỷ giá đã đặt mua ký được trước đây.

Điểm mấu chốt để cơ chế tấn công này có thể thành công là các hợp đồng mua bán có thời hạn mà các quỹ đầu cơ ký được phải có thời hạn dài hơn khoảng thời gian mà ngân hàng trung ương có thể cầm cự được trước khi phá giá. Nếu các hợp đồng hết hạn trước đó, các quỹ đầu cơ sẽ buộc phải thực thi việc mua USD với tỷ giá chưa bị phá và ký tiếp hợp đồng khác để quay vòng vốn.

Tuy nhiên điều này rất khó khăn vì các quỹ với khả năng khuếch đại rất lớn sẽ phải thực hiện việc trao đổi ngoại tệ có giá trị lớn hơn nhiều lần vốn của họ. Nếu họ vay nội tệ từ các NHTM bản địa để thực hiện nghĩa vụ này thì phải chịu lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất nhận được từ khoản USD thu được, nên họ sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn do chênh lệch lãi suất cho đến khi cuộc tấn công thành công. Còn nếu đi vay USD từ bên ngoài rồi đổi ra nội tệ thì lượng USD đó sẽ làm tăng thêm cung ngoại tệ và làm giảm áp lực lên đồng nội tệ, giảm đi sức mạnh của cuộc tấn công.

Trong cuộc khủng hoảng năm 1997, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã nâng lãi suất lên rất cao khi một số hợp đồng mua bán có thời hạn đáo hạn, nhằm hạn chế khả năng các quỹ đầu cơ vay đồng baht để quay vòng các hợp đồng. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã mất cảnh giác trong ba tháng đầu năm 1997, để các quỹ đầu cơ tích trữ được một lượng lớn hợp đồng mua bán có thời hạn [xấp xỉ 15 tỉ USD] có thời hạn rất dài [12 tháng]. Bởi vậy, khi lãi suất đã được đẩy lên rất cao để chống lại việc quay vòng hợp đồng, nền kinh tế Thái Lan đã không chịu nổi chi phí cao trong thời gian dài như vậy nên đã bắt đầu suy sụp vào đầu tháng 7/1997. Đến lúc đó, không còn lựa chọn nào khác ngoài phương án phá giá đồng baht - tuyên bố thả nổi tỷ giá để cứu nền kinh tế.

VNĐ khó bị tấn công

Điều đầu tiên cần xác định là sự hiện diện của giới đầu cơ đã đông chưa và họ có ý định tấn công VNĐ không. Sẽ rất khó xác định được điều này vì các quỹ đầu cơ không bao giờ để lộ kế hoạch kinh doanh của mình. Tuy nhiên, dường như một số quỹ đầu cơ lớn chưa quan tâm đến Việt Nam. Để tiến hành đầu cơ vào một thị trường, phải quan tâm đến mức độ thanh khoản của thị trường. Hiện tại khả năng thanh toán của VNĐ giữa các nhà buôn tiền tệ lớn vẫn ổn định nên khả năng VNĐ bị tấn công chưa cao.

Điều kiện thứ hai là cơ chế quản lý ngoại hối của Việt Nam, hay mức độ mở của tài khoản vốn, đã đủ để các quỹ đầu cơ bên ngoài mua được các hợp đồng có thời hạn với VNĐ chưa. Có lẽ là chưa. Còn nếu họ ký được hợp đồng có thời hạn với một NHTM trong nước [kể cả NHTM ở một nước nào đó có mua bán VNĐ] thì để đồng USD có thể rời khỏi Việt Nam, về nguyên tắc phải được phép của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, chế độ quản lý ngoại hối của Việt Nam chỉ cho phép dòng vốn có xuất xứ từ hoạt động nhập khẩu, tiêu dùng cá nhân và chuyển lợi tức từ liên doanh đầu tư hay đầu tư mới được tự do rời Việt Nam. Tuy các NHTM và các doanh nghiệp vẫn có cách lách luật để chuyển ngoại tệ ra ngoài, nhưng đó không thể là kênh chính để các quỹ đầu cơ dựa vào mà tấn công VNĐ.

Liệu giới đầu cơ tiền tệ có thể tấn công ngay từ trong nước, hoặc có một cuộc tấn công do người Việt Nam gây ra không? Điều này phụ thuộc vào khả năng có được các hợp đồng mua bán tiền tệ có thời hạn từ các NHTM không. Mặc dù đã có một số NHTM bán các hợp đồng mua bán tiền tệ có thời hạn cho các doanh nghiệp nhưng chủ yếu phục vụ mục đích quản lý rủi ro, nghĩa là phải liên quan đến một hoạt động kinh tế có thật [như nhập khẩu]. Hiện tại, mặc dù có sự khan hiếm ngoại tệ, vẫn chưa có một đột biến nào lớn trên thị trường ngoại tệ giữa các NHTM, tức là chưa có dấu hiệu của một đợt phát hành hợp đồng mua bán có thời hạn lớn. Ngoài ra, với sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước đối với các NHTM, khả năng các doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu cơ trong nước dồn dập ký hợp đồng có thời hạn để đầu cơ mà không bị phát hiện là rất nhỏ.

Điểm cuối cùng là mức độ chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD. Hiện tại, lãi suất cho vay của VNĐ xấp xỉ 18%/năm, trong khi lãi suất huy động USD trong nước khoảng 7%/năm và còn thấp hơn nữa nếu gửi ở nước ngoài. Do vậy, tỷ giá tiền tệ giao sau và tỷ giá hiện tại chênh lệch nhau khoảng 11%. Điều đó có nghĩa là nếu ký được hợp đồng có thời hạn vào thời điểm này thì chỉ có thể có lời nếu VNĐ bị phá giá quá 11% trước khi hợp đồng bị đáo hạn. Tất nhiên khả năng này có thể xảy ra, nhưng khoảng cách 11% sẽ làm giảm đáng kể động cơ đầu cơ của họ.

Tóm lại, khả năng tấn công tiền tệ nhằm vào VNĐ là rất nhỏ. Nếu một cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra, nó sẽ mang nhiều tính chất của một cuộc khủng hoảng thế hệ I, nghĩa là xuất phát từ sự rút vốn hàng loạt của các nhà đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp.

Chủ Đề